Đảng Nước Nga thống nhất: Quá trình phát triển và những thành công
Đảng Nước Nga thống nhất (ER) là một trong rất nhiều đảng phái chính trị khác nhau ở nước Nga hiện nay và đang giành được sự tín nhiệm cao nhất trong Đu-ma quốc gia Nga cũng như của người dân Nga, đặc biệt với vị trí Chủ tịch Đảng do Thủ tướng V.Pu-tin đảm nhiệm.
Quá trình phát triển
Với chính sách cải tổ của M.Goóc-ba-chốp, hàng loạt đảng phái chính trị lớn nhỏ khác nhau đã ra đời theo kiểu "nấm mọc sau mưa" ở Liên Xô và sau đó là ở Nga thời Tổng thống B. En-xin. Việc cải tổ hệ thống chính trị một đảng duy nhất cầm quyền bằng hệ thống chính trị đa đảng theo kiểu tự phát, cùng với việc xuất hiện quá nhiều đảng phái chính trị tranh giành quyền lực là những nguyên nhân dẫn tới sự sụp đổ của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô, đến tình trạng khủng hoảng chính trị - xã hội trầm trọng, kéo dài ở nước Nga thời "hậu Xô viết" (1991 - 1999).
Trong bối cảnh ấy, sau khi được chuyển giao chức vị tổng thống vào tháng 12-1999, ông V. Pu-tin đã hạ quyết tâm đưa nước Nga thoát khỏi cuộc suy thoái, khủng hoảng toàn diện, trong đó có khủng hoảng chính trị - xã hội. Mặc dù vẫn chủ trương giữ nguyên thiết chế chính trị đa đảng ở Nga, song Tổng thống V. Pu-tin muốn hệ thống chính trị đa đảng được điều tiết một cách chặt chẽ, hoạt động hiệu quả hơn theo những nguyên tắc nhất định. Một trong những bước đi đầu tiên của ông là chấn chỉnh, cải cách hệ thống chính trị thông qua hạn chế số lượng chính đảng hiện đang hoạt động quá nhiều trên chính trường Nga lúc bấy giờ; xây dựng hệ thống chính trị đa đảng theo cách tăng cường sức mạnh, vai trò và ảnh hưởng cho các đảng lớn, trong số này, có các đảng đối lập đủ mạnh, chiếm số ghế nhất định trong Đu-ma quốc gia Nga; đặc biệt, một trong những đảng ấy sẽ là đảng "thân chính quyền" hoặc "của chính quyền", đóng vai trò hậu thuẫn, ủng hộ đường hướng, kế hoạch phát triển đất nước của chính quyền nói chung, của Tổng thống nói riêng.
Với mục tiêu đó, Đảng Nước Nga thống nhất (ER) đã chính thức được thành lập vào tháng 4-2001, trên cơ sở sáp nhập hai đảng đang có ảnh hưởng khá lớn lúc bấy giờ là Đảng Tổ quốc - Toàn Nga và Đảng Thống nhất. Đây là những đảng trước đó từng có sự thay đổi, sáp nhập, với những lãnh tụ đứng đầu có tên tuổi, uy tín lớn như E. Pri-ma-cốp (nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, nguyên Thủ tướng chính phủ), I. Lu-dơ-cốp (Thị trưởng Mát-xcơ-va), S.Sôi-gu (Bộ trưởng các vấn đề khẩn cấp),... Tại Đại hội hợp nhất các đảng trên, các nhà lãnh đạo như S. Sôi-gu, I. Lu-dơ-cốp và M. Sai-mi-ép được bầu vào Hội đồng tối cao (cơ quan đầu não của Đảng) với tư cách là đồng Chủ tịch Đảng. Thủ lĩnh chính thức của Đảng lúc bấy giờ là A. Bê-pa-lốp.
Tuy nhiên, trong những năm đầu, Đảng ER rơi vào tình trạng trì trệ, hoạt động cầm chừng, tình hình nội bộ đảng lộn xộn, số đảng viên mới tăng không đáng kể, dẫn đến sự suy giảm uy tín và có nguy cơ bị thất bại trong cuộc bầu cử vào Đu-ma quốc gia khóa IV (năm 2003). Đứng trước thực tế đó, giới lãnh đạo của Đảng ER nhận thấy sự cần thiết lựa chọn một gương mặt khác sáng giá hơn giữ chức chủ tịch đảng. Theo gợi ý của Văn phòng Tổng thống, ông B. Grư-dơ-lốp - nguyên Bộ trưởng Bộ Nội vụ trong nội các của Tổng thống V. Pu-tin, đã được Đảng ER lựa chọn. Ông B. Grư-dơ-lốp vốn là một chính trị gia có bản lĩnh chính trị vững vàng, có khả năng làm việc tập thể, luôn ủng hộ đường lối của Tổng thống V. Pu-tin. Động thái đầu tiên khi ông B. Grư-dơ-lốp nhậm chức là sắp xếp lại nhân sự của Đảng ER, nhanh chóng đưa Đảng ER thoát khỏi tình trạng trì trệ. Đầu năm 2003, Đảng ER tổ chức Đại hội Đảng lần thứ II trước thời hạn, tái củng cố đội ngũ lãnh đạo, thông qua Cương lĩnh mới và Điều lệ sửa đổi của Đảng. Văn kiện Đại hội Đảng ER lần này nêu rõ: "Với sự thành lập Đảng Nước Nga thống nhất, trên chính trường và trong xã hội, nước Nga bắt đầu hình thành một "đa số mới". Chính "đa số mới" này sẽ trở thành bộ phận nòng cốt để thực hiện những đường hướng cơ bản mà Tổng thống V. Pu-tin đã vạch ra".
Những thành tựu đạt được
Có thể nói, bước phát triển và thành công thật sự của Đảng ER bắt đầu từ giai đoạn này. Lần đầu tiên trên chính trường Nga, chính quyền hành pháp và cơ quan lập pháp có được sự hợp tác - điều kiện quan trọng nhằm bảo đảm sự bình ổn chính trị trong nước, điều mà người dân Nga mong đợi. Đây cũng là nhân tố quan trọng đưa Đảng ER giành được 37% số phiếu trong cuộc bầu cử vào Đu-ma quốc gia khóa IV. Đến tháng 1-2005, Đảng ER đã có được 305 ghế trong tổng số 450 ghế đại biểu Đu-ma quốc gia, 178 ghế tại Hội đồng Liên bang Nga. Trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2004, Đảng ER đã hậu thuẫn mạnh mẽ cho Tổng thống V. Pu-tin tái đắc cử nhiệm kỳ thứ hai với thành công vang dội.
Với đà phát triển trên, Đảng ER tiếp tục giành thắng lợi trong cuộc bầu cử Đu-ma quốc gia khóa V (tháng 12-2007). Cuộc bầu cử này được coi là có những bước "đột phá" mới. Bởi vì: Thứ nhất, đây là cuộc bầu cử Đu-ma quốc gia đầu tiên lựa chọn 450 đại biểu trúng cử theo danh sách của các đảng tham gia tranh cử (trước đó, Đu-ma quốc gia Nga từ khóa I đến khóa IV lấy số đại biểu theo 2 cách: một nửa (225 ghế) theo danh sách các chính đảng tranh cử, nửa còn lại (225 ghế) theo kết quả bầu cử ở các khu vực bầu cử); Thứ hai, chỉ những đảng giành được ít nhất 7% số phiếu bầu của cử tri mới được tham gia vào Đu-ma quốc gia (trước đây là 5% số phiếu); Thứ ba, Tổng thống V. Pu-tin đứng đầu danh sách tranh cử của Đảng ER, cho dù ông không phải là đảng viên của Đảng này (đây là sự kiện chưa từng có tiền lệ trong lịch sử chính trị thế giới). Những thay đổi này đều nằm trong đường hướng xây dựng nền chính trị nước Nga của Tổng thống V. Pu-tin nhằm hình thành các đảng đối lập đủ mạnh để tăng cường tính cạnh tranh.
Kết quả là, trong số 35 đảng đăng ký tranh cử vào Đu-ma quốc gia khóa V, Ủy ban bầu cử trung ương Nga chỉ phê chuẩn cho 11 đảng tham gia tranh cử. Số đảng còn lại không được tham gia do không hội đủ số thành viên, không đủ đại diện trên toàn quốc, hoặc có quá nhiều chữ ký không hợp lệ trong hồ sơ tranh cử... Ngày 8-12-2007, Ủy ban bầu cử trung ương Nga đã chính thức công bố kết quả bầu cử Đu-ma quốc gia khóa V, trong đó có tới 7 đảng không hội đủ 7% số phiếu bầu và có 4 đảng được phê chuẩn.
Với kết quả này, trong cuộc họp đầu tiên của Đu-ma khóa mới (tháng 12-2007), Chủ tịch của Đảng ER - ông B. Grư-dơ-lốp - đã được bầu làm Chủ tịch Đu-ma quốc gia Nga khóa V với số phiếu áp đảo. Đây là chiến thắng vang dội nhất của cả Đảng ER lẫn của Tổng thống V. Pu-tin và không nằm ngoài dự đoán của giới phân tích.
Đảng Nước Nga thống nhất hiện có gần 2 triệu đảng viên, 2.597 tổ chức ở các địa phương, 53.740 chi bộ đảng trên toàn nước Nga. Đáng chú ý, trong Đảng ER, số đảng viên nữ chiếm số đông (60,3%). Về trình độ học vấn, có 39% đảng viên có trình độ đại học và trên đại học, 32,8% - trung học chuyên nghiệp; 17,4% - trung học…Về vị trí xã hội, 59% đảng viên của Đảng làm việc trong các cơ quan nhà nước; 17,6% - công nhân; 3,8% - cán bộ quản lý… Về độ tuổi, tỷ lệ đảng viên ở các độ tuổi khác nhau từ trẻ đến trung niên khá đồng đều. Đảng viên của Đảng ER phần lớn thuộc tầng lớp trí thức, những người trung niên, giới trung lưu... Đặc biệt, Đảng ER giành được sự ủng hộ rất cao của đông đảo thanh niên Nga.
Đảng ER đã tiến hành sửa đổi một số quy chế của Đảng. Theo đó, chức Chủ tịch Đảng được thiết lập, và Chủ tịch Đảng không nhất thiết phải là đảng viên của Đảng. Bên cạnh chức Chủ tịch Đảng, Đảng ER vẫn duy trì chức Chủ tịch Hội đồng tối cao. Đây là một trong những chủ trương đã có từ trước của Đảng ER nhằm thúc đẩy sự liên kết bền chặt hơn nữa giữa Tổng thống V. Pu-tin và Đảng ER. Ngày 7-4-2008, Tổng thống V. Pu-tin đã chấp nhận lời mời của Đảng ER đảm nhiệm chức Chủ tịch Đảng. Kết quả là trong Đại hội lần thứ IX của Đảng ER họp vào giữa tháng 4-2008, Tổng thống V. Pu-tin đã được bầu làm Chủ tịch Đảng, trở thành người lãnh đạo cao nhất của Đảng ER, tuy ông không phải là thành viên của Đảng. Trong bầu không khí long trọng của Đại hội Đảng ER, Tổng thống V. Pu-tin tuyên bố: "Tôi chấp nhận lời mời của Đảng, sẵn sàng gánh vác trách nhiệm lãnh đạo Đảng". Cùng theo đó, Tổng thống V. Pu-tin đã trình bày chương trình hành động với một loạt những kế hoạch cải cách Đảng, cụ thể là:
- Đảng ER cần cởi mở hơn trong đối thoại, tranh luận, thông qua việc học cách lắng nghe và nhìn nhận những ý kiến trái chiều của cử tri Nga;
- Xóa bỏ hoàn toàn nạn quan liêu và khai trừ khỏi Đảng những nhân vật hoạt động trong Đảng chỉ vì lợi ích cá nhân;
- Phối hợp thường xuyên, liên kết chặt chẽ hơn với tầng lớp thanh niên, trí thức, doanh nhân, công nhân và nông dân.
Với trọng trách là Chủ tịch Đảng ER, Tổng thống V. Pu-tin hướng tới quản lý hiệu quả hoạt động của Đảng, cải tổ Đảng ER thực sự trở thành một tổ chức chính trị mạnh hơn, hoạt động hiệu quả hơn, cải thiện nhiều hơn hình ảnh của Đảng ER trong con mắt cử tri.
Ngày 8-5-2008, Đu-ma quốc gia do Đảng ER chiếm đa số (hơn 2/3 số ghế) đã bỏ phiếu phê chuẩn đề nghị của tân Tổng thống Đ. Mét-vê-đép về việc đề cử Tổng thống mãn nhiệm V. Pu-tin vào chức vụ Thủ tướng chính phủ với số phiếu ủng hộ cao: 81,7% (392/448 đại biểu Đu-ma có mặt). Đây là lần đầu tiên trên chính trường Nga có sự hoán đổi quyền lực tối cao chưa từng có trong lịch sử.
Nguyên nhân thắng lợi
Với những bước phát triển nhanh chóng và vượt bậc như trên, trong số 186 đảng phái đang hoạt động ở Nga hiện nay, Đảng ER đang là đảng mạnh nhất, có nhiều ảnh hưởng nhất trong đời sống chính trị nước Nga. Hiện nay, ngoài việc chiếm đa số áp đảo trong Đu-ma quốc gia, Đảng ER còn chiếm đa số (178 ghế) trong Hội đồng Liên bang và trong cơ quan hành pháp (73/85 ghế Thống đốc). Có thể xem Đảng ER là đảng của những người đi theo chủ nghĩa quốc gia trên một số vấn đề quốc tế, nêu cao lòng tự hào về dân tộc và về những thành tựu của Liên Xô trước đây (cho dù họ không phải là những người cộng sản).
Trong vòng 7 năm qua, Đảng ER có được những thắng lợi như vậy là do:
Trước hết, Đảng ER đã xây dựng được cơ sở xã hội khá vững chắc và rộng rãi để đứng vững và tạo dựng lòng tin của cử tri Nga trong bối cảnh quốc tế phức tạp, nhất là khi nước Nga đang còn đứng trước nhiều vấn đề nội trị và ngoại giao phải vượt qua.
Hai là, Đảng ER có được sự ủng hộ to lớn và nhiều mặt của chính quyền. Nói cách khác, những bước phát triển hay thành công của Đảng ER gắn liền với những thành công vang dội trong 8 năm cầm quyền của Tổng thống V. Pu-tin. Nếu Tổng thống V. Pu-tin trong hai nhiệm kỳ của mình, có một chỗ dựa, một lực lượng chính trị mạnh trên chính trường làm hậu thuẫn nhằm chấn hưng đất nước, thì Đảng ER có được sự ủng hộ và uy tín của Tổng thống để nâng cao vai trò, vị trí của Đảng trong đời sống chính trị nước Nga. Tổng thống V. Pu-tin đã nói với cử tri trước cuộc bầu cử Đu-ma quốc gia khóa V rằng, bầu cho Đảng ER có ý nghĩa quyết định đối với việc duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng, cũng như sức mạnh trở lại của nước Nga trên trường quốc tế. Kết quả của việc Tổng thống V. Pu-tin đứng đầu danh sách đề cử của Đảng ER, với khẩu hiệu tranh cử của Đảng là "Sát cánh bên nhau, chúng ta cùng thắng!" đã thu hút thêm rất nhiều lá phiếu của cử tri Nga. Như chính Chủ tịch Đảng B. Grư-dơ-lốp phát biểu sau bầu cử, kết quả cuộc bầu cử Đu-ma khóa V là tín hiệu từ cử tri Nga muốn thấy vị Tổng thống mà họ yêu mến và kính trọng tiếp tục có vai trò trên chính trường Nga, muốn những chính sách của ông tiếp tục được thực hiện...
Tóm lại, lịch sử ra đời và phát triển của Đảng ER mới chỉ 7 năm ngắn ngủi - một quãng thời gian chưa thực đủ để đánh giá về những thành công hay chưa thành công (hoặc thất bại) của một chính đảng trên một chính trường vốn chứa đầy biến cố như ở Nga. Tuy nhiên, những chiến thắng mà Đảng ER đạt được cũng chính là thành quả của đường lối đối ngoại và đối nội mà Tổng thống V. Pu-tin đã theo đuổi trong 8 năm cầm quyền./.
Phát huy vốn xã hội trong bảo vệ môi trường  (09/06/2008)
Đẩy mạnh cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng cả nước thành một xã hội học tập  (09/06/2008)
Cải cách tài chính công ở Việt Nam hiện nay  (09/06/2008)
Phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và thực hiện chính sách an sinh xã hội ở nước ta  (09/06/2008)
- Hoàn thiện hệ thống chính sách hỗ trợ và thúc đẩy đổi mới sáng tạo đối với doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội
- Một số vấn đề cơ bản về phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực nhà nước trong xây dựng nhà nước pháp quyền
- Việt Nam chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, thúc đẩy đối ngoại quốc phòng, góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa bằng các biện pháp hòa bình
- Tỉnh Quảng Nam tích cực chuẩn bị tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2025 - 2030
- Thúc đẩy quá trình cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên