TCCSĐT - Ngày 15-9-2010, trong chuyến thăm Mỹ đầu tiên trong vòng 5 năm trở lại đây của người đứng đầu bộ máy quân sự Nga, Bộ trưởng Quốc phòng Nga A-na-tô-li Xec-đu-côp đã có cuộc đàm phán với người đồng cấp Mỹ Rô-bớc Ghết (Robert Gates) và ký kết hai văn kiện quan trọng, tiếp tục cải thiện quan hệ quân sự Nga-Mỹ.

Hai văn kiện đó là: Biên bản ghi nhớ về sự hiểu biết lẫn nhau, trong đó ghi nhận các kế hoạch hợp tác Nga-Mỹ theo kênh Bộ Quốc phòng hai nước, thay thế Biên bản ghi nhớ ký năm1993, và thoả thuận thành lập Nhóm công tác nằm trong thành phần Uỷ ban của Tổng thống về hợp tác Nga-Mỹ, nhằm mở rộng sự hợp tác và trao đổi thông tin liên quan tới các mối đe doạ toàn cầu và khu vực.

Một trong những nhiệm vụ chủ yếu của Nhóm công tác là nghiên cứu về nội dung hợp tác Nga-Mỹ trong việc cải cách và chuyển hoá các lực lượng vũ trang của hai nước, các chương trình hành động quân sự và diễn tập quân sự. Hàng năm, hai bên sẽ ký kết Kế hoạch hợp tác quân sự Nga-Mỹ và kế hoạch này sẽ được Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ và Bộ Tổng tham mưu Các lực lượng vũ trang Nga phê duyệt.

Trong các cuộc đàm phán, Nga và Mỹ cũng đề cập tới những vấn đề an ninh toàn cầu và khu vực, trong đó có các kế hoạch cải cách quân sự của Nga và Mỹ nhằm tối ưu hoá việc sử dụng ngân sách quốc phòng cho các nhu cầu quân sự của mỗi nước. Đây được coi là một trong những vấn đề quan trọng nhất của chuyến thăm.

Hai bên xem xét vấn đề minh bạch hoá và tăng cường độ tin cậy trong nội dung các cuộc đối thoại chính trị-quân sự Nga-Mỹ, trong đó có vấn đề phòng thủ tên lửa và kiểm soát vũ khí tiến công chiến lược. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Rô-bớt Ghết khẳng định ý muốn của Oa-sinh-tơn hợp tác với Mat-xcơ-va trong việc xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa, trong đó có ý định của Mỹ muốn cùng với Nga sử dụng chung trạm ra-đa báo động sớm tên lửa của Nga ở Ga-ba-la trên lãnh thổ A-dec-bai-dan. Vấn đề sử dụng chung trạm ra-đa này đã từng được phía Nga đề xuất nhiều lần, thay cho việc Mỹ bố trí trạm ra-đa đáng chặn tên lửa trên lãnh thổ Cộng hoà Séc. Hai bên còn đề cập tới vấn đề hạt nhân của I-ran. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Rô-bớc Ghết, một lần nữa, tái khẳng định lá chắn tên lửa của Mỹ chỉ nhằm đối phó với nguy cơ tên lửa hạt nhân của I-ran, chứ không nhằm chống Nga. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đánh giá cao việc Mát-xcơ-va tạo điều kiện cho Mỹ sử dụng các tuyến đường giao thông đi qua lãnh thổ Nga để tiếp viện cho các lực lượng liên quân của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đang tham chiến tại Áp-ga-ni-xtan. Hai bên thảo luận về những nỗ lực nhằm thuyết phục Thượng viện Mỹ phê chuẩn hiệp ước START mới./.