1. Nhóm Đại sứ các nước thành viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thăm Xô-ma-li

Ngày 02-06-2008, Đại sứ các nước thành viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc bắt đầu chuyến công du 8 ngày tới 5 nước châu Phi - hiện đang là tâm điểm của các cuộc khủng hoảng và xung đột khu vực. Tại Xô-ma-li, phái đoàn làm việc với đại diện của Chính phủ liên bang quá độ (TFG) và đại diện của phe đối lập lưu vong Liên minh giải phóng mới Xô-ma-li (ARS). Chuyến thăm diễn ra ngay sau sự kiện máy bay của Tổng thống Xô-ma-li bị tấn công bằng súng cối tại sân bay Mô-ga-đi-si-ô (Mogadiscio). Từ năm 1991 đến nay, Xô-ma-li luôn chìm trong cuộc nội chiến đẫm máu. Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế, khu vực đã nhiều lần tìm cách ổn định tình hình tại đây nhưng không thành. Trong chuyến thăm của Nhóm Đại sứ các nước thành viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc lần này sẽ đưa ra cam kết tìm kiếm một giải pháp toàn diện và bền vững cho tình hình tại Xô-ma-li. Chuyến công du của đoàn sẽ kết thúc vào ngày 09-06-2008 tại Bờ Biển Ngà. Tại đây, đoàn sẽ gặp đại diện của các phe nhóm chính có liên quan tới việc thực hiện Hiệp định hòa bình Ua-ga-đu-gu (Ouagadougou) hướng tới cuộc bầu cử ngày 30-11-2008, nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng chính trị quân sự nổ ra từ năm 2002 tại quốc gia này.

2. Hội nghị thượng đỉnh về an ninh lương thực thế giới

Dự báo, từ năm 2008-2017, giá lúa mì, ngô,
có thể tăng tới 60% so với thời kỳ 1998-2007
Ngày 03-06-2008, Hội nghị thượng đỉnh về an ninh lương thực thế giới khai mạc tại Rô-ma, thủ đô I-ta-li-a, với sự tham gia của các nguyên thủ quốc gia 35 nước trên thế giới. Đây là hội nghị lớn nhất của các nhà lãnh đạo thế giới bàn giải pháp hỗ trợ các nước nghèo khi giá lương thực liên tục leo thang. Từ đầu năm 2007 đến nay, giá lương thực tăng 60%, gây tình hình căng thẳng ở hơn 30 quốc gia  vốn là những nước phụ thuộc vào nguồn lương thực nhập khẩu. Dự báo, từ năm 2008-2017, giá thịt bò, thịt lợn sẽ tăng khoảng 20% so với thời kỳ 1998-2007; giá sữa, lúa mì, ngô có thể tăng tới 60%; giá dầu thực vật tăng 80% v.v.. Năm 2007, các nước giàu đã cam kết viện trợ khẩn cấp 6,3 tỉ USD nhưng do chưa kèm theo các chính sách nhằm thúc đẩy sản xuất và tăng mạnh sản lượng lương thực sản xuất ra nên hiệu quả chưa cao. Hội nghị thượng đỉnh về an ninh lương thực thế giới năm 2008 kêu gọi các nước trợ giúp 1,7 tỉ USD để tài trợ cho các giải pháp nhằm tăng sản lượng lương thực. Theo các quan chức Liên hợp quốc, mỗi năm thế giới cần có thêm gần 3 tỉ USD viện trợ để giảm nhẹ cuộc khủng hoảng lương thực hiện nay, trong khi Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon đưa ra con số 20 tỉ. Tại hội nghị, Chương trình lương thực Liên hợp quốc (WFP) cam kết chi 1,2 tỉ USD viện trợ lương thực khẩn cấp cho năm 2008. Còn Ngân hàng Phát triển Hồi giáo cam kết viện trợ 1,5 tỉ USD.

3. Ông Ba-rắc Ô-ba-ma trở thành người đại diện cho Đảng Dân chủ tranh cử Tổng thống Mỹ

Cả hai "đối thủ" đã sẵn sàng trở thành
"đồng minh" trong "cuộc chiến"
cuối cùng với ứng cử viên của Đảng Cộng hoà
Ngày 03-06-2008, sau ngày diễn ra hai cuộc bầu cử sơ bộ cuối cùng tại bang Đa-cô-ta và Môn-ta-na, thượng nghị sĩ Ba-răc Ô-ba-ma tự tuyên bố trở thành người đại diện cho Đảng Dân chủ ra tranh cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11-2008. Bằng chiến thắng này, ông B.Ô-ba-ma trở thành người Mỹ gốc Phi đầu tiên trong lịch sử Hoa Kỳ đại diện cho một trong hai chính đảng của nước Mỹ trong cuộc đua vào Nhà Trắng. Bà Hi-la-ri Clin-tơn đã tiếp nhận lời đề nghị của ông B.Ô-ba-ma làm ứng cử viên liên danh với ông trong cuộc bầu cử tổng thống sắp tới. Đây là tín hiệu đầu tiên báo hiệu cả hai "đối thủ" đã sẵn sàng gác lại phía sau những lời qua, tiếng lại, công kích lẫn nhau trong các chiến dịch quảng cáo chính trị không mấy dễ chịu, để trở thành "đồng minh" trong "cuộc chiến" cuối cùng với ứng cử viên của Đảng Cộng hoà Giôn Mắc-kên. Trong bối cảnh nước Mỹ đang cần có sự thay đổi bởi sau hai nhiệm kỳ cầm quyền của Tổng thống Bu-sơ, nước Mỹ đang mất dần vị thế “lãnh đạo thế giới”, cùng với sai lầm trong “cuộc chiến toàn cầu chống khủng bố”, nền kinh tế lâm vào suy thoái, làm nhiều cử tri Mỹ cho rằng có thể bầu cho bất kỳ ai, nhưng không thể bỏ phiếu cho người của Tổng thống Bu-sơ. Với khẩu hiệu tranh cử “Hướng tới sự thay đổi” và sự liên danh với bà H.Clin-tơn, giới phân tích chinh trị quốc tế cho rằng, ông B.Ô-ba-ma sẽ có nhiều cơ hội hơn để lọt vào cánh cửa Nhà Trắng.

4. Quan hệ Nga - NATO trở nên căng thẳng

Ngày 03-06-2008, ông Giắc Đe Hốp Se-phơ (Jaap de Hoop Scheffer), Tổng thư ký NATO, đưa ra yêu cầu buộc Nga phải rút số binh sỹ mà Mát-xcơ-va vừa điều tới vùng Áp-kha-di-a với lý do “đây là lính kỹ thuật làm nhiệm vụ sửa chữa các tuyến đường sắt và giao thông khác bị hỏng”, vào cuối tuần trước. Ông Giắc Đe Hốp Se-phơ cho rằng, hành động của Nga điều thêm quân tới Ap-kha-di-a đang “làm cho tình hình thêm mất ổn định ở một khu vực vốn đã bất ổn này”; Nga và Gru-di-a cần nhanh chóng tiến hành đối thoại cấp cao để giảm bớt căng thẳng. Với hy vọng sớm gia nhập NATO, Gru-di-a đã cáo buộc các binh sỹ của Nga làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình đang ủng hộ “lực lượng ly khai ở Áp-kha-di-a. Căng thẳng leo thang kể từ khi Mát-xcơ-va tuyên bố hồi tháng 04-2008 rằng, Nga sẽ thiết lập quan hệ chính thức với Áp-kha-di-a, sau khi EU công nhận Cô-xô-vô. Nhiều người ở Áp-kha-di-a tin rằng, tuyên bố độc lập của Cô-xô-vô là tiền lệ để họ cũng phải được công nhận là một nhà nước độc lập. Đến nay, Áp-kha-di-a có chính phủ, quân đội và cảnh sát riêng, có “quốc kỳ” và phát hành cả tem thư riêng nhưng vẫn chưa được quốc tế công nhận.

5. Tổng thống Nga thăm Đức

Tổng thống Liên bang Nga Đ.Mét-vê-đép
thăm chính thức CHLB Đức
Ngày 05-06-2008, Tổng thống Liên bang Nga Đ.Mét-vê-đép bắt đầu chuyến thăm chính thức Cộng hoà Liên bang Đức và là chuyến thăm châu Âu đầu tiên trên cương vị Tổng thống Nga, nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai nước trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực năng lượng. Tuy nhiên, nội dung của chuyến thăm này không chỉ giới hạn trong khuôn khổ quan hệ hai bên. Tổng thống Đ.Mét-vê-đép đã hội đàm với các nhà lãnh đạo nước chủ nhà như Thủ tướng An-giê-la Méc-ken và Tổng thống Hô-xtơ Khuê-lơ về quan hệ song phương. Trọng tâm trong cuộc hội đàm giữa Tổng thống Mét-vê-đép và Thủ tướng Méc-ken là hợp tác giữa Nga và Đức trong vấn đề năng lượng; quan hệ giữa Nga và Liên minh châu Âu (EU); các vấn đề ổn định chiến lược và an ninh. Ngoài ra, hai bên thảo luận về tình hình tại Cô-xô-vô, Áp-ga-ni-xtan, việc chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh G-8 sắp tới tại Nhật Bản. Rất nhiều nhà báo các nước trên thế giới tới dự cuộc họp báo ở Béc-lin để nghe chính Tổng thống Đ.Mét-vê-đép nói về chính sách đối ngoại của Nga. Tuy nhiên, Tổng thống Đ.Mét-vê-đép không đưa ra cương lĩnh của ông trong chính sách đối ngoại mà chỉ đề xuất những ý tưởng lớn nhằm xây dựng một trật tự an ninh chung ở châu Âu và thế giới, trong đó, ông đề nghị tổ chức Hội nghị an ninh chung với sự tham gia của đại diện tất cả các nước châu Âu. Tổng thống Đ.Mét-vê-đép cũng tuyên bố rằng, sự mở rộng NATO tới sát biên giớí Nga đang đe doa lợi ích an ninh của Nga.

6. Thoả ước bí mật giữa Mỹ và I-rắc

Báo Anh “The Independent” tiết lộ hôm 05-06-2008, đại diện của Mỹ và I-rắc đang đàm phán ở thủ đô Bát-đa về một thoả ước cho phép quân đội Mỹ chiếm đóng I-rắc vô thời hạn, bất chấp kết quả cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11-2008 sẽ ra sao. Cũng theo “The Independent”, thoả thuận bí mật bị rò rỉ thông tin này giống như một “quả bom chính trị” sẽ bùng nổ ở I-rắc. Các quan chức trong chính phủ I-rắc sợ rằng, thỏa ước này sẽ cho phép quân Mỹ chiếm đóng lâu dài các căn cứ ở I-rắc, tiến hành các chiến dịch quân sự, bắt giữ người I-rắc và được hưởng quyền miễn trừ trước luật pháp của I-rắc, từ đó sẽ ảnh hưởng xấu đến vị thế của quốc gia này ở Trung Đông và tạo tiền đề cho các cuộc xung đột không bao giờ kết thúc tại đây. Theo những điều khoản của thỏa ước, Mỹ sẽ duy trì hơn 50 căn cứ quân sự ở I-rắc. Thoả ước cho phép Mỹ đóng quân lâu dài tại I-rắc sẽ được đưa ra vào thời điểm thích hợp nhằm vô hiệu hoá các cam kết của ứng cử viên Đảng Dân chủ B.Ô-ba-ma về kế hoạch rút quân sớm khỏi I-rắc nếu ông được bầu làm Tổng thống Mỹ vào tháng 11-2008. Nếu như thỏa ước này được ký kết, nhiều lợi thế sẽ nghiêng về ông Giôn Mắc-kên, ứng cử viên của Đảng Cộng hòa, giành số phiếu cao của cử tri Mỹ bởi ông đã từng tuyên bố trong chiến dịch tranh cử vừa qua rằng “Mỹ sắp giành thêm một chiến thắng ở I-rắc”. Hiện tại, Mỹ đang duy trì 151.000 binh lính đóng quân tại I-rắc.

7. Diễn đàn kinh tế thế giới năm 2008

Ngày 07-06-2008, Diễn đàn kinh tế thế giới nhóm họp tại Xanh-pê-téc-bua (Nga) với sự tham gia của các doanh nhân, chuyên gia kinh tế và nguyên thủ nhiều quốc gia trên thế giới. Phát biểu tại Diễn đàn này, Tổng thống Nga Đ.Mét-ve-đép nhận xét, các cuộc khủng hoảng tài chính và lương thực đang diễn ra vào lúc này và hàng loạt thảm họa có tính toàn cầu chứng tỏ hệ thống các thể chế quản lý toàn cầu đang tồn tại không thể đối phó với các nguy cơ và thách thức đang đặt ra trước nhân loại. Trên thế giới đang tồn tại khoảng trống của các thể chế có thể giúp loài người đưa ra được các giải pháp cho những vấn đề cụ thể bức xúc hôm nay. Ông Đ.Mét-vê-đép nhận định, trật tự thế giới đơn cực với Mỹ là siêu cường duy nhất đã chứng tỏ sự bất lực. Một nước, dù là mạnh nhất và giàu nhất, cũng không thể nào đảm đương được vai trò của một "nhà nước thế giới". Dù thị trường của Mỹ có lớn đến mấy, hệ thống tài chính của Mỹ có tin cậy đến bao nhiêu, thì Mỹ cũng không thể thay thế được vai trò của thị trường hàng hoá và tài chính toàn cầu. Cùng với các biến chuyển quan trọng những năm gần đây, nhiều chuyên gia phân tích chính trị cho rằng, thế giới đang tiến dần tới một trật tự thế giới mới khác hẳn trật tự thế giới đơn cực sau "chiến tranh lạnh", trong đó, không ít "quân cờ" trên "bàn cờ" chính trị quốc tế có khả năng "chiếu tướng" vị thế của Mỹ.

8. Một vụ bắt bớ chưa từng có ở Băng-la-đét

Trong tuần vừa qua có ít nhất 10.000 người bị bắt giữ ở Băng-la-đét (Bangladesh) trong một chiến dịch trấn áp tội phạm lớn của nước này. Cảnh sát trưởng Băng-la-đét, ông Nô Mô-ha-mát (Nur Mohammad) khẳng định, chiến dịch này dự tính sẽ kéo dài 1 tháng nhằm tăng cường an ninh ở Băng-la-đét trước khi quốc gia này quay trở lại nền dân chủ thông qua bầu cử sẽ diễn ra vào cuối năm 2008. Cảnh sát trưởng Nô Mô-ha-mát cũng bác bỏ lời khiếu nại từ các đảng chính trị quan trọng đang hoạt động ở Băng-la-đét cho rằng, những người bị bắt là những người đã bị loại khỏi chính phủ được quân đội hậu thuẫn, hoặc là các thành viên và những người ủng hộ các đảng phái trên. Ông Nô Mô-ha-mát khẳng định: không có động cơ chính trị nào đằng sau các vụ bắt người này và họ chỉ bắt người khi có những lý do cụ thể, xác đáng. Rất nhiều trong số đó là những kẻ buôn lậu hoặc sở hữu trái phép các loại vũ khí.

9. Ốt-xtrây-li-a rút quân khỏi I-rắc

Đương kim Thủ tướng Ốt-xtrây-li-a,
ông Ken-vin Rút thực hiện
lời cam kết đưa ra trong chiến dịch vận động tranh cử
một đồng minh trung thành của Mỹ và là một trong những nước đầu tiên đưa quân đến tham chiến ở I-rắc cách đây 5 năm, Ốt-xtrây-li-a tuyên bố chấm dứt hoạt động chiến đấu tại đây từ đầu tháng 06-2008. Quốc kỳ Ốt-xtrây-li-a treo ở doanh trại Tê-ren-đắc(Terendak), thành phố Ta-li (Talil), miền nam I-rắc, đã được hạ xuống. Theo kế hoạch, Ốt-xtrây-li-a sẽ rút hết số lính chiến về nước trong vài tuần tới. Những người đầu tiên trong số này đã trở về Ốt-xtrây-li-a ngày 08-06-2008. Hành động này của Ốt-xtrây-li-a là nhằm thực hiện lời hứa của đương kim Thủ tướng Ốt-xtrây-li-a, ông Ken-vin Rút (Kevin Rudd) đưa ra trong chiến dịch vận động tranh cử. Ông Ken-vin Rút đã đắc cử ghế người đứng đầu nội các Ốt-xtrây-li-a hồi tháng 11-2007 chủ yếu là nhờ cam kết sẽ đưa 500 lính chiến Ốt-xtrây-li-a về nước vào khoảng giữa năm 2008. Theo ông Ken-vin Rút, việc Ốt-xtrây-li-a triển khai quân ở I-rắc sẽ gia tăng khả năng đất nước của ông trở thành một mục tiêu tấn công của bọn khủng bố. Ốt-xtrây-li-a sẽ duy trì khoảng 300 quân ở I-rắc để làm các nhiệm vụ giám sát trên không, hậu cần, bảo vệ các nhà ngoại giao và các quan chức Ốt-xtrây-li-a ở Bát-đa. Ngoài ra, còn có 500 lính Ốt-xtrây-li-a sẽ tiếp tục đồn trú trong khu vực, trong đó có 200 lĩnh thủy trên tàu chiến HMAS Stuart ở Vùng Vịnh. Ốt-xtrây-li-a còn để lại 2 trực thăng giám sát trên biển.

10. Hội nghị Bộ trưởng Năng lượng các nước G-8 và các nền kinh tế mới nổi lên ở châu Á

Hội nghị được tổ chức ở Nhật Bản ngày 08-06-2008. Hội nghị đưa đưa ra cam kết ngăn chặn giá năng lượng leo thang bằng cách tăng cường hiệu quả sử dụng năng lượng cũng như đầu tư nhiều hơn vào công nghệ mới. Hội nghị cũng kêu gọi các nước sản xuất dầu mỏ gia tăng sản lượng. Các bộ trưởng năng lượng G-8 cùng với Trung Quốc, Ấn Độ và Hàn Quốc bày tỏ lo ngại về giá dầu leo thang tới mức kỷ lục. Họ cho rằng, cả nước sản xuất lẫn tiêu dùng sẽ thu lợi khi thị trường ổn định hơn. Giá dầu tăng mạnh có thể làm kinh tế thế giới rơi vào suy thoái. Các bộ trưởng đã bàn về cách đa dạng hóa các nguồn năng lượng để kiểm soát nhu cầu dầu mỏ gia tăng và ngăn chặn quá trình thải khí nhà kính làm trái đất ấm lên; thúc đẩy đầu tư mạnh mẽ vào các công nghệ năng lượng tái tạo và năng lượng thay thế khác, phát triển các loại tài nguyên hy-đrô-cac-bon truyền thống. Các nước G-8, gồm Mỹ, Nga, Nhật Bản, Đức, Pháp, I-ta-li-a, Ca-na-đa và Anh đã đề ra các biện pháp cắt giảm sự phụ thuộc vào dầu mỏ. Trong tuyên bố chung, họ cam kết tiến hành 20 dự án thử nghiệm vào năm 2010 để thu gom và chứa khí cac-bon. Tuyên bố chung kêu gọi áp dụng các biện pháp đảm bảo an toàn và an ninh cho các nguyên liệu hạt nhân. Nhiều quốc gia cho biết họ quan tâm tới việc xây dựng các lò phản ứng mới. Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) ước tính thế giới sẽ phải xây dựng 32 nhà máy điện hạt nhân mới mỗi năm từ này cho tới 2050 nhằm cắt giảm 50% phát thải khí nhà kính./.