Trụ sở Liên Hiệp quốc tại Thành phố Niu-oóc (Hoa Kỳ)

 
 
Cách đây tròn 30 năm, ngày 20-9-1977, Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam chính thức trở thành thành viên của tổ chức Liên Hợp quốc. Nhìn lại khoảng thời gian qua, có thể thấy, Việt Nam đang ngày càng tham gia tích cực và có hiệu quả vào các hoạt động của Liên Hợp quốc, trên cơ sở đó, tạo được niềm tin và khẳng định vai trò, vị thế của mình trong tổ chức đa phương toàn cầu lớn nhất này. Đồng thời, Liên Hợp quốc cũng có những hỗ trợ tích cực cho Việt Nam trong công cuộc tái thiết đất nước.

1. Trong giai đoạn từ năm 1977 đến năm 1991, do tác động của “chiến tranh lạnh” trên thế giới, trong điều kiện bị bao vây, cấm vận, vai trò và vị thế của Việt Nam tại Liên Hợp quốc còn ở mức hạn chế. Tuy vậy, Việt Nam vẫn nhận được nguồn viện trợ trực tiếp không hoàn lại của hệ thống phát triển của Liên Hợp quốc, với tổng trị giá trên 500 triệu USD. Các tổ chức chuyên môn thuộc hệ thống phát triển của Liên Hợp quốc đã góp phần giúp Việt Nam khắc phục những khó khăn về kinh tế - xã hội, khắc phục hậu quả chiến tranh, thiên tai, hỗ trợ giải quyết các vấn đề xã hội nhất là trong lĩnh vực y tế, giáo dục, chăm sóc bảo vệ bà mẹ trẻ em và thực hiện kế hoạch hóa gia đình, tạo điều kiện cho Việt Nam nâng cao trình độ công nghệ và thúc đẩy tiến bộ về khoa học - kỹ thuật, góp phần phục hồi và xây dựng mới một số cơ sở sản xuất, tăng cường năng lực phát triển. Ba mươi năm qua, kể từ ngày Đại Hội đồng Liên Hợp quốc thông qua Nghị quyết 32/2 năm 1977 kêu gọi các nước, các tổ chức quốc tế viện trợ, giúp Việt Nam tái thiết sau chiến tranh đến nay, tổng trị giá các dự án Liên Hợp quốc dành cho Việt Nam lên đến gần 2 tỉ USD; Quỹ Nhi đồng Liên Hợp quốc (UNICEF) và Chính phủ Việt Nam đã xây dựng thực hiện 7 chương trình hợp tác quốc gia với tổng số tiền do quỹ này tài trợ là 383 triệu USD; ngân sách dự tính dành cho Việt Nam giai đoạn 2010 là 84 triệu USD và tiếp tục hỗ trợ cho Việt Nam trong các dịch vụ cơ bản như y tế, dinh dưỡng, cung cấp nước sạch, giáo dục vệ sinh...

Một số hoạt động Cấp cao của Việt Nam tại
Liên Hợp quốc:

- Năm 1995, Chủ tịch nước Lê Đức Anh đã dự khóa họp 50 của Đại Hội đồng Liên Hợp quốc; đoàn Việt Nam đã có nhiều đóng góp vào giải quyết các vấn đề thời sự đặt ra trong đó có vấn đề cải tổ Liên Hợp quốc. Thăm trụ sở Liên Hợp quốc và tặng Liên Hợp quốc phiên bản Trống đồng Ngọc Lũ của Việt Nam.

- Năm 2000, Chủ tịch nước Trần Đức Lương đã tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Thiên niên kỷ của Liên Hợp quốc, và đã ký Tuyên bố Thiên niên kỷ cùng với 188 quốc gia khác.

- Năm 2005, Phó Chủ tịch nước, Trương Mỹ Hoa đã tham dự Hội nghị toàn thể Cấp cao Đại Hội đồng Liên Hợp quốc.

- Tháng 6-2007, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã có cuộc gặp gỡ với Tổng thư ký Ban Ki-mun tại trụ sở Liên Hợp quốc. Tại cuộc gặp gỡ này, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã khẳng định Việt Nam mong muốn trở thành thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc nhiệm kỳ 2008-2009 và khẳng định Việt Nam sẽ nỗ lực hết mình để hoàn thành trọng trách này.

2. Kể từ khi Việt Nam thực hiện đường lối đổi mới (năm 1986), đặc biệt là từ năm 1991 đến nay, vị thế và vai trò cũng như mức độ đóng góp của Việt Nam vào các hoạt động của Liên Hợp quốc ngày càng tăng cả về chiều rộng và chiều sâu. Việt Nam đã đảm nhận một số chức vụ và ứng cử vào một số cơ quan của Liên Hợp quốc như:

- Phó Chủ tịch Đại hội đồng Liên Hợp quốc năm 1997, 2000 và 2003

- Thành viên Hội đồng Kinh tế - Xã hội của Liên Hợp quốc (EOCSOC) nhiệm kỳ 1998-2000. EOCSOC là cơ quan quan trọng thứ hai của Liên Hợp quốc sau Hội đồng Bảo an.

- Chủ tịch Đại hội đồng của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp (FAO) khóa 33 (2005-2007).

- Thành viên Ủy ban Nhân quyền (2001-2003)

- Thành viên Hội đồng Điều hành của Chương trình Phát triển và Quỹ Dân số (UNDP/UNFPA) nhiệm kỳ 2000-2002.

- Thành viên Hội đồng Thống đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), nhiệm kỳ 1991-1993; 1997-1999; 2003-2005.

- Hội đồng Điều hành Liên minh Bưu chính Thế giới (1999-2004).

- Liên minh Viễn thông Quốc tế (nhiệm kỳ 1994-1998; 1998-2002; 2002-2006).

- Thành viên của Hội đồng chấp hành Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp quốc (UNESCO) ( nhiệm kỳ 1979-1983).

- Phó Chủ tịch Hội đồng chấp hành (nhiệm kỳ 2001-2003) của UNESCO.

Từ tháng 2-1997, Việt Nam đã đăng ký ứng cử viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc. Đến tháng 10-2006, nhóm châu Á gồm 54 nước, đã nhất trí thông qua quyết định giới thiệu Việt Nam là ứng cử viên duy nhất của nhóm châu Á cho ghế Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc nhiệm kỳ 2008-2009. Sự ủng hộ đó là minh chứng khẳng định uy tín và vị thế của Việt Nam ngày càng được đánh giá cao trên trường quốc tế, cũng như tiềm lực và khả năng đóng góp của Việt Nam vào việc gìn giữ hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực và trên thế giới. "Đây chính là lúc Việt Nam trở thành thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc", Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Norio Hattori nói với phóng viên Thông tấn xã Việt Nam trong một cuộc phỏng vấn gần đây như vậy. Cuộc bỏ phiếu chính thức dự kiến diễn ra và ngày 16-10-2007 trong thời gian Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc họp khóa 62 tại Niu-oóc.

Với chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, rộng mở; đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ quốc tế; là bạn, là đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế, Việt Nam đã tham gia tích cực và chủ động vào nhiều lĩnh vực thuộc các chủ đề chính trong chương trình nghị sự của Liên Hợp quốc như: hòa bình, an ninh, giải trừ quân bị cũng như phát triển kinh tế - xã hội, dân số - kế hoạch hóa gia đình và bảo vệ môi trường.

Trong lĩnh vực giải trừ quân bị: Việt Nam đã tích cực tham gia vào quá trình thương lượng và là thành viên chính thức của Công ước Vũ khí hóa học (CWC) năm 1998; Ký Hiệp ước cấm thử hạt nhân toàn diện (CTBT) năm 1996; tham gia và trở thành thành viên của Hội nghị Giải trừ Quân bị (CD) từ ngày 17-6-1996. Hằng năm, Việt Nam tham gia đều đặn vào Cơ chế Đăng kiểm Vũ khí thông thường của Liên Hợp quốc, nhằm thực hiện một trong các biện pháp xây dựng lòng tin với các nước làm tốt nghĩa vụ của thành viên của Liên Hợp quốc.

Trong hợp tác phát triển: Cơ sở và định hướng chung cho các hoạt động của các tổ chức Liên Hợp quốc tại Việt Nam dựa trên Khuôn khổ hỗ trợ phát triển của Liên Hợp quốc (UNDAF) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại văn bản số 603/Ttg-QHQT ngày 16-05-2005 và định hướng ưu tiên của Việt Nam đề ra trong: Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2001-2010; Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2006-2010; Chiến lược về tăng trưởng và xóa đói giảm nghèo (CPRSG)..., đồng thời phù hợp với các lĩnh vực mà các tổ chức Liên Hợp quốc quan tâm và có thế mạnh, trong đó ưu tiên tập trung vào việc phấn đấu đạt các Mục tiêu Thiên niên kỷ.

Hiện nay, hướng ưu tiên hợp tác giữa Việt Nam và các tổ chức Liên Hợp quốc được thể hiện bằng việc đạt được 3 mục tiêu chính nêu trong Khuôn khổ hỗ trợ phát triển của Liên Hợp quốc, đó là: xây dựng các chính sách kinh tế hỗ trợ quá trình tăng trưởng mang tính công bằng, hòa nhập và bền vững; nâng cao chất lượng cung cấp các dịch vụ xã hội, an sinh xã hội và tính công bằng trong việc tiếp cận các dịch vụ này; các chính sách, luật pháp và cơ cấu quản trị quốc gia hỗ trợ một cách có hiệu quả cho sự phát triển dựa trên quyền để thực hiện các giá trị và Mục tiêu của Tuyên bố Thiên niên kỷ (MDGs).


Một phiên họp của Hội đồng Liên Hợp quốc
Trong lĩnh vực hợp tác này, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu, nổi bật nhất là thực hiện tốt Mục tiêu Thiên niên kỷ: giảm mạnh tỷ lệ hộ nghèo từ 58,1% năm 1993 xuống 24,1% năm 2004, xuống còn 19% năm 2006; căn bản hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi; bảo đảm bình đẳng về giới trong giáo dục; thu hẹp sự cách biệt về giới trong lĩnh vực giáo dục, lao động - việc làm, ngày càng có nhiều phụ nữ tham gia công tác lãnh đạo, quản lý, tham gia các cơ quan dân cử (Việt Nam hiện dẫn đầu các nước châu Á và đứng thứ 18 trên thế giới về tỷ lệ nữ tham gia công tác lãnh đạo, quản lý và tham gia các cơ quan dân cử: tỷ lệ nữ Đại biểu Quốc hội Khóa XII là 25,76%; nữ Chủ tịch và Phó Chủ tịch cấp tỉnh tăng 50% so với nhiệm kỳ trước; nữ là chủ doanh nghiệp chiếm 20%, trong đó nữ chủ doanh nghiệp tư nhân là 25%.); tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh giảm từ 53/1.000 năm 1990 xuống 19/1.000 năm 2005, tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ dưới 5 tuổi cũng giảm nhiều (Việt Nam đứng thứ 3 sau Ma-lai-xi-a và Trung Quốc, giảm từ 51,2% năm 1985 xuống còn 25,2% năm 2005); việc phòng chống HIV/AIDS, bệnh sốt rét, bệnh lao... đang được thực hiện đồng bộ và có hiệu quả (hiện Việt Nam có 41 phòng xét nghiệm tại 34 tỉnh, thành phố phục vụ cho công tác giám sát, phát hiện những người bị nhiễm HIV/AIDS); tỷ lệ dân được sử dụng nước sạch tăng từ 26,2% năm 1993 lên 70% năm 2004 (riêng ở nông thôn tỷ lệ này tăng từ 18% năm 1993 lên 58% năm 2004, vượt trước chỉ tiêu tăng gấp đôi số người tiếp cận nguồn nước sạch vào năm 1915 như cam kết trong Mục tiêu Thiên niên kỷ); độ che phủ của rừng ngày càng được nâng cao, các khu bảo tồn thiên nhiên của Việt Nam tăng nhanh cả về số lượng và diện tích (trong số 126 khu bảo tồn thiên nhiên có 28 vườn quốc gia, nhiều khu đã được công nhận là di sản tự nhiên của thế giới, là khu sinh quyển quốc tế và là di sản tự nhiên của ASEAN)...

Việt Nam đang dẫn đầu thế giới về hiệu quả sử dụng viện trợ. Các chỉ số phúc lợi được nhanh chóng cải thiện, Việt Nam có triển vọng đạt được hầu hết các Mục tiêu Thiên niên kỷ như đã cam kết với Liên Hợp quốc.

3. Gần đây, để đóng góp thiết thực vào quá trình cải tổ hoạt động của Liên Hợp quốc, Việt Nam đã đưa ra sáng kiến "Một Liên Hợp quốc". Đây là sự hưởng ứng cụ thể của Việt Nam đối với với tiến trình tăng cường hiệu quả viện trợ (Tuyên bố Hà Nội về Hiệu quả viện trợ) và đối với yêu cầu phải có một Liên Hợp quốc. Sáng kiến “Một Liên hợp quốc” được xây dựng dựa trên cơ sở năm trụ cột, bao gồm: Một lãnh đạo chung; Một kế hoạch chung; Một ngân sách chung; Một phương thức quản lý chung và Một trụ sở chung. “Tất cả năm cái chung này bổ sung, hỗ trợ cho nhau và thực hiện cùng nhau thì sẽ giúp tăng cường năng lực củaLiên Hợpquốctrong việc ra các quyết định chiến lược”. Kế hoạch hành động chung giai đoạn từ nay đến năm 2010 đã được ký vào cuối tháng 8 vừa qua, giữa Bộ trưởng Kế hoạch và Ðầu tư Võ Hồng Phúc thay mặt Chính phủ Việt Nam và Ðiều phối viên thường trú Liên Hợp quốc tại Việt Nam. Ðây là lần đầu Liên Hợp quốc ký một bản kế hoạch chung ở cấp quốc gia. Kế hoạch này là trụ cột quan trọng của sáng kiến "Một Liên hợp quốc" tại Việt Nam, được xây dựng dựa trên những lợi thế đặc biệt của Liên Hợp quốc tại Việt Nam, nhằm mục đích tối ưu hóa tác động của Liên Hợp quốc trong năm lĩnh vực trọng tâm: chính sách, kế hoạch và luật kinh tế - xã hội toàn diện và công bằng; Dịch vụ và bảo trợ xã hội có chất lượng và phổ cập; Bảo vệ môi trường và sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên; Quản trị Nhà nước trên cơ sở khuyến khích sự tham gia của người dân, minh bạch và có trách nhiệm giải trình; Giảm thiệt hại do thiên tai gây ra.

Lựa chọn Việt Nam là một trong tám quốc gia làm nơi thí điểm đầu tiên thực hiện lộ trình cải cách tổ chức, hoạt động của mình ở cấp quốc gia, Liên Hợp quốc không chỉ cho rằng Việt Nam đã và đang đi đầu trong nỗ lực nâng cao hiệu quả viện trợ và quá trình tiến tới hoạt động theo một thể thống nhất của Liên Hợp quốc, mà còn nhận thấy mối quan hệ lâu dài tin cậy lẫn nhau giữa Việt Nam với tổ chức này. Đó là nhận định của Ông Kemal Dervis, Chủ tịch Nhóm các tổ chức Phát triển Liên Hợp quốc (UNDG) kiêm Tổng giám đốc Chương trình phát triển Liên Hợp quốc. Với trọng trách như vậy, hiện nay, Việt Nam đang trở thành tâm điểm của công cuộc cải cách Liên Hợp quốc. Điều phối viên thường trú Liên Hợp quốc tại Việt Nam John Hendra nhận xét: “Thế giới sẽ rất quan tâm đến những gì diễn ra tại Việt Nam vì giờ đây Việt Nam đã thực sự là tâm điểm của công cuộc cải cách Liên Hợp quốc trên phạm vi toàn cầu”.

Đánh giá vai trò của Việt Nam trong Liên Hợp quốc, Tổng thư ký Liên Hợp quốc, ông Ban Ki-mun đã nói: Việt Nam luôn đi đầu trong việc thực hiện Tuyên bố Thiên niên kỷ, trong đó có mục tiêu cải tổ Liên Hợp quốc, và trở thành tấm gương cho nhiều nước.