Khai mạc phiên họp thứ 30 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
TCCSĐT - Sáng 10-01, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã khai mạc Phiên họp thứ 30 với sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.
Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về những vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi); xem xét, quyết định việc cử Ủy viên Hội đồng tuyển chọn, giám sát thẩm phán quốc gia.
Ủy ban cũng xem xét, quyết định việc điều chỉnh địa giới hành chính 2 xã thuộc huyện Hồng Ngự và thành lập thị trấn Thường Thới Tiền thuộc huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp; việc nhập đơn vị hành chính cấp xã, thành lập 6 phường thuộc thị xã Chí Linh và thành lập thành phố Chí Linh thuộc tỉnh Hải Dương.
Tiếp theo với sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, các đại biểu đã tập trung thảo luận, cho ý kiến về những vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi).
Tại Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội đã thảo luận và cho ý kiến về dự án Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi). Ngay sau kỳ họp, thực hiện nhiệm vụ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao, Thường trực Ủy ban Tư pháp đã phối hợp với Cơ quan chủ trì soạn thảo (Bộ Công an) và các cơ quan hữu quan tích cực nghiên cứu đầy đủ ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội để tiếp thu, chỉnh lý hoàn thiện một bước dự thảo Luật.
Tại Phiên họp, các đại biểu đã tập trung thảo luận về một số vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau của dự thảo Luật, gồm: về tổ chức khu sản xuất, điểm lao động cho phạm nhân ngoài trại giam; về quyền, nghĩa vụ của phạm nhân; về thi hành án hình sự đối với pháp nhân thương mại; về trách nhiệm quản lý, giám sát, giáo dục người được tha tù trước hạn có điều kiện, người được hưởng án treo, người thi hành hình phạt cải tạo không giam giữ.
Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, đây là dự án luật lớn, những vấn đề còn có ý kiến khác nhau, các cơ quan hữu quan sẽ tiếp tục nghiên cứu, chỉnh lý và hoàn thiện để trình ra Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào các phiên họp tới.
Về tổ chức khu sản xuất, điểm lao động cho phạm nhân ngoài trại giam (Điều 17). Điểm b khoản 4 Điều 17 Dự thảo Luật quy định: “Căn cứ yêu cầu thực tế của công tác giam giữ, quản lý và tổ chức lao động dạy nghề cho phạm nhân, trại giam tổ chức khu sản xuất, điểm lao động, dạy nghề ngoài trại giam. Việc tổ chức khu sản xuất, điểm lao động, dạy nghề ngoài trại giam do Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định”.
Chính sách nhất quán của Nhà nước Việt Nam từ trước đến nay là: “Đối với người bị phạt tù thì buộc họ phải chấp hành hình phạt tại các cơ sở giam giữ, phải lao động, học tập để trở thành người có ích cho xã hội…” (Điểm e khoản 1 Điều 3 Bộ luật Hình sự). Do đó, đối với người bị phạt tù thì lao động, học tập (bao gồm cả học nghề) là nghĩa vụ bắt buộc và là nội dung quan trọng trong công tác giáo dục người chấp hành án phạt tù. Việc tổ chức lao động cho phạm nhân không chỉ nhằm giáo dục cải tạo mà còn mục đích cải thiện bữa ăn, dạy nghề, tạo thêm khoản thu nhập, chuẩn bị cho phạm nhân tái hòa nhập cộng đồng...
Các ý kiến tại phiên họp cơ bản nhất trí với ý kiến của Ủy ban Tư pháp và Cơ quan chủ trì soạn thảo (Bộ Công an), tán thành quy định của dự thảo luật, cho phép trại giam thành lập khu sản xuất, điểm lao động.
Tuy nhiên, để bảo đảm tính khả thi và phù hợp với pháp luật, việc tổ chức cho phạm nhân lao động ngoài trại giam phải đáp ứng các yêu cầu về bảo đảm về an ninh, trật tự tại khu vực phạm nhân lao động....; cần quy định chặt chẽ các điều kiện về loại tội, mức hình phạt, thời hạn tù, thời gian chấp hành hình phạt tù còn lại, ý thức cải tạo, sức khỏe, độ tuổi lao động... để đưa phạm nhân ra lao động tại “khu sản xuất”, “điểm lao động, dạy nghề” ngoài trại giam.
Về quyền, nghĩa vụ của phạm nhân (Điều 27 Dự thảo Luật). Điều 27 Dự thảo Luật quy định 9 nhóm quyền mà phạm nhân được hưởng trong quá trình chấp hành án phạt tù.
Ủy ban Tư pháp của Quốc hội nhận thấy, về nguyên tắc, quyền cơ bản của con người, quyền công dân đã được quy định trong Hiến pháp, do đó các luật chuyên ngành cần phải cụ thể hóa các quyền này.
Tuy nhiên, đối với phạm nhân, do bị cách ly khỏi xã hội, bị hạn chế quyền tự do đi lại nên có một số quyền công dân khác sẽ khó bảo đảm thực hiện được đầy đủ như đối với công dân bình thường đang ở ngoài xã hội.
Mặt khác, ngoài những quyền cơ bản, thiết yếu (như quyền được bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe; bảo đảm chế độ ăn, mặc, ở, thăm gặp; quyền lao động, học tập, học nghề...) cần phải được thực hiện tốt, một số quyền khác đối với phạm nhân còn phụ thuộc nhiều vào điều kiện kinh tế - xã hội, khả năng đáp ứng của nhà nước (như quyền kết hôn, quyền sinh con, quyền được gửi, lưu giữ trứng, tinh trùng...). Vì vậy, việc cụ thể hóa quyền con người theo quy định của Hiến pháp đối với phạm nhân là cần thiết nhưng phải có bước đi phù hợp để bảo đảm tính khả thi, bảo đảm khả năng đáp ứng của nhà nước, tránh hình thức...
Sau khi nghe các ý kiến phát biểu, phân tích, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị nội dung quyền và nghĩa vụ của phạm nhân cần được nghiên cứu thêm. Những gì chưa cụ thể thì có thể theo cách “một số quyền và nghĩa vụ khác” Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định.
Về thi hành án hình sự đối với pháp nhân thương mại (Chương XI): Các ý kiến về cơ bản tán thành với cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra. Đó là quy định giao Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh, cấp quân khu tổ chức thi hành án.
Việc giao Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh, cấp quân khu chịu trách nhiệm chính tổ chức thi hành là phù hợp với bản chất hoạt động thi hành án đối với pháp nhân thương mại là hoạt động tư pháp, cần được giao cho một cơ quan tư pháp, chuyên trách về thi hành án hình sự thực hiện.
Phương án này có ưu điểm là bảo đảm sự tập trung, thống nhất về đầu mối quản lý nhà nước, cũng như tổ chức thực hiện trong lĩnh vực này; kế thừa và phát huy được kinh nghiệm về thi hành án hình sự từ trước đến nay, nhất là kinh nghiệm thực tiễn về thi hành án hình sự đối với cá nhân theo luật hiện hành...
Các đại biểu cũng tập trung thảo luận về trách nhiệm quản lý, giám sát, giáo dục người được tha tù trước hạn có điều kiện, người được hưởng án treo, người thi hành hình phạt cải tạo không giam giữ. Tại các điều: 62, 88 và 103 Dự thảo Luật quy định giao cho “người có tư cách đạo đức tốt, có uy tín trong cộng đồng dân cư, đơn vị; có kiến thức, kỹ năng về công tác xã hội, có kiến thức về pháp luật hoặc được đào tạo, tập huấn về pháp luật” trực tiếp thực hiện việc quản lý, giám sát, giáo dục người được tha tù trước hạn có điều kiện, người được hưởng án treo, người thi hành hình phạt cải tạo không giam giữ (người thi hành án hình sự tại cộng đồng)...
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, thảo luận ở Quốc hội và các cơ quan hữu quan cho rằng nên giữ như quy định hiện hành. Tức là giao trách nhiệm này cho Ủy ban nhân dân cấp xã; đồng thời hiện nay đang kiện toàn tổ chức, bộ máy lực lượng Công an nhân dân, vậy nên công an cấp xã chịu trách nhiệm giúp cho Ủy ban nhân dân xã trong thực hiện.
Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị các bộ, ngành hữu quan tìm hiểu thêm thông lệ quốc tế, kinh nghiệm một số nước nhằm cung cấp thêm thông tin cho Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội tham khảo, để khi trình ra tại Kỳ họp thứ bảy tới Quốc hội xem xét, thông qua dự án Luật này bảo đảm đồng bộ với các luật khác.
Cũng trong sáng 10-01, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thống nhất cử đồng chí Đào Việt Trung, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước, tham gia Hội đồng tuyển chọn, giám sát thẩm phán quốc gia, thay đồng chí Giang Sơn nghỉ hưu từ 01-10-2018.
* Chiều cùng ngày, tại Nhà Quốc hội, với sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bế mạc Phiên họp thứ 30 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Phát biểu bế mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, sau một ngày làm việc nghiêm túc, xem xét kỹ lưỡng những nội dung phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã hoàn thành chương trình Phiên họp thứ 30. Đây là phiên họp đầu tiên để triển khai chương trình công tác năm 2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, Thường trực các Ủy ban của Quốc hội và các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến tại phiên họp để tiếp tục chỉnh lý dự án Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi), đồng thời hoàn thiện 3 dự thảo nghị quyết để ký ban hành.
Chủ tịch Quốc hội lưu ý, ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 chỉ còn hơn 1 tuần chuẩn bị cho Phiên họp thứ 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (dự kiến trong hai ngày là 20 và 21-02-2019), sau đó Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục tiến hành Phiên họp thứ 32 (dự kiến từ ngày 11 đến 15-03-2019), với rất nhiều nội dung quan trọng cần nghiên cứu sâu, xem xét kỹ lưỡng.
Thời gian chuẩn bị cho hai phiên họp này ngắn, vì vậy Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành khẩn trương, tích cực phối hợp với Ủy ban Thường vụ Quốc hội triển khai những công việc theo kế hoạch, tránh chậm trễ trong việc chuẩn bị các nội dung của phiên họp hoặc phải rút nội dung ra để dồn phiên họp sát vào kỳ họp của Quốc hội.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị Thường trực Hội đồng Dân tộc, Thường trực các Ủy ban của Quốc hội phối hợp với Tổng Thư ký Quốc hội theo dõi đôn đốc việc chuẩn bị, bảo đảm chất lượng, tiến độ các nội dung cho phiên họp tiếp theo.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV đã đi qua hơn nửa chặng đường với nhiều kết quả ấn tượng. Để góp phần thực hiện thành công nhiệm vụ của năm 2019, yêu cầu cần phải nỗ lực, quyết liệt hơn nữa để hoàn thành khối lượng công việc rất lớn, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan hữu quan tiếp tục phát huy kết quả đạt được, khắc phục những tồn tại, hạn chế, nhất là tồn tại về tiến độ gửi báo cáo và chất lượng chuẩn bị cho các nội dung; nỗ lực cải tiến cách thức chuẩn bị và tiến hành để đảm bảo rút ngắn thời gian, nâng cao hiệu quả phiên họp. Mỗi phiên họp tiến hành không quá 5 ngày.
Chiều cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, biểu quyết thông qua việc điều chỉnh địa giới hành chính hai xã của huyện Hồng Ngự và thành lập thị trấn Thường Thới Tiền thuộc huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp; việc nhập đơn vị hành chính cấp xã, thành lập 6 phường thuộc thị xã Chí Linh và thành lập thành phố Chí Linh thuộc tỉnh Hải Dương.
Việc thành lập thị trấn Thường Thới Tiền trên cơ sở điều chỉnh địa giới hành chính 2 xã Thường Thới Tiền và Thường Phước 2. Xã Thường Thới Tiền hiện là trung tâm huyện lỵ của huyện Hồng Ngự với tiềm năng và vị trí thuận lợi về giao thông thủy bộ cấp quốc gia và quốc tế, khu vực đô thị xã Thường Thới Tiền cũng là đô thị trung tâm huyện Hồng Ngự. Xã Thường Phước 2 là xã thuần nông nhưng có một phần đất tiếp giáp khu hành chính huyện Hồng Ngự (thuộc xã Thường Thới Tiền).
Theo Báo cáo Thẩm tra của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, đối chiếu với các điều kiện quy định tại khoản 2 Điều 128 của Luật Tổ chức chính quyền địa phương thì việc thành lập thị trấn Thường Thới Tiền thuộc huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp phù hợp với Chương trình phát triển đô thị quốc gia giai đoạn 2012 - 2020 của Thủ tướng Chính phủ, Chương trình phát triển đô thị tỉnh Đồng Tháp đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 của Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Tháp; góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của chính quyền thị trấn, phát huy vai trò là đô thị trung tâm của huyện Hồng Ngự, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư, đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa theo quy hoạch được phê duyệt.
Sáp nhập hai đơn vị hành chính cấp xã thuộc thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương gồm sáp nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, dân số của xã Kênh Giang với toàn bộ diện tích tự nhiên, dân số của xã Văn Đức.
Sáu phường thuộc thị xã Chí Linh được thành lập gồm thành lập phường Hoàng Tiến thuộc thị xã Chí Linh trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của xã Hoàng Tiến; thành lập phường An Lạc trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của xã An Lạc; thành lập phường Đồng Lạc trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của xã Đồng Lạc; thành lập phường Tân Dân trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của xã Tân Dân; thành lập phường Cổ Thành trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của xã Cổ Thành; thành lập phường Văn Đức trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của xã Văn Đức (sau khi đã sáp nhập xã Kênh Giang vào Văn Đức); thành lập thành phố Chí Linh trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên, dân số của thị xã Chí Linh.
Sau khi sáp nhập hai xã, thành lập sáu phường và thành lập thành phố Chí Linh, thành phố Chí Linh có 19 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 14 phường và 5 xã. Tỉnh Hải Dương có 12 đơn vị hành chính cấp huyện và 2 thành phố; 264 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 220 xã, 31 phường và 13 thị trấn./.
Hoạt động trong ngày của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc  (10/01/2019)
Thúc đẩy các quan hệ đối ngoại của Đảng vào chiều sâu và thực chất  (10/01/2019)
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Bí thư Quân ủy Trung ương: Thắt chặt mối quan hệ máu thịt giữa Đảng, Quân đội với nhân dân  (10/01/2019)
Tập trung xây dựng Quân đội vững mạnh, tuyệt đối trung thành  (10/01/2019)
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay