TCCSĐT - Từ ngày 7 đến ngày 12-6-2010, Quốc hội tiếp tục thảo luận về một số nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Thuế bảo vệ môi trường; chủ trương đầu tư dự án xây dựng Đường sắt cao tốc Hà Nội - Thành phố Hồ Chí Minh; dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2011. Quốc hội cũng đã nghe Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri từ kỳ họp thứ sáu đến kỳ họp thứ bảy.
 
1. Tuần làm việc thứ tư, Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội Khóa XII

Từ ngày 7 đến ngày 12-6-2010, Quốc hội tiếp tục thảo luận về một số nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Thuế bảo vệ môi trường; chủ trương đầu tư dự án xây dựng Đường sắt cao tốc Hà Nội - Thành phố Hồ Chí Minh; dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2011. Quốc hội cũng đã nghe Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban dân nguyện của Ủy ban thường vụ Quốc hội Trần Thế Vượng trình bày Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri từ kỳ họp thứ sáu đến kỳ họp thứ bảy. Quốc hội nghe chất vấn và trả lời chất vấn của Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh; Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Hồ Nghĩa Dũng; Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Ðức Phát; Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh. Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng đã thay mặt Chính phủ, thừa ủy quyền Thủ tướng báo cáo giải trình rõ thêm một số vấn đề thuộc trách nhiệm quản lý, điều hành của Chính phủ và trả lời trực tiếp chất vấn của 12 lượt đại biểu Quốc hội về các vấn đề: quy hoạch xây dựng các nhà máy điện; Trách nhiệm của Chính phủ đối với công tác dự báo nhu cầu sử dụng điện năng; Công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ đối với Tập đoàn điện Việt Nam; Quỹ lương của Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC); Giám sát việc hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty; Chính sách tiền tệ quốc gia; lãi suất ngân hàng; Vấn đề cổ phần hóa của các doanh nghiệp; Trách nhiệm của Chính phủ trong vấn đề quản lý kinh tế vĩ mô; Vấn đề dư nợ quốc gia; vay vốn ODA;Trách nhiệm của Chính phủ trong việc tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp...

2. Triển lãm "Quốc hội Việt Nam với Hội đồng Liên nghị viện Hiệp hội các nước Ðông - Nam Á

Ngày 7-6-2010, triển lãm "Quốc hội Việt Nam với Hội đồng Liên nghị viện Hiệp hội các nước Ðông - Nam Á (AIPA)" đã khai mạc trọng thể tại Hội trường Bộ Quốc phòng, Hà Nội. Tổng Bí thư Nông Ðức Mạnh dự; Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch AIPA-31 Nguyễn Phú Trọng đã tới dự và cắt băng khai mạc. Ðây là hoạt động thiết thực chào mừng sự kiện Quốc hội Việt Nam đảm nhiệm chức Chủ tịch AIPA nhiệm kỳ 2009 - 2010 và đăng cai tổ chức Ðại hội đồng AIPA-31 vào tháng 9 tới. Với gần 200 tư liệu, hình ảnh và hiện vật tiêu biểu được lựa chọn từ Thông tấn xã Việt Nam và các cơ quan hữu quan, trong đó nhiều tài liệu gốc lần đầu được trưng bày, giới thiệu, Triển lãm giúp người xem hiểu rõ hơn về đất nước, con người, văn hóa Việt Nam và thành tựu sau hơn 20 năm thực hiện công cuộc đổi mới đất nước; quá trình hình thành và phát triển của Hội đồng Liên nghị viện Hiệp hội các nước Ðông - Nam Á; những đóng góp và vai trò của Quốc hội Việt Nam đối với sự lớn mạnh của AIPA.

3. Bế mạc Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) về Đông Á lần thứ 19

Ngày 7-6-2010 tại Thành phố Hồ Chí Minh, Diễn đàn Kinh tế thế giới về Ðông Á 2010 lần thứ 19 đã kết thúc tốt đẹp. Trong các cuộc thảo luận, những kinh nghiệm, biện pháp, xử lý nhằm ngăn ngừa hạn chế các rủi ro về tài chính ngân hàng cũng như những giải pháp nhanh chóng hội nhập vào ngành tài chính ngân hàng thế giới. Việc giáo dục đạo đức cho lớp trẻ, các biện pháp chống biến đổi khí hậu, tiết kiệm năng lượng, vấn đề lương thực... đã được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, các Phó Thủ tướng và Bộ trưởng Việt Nam trả lời rõ ràng đồng thời cũng nêu một số vấn đề mà Việt Nam đang cần học hỏi kinh nghiệm từ các nước, các tập đoàn quốc tế để thúc đẩy phát triển kinh tế Việt Nam. Việc tổ chức WEF Ðông Á lần thứ 19 tại Việt Nam cho thấy uy tín của Việt Nam ngày càng nâng cao trên trường quốc tế. Việt Nam đã và đang trở thành cầu nối giữa các nước phát triển và đang phát triển nhằm hướng tới sự thịnh vượng chung trong cộng đồng Ðông Á.

4. Việt Nam tham dự “Hội nghị về phối hợp hành động và các biện pháp củng cố lòng tin ở châu Á”

Nhận lời mời của Tổng thống Cộng hòa Ca-dắc-xtan N.Na-dác-bai-ép và Tổng thống Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ Áp-đu-la Gul, Phó Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam Nguyễn Thị Doan đã tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Diễn đàn quốc tế “Hội nghị về phối hợp hành động và các biện pháp củng cố lòng tin ở châu Á” (gọi tắt là CICA) lần thứ 3 được tổ chức tại thành phố I-xtan-bun, Thổ Nhĩ Kỳ từ ngày 7-9/6/2010. Ngay trước Hội nghị Thượng đỉnh, Phó Chủ tịch nước đã chứng kiến buổi lễ long trọng kết nạp Việt Nam trở thành thành viên chính thức của CICA. Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Cường đã đại diện cho Việt Nam ký hai văn kiện cơ bản của CICA - Định ước An-ma-ty và Tuyên bố về các nguyên tắc điều chỉnh quan hệ giữa các quốc gia thành viên CICA. Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan khẳng định: Việt Nam thực hiện đường lối đối ngoại nhất quán độc lập, tự chủ, hoà bình, hợp tác và phát triển, tiếp tục tiến hành chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ quốc tế, nhấn mạnh Việt Nam luôn là bạn, đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế, tham gia tích cực và trách nhiệm vào các tiến trình hợp tác quốc tế và khu vực, được thể hiện qua việc Việt Nam quyết định gia nhập Diễn đàn CICA tại Hội nghị Thượng đỉnh lần này. Việt Nam đánh giá cao những bước phát triển sâu rộng của CICA trong gần 2 thập kỷ qua: bắt đầu với sáng kiến của Tổng thống Ca-dắc-xtan năm 1992 về một cơ chế đối thoại chung cho châu Á và tiếp đó là một tổ chức CICA uy tín và hiệu quả ngày nay với vai trò là diễn đàn đối thoại quan trọng, góp phần thu hẹp khác biệt và củng cố lòng tin tại châu Á, góp phần tích cực vào việc xây dựng châu Á hòa bình, an ninh và phát triển.

5. Việt Nam tham dự Hội nghị An ninh châu Á - Thái Bình Dương (APR)

Hội nghị An ninh châu Á - Thái Bình Dương (APR) lần thứ 24 với chủ đề "Tăng cường hợp tác an ninh toàn diện ở châu Á - Thái Bình Dương" diễn ra tại thủ đô Ku-a-la Lam-pơ của Ma-lai-xi-a từ ngày 8-9/6. Hội nghị quy tụ hơn 200 học giả nổi tiếng nhất khu vực và các nhà hoạch định chính sách nhằm thảo luận về những thách thức chiến lược đối với khu vực. Đại biểu Việt Nam Nguyễn Hùng Sơn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu khu vực và chính sách đối ngoại thuộc Học viện Quan hệ quốc tế Việt Nam đã tham gia tham luận chủ đề "Liên kết ASEAN: Thúc đẩy phát triển kinh tế và xây dựng cộng đồng." Ông Đặng Đình Quý, Phó Giám đốc Học viện Quan hệ quốc tế Việt Nam chủ trì thảo luận đề tài "Chống nổi loạn và xây dựng đất nước ở Afghanistan," trong khi đại biểu Nguyễn Nam Dương, nghiên cứu gia thuộc Trung tâm Nghiên cứu chính trị và an ninh, Học viện Quan hệ Quốc tế Việt Nam tham gia tham luận chủ đề "Can dự của Ấn Độ với Đông Á."

6. Đối thoại chiến lược Việt Nam - Hoa Kỳ lần thứ ba

Chiều 8-6, tại Hà Nội, Đối thoại chiến lược về chính trị - an ninh - quốc phòng Việt Nam - Hoa Kỳ lần thứ ba đã kết thúc thành công tốt đẹp. Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh dẫn đầu đoàn Việt Nam và phía Hoa Kỳ do ông Andrew J.Shapiro, trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ dẫn đầu tiến hành cuộc đối thoại. Đây là đối thoại thường niên giữa hai nước về các vấn đề chính trị và an ninh song phương và khu vực với sự tham gia của đại diện các cơ quan ngoại giao, an ninh, quốc phòng của hai nước nhằm tăng cường tin tưởng và hiểu biết lẫn nhau giữa hai bên. Các đại biểu tham gia đối thoại đã trao đổi về nhiều lĩnh vực mà hai nước đã hợp tác và cả những lĩnh vực hai bên có triển vọng hợp tác nhằm thúc đẩy quan hệ song phương. Các đại biểu đã thảo luận tình hình an ninh khu vực và toàn cầu, chống phổ biến vũ khí giết người hàng loạt, chống khủng bố, phòng chống ma túy, và tội phạm xuyên quốc gia, cứu trợ thiên tai, an ninh trên biển, tìm kiếm cứu nạn, các chuyến thăm của tàu hải quân và hoạt động gìn giữ hòa bình quốc tế. Hai bên cũng bàn biện pháp tăng cường hợp tác trong tìm kiếm người mất tích của Việt Nam và Hoa Kỳ trong chiến tranh, giải quyết hậu quả chất độc da cam/dioxin, rà phá bom mìn, đối phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng, trao đổi đoàn cấp cao nhằm tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước.

7. Hội nghị giữa kỳ 2010 “Nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam”

Trong hai ngày 9 và 10-6-2010, tại thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang, Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam (gọi tắt là Hội nghị CG) 2010 đã được tổ chức tại Việt Nam. Hội nghị đã tập trung đánh giá tình hình kinh tế vĩ mô của Việt Nam và các ưu tiên chính sách cho năm 2010, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 5 năm (2011-2015). Trong đó, vấn đề trọng tâm của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm tới được bàn thảo tại hội nghị là cải cách để tăng cường hiệu quả của tăng trưởng, tài trợ kết cấu hạ tầng, đối phó với biến đổi khí hậu ở đồng bằng sông Cửu Long, đánh giá các Mục tiêu Phát triển thiên niên kỷ, các đối tượng dễ bị tổn thương và bảo trợ xã hội, giáo dục kỹ năng nghề, phòng, chống tham nhũng trong ngành giáo dục... Hội nghị đánh giá cao tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam trong thời gian qua, nhất là trong bối cảnh kinh tế thế giới bị suy thoái. Phát biểu ý kiến tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, những đóng góp, ý tưởng, sáng kiến của các tổ chức, các vị đại sứ tham dự trong Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam sẽ góp phần quan trọng trong việc giúp Chính phủ và nhân dân Việt Nam thực hiện các mục tiêu phát triển, hiện thực hóa tầm nhìn 10 năm và quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm tới đây.

8. Vietnam Airlines gia nhập Liên minh Hàng không toàn cầu

Tối 10-6, tại Hà Nội, Lễ gia nhập Liên minh hàng không toàn cầu (SkyTeam) được tổ chức trọng thể. Vietnam Airlines chính thức trở thành hãng hàng không đầu tiên của Ðông-Nam Á gia nhập SkyTeam và là thành viên thứ 10 của Liên minh này. Phát biểu ý kiến tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, trong tiến trình đổi mới và hội nhập quốc tế, Chính phủ Việt Nam luôn quan tâm và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng, hiệu quả vào nền kinh tế quốc tế, phát huy tối đa các cơ hội, các lợi ích mà toàn cầu hóa mang lại cả về vốn, khoa học công nghệ, kỹ năng quản lý, thị trường để phát triển nhanh và bền vững hơn. Sự kiện Vietnam Airlines gia nhập Liên minh hàng không toàn cầu SkyTeam đánh dấu một bước phát triển mới, quan trọng của Vietnam Airlines và là một bằng chứng sinh động cho sự hội nhập quốc tế sâu rộng của các doanh nghiệp Việt Nam, góp phần tích cực vào những thành tựu chung của đất nước trên con đường đổi mới, phát triển và hội nhập. Thủ tướng hy vọng việc gia nhập SkyTeam không chỉ mang lại lợi ích thiết thực to lớn cho Vietnam Airlines mà còn tăng thêm uy tín, thương hiệu cho SkyTeam và các hãng thành viên và cho quan hệ đối tác bền chặt giữa các bên, đồng thời cung cấp những dịch vụ tốt hơn nữa cho khách hàng trong và ngoài nước.

9. Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) tổ chức Ðại hội thi đua yêu nước lần thứ hai và đón nhận Huân chương Sao Vàng

Ngày 13-6-2010, tại Hà Nội, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) tổ chức Ðại hội thi đua yêu nước lần thứ hai và đón nhận Huân chương Sao Vàng. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch Hội đồng thi đua khen thưởng Trung ương dự và phát biểu ý kiến chỉ đạo. Giai đoạn 2006-2010, phong trào thi đua yêu nước tại PVN không ngừng đổi mới cả về hình thức, nội dung và chất lượng, gắn với nhiệm vụ xây dựng các công trình trọng điểm, nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh của các đơn vị thành viên. Phong trào đã khơi dậy lòng yêu nghề, lao động sáng tạo, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất và tiết kiệm chi phí. Xây dựng văn hóa doanh nghiệp, tạo ra hiệu quả kinh tế, văn hóa, xã hội to lớn trong Tập đoàn. Phát biểu ý kiến tại Đại hội, sau khi biểu dương những thành tựu, đóng góp to lớn của ngành dầu khí Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: Thông qua Ðại hội thi đua yêu nước lần thứ hai ngành dầu khí cần tiếp tục tuyên truyền, nhân rộng các gương điển hình tiên tiến, các tập thể, cá nhân tiêu biểu xuất sắc trong các phong trào thi đua, quan tâm, tạo điều kiện để các điển hình phát huy tác dụng và có sức lan tỏa rộng lớn trong toàn ngành, động viên, khen thưởng kịp thời đối với những tập thể, cá nhân lập được thành tích xuất sắc trong các phong trào thi đua, đặc biệt quan tâm khen thưởng nhân viên, người lao động, người trực tiếp sản xuất, công tác.

10. Bế mạc Festival Huế 2010

Sau 9 ngày diễn ra với nhiều chương trình lễ hội, văn hóa nghệ thuật đặc sắc, tối 13-6-2010, tại Bãi Bồi, cầu Gia Hội, Huế đã diễn ra Lễ Bế mạc Festival Huế 2010. Festival Huế 2010 đã thu hút 70 đơn vị nghệ thuật từ 28 quốc gia và các đoàn nghệ thuật trong nước với hơn 6500 nghệ sĩ, diễn viên chuyên nghiệp và không chuyên tham gia biểu diễn; các chương trình, tiết mục đều đạt chất lượng nghệ thuật cao, các nghệ sĩ biểu diễn nhiệt tình, được công chúng ngưỡng mộ; có 7 chương trình đạt kỷ lục quốc gia. Festival Huế 2010 đã thu hút trên 3 triệu lượt khách, 120.359 khách lưu trú, trong đó có 28.596 khách quốc tế đến từ 92 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó, khách châu Âu chiếm 38,3%. Các sân khấu biểu diễn nghệ thuật thu hút trên 79.100 lượt người tham gia. Festival Huế 2010 được tổ chức với quy mô lớn nhất, hoàng tráng, đặc sắc, hấp dẫn nhất từ trước đến nay, thể hiện tiềm năng rất lớn của văn hóa Huế nói riêng, văn hóa Việt Nam nói chung; là nơi hội tụ, giao lưu và hội nhập giữa các nền văn hóa các nước trên thế giới, đáp ứng chủ đề “Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển”, hướng tới “Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội”.

*** Những sự kiện trong nước đáng chú ý trong tuần (từ ngày 31-5 đến ngày 6-6-2010)