Dân số thế giới đã vượt quá ngưỡng 6 tỉ người, với tốc độ tăng dân số càng về sau này càng nhanh. Hiện tại, cứ mỗi giây trên trái đất có 4,4 trẻ em ra đời, các quốc gia tại Nam Á, Trung Đông và châu Phi đang ở vị trí dẫn đầu một cách không mong muốn.

Theo Liên hợp quốc, đến năm 2050, dân số ở 50 quốc gia nghèo nhất sẽ tăng gấp đôi, có khoảng gần 10 nước tăng gấp 3. Đây là một thách thức rất lớn đối với các quốc gia nghèo. Theo tốc độ tăng dân số như hiện nay, Liên hợp quốc dự tính, năm 2012, dân số thế giới sẽ là 7 tỉ, năm 2050 sẽ là 9,2 tỉ người.

Dân số tăng nhanh cùng với quá trình đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ đã hình thành nên nhiều đô thị khổng lồ. Bên cạnh những mặt tích cực cũng nảy sinh nhiều vấn đề kinh tế - xã hội khó giải quyết.

Áp lực đô thị hóa. Trong vòng 17 năm, trên thế giới đã diễn ra hàng loạt cuộc di dân khổng lồ từ nông thôn ra thành thị, tạo nên sức ép đối với tất cả các quốc gia. Tuy xu thế công nghiệp hóa, đô thị hóa là tất yếu, nhưng với một tốc độ quá nhanh và quá mạnh diễn ra trong một thời gian quá ngắn thì hậu quả để lại không nhỏ và không thể giải quyết trong một thời gian ngắn.

Dân số tập trung về đô thị ngày càng nhiều thì nhu cầu về chỗ ở, công việc, thu nhập, trường học, bệnh viện, giao thông, phương tiện đi lại, nơi vui chơi giải trí ngày càng tăng và tăng nhanh. Không ít các đô thị đã và đang phải đương đầu với những “xóm liều” - nơi người dân từ các địa phương đến tìm việc làm, sống tạm bợ. Chính nơi này cũng là địa điểm tập trung nhiều loại tội phạm xã hội. Giao thông đô thị cũng vì thế mà trở nên quá tải bởi lượng người, lượng xe lưu thông quá dày đặc trong khi đường xá dù đã được mở rộng, xây mới nhưng vẫn không kịp đáp ứng vì tốc độ tăng dân cư quá lớn. Tình trạng này sẽ ngày càng xấu hơn tại châu Á, khi Liên hợp quốc cho biết, đến năm 2030, số người sống trong các đô thị sẽ lên tới 2,6 tỉ người. Đó là một cảnh báo về sự hình thành các “siêu đô thị” đang ngày một nóng lên.

Áp lực dân số già tại châu Âu. Một thực trạng hiện nay là tại châu lục này, số người làm việc ngày một giảm, trong khi số người sống phụ thuộc đang ngày một gia tăng, kéo theo những gánh nặng của các chính sách xã hội do những khoản tăng ngân sách chi tiêu cho bảo hiểm y tế, hưu trí và chăm sóc người già. Vào thời kỳ cạnh tranh các nền kinh tế của các nước công nghiệp giảm sút, nguồn thu từ thuế không còn dồi dào như trước, các nước buộc phải tăng công nợ để chi tiêu cho các chương trình xã hội. Điều này khiến người ta lo ngại về sự tăng trưởng kinh tế trong tương lai cũng như gánh nặng trợ cấp xã hội.

Gia tăng khoảng cách giàu nghèo. Theo thống kê của Liên hợp quốc, 94% thu nhập của thế giới thuộc về 40% dân số thế giới, và 6% còn lại được chia cho 60% dân số. Gần ½ dân số thế giới sống với mức thu nhập 2 USD/người/ngày. Tại Hội nghị cấp cao Thiên niên kỷ của Liên hợp quốc năm 2000, các nhà lãnh đạo thế giới đã nhất trí sẽ giảm tỷ lệ nghèo đói xuống một nửa và năm 2015. Việc tạo điều kiện để các nước nghèo có thể phát triển sẽ gián tiếp ngăn chặn các vấn đề như di dân bất hợp pháp... Tuy nhiên, nguồn lực để thực hiện các mục tiêu này vẫn còn khiêm tốn. Đó là chưa kể đến cuộc khủng hoảng năng lượng, khủng hoảng lương thực trong thời gian gần đây đã nâng tỷ lệ người nghèo đói trên thế giới từ 3 đến 5%, và 37 nước trên thế giới đang phải đối phó với cuộc khủng hoảng lương thực, thực phẩm.

Hiểm họa sinh thái gia tăng. Sự bùng nổ dân số gắn liền với việc sử dụng, khai thác đến cạn kiệt các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Nhiều nguồn tài nguyên thiên nhiên không thể tái tạo được, chẳng hạn như dầu mỏ có thể cạn kiệt trong vài thập kỷ tới. Trong khi đó, môi trường sống là một bộ phận cấu thành của chất lượng cuộc sống. Nỗ lực công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở nhiều nước đang làm gia tăng lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, tạo tình trạng xuống cấp nghiêm trọng về môi trường sống. Từ năm 1950-2000, tổng lượng khí các-bon-níc thải ra do đốt nhiên liệu hóa thạch tại các nước phát triển chiếm 77% tổng lượng khí thải trên thế giới./.