Thi đua yêu nước là vấn đề có tính quy luật của hoạt động xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ tổ quốc xã hội chủ nghĩa nói chung; của hoạt động xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa nói riêng. Từ lâu, các nhà kinh điển chủ nghĩa Mác - Lê-nin đã coi thi đua như là một đặc trưng riêng có trong xã hội xã hội chủ nghĩa. C.Mác và Ph.Ăng-ghen cho rằng, trong xã hội tương lai, cạnh tranh sẽ không còn; thay vào đó là sự thi đua lẫn nhau giữa những người lao động trong quá trình sản xuất. Khi Cách mạng Tháng Mười Nga thành công, Nhà nước công nông đầu tiên trên thế giới ra đời, để lãnh đạo xây dựng xã hội mới, V.I.Lê-nin đòi hỏi, “nhiệm vụ của chúng ta hiện nay, khi chính phủ xã hội chủ nghĩa đang cầm quyền, là phải tổ chức thi đua”(1) Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng nói, chỉ trong xã hội xã hội chủ nghĩa mới có thi đua yêu nước; trong xã hội tư bản chỉ có cạnh tranh khốc liệt, vì nhân dân lao động trong xã hội tư bản “không dại gì” (chữ dùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh - TG) thi đua để cho giai cấp tư sản bóc lột mình nặng nề hơn, thậm tệ hơn.

Trên thực tế, trong xã hội tư bản không có thi đua, không có ý niệm về sự thi đua và cũng không có các hình thức thi đua giữa những người lao động, giữa những doanh nghiệp, giữa những nhà tư bản với nhau mà chỉ có ý niệm về sự cạnh tranh và các hoạt động cạnh tranh để tồn tại. Khái niệm “cạnh tranh” là khái niệm cơ bản trong lý luận kinh tế tư bản chủ nghĩa, được chủ nghĩa tư bản sử dụng rộng rãi trong hoạt động kinh tế (sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, thương mại…) và trong đời sống xã hội. Sự cạnh tranh dưới chủ nghĩa tư bản (cho dù là chủ nghĩa tư bản cổ điển hay chủ nghĩa tư bản hiện đại), về bản chất hoàn toàn khác với thi đua dưới chủ nghĩa xã hội cả về mục tiêu, động lực, nội dung, hình thức, biện pháp.

Thi đua yêu nước trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay là sự tiếp tục và phát triển của thi đua yêu nước trong các giai đoạn cách mạng trước đây do Đảng và Nhà nước ta phát động, tổ chức triển khai thực hiện. Do vậy, nó mang bản chất của thi đua xã hội chủ nghĩa. Bản chất đó được xem xét trên các phương diện: phương diện chính trị - xã hội, phương diện tâm lý xã hội và nhân cách; phương diện lợi ích.

Về phương diện chính trị - xã hội, thi đua yêu nước trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay là sự thể hiện một cách sinh động và cụ thể của tinh thần yêu nước của các tầng lớp nhân dân Việt Nam trong điều kiện mới. Bởi vì, thi đua lao động tốt, chiến đấu giỏi, học tập, công tác tốt là cách yêu nước tích cực và thiết thực nhất của mỗi công dân. Thể hiện trước hết và tập trung nhất của thi đua yêu nước ngày nay là quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng đất nước Việt Nam ngày một giàu mạnh, kinh tế phát triển, xã hội ổn định, quốc phòng, an ninh vững mạnh để bảo vệ độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa; là làm cho “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”, sớm đưa nước ta thoát khỏi nước nghèo, chậm phát triển, trở thành một nước công nghiệp hoá, hiện đại hoá sánh vai các nước phát triển trên thế giới.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: “Thi đua là yêu nước”. Luận điểm nổi tiếng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước đến nay vẫn giữ nguyên giá trị. Trên thực tế, những ai tích cực, hăng hái thi đua thì người đó mới là yêu nước nhất. Nếu không hăng hái thi đua để làm cho đất nước mau chóng thoát nghèo, mau chóng phát triển, độc lập ngày càng được giữ vững, nhân dân ngày càng được ấm no, hạnh phúc; nếu thờ ơ, đứng ngoài cuộc các phong trào thi đua lao động, sản xuất, chiến đấu, học tập, công tác, rèn luyện của đất nước, của cơ quan đơn vị…thì không thể nói là yêu nước được. Một trong những tiêu chí quan trọng để xem xét tinh thần yêu nước hiện nay của mỗi người, mỗi tổ chức là sự tham gia tích cực, có hiệu quả của họ vào các phong trào thi đua.

Thi đua yêu nước xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, trong bản chất của nó, có khả năng cải tạo và xây dựng con người mới, con người Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Đây cũng là điểm khác biệt về bản chất giữa thi đua yêu nước dưới chủ nghĩa xã hội với cạnh tranh dưới chủ nghĩa tư bản. Cạnh tranh dưới chủ nghĩa tư bản làm huỷ hoại nhân cách con người, tha hoá bản chất con người; còn thi đua dưới chủ nghĩa xã hội làm phát triển các phẩm chất người của con người, đưa con người ngày càng tiến tới sự hoàn thiện về mọi mặt.

Về phương diện tâm lý xã hội và nhân cách, thi đua yêu nước phản ánh quy luật tâm lý của con người là luôn muốn không ngừng phấn đấu, tranh đấu để vươn lên, khẳng định uy tín và vị thế xã hội của họ trong cuộc sống so với người khác, khẳng định “cái tôi” vượt trội so với người khác. Trong bản tính mỗi con người đều chứa đựng các yếu tố mầm mống của sự thi đua. Tuy nhiên, do bị quy định bởi các điều kiện kinh tế, xã hội, chính trị, tư tưởng khác nhau mà các yếu tố mầm mống đó phát triển theo các khuynh hướng khác nhau. Dưới các chế độ bóc lột, chúng phát triển thành sự cạnh tranh để tồn tại và vươn lên; dưới chế độ xã hội chủ nghĩa, chúng phát triển thành sự thi đua vì mục tiêu chung cao cả. Sách Từ điển chủ nghĩa cộng sản khoa học viết: “Dưới hình thức này hay hình thức khác, thi đua là yếu tố vốn có của bất kỳ một hoạt động chung nào của con người…Dưới chủ nghĩa tư bản, thi đua biểu hiện thành cạnh tranh trong cuộc chạy đua tìm kiếm lợi nhuận nhiều hơn”(2) .

Khi phân tích quá trình hiệp tác lao động xã hội, C.Mác, đã phát hiện ra đặc điểm tâm lý thi đua của con người trong lao động và giao tiếp. Theo Mác, thi đua là một hiện tượng xã hội; thi đua nảy sinh cùng quá trình tổ chức và phân công lao động xã hội. Ông viết:“…ngay sự tiếp xúc xã hội cũng đã đẻ ra thi đua, cũng kích thích nguyên khí (ani - mal spirit) làm tăng năng suất cá nhân của từng người riêng rẽ… Đó là vì con người ta, do bản tính, nếu không phải là động vật chính trị như A-ri-xtốt nói, thì dầu sao cũng là một động vật xã hội”(3). Mác cũng đã sử dụng khái niệm “tinh thần thi đua”(4) để nói về tâm lý thi đua giữa những người lao động trong quá trình hợp tác.

Về phương diện lợi ích, bản chất của thi đua yêu nước hiện nay ở nước ta còn được thể hiện ở sự thống nhất ngày càng cao về mặt lợi ích giữa lợi ích chung và lợi ích riêng, giữa lợi ích quốc gia, dân tộc với lợi ích tập thể, lợi ích nhóm, cộng đồng, lợi ích cá nhân và gia đình. Đây là nét mới về mặt bản chất của thi đua hiện nay.

Trong các thời kỳ trước đây, do điều kiện lịch sử chi phối (chiến tranh giải phóng dân tộc, kinh tế đất nước còn khó khăn, cơ chế tập trung bao cấp còn nặng…) nên việc đảm bảo lợi ích chính đáng của cá nhân và gia đình người lao động chưa đầy đủ. Trước yêu cầu tối cao lúc bấy giờ là phải đánh đuổi đế quốc xâm lược, giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, cả dân tộc ta đều ra trận tuyến chống quân thù thì những yêu cầu về lợi ích cá nhân và gia đình của mỗi người quả là nhỏ bé và chưa thật gay gắt. Trong phong trào thi đua đánh giặc cứu nước, nhân dân ta sẵn sàng hy sinh lợi ích cá nhân, gia đình để góp phần làm nên chiến thắng của cả dân tộc. Đã có câu ca dao hiện đại thời chống Mỹ nói lên điều này: “Nhà tan cửa nát cũng ừ, quyết tâm đánh Mỹ, cực chừ, sướng sau”. Hầu như lúc bấy giờ, khí thế thi đua sản xuất và chiến đấu lên rất cao: ai cũng hăng hái thi đua giết giặc lập công, ai cũng hăng hái thi đua tăng năng suất lao động, chiến đấu giỏi, sản xuất giỏi, thực hiện “tay cày, tay súng, tay búa tay súng”. Tuy khó khăn, gian khổ, hy sinh mất mát nhưng nhân dân ta vẫn quyết tâm vượt qua, không so bì, tính toán thiệt hơn.

*    *

*

Ngày nay, tình hình và điều kiện đã khác. Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa mà chúng ta đang xây dựng chứa đựng nhiều yếu tố chi phối đến thi đua yêu nước; bên cạnh những yếu tố thuận lợi cũng đã nảy sinh nhiều vấn đề mới đặt ra đối với việc tổ chức và động viên thi đua, trong đó có vấn đề lợi ích. Bản chất xã hội chủ nghĩa của thi đua yêu nước trong giai đoạn hiện nay đòi hỏi Đảng và Nhà nước ta, các chủ thể của phong trào thi đua phải tính đến sự thống nhất và mâu thuẫn trong việc giải quyết các lợi ích; làm sao, trong mỗi mục tiêu của phong trào thi đua đều chứa đựng các khả năng giải quyết hài hoà các lợi ích giữa lợi ích quốc gia, dân tộc, giai cấp, toàn xã hội với lợi ích của từng tập thể, từng doanh nghiệp, từng nhóm xã hội, từng gia đình và từng cá nhân. Trong điều kiện Việt Nam hội nhập sâu vào kinh tế thế giới, mở rộng hợp tác và giao lưu quốc tế, vấn đề lợi ích càng trở nên cần thiết khi có yếu tố nước ngoài (ví dụ, lợi ích của các đối tác kinh tế, lợi ích của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, lợi ích của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài…) tham gia vào các quá trình thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Rõ ràng, bản chất thi đua yêu nước trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc giai đoạn hiện nay cũng có sự mở rộng và phát triển.

Trong điều kiện xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta hiện nay, một vấn đề mới về lý luận và thực tiễn thi đua đang đặt ra cần có sự nghiên cứu và nhận thức đúng. Đó là sự tồn tại khách quan hiện tượng thi đua hiện tượng cạnh tranh trong hoạt động kinh tế và trong các hoạt động của đời sống xã hội. Cũng đã có nhiều ý kiến chung quanh vấn đề này. Tuy nhiên, điều mà nhiều người thừa nhận là cạnh tranh ở nước ta hiện nay không đồng nghĩa với cạnh tranh trong xã hội tư bản. Cạnh tranh trong xã hội Việt Nam hiện nay, theo quan điểm của Đảng và Nhà nước ta, là sự “cạnh tranh lành mạnh” giữa những người sản xuất, kinh doanh dưới chế độ xã hội chủ nghĩa; là sự cạnh tranh cùng tồn tại và phát triển trong khuôn khổ luật pháp và đạo đức kinh doanh xã hội chủ nghĩa; được thực hiện trên cơ sở chế độ pháp luật xã hội chủ nghĩa, trên nền tảng chính trị, tư tưởng, đạo đức xã hội chủ nghĩa, truyền thống đạo đức và văn hoá của dân tộc Việt Nam. Có thể trong sản xuất kinh doanh, trong đời sống xã hội, cá nhân này, doanh nghiệp kia có một số hành vi cạnh tranh không lành mạnh, nhưng xét đến cùng, “cạnh tranh lành mạnh” trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta hiện nay vẫn mang bản chất xã hội chủ nghĩa. Bởi vì, bản chất xã hội của “cạnh tranh lành mạnh” ở nước ta hiện nay được quy định bởi bản chất chế độ kinh tế - xã hội và chế độ chính trị - xã hội của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Trên một ý nghĩa nào đó, “cạnh tranh lành mạnh” ở nước ta hiện nay cũng là một dạng mới của thi đua trong giai đoạn đầu của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Chính vì vậy, Đảng và Nhà nước ta khuyến khích mọi người dân Việt Nam làm giàu chính đáng, các doanh nghiệp, doanh nhân (cả doanh nghiệp, doanh nhân nhà nước và doanh nghiệp doanh nhân tư nhân), các tiểu chủ, người lao động trong các thành phần kinh tế cạnh tranh lành mạnh; động viên họ thi đua sản xuất, kinh doanh tốt, đúng pháp luật, vừa thoả mãn nhu cầu lợi ích của doanh nghiệp, của người lao động, vừa có điều kiện đóng góp ngày càng nhiều cho đất nước, cho xã hội, cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nghị quyết Đại hội IX của Đảng nhấn mạnh: “Tổ chức các phong trào nhân dân thi đua yêu nước, đoàn kết xây dựng cuộc sống mới ở khu dân cư, xây dựng đời sống văn hoá, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, gắn liền với các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, từng địa phương và từng địa bàn dân cư”(5) .

Hiện nay, phong trào thi đua yêu nước do Đảng và Nhà nước ta phát động không chỉ lan rộng trong các khối cơ quan đơn vị, doanh nghiệp Nhà nước mà còn ở trong khối doanh nghiệp tư nhân, trong các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh với nhiều hình thức khác nhau. Nhiều điển hình, tiên tiến mới trong phong trào thi đua yêu nước xuất hiện. Đảng và Nhà nước ta cũng đã công nhận nhiều Anh hùng lao động, Anh hùng lực lượng vũ trang, nhiều Đơn vị quyết thắng, nhiều Chiến sỹ thi đua thời kỳ đổi mới trong các thành phần kinh tế, trong các khối doanh nghiệp, trong các loại hình cơ quan, đơn vị, trong các tầng lớp nhân dân, không phân biệt “Nhà nước” hay “tư nhân”, ở trong nước hay ở nước ngoài. Điều đó chứng tỏ Đảng và Nhà nước ta đã có sự đổi mới nhận thức về thi đua yêu nước trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Nhận thức này là cơ sở để mở rộng và phát triển phong trào thi đua yêu nước rộng khắp trong xã hội, làm cho mọi người dân Việt Nam, ai ai cũng là đối tượng của phong trào thi đua; và ai ai cũng là chủ thể của phong trào thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ mới, điều mà Chủ tịch Hồ Chí Minh hằng mong muốn khi Người kêu gọi toàn dân tham gia “thi đua ái quốc”cách đây 60 năm về trước.
 

(1) V.I.Lênin, Toàn tập, Nxb Tiến bộ, Mát-xcơ-va, Tiếng Việt, 1976, tập 35, tr. 235
(2) Chủ nghĩa xã hội khoa học Từ điển, Nxb Tiến bộ, Mát-xcơ-va, Nxb Sự thật, Hà Nội,1986, Mục từ “ Thi đua xã hội chủ nghĩa”,tr.323
(3) C.Mác và Ph.Ăng-ghen, Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1993, Tập 23, tr.474
(4) Sđd, tr.478
(5) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr.131