Với chủ trương “xã hội hoá” công tác phòng, chống tội phạm”, sau 10 năm triển khai thực hiện (1998 - 2008), công tác xây dựng mô hình, nhân điển hình tiên tiến trong phòng chống tội phạm ở nước ta đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Đến nay, cả nước đã xây dựng được 51.486/85.871 khu dân cư không có tệ nạn xã hội, đạt tỷ lệ 59,9%, trong đó, có 57,5% xã, phường, thị trấn trong toàn quốc không có người nghiện.

Kết quả sau 10 năm thực hiện

Cuộc vận động xây dựng mô hình, điển hình trong phòng chống tội phạm đã đi qua một chặng đường dài trọn 10 năm và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Sau 10 năm thực hiện, cả nước có 780 mô hình, tổ chức quần chúng hoạt động trong phong trào phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội, bảo vệ an ninh trật tự, trong đó, có 550 mô hình đạt loại chất lượng khá đang được phát huy tác dụng tích cực.

Nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước đã xây dựng được những mô hình phong phú và đa dạng trong công tác phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội, bảo vệ an ninh trật tự. Tiêu biểu là các mô hình: “Thôn xóm, làng, bản, khu dân cư không có tội phạm và tệ nạn xã hội”, “1+2”, “Tổ an ninh xã hội” ở Thanh Hoá; mô hình “Hộ tự quản, số nhà tự phòng”, “3 quản, 4 giữ”, “Khu dân cư an toàn về an ninh trật tự” ở thành phố Hà Nội; mô hình “Tổ dân phố tự quản”, “5 giảm, 5 không”, “Thanh niên tình nguyện phòng, chống tội phạm ma tuý” ở Thành phố Hồ Chí Minh; mô hình “Dòng họ tự quản về an ninh trật tự”, “Thôn xóm bình yên, gia đình hoà thuận” ở Hà Tây, Ninh Bình, Hà Nam, Nghệ An, Vĩnh Long; mô hình “Ký túc xá sinh viên an toàn, văn hoá, không có tội phạm về tệ nạ xã hội” ở Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên, Thanh Hoá, Thừa Thiên Huế, Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai; mô hình “5 không”, “3 có”, “5 giảm” ở Vĩnh Phúc, Đà Nẵng...

Hoạt động của các mô hình, điển hình tiên tiến trong phòng, chống tội phạm đã huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội tham gia vào công tác phòng, chống tội phạm. Nhờ đó, công tác phòng ngừa đã có những bước phát triển mới. Các loại tội phạm tiếp tục được kiềm chế, một số loại tội phạm nghiêm trọng đã giảm đáng kể; so với năm 1998, năm 2008 đã giảm 20,32% số vụ vi phạm hình sự.

Đã có một số tấm gương dũng cảm, mưu trí, sẵn sàng hy sinh tính mạng trong khi làm nhiệm vụ tấn công, truy bắt tội phạm như: ông Đinh Đình Phú, cán bộ hưu trí phường Ngọc Sơn, quận Đồ Sơn, thành phố Hải Phòng; cô giáo Nguyễn Thị Loan, giáo viên Trường Trung học cơ sở xã Yên Thắng, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình; linh mục Lưu Viết Cẩn, xứ Xuân Dục, Xuân Ninh, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định; ông Sùng A Cở, Trưởng Công an xã Pú Đao, huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu; anh Rơ Châm Krun, Trưởng Công xã Hà Bầu, huyện Đắc Đoa, tỉnh Gia Lai...

Hoạt động của các mô hình đã góp phần quan trọng trong việc xây dựng, củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở; xây dựng lực lượng nòng cốt và tổ chức quần chúng tham gia phòng, chống tội phạm ở địa phương. Đã có 13.157 cựu chiến binh của 39 tỉnh, thành phố tham gia lực lượng công an xã; 14.738 cựu chiến binh tham gia lực lượng bảo vệ dân phố, bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp. Quần chúng nhân dân tích cực hơn trong trong việc tham gia xây dựng Đảng, chính quyền, phát huy vai trò làm chủ cơ sở.

Hoạt động của các mô hình, điển hình tiên tiến đã góp phần phục vụ có hiệu quả các chủ trương phát triển kinh tế, xã hội của Nhà nước, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. Phong trào toàn dân phòng, chống phạm được tổ chức lồng ghép hiệu quả với Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư” và các phong trào: “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, “Năm xung kích phát triển kinh tế và bảo vệ Tổ quốc”, “Sống tốt đời, đẹp đạo, đoàn kết và đồng hành cùng dân tộc”... Đến nay, cả nước đã xây dựng được 51.486/85.871 khu dân cư không có tệ nạn xã hội, đạt tỷ lệ 59,9%, trong đó, có 57,5% xã, phường, thị trấn trong toàn quốc không có người nghiện.

Ngoài những mô hình có tính chất ngăn ngừa, đấu tranh với tội phạm và tệ nạn, tại các địa phương còn nhiều cách làm trực tiếp như, quản lý, giáo dục, cảm hoá người lầm lỗi, người phạm tội sau khi mãn hạn tù, cho họ vay vốn để đầu tư sản xuất, kinh doanh, ổn định cuộc sống. Thị xã Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu, đã lập một nghiệp đoàn bốc xếp ở phường 3 để chăm lo, tạo việc làm cho những người một thời lầm lỗi...

Một số kinh nghiệm

- Công tác xây dựng mô hình, nhân điển hình tiên tiến chỉ được thực hiện hiệu quả khi phát huy được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, được sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt của các cấp ủy Đảng, sự quản lý, điều hành của chính quyền, phát huy vai trò tham mưu, hướng dẫn và nòng cốt thực hiện của lực lượng công an và sự ủng hộ, tham gia tích cực của toàn xã hội.

- Công tác tuyên truyền về các mô hình, điển hình tiên tiến trong phòng, chống tội phạm phải luôn đi trước một bước, để có thể phát huy tối đa ưu thế và hiệu quả của các phương tiện thông tin đại chúng.

- Lực lượng công an phải làm tốt chức năng thường trực, tham mưu, hướng dẫn thực hiện Nghị quyết 09/CP, chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm, là lực lượng nòng cốt, xung kích trong tấn công tội phạm, đồng thời, làm tốt công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự, thực sự là chỗ dựa của nhân dân trong xây dựng mô hình, nhân điển hình tiên tiến tham gia phòng, chống tội phạm.

- Phát huy tinh thần làm chủ và vai trò to lớn của nhân dân trong phòng chống tội phạm, tính tích cực của quần chúng trong tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở. Coi trọng công tác kiểm tra, hướng dẫn, đề cao vai trò, trách nhiệm của các cá nhân, cơ quan, đoàn thể, thực hiện nghiêm chế độ thông tin, báo cáo; kịp thời biểu dương, khen tưởng những cá nhân, tổ chức có thành tích xuất sắc trong phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm.

- Việc triển khai thực hiện công tác xây dựng mô hình, nhân điển hình tiên tiến trong phòng, chống tội phạm phải lồng ghép với các chương trình kinh tế - xã hội khác, đặc biệt là với các chương trình mục tiêu quốc gia như việc làm, giảm nghèo; chương trình phòng chống ma tuý, chương trình hành động phòng, chống tội phạm mua bán phụ nữ, trẻ em.

Một số nhiệm vụ cần triển khai

Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2006 - 2010 và Chiến lược phát triển kinh tế, xã hội đến năm 2020, cần phải giải quyết tốt các vấn đề xã hội, trong đó đấu tranh phòng, chống tội phạm có vai trò đặc biệt quan trọng.

Một là, đa dạng hoá các hình thức thu hút cán bộ, đoàn viên, hội viên tham gia phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc. Tiếp tục lồng ghép việc vận động nhân dân phòng, chống tội phạm với việc thực hiện các chương trình phát triển kinh tế, xã hội.

Hai là, tập trung xây dựng lực lượng công an làm nòng cốt, xung kích và là chỗ dựa của nhân dân trong xây dựng mô hình, nhân điển hình tiên tiến tham gia phòng, chống tội phạm. Chú trọng xây dựng các lực lượng công an xã trong sạch, vững mạnh. Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về chế độ, chính sách, trang bị phương tiện cho lực lượng này; về chế độ đối với nhân dân bị thương, hy sinh khi tham gia phòng, chống tội phạm.

Ba là, tập trung chỉ đạo công tác tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước tới mọi tầng lớp nhân dân; hướng dẫn cho nhân dân nâng cao cảnh giác trước những âm mưu, thủ đoạn hoạt động của các thế lực thù địch và các loại tội phạm, tệ nạn xã hội.

Bốn là, tích cực vận động nhân dân tham gia phòng, chống tội phạm với những hình thức và nội dung thiết thực; lựa chọn địa bàn, đối tượng để có hình thức vận động, tuyên truyền phù hợp nhằm đạt hiệu quả cao nhất. Tổ chức tập huấn, tuyên truyền về tổ chức hoạt động của các mô hình, điển hình tiên tiến để nhân rộng toàn quốc.

Năm là, tiếp tục bổ sung kinh phí hỗ trợ cho các cán bộ, ngành, địa phương thực hiện công tác xây dựng mô hình, nhân điển hình tiên tiến trong phòng, chống tội phạm. Thành lập quỹ phòng, chống tội phạm để tranh thủ sự hỗ trợ kinh phí phục vụ công tác phòng, chống tội phạm nói chung, xây dựng mô hình, nhân điển hình tiên tiến nói riêng./.