Khai mạc trọng thể Hội nghị cấp cao ASEAN-16
08:24, ngày 09-04-2010
Chiều 8-4, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch ASEAN 2010, đã chính thức tuyên bố khai mạc Hội nghị cấp cao (HNCC) Hiệp hội các quốc gia Ðông - Nam Á lần thứ 16 (ASEAN-16) với chủ đề "Hướng tới Cộng đồng ASEAN: Từ tầm nhìn tới hành động".
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch ASEAN 2010, đã nồng nhiệt chào đón Quốc vương Brunei Haji Hassanal Bolkiah; Thủ tướng Chính phủ Vương quốc Cam-pu-chia Samdech Hun Sen; Tổng thống nước CH Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono; Thủ tướng nước CHDCND Lào Buason Bouphavan; Thủ tướng Malaysia Najib Bin Tun Abdul Razak; Thủ tướng LB Myanmar, Ðại tướng Thein Sein; Tổng thống nước CH Philippines Gloria Arroyo; Thủ tướng nước CH Singapore Lý Hiển Long; Bộ trưởng Ngoại giao Vương quốc Thái-lan Kasit Piromya và Tổng Thư ký ASEAN, Tiến sĩ Surin Pitsuwan dự phiên khai mạc. Buổi lễ được bắt đầu trong không khí rộn ràng của bản ASEAN ca và sắc cờ của mười quốc gia thành viên.
Phát biểu ý kiến khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: Sau hơn bốn thập kỷ hình thành và phát triển, ASEAN ngày nay đã trở thành một thực thể chính trị - kinh tế gắn kết, có vai trò quan trọng ở khu vực và là đối tác không thể thiếu của các nước và các tổ chức lớn trên thế giới. Hiệp hội đã chuyển sang giai đoạn phát triển mới, đó là hướng tới mục tiêu hình thành Cộng đồng ASEAN vào năm 2015 và hoạt động trên cơ sở pháp lý là Hiến chương ASEAN. Thủ tướng nêu rõ, năm 2010 là năm có ý nghĩa quan trọng đối với ASEAN, với những thời cơ và thách thức đan xen. ASEAN lạc quan trước những dấu hiệu phục hồi của kinh tế thế giới và khu vực, nhất là sự phục hồi đáng khích lệ của các nền kinh tế ASEAN. Tuy vậy, sự phục hồi hoàn toàn và phát triển bền vững sẽ phải cần thêm thời gian và sự nỗ lực liên tục; đặc biệt là cần có định hướng đúng và các giải pháp phù hợp. Trong khi đó, những thách thức toàn cầu khác, nhất là về biến đổi khí hậu, thiên tai và dịch bệnh, tiếp tục tác động tiêu cực và ngày càng nhiều hơn đến ASEAN, đòi hỏi các nước trong Hiệp hội phải nỗ lực mạnh mẽ và xử lý có hiệu quả ở cả tầm quốc gia, khu vực và quốc tế. Những biến chuyển nhanh chóng và phức tạp của tình hình, nhất là sự điều chỉnh chính sách và quan hệ giữa các nước lớn, có thể ảnh hưởng đến môi trường khu vực, nhưng mặt khác cũng là cơ hội để ASEAN phát huy vai trò là nhân tố quan trọng bảo đảm hòa bình, an ninh, hợp tác và phát triển ở khu vực. Trong bối cảnh đó, ASEAN cần tăng cường đoàn kết và hợp tác, khắc phục những hạn chế nội tại của Hiệp hội, để hiện thực hóa mục tiêu hình thành Cộng đồng ASEAN cũng như bảo đảm vai trò trung tâm của Hiệp hội.
Thủ tướng cho rằng, điều quan trọng hàng đầu hiện nay là các nước ASEAN phải cùng nhau phối hợp hành động, tiến hành các biện pháp và bước đi cụ thể để hiện thực hóa mục tiêu và kế hoạch đã đề ra. Chủ đề xuyên suốt cho năm 2010 là: "Hướng tới Cộng đồng ASEAN: Từ tầm nhìn đến hành động" thể hiện rõ trọng tâm hợp tác và tinh thần hành động của ASEAN trong năm nay và những năm tiếp theo. HNCC ASEAN - 16 có nhiệm vụ quan trọng là đề ra phương hướng và các giải pháp phù hợp để đẩy nhanh tiến trình liên kết ASEAN và tăng cường sức mạnh của ASEAN trong việc xử lý có hiệu quả các vấn đề đặt ra ở khu vực cũng như những thách thức toàn cầu. Trên tinh thần này, Thủ tướng đề nghị các nước thành viên thảo luận việc triển khai thực hiện Hiến chương và Lộ trình xây dựng Cộng đồng ASEAN, đẩy nhanh liên kết kinh tế ASEAN và tìm ra mô hình phát triển bền vững phù hợp, tăng cường hợp tác kinh tế-tài chính Ðông Á, trong đó ASEAN đóng vai trò trung tâm và tích cực đóng góp vào sự nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế thông qua việc thúc đẩy các giải pháp toàn cầu. Ðồng thời quan tâm các vấn đề xuyên quốc gia, nhất là về biến đổi khí hậu, suy thoái môi trường, thiên tai và dịch bệnh đang đe dọa thường xuyên và trực tiếp đến cuộc sống của người dân cũng như sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia; tiếp tục phát huy hơn nữa vai trò là nhân tố quan trọng thúc đẩy đối thoại và hợp tác vì hòa bình, ổn định ở Ðông - Nam Á cũng như châu Á-Thái Bình Dương và tăng cường quan hệ đối ngoại, nhằm hỗ trợ mục tiêu xây dựng Cộng đồng ASEAN cũng như nâng cao vai trò và vị thế quốc tế của ASEAN. Thủ tướng hy vọng, tại hội nghị lần này, các nước ASEAN sẽ thảo luận sâu hơn, thiết thực và hiệu quả hơn về các phương hướng và biện pháp cụ thể để triển khai các mục tiêu ưu tiên trong năm 2010.
Thủ tướng khẳng định, Việt Nam là một bộ phận không tách rời của đại gia đình ASEAN và luôn chủ trương tham gia hợp tác ASEAN với phương châm "tích cực, chủ động và có trách nhiệm", góp phần xây dựng một ASEAN liên kết chặt chẽ và ngày càng vững mạnh hơn. Trong nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN 2010, Việt Nam sẽ nỗ lực hết mình, phối hợp cùng các nước thành viên để đạt được những kết quả cụ thể trong tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN cũng như xử lý thỏa đáng những vấn đề mới nảy sinh. (Toàn văn bài phát biểu đăng số báo hôm nay) .
* Sau bài phát biểu quan trọng của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, lãnh đạo các nước ASEAN đã cùng chụp ảnh chung theo truyền thống của ASEAN. Tiếp đó, lãnh đạo các nước ASEAN và các đại biểu dự phiên khai mạc HNCC ASEAN-16 đã thưởng thức một chương trình nghệ thuật đặc sắc, thể hiện nền văn hóa đa dạng của các nước ASEAN và bản sắc văn hóa của nước chủ nhà Việt Nam do các nghệ sĩ Nhà hát ca múa nhạc Việt Nam trình diễn.
* Ngay sau Lễ khai mạc, các nhà lãnh đạo ASEAN tiến hành Phiên thảo luận toàn thể, với sự tham gia của các Trưởng đoàn ASEAN, Tổng Thư ký ASEAN và các bộ trưởng, người đứng đầu ba trụ cột của Cộng đồng ASEAN, gồm cộng đồng an ninh - chính trị, kinh tế và văn hóa xã hội. Tại phiên thảo luận này, các đại biểu đã trao đổi về các nội dung đẩy mạnh liên kết khu vực, hướng tới xây dựng Cộng đồng ASEAN, thiết thực triển khai Hiến chương ASEAN. Lãnh đạo các nước ASEAN cũng nghe báo cáo của Tổng Thư ký ASEAN về tiến độ thực hiện các chương trình/kế hoạch trong Lộ trình xây dựng Cộng đồng ASEAN; Báo cáo của Chủ tịch Hội đồng Cộng đồng Kinh tế ASEAN, do Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng trình bày, về tình hình hợp tác kinh tế ASEAN.
Ðây là lần đầu ASEAN tổ chức một phiên họp toàn thể có sự tham gia rộng rãi của các thành phần nêu trên, theo sáng kiến của nước chủ nhà Việt Nam.
* Chiều 8-4, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch ASEAN 2010 cùng lãnh đạo các nước ASEAN đã có cuộc họp chính thức đầu tiên với các đại diện Ðại hội đồng Liên minh Nghị viện ASEAN (AIPA), do Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch đương nhiệm của AIPA, dẫn đầu.
Phát biểu ý kiến trên cương vị Chủ tịch ASEAN, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao đóng góp quan trọng của AIPA và QH các nước thành viên trong việc triển khai các thỏa thuận hợp tác và xây dựng Cộng đồng ASEAN. Theo đó, ASEAN và AIPA nên duy trì trao đổi ý kiến thường xuyên, nhất là về những vấn đề mà hai bên có thể cùng phối hợp đóng góp hỗ trợ mục tiêu xây dựng Cộng đồng ASEAN. Trong bối cảnh ASEAN đã đi vào hoạt động trên cơ sở pháp lý của Hiến chương, các cơ quan lập pháp có vai trò quan trọng trong việc phối hợp cùng Chính phủ lồng ghép phù hợp các chương trình, kế hoạch liên kết của ASEAN vào các kế hoạch phát triển quốc gia của mỗi nước.
Trên cương vị Chủ tịch AIPA, Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, quyết tâm của AIPA sẽ nỗ lực cùng ASEAN xây dựng Cộng đồng ASEAN, thúc đẩy liên kết khu vực, tăng cường hợp tác ứng phó các thách thức cấp bách mà khu vực đang phải đối mặt như biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh... Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng đã đề nghị nhiều biện pháp quan trọng nhằm tăng cường hơn nữa sự phối hợp giữa hai kênh lập pháp (AIPA) và hành pháp (ASEAN), trong đó có: tạo thuận lợi về pháp lý nhằm triển khai các thỏa thuận, quyết định đã đạt được; xây dựng bản sắc ASEAN; tăng cường ý thức cộng đồng và sự gắn kết với người dân, sự đóng góp của QH và người dân vào việc xây dựng Cộng đồng ASEAN. Chủ tịch khẳng định trong nhiệm kỳ Chủ tịch AIPA, QH Việt Nam sẽ cùng các thành viên AIPA khác đóng góp tích cực vào tiến trình xây dựng thành công một Cộng đồng đoàn kết, vững mạnh, của nhân dân, vì nhân dân, đùm bọc và chia sẻ. Lãnh đạo các nước ASEAN và đại diện AIPA chia sẻ sự cần thiết và tầm quan trọng của việc tăng cường hợp tác và phối hợp giữa hai bên, đánh giá cao sự đóng góp của Việt Nam trên cương vị Chủ tịch ASEAN và Chủ tịch AIPA. Lãnh đạo hai bên đã nhất trí về nhiều phương hướng hợp tác lớn và giao Ban Thư ký ASEAN và AIPA phối hợp trao đổi và kiến nghị về cách thức và biện pháp hợp tác cụ thể giữa hai bên.
Ðây là lần đầu, theo sáng kiến của Việt Nam và được các nước ASEAN ủng hộ, diễn ra cuộc họp giữa Chủ tịch AIPA và các nhà lãnh đạo ASEAN.
* Trong thông báo ngắn chiều 8-4 với các phóng viên trong nước và quốc tế, Người Phát ngôn của HNCC ASEAN-16 Trần Ngọc An cho biết: Trưa 8-4, Thủ tướng Thái-lan Abisit Vejjajiva đã điện đàm với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, với tư cách Chủ tịch ASEAN 2010, xin lỗi không đến dự HNCC ASEAN-16. Trong cuộc điện đàm, Thủ tướng Abisit Vejjajiva cho biết, do tình hình khẩn cấp trong nước, nên mặc dù đã chuẩn bị sẵn sàng đến Việt Nam dự HNCC ASEAN-16 tại Hà Nội, nhưng ông không đi được. Thủ tướng Thái-lan đã ủy quyền cho Bộ trưởng Ngoại giao Thái-lan Kasit Piromya dự HNCC ASEAN-16 và khẳng định Thái-lan ủng hộ mạnh mẽ Việt Nam với tư cách Chủ tịch ASEAN tổ chức thành công hội nghị này.
* Chiều 8-4, tại Trung tâm báo chí quốc tế, Người Phát ngôn của HNCC ASEAN-16 Trần Ngọc An thông báo kết quả Ngày làm việc thứ nhất của HNCC ASEAN-16, gồm: Lễ khai mạc trọng thể HNCC ASEAN-16; tiếp đó là Phiên thảo luận toàn thể. Trong ngày cũng diễn ra cuộc họp chính thức đầu tiên giữa đại diện Ðại hội đồng Liên minh nghị viện ASEAN (AIPA), do Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch đương nhiệm của AIPA dẫn đầu, với các vị lãnh đạo ASEAN.
* Ngay sau ngày làm việc đầu tiên của HNCC ASEAN-16, Tổng Thư ký ASEAN X. Pít-xu-văn đã dành cho phóng viên cuộc phỏng vấn về sự phát triển cũng như thách thức của ASEAN trên con đường xây dựng Cộng đồng chung vào năm 2015. Ông cho biết, phiên họp toàn thể đầu tiên của HNCC ASEAN - 16 đã diễn ra rất tốt. Ðặc biệt, các nước thành viên đã đánh giá cao chủ đề của Hội nghị "Hướng tới Cộng đồng ASEAN: Từ tầm nhìn tới hành động" và tin tưởng đây là thời điểm để ASEAN đưa ra các cam kết, hiệp định, dự án, chương trình trong Kế hoạch tổng thể. Các thành viên đều đánh giá cao công tác chuẩn bị và tổ chức cũng như vai trò lãnh đạo của Việt Nam trên cương vị Chủ tịch ASEAN 2010.
Về những thách thức đối với ASEAN trên con đường xây dựng Cộng đồng chung vào năm 2015, ông nêu rõ: Ðể đạt được mục đích xây dựng Cộng đồng chung ASEAN, chúng ta phải thực hiện các biện pháp đã đề ra như giảm thuế, dỡ bỏ các hàng rào phi thuế quan và đầu tư hơn nữa vào các nước thành viên, tăng cường thương mại giữa các nước, huy động mọi nguồn lực trong ASEAN. Trước hết là việc phát hành trái phiếu ASEAN để có thể tăng cường đầu tư cho khu vực hơn là dựa vào bên ngoài. Ðây là những lĩnh vực mà chúng ta cần bảo đảm hoàn thành đầy đủ các dự án và cam kết.
* Tối 8-4, lãnh đạo các nước ASEAN có buổi ăn tối làm việc. HNCC ASEAN-16 sẽ tiếp tục sáng nay (9-4), với phiên họp kín. Kết thúc Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch ASEAN 2010 sẽ tổ chức họp báo về kết quả Hội nghị.
* Sáng 8-4, Hội đồng điều phối ASEAN (ACC) đã họp nhằm thống nhất lần cuối các nội dung chuẩn bị cho HNCC ASEAN-16, trên cơ sở tổng hợp báo cáo và kết quả của các Hội đồng cộng đồng, trong đó có Hội đồng Bộ trưởng Kinh tế và Văn hóa - xã hội.
ACC đã nhất trí chương trình hoạt động của HNCC ASEAN-16; rà soát và nhất trí nội dung dự thảo hai Tuyên bố trình lãnh đạo cấp cao ASEAN, gồm Tuyên bố về phục hồi và phát triển bền vững và Tuyên bố về hợp tác ứng phó biến đổi khí hậu. Tại cuộc họp, ACC đã xem xét văn bản do Ủy ban các đại diện thường trực ASEAN (CPR) đệ trình và nhất trí thông qua tài liệu hướng dẫn về sử dụng tên, biểu tượng và ASEAN ca; Quy tắc và thủ tục tài chính của Ban Thư ký ASEAN và Kế hoạch truyền thông tổng thể của ASEAN. Các đại biểu cũng ghi nhận Báo cáo đầu tiên của Nhóm đặc trách cao cấp về kết nối ASEAN và cho biết sẽ trình lãnh đạo ASEAN xem xét.
* Kết thúc cuộc họp ACC, các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN đã ký thông qua Nghị định thư về Cơ chế giải quyết tranh chấp của ASEAN. Ðây là văn kiện quan trọng nhằm góp phần hoàn thiện khung pháp lý theo quy định của Hiến chương ASEAN.
Theo quy định của Hiến chương ASEAN, ACC là cơ quan chịu trách nhiệm chính trong việc phối hợp và chuẩn bị cho các HNCC ASEAN.
* Sau một ngày làm việc dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Tài chính Việt Nam Vũ Văn Ninh, tối 8-4, tại TP Nha Trang, Khánh Hòa, Hội nghị Bộ trưởng Tài chính ASEAN lần thứ 14 đã kết thúc tốt đẹp và đạt được nhiều thỏa thuận quan trọng, làm tiền đề cho sự hợp tác mạnh mẽ hơn, hiệu quả hơn trong quá trình hội nhập tiền tệ và tài chính khu vực. Hội nghị nhận định ASEAN đã duy trì được tăng trưởng, bất chấp khủng hoảng kinh tế thế giới. Các chính sách hướng tới kinh doanh và sự chủ động đối phó của từng nước đã giúp các nền kinh tế ASEAN giảm nhẹ tác động xấu từ bên ngoài, nhanh chóng thu hút lại các luồng vốn đầu tư. Hội nghị nhận định kinh tế của khu vực sẽ đạt mức tăng trưởng từ 4,9 đến 5,6% trong năm 2010, cao hơn mức 1,5% của năm trước.
Các Bộ trưởng cũng đánh giá tiến triển của các cam kết đối với Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) đến năm 2015, trong đó đáng kể là việc tăng cường hệ thống tài chính và duy trì ổn định tài chính khu vực; sự vận hành công cụ hoán đổi trị giá 120 tỷ USD trong khuôn khổ Ða phương hóa Sáng kiến Chiềng Mai (CMIM) và hướng tới việc thành lập cơ quan giám sát khu vực của CMIM vào đầu năm tới; thành lập Cơ chế bảo lãnh tín dụng và đầu tư (CGIF) vào tháng 5-2010, nhằm thúc đẩy hơn nữa các thị trường trái phiếu bằng đồng nội tệ trong khu vực... Hội nghị tái khẳng định cam kết về hội nhập tài chính trong khuôn khổ Kế hoạch tổng thể cộng đồng kinh tế ASEAN, đặc biệt trong các lĩnh vực phát triển thị trường vốn, tự do hóa dịch vụ tài chính và tự do hóa tài khoản vốn. Ðồng thời việc nghiên cứu xây dựng bộ khung và lộ trình trên vẫn được tiếp tục, nhằm đạt được mục tiêu hội nhập tài chính rộng hơn của ASEAN vào năm 2015./.
Phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Lễ khai mạc Hội nghị cấp cao ASEAN - 16  (09/04/2010)
Thử thách quan trọng đầu đời của thanh niên các nước  (09/04/2010)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển