Về chiến lược biển của một số nước lớn hiện nay
TCCS - Biển và đại dương có tầm quan trọng đặc biệt về mặt kinh tế - chính trị xã hội và là định hướng phát triển chủ yếu đối với các nước trên thế giới. Trước sự dịch chuyển địa chiến lược từ không gian đất liền ra không gian biển, nhiều quốc gia trong thời gian gần đây tiến hành hoạch định chiến lược biển của mình. Khu vực biển ở Đông Á - Thái Bình Dương trở thành một trong những nơi hội tụ lợi ích then chốt của các nước bởi tiềm năng kinh tế, an ninh chiến lược cũng như vị thế địa - chính trị đang nổi lên hiện nay.
Điều chỉnh chiến lược biển của một số nước
Học thuyết biển mới của Nga
Nhằm khôi phục và duy trì vị thế cường quốc biển của Nga trên phạm vi toàn thế giới, Nga đã công bố học thuyết biển mới vào năm 2015. Theo đó, nội dung của Học thuyết bao gồm: Phát triển vận tải; khai thác và bảo vệ tài nguyên đại dương; tiếp tục nghiên cứu khoa học biển; tiếp tục duy trì hoạt động của hải quân. Các nội dung này thể hiện chủ trương khôi phục và duy trì vị thế cường quốc biển của Nga trên phạm vi thế giới.
Học thuyết biển mới của Nga xác định các hướng chiến lược trọng tâm mà ở đó Nga sẽ củng cố sức mạnh. Một là, khu vực Biển Đen, nơi Nga sẽ phát triển lực lượng Hạm đội Biển Đen, ngăn chặn sự mở rộng của NATO áp sát biên giới Nga; Hai là, khu vực Bắc Cực với tiềm năng dồi dào, buộc Nga phải có những điều chỉnh về chiến lược và tập trung lực lượng để khai thác phục vụ lợi ích quốc gia Nga; Ba là, khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đặc biệt là Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, khu vực hội tụ các đại dương lớn và quan trọng của thế giới, bảo đảm lợi ích, mục tiêu phát triển và an ninh của Nga.
Theo đánh giá của các nhà phân tích, việc Nga công bố chiến lược biển mới ngay sau khi Mỹ thông qua một loạt văn kiện chiến lược quan trọng về hàng hải, như chiến lược sức mạnh trên biển, chiến lược an ninh hàng hải, chuyển trọng tâm sang khu vực châu Á - Thái Bình Dương... cho thấy Nga bắt đầu tham gia một cuộc cạnh tranh chiến lược rộng lớn với Mỹ trong việc mở rộng tầm ảnh hưởng và duy trì vị thế cường quốc biển hàng đầu thế giới.
Chiến lược biển của Mỹ
Khu vực biển Đông Á - Thái Bình Dương đang trở thành một trong những trọng tâm hàng đầu trong chiến lược toàn cầu, hội tụ các lợi ích sống còn về kinh tế và chiến lược của Mỹ, bởi: 1- Vùng biển này nối liền Thái Bình Dương - Ấn Độ Dương, châu Âu - châu Á và Trung Đông - Đông Á; 2- đây là nơi chu chuyển lượng vận tải thương mại lớn của thế giới (45%), riêng khu vực Biển Đông với lượng hàng hóa trị giá 5.000 tỷ USD được lưu thông hằng năm thì 1/5 là hàng hóa của Mỹ ; 3- Đây là nơi mà Mỹ có các mục tiêu an ninh quan trọng. Do vậy, lợi ích của Mỹ là bảo đảm quyền tự do hàng hải, hàng không cả khu vực biển Hoa Đông và Biển Đông - những bản lề liên kết Đông Bắc Á và Đông Nam Á, rộng hơn là cả giữa Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Đây cũng là những địa bàn trực tiếp tác động đến chủ trương chuyển trọng tâm chiến lược sang khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Mỹ. Tiếp cận các vùng biển này là một bảo đảm cho khả năng triển khai sức mạnh quân sự của Mỹ trên toàn thế giới. Chính vì vậy, Mỹ đã xây dựng chiến lược biển nhằm tạo ảnh hưởng và quyền lực của mình trên các vùng biển này.
Mặc dù không phải là quốc gia ven bờ Biển Đông nhưng do tầm quan trọng của Biển Đông nên Mỹ vẫn coi vùng này là con đường thông thương chiến lược chính của mình, lợi ích của Mỹ ở Biển Đông không kém phần quan trọng. Biển Đông được coi là “mắt xích” trọng yếu trong hệ thống quân sự ven biển của Mỹ ở châu Á.
Chính sách và mục tiêu chiến lược của Mỹ đối với tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông được thể hiện qua lập trường 4 điểm: 1- Mỹ thúc giục giải pháp tăng cường “hòa bình, thịnh vượng và an ninh” trong khu vực; 2- Mỹ không đồng tình với việc đe dọa hoặc sử dụng vũ lực để khẳng định yêu sách về chủ quyền của bất kỳ nhà nước nào ở Biển Đông và coi đây là một vấn đề nghiêm trọng; 3- Mỹ sẵn sàng giúp đỡ bằng giải pháp hòa bình đối với các yêu sách đó nếu được các bên yêu cầu; 4- Mỹ có lợi ích chiến lược trong việc duy trì sự an toàn và tự do đối với các tuyến đường giao thông trên Biển Đông và xem đó là vấn đề cơ bản để không đồng tình về bất kỳ yêu sách về chủ quyền biển của quốc gia nào không phù hợp với Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982. Theo đó, Mỹ xác định mục tiêu chiến lược ở Biển Đông là: Một là, không thừa nhận cơ sở pháp lý về các đòi hỏi chủ quyền đối với Biển Đông của bất kỳ nước nào, bởi sự thừa nhận này sẽ đẩy Mỹ vào thế bất lợi. Hai là, bảo đảm việc tự do đi lại trên các tuyến đường hàng hải quốc tế, ngăn cản việc giải quyết tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông bằng vũ lực. Điều này giúp Mỹ có tiếng nói và vị trí nhất định trong khu vực. Ba là, Biển Đông là “lá bài” cần thiết để kiềm chế tham vọng độc chiếm khu vực này của Trung Quốc.
Nhật Bản: Chiến lược an ninh biển mới
Là quốc gia hải đảo, với đường bờ biển dài và hàng nghìn hòn đảo, phụ thuộc nhiều vào biển để phát triển kinh tế, Nhật Bản rất chú trọng phát triển chính sách biển. Trong các thập niên qua, Nhật Bản trở thành cường quốc số một trong khu vực về phát triển kinh tế biển bởi quốc gia này đã xây dựng và thực thi chiến lược kinh tế biển nhằm khai thác và quản lý các nguồn lực từ biển. Chính sách về biển của Nhật Bản chủ yếu tập trung phát triển tài nguyên biển, kết hợp hài hoà giữa khai thác tài nguyên và bảo vệ môi trường biển; bảo đảm an toàn và an ninh trên biển; tăng cường nghiên cứu khoa học về biển, thúc đầy các hoạt động trong nghiên cứu và phát triển liên quan đến biển, tăng cường thăm dò đại dương ở những vùng có đủ dữ liệu; phát triển hợp lý các ngành kinh tế biển. Trong bối cảnh các nước trên thế giới đều chạy đua, hướng ra biển, lấy biển làm điều kiện sống tất yếu cho sự phát triển của quốc gia, Nhật Bản ngày càng chú trọng tăng cường đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ cho kinh tế biển.
Tuy nhiên, thời gian qua, bối cảnh tình hình khu vực và môi trường chiến lược của Nhật Bản đã có nhiều thay đổi sâu sắc, tác động đến an ninh đất nước. Trong bối cảnh đó, Chính phủ Nhật Bản đã phê chuẩn chính sách mới về đại dương vào tháng 5-2018. Chính sách mới về đại dương của Nhật Bản nhấn mạnh sự cần thiết phải có sự hợp tác giữa các lực lượng liên quan để ứng phó trước những thách thức mới trên biển. Để bảo đảm an toàn cho các tuyến hải lộ, chính sách mới này cũng quy định Chính phủ sẽ thúc đẩy “chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở” để duy trì và củng cố trật tự trong khu vực.
Trung Quốc: Mục tiêu tiến tới cường quốc biển
Trung Quốc đang mở rộng không gian chiến lược hướng biển để duy trì sự phát triển kinh tế và bảo đảm an ninh quốc gia. Nghiên cứu chiến lược biển được Trung Quốc đặc biệt quan tâm, nhất là chiến lược khai thác phát triển Biển Đông. Trung Quốc coi khống chế được Biển Đông tức là khống chế được cả vùng Đông Nam Á và con đường giao lưu huyết mạch từ Thái Bình Dương sang Ấn Độ Dương. Giành được vị thế ở Biển Đông sẽ giúp nước này giành được thế chủ động để vươn ra các vùng biển khác, đồng thời giúp Trung Quốc tăng cường và mở rộng tầm ảnh hưởng trên nhiều lĩnh vực đối với các nước trong khu vực.
Tháng 4-2014, Viện Nghiên cứu chiến lược phát triển biển thuộc Cục Hải dương quốc gia Trung Quốc công bố “Báo cáo phát triển chiến lược biển Trung Quốc năm 2014”. So với các năm trước, “Báo cáo” này đã tăng thêm phần “Xây dựng cường quốc biển”, có những ý mới, có đột phá, trình bày khá chi tiết về mục tiêu chiến lược xây dựng cường quốc biển, cung cấp tư liệu chi tiết cho công chúng tìm hiểu tình hình phát triển các chương mục của “Báo cáo” được sắp xếp chủ yếu dựa vào sự bố trí chiến lược xây dựng cường quốc biển nói trong Báo cáo chính trị tại Đại hội XVIII Đảng Cộng sản Trung Quốc và các yêu cầu nêu ra trong Báo cáo công tác năm 2013 của chính phủ, kết hợp sự phát triển chính sách về biển, các sự kiện lớn về biển xảy ra trong năm 2013.
Các nhà phân tích Trung Quốc cho rằng, chiến lược biển phải bảo đảm ba yếu tố: 1- Các lợi ích chung về biển của Trung Quốc; 2- Các lợi ích an ninh quốc gia của Trung Quốc; 3- Xây dựng một “xã hội hòa hợp” về biển, trong đó công nhận sự cạnh tranh toàn cầu trong việc tiếp cận các nguồn tài nguyên biển đang tăng lên.
Các nhiệm vụ chính về biển của Trung Quốc trong tương lai gồm: bảo vệ nguồn lực về biển của Trung Quốc đối với “các vùng nước liên quan”; phát triển kinh tế biển; tăng cường việc sử dụng biển và quản lý các đảo; duy trì môi trường biển; phát triển các ngành công nghiệp biển và khoa học về biển; nâng cao sự đóng góp của Trung Quốc vào hải dương học toàn cầu.
Trong thời gian gần đây, nhất là từ sau Đại hội XVIII của Đảng Cộng sản Trung Quốc (tháng 11-2012), Trung Quốc đã đề ra chiến lược xây dựng cường quốc biển, chính thức đưa vấn đề phát triển biển trở thành chiến lược phát triển quốc gia, nhấn mạnh việc xây dựng cường quốc biển là sự lựa chọn tất yếu để bảo vệ lợi ích quốc gia và thực hiện phục hưng dân tộc Trung Hoa. Phương hướng phát triển này được định vị bằng khái niệm “Chiến lược hải dương xanh” với hàm ý lợi ích quốc gia của Trung Quốc đã mở rộng ra biển và trở thành cường quốc biển là một bước trên con đường đạt tới địa vị cường quốc thế giới của Trung Quốc.
Xây dựng cường quốc biển mang đặc sắc Trung Quốc là phần mới tăng thêm trong “Báo cáo” 2014. Nội dung xây dựng cường quốc biển gồm tư duy lý luận xây dựng cường quốc biển và biện pháp xây dựng cường quốc biển đặc sắc Trung Quốc. Chỉ có xây dựng được cường quốc biển thì mới có khả năng bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia, các quyền lợi trên biển và an ninh nhà nước, mới có bảo đảm cho sự phát triển kinh tế và xã hội. Nếu như trước đây, Chiến lược biển của Trung Quốc là “ưu tiên giữ ổn định, chủ yếu là gác lại tranh chấp” thì chiến lược biển từ sau Đại hội XVIII của Trung Quốc thay đổi theo hướng “chủ động, tích cực” hơn, biểu thị rõ ràng thái độ kiên quyết không từ bỏ cái mà họ coi là quyền lợi “chính đáng”.
Trung Quốc triển khai “chiến lược 3 chữ M” hay “Chiến lược một trục hai cánh” (chiến lược hợp tác tiểu vùng Trung Quốc - ASEAN) gồm trục Hành lang kinh tế Nam Ninh (Trung Quốc) - Xin-ga-po”, cánh một là Hợp tác tiểu vùng sông Mê-công mở rộng, cánh hai là Hợp tác tiểu vùng vịnh Bắc Bộ mở rộng. Trong khuôn khổ Hợp tác tiểu vùng vịnh Bắc Bộ mở rộng, Trung Quốc xây dựng Khu kinh tế vịnh Bắc Bộ (Quảng Tây) như một hạt nhân và nền tảng.
Một số vấn đề rút ra
Qua các chiến lược biển của một số nước có thể thấy: Thứ nhất, các nước đều coi trọng vị trí, vai trò hàng đầu của biển trong chiến lược quốc gia. Nga khẳng định việc triển khai “Học thuyết biển” sẽ bảo đảm thực hiện, bảo vệ hiệu quả lợi ích quốc gia, nâng cao duy trì uy tín và vị thế cường quốc” của Nga. Mỹ khẳng định “sức mạnh biển đã và sẽ tiếp tục là nền tảng quan trọng cho sức mạnh quốc gia, sự thịnh vượng và uy tín quốc tế của Mỹ”. Trung Quốc nhấn mạnh, xây dựng cường quốc biển có ý nghĩa trọng đại đối với việc thúc đẩy kinh tế phát triển lành mạnh, bảo vệ chủ quyền, an ninh và lợi ích phát triển, góp phần hoàn thành mục tiêu xây dựng xã hội toàn diện và giàu có, thực hiện công cuộc phục hưng vĩ đại dân tộc Trung Hoa...
Thứ hai, quan điểm, tư duy về biển và phát triển kinh tế biển ở các nước trên đã hình thành từ rất sớm và được thể hiện trong chính sách quốc gia. Mỹ từ lâu đã tự coi mình là “quốc gia Thái Bình Dương”, điều chỉnh chiến lược “xoay trục” sang Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Trung Quốc từ một nước “quay lưng ra biển” đã tiến đến tư duy về biển, đại dương với giấc mộng cường quốc biển (cùng với đó là cường quốc lục địa). Xây dựng cường quốc biển đã trở thành quyết sách lớn và chiến lược của Đảng Cộng sản Trung Quốc với mục tiêu “dựa vào biển làm cho đất nước mạnh lên”. Nhật Bản là quốc gia hải đảo, sớm có nhận thức và tầm nhìn về biển, đảo. Ngay từ thời Minh Trị, người Nhật Bản đã tìm cách vượt biển để học hỏi những đối thủ đã từng là mối đe dọa đối với biển, đảo của mình. Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, Chính phủ Nhật Bản đã thành lập kế hoạch phát triển tổng thể với các vùng công nghiệp trọng điểm tập trung ở các vùng bờ biển.
Thứ ba, dựa vào lợi thế biển, các nước này đã thực thi chiến lược kinh tế, an ninh từ biển, kết hợp giữa phát triển kinh tế biển với quốc phòng - an ninh, tăng cường sức mạnh quân sự. Hai nhân tố kinh tế - quốc phòng đan xen, hỗ trợ nhau. Các quốc gia đều chú trọng khả năng lưỡng dụng: tạo sức mạnh tổng hợp, linh hoạt của nhân tố kinh tế biển trong triệt hạ sức mạnh quân sự đối phương. Khi có chiến tranh hoặc xung đột trên biển, các đặc khu kinh tế ven biển, kết cấu hạ tầng kỹ thuật trên biển, như cảng biển, các tuyến hàng hải, cơ sở hậu cần kỹ thuật, hệ thống thông tin liên lạc trên biển, đường băng dân sự trên các đảo kết hợp với hạ tầng trên các đảo, quần đảo trở thành hệ thống kết nối liên hoàn hỗ trợ tác chiến. Học thuyết biển của Nga nhấn mạnh khả năng chuyển đổi công năng của hạ tầng kinh tế biển sang phục vụ mục đích quân sự để ngăn cản các mối đe dọa. Mỹ coi lực lượng tàu vận tải thời chiến là bộ phận cấu thành của lực lượng vũ trang. Trung Quốc áp dụng tiêu chuẩn tàu quân sự cho tàu dân sự, có thể giúp nhanh chóng chuyển năng lực tiềm tàng của đội tàu vận tải dân sự thành sức mạnh quân sự thời chiến(1). Để bảo đảm sự kết hợp kinh tế biển với quốc phòng - an ninh, các quốc gia này đều chú trọng xây dựng lực lượng hải quân mạnh, hiện đại, có khả năng ứng chiến nhanh, bảo vệ lợi ích chiến lược trên khắp các vùng biển.
Như vậy, để thích nghi, đối phó với sự thay đổi lớn trên thế giới, bảo vệ lợi ích và chủ quyền quốc gia, các nước này đều có sự điều chỉnh chiến lược biển, đặt chiến lược biển vào vị trí trung tâm của chiến lược quốc gia.
Là quốc gia biển trong khu vực Biển Đông, Việt Nam với vị thế đặc thù, là “ban công” hướng ra biển Thái Bình Dương, có nhiều thuận lợi cho hoạt động giao thương và hội nhập kinh tế quốc tế nhưng cũng là vị trí xung yếu về mặt an ninh, quốc phòng; tạo cho nước ta một vị thế địa - chính trị và địa - kinh tế then chốt trong chiến lược phát triển, mở rộng ảnh hưởng các nước lớn trên thế giới, từ xa xưa cho đến nay. Từ thế đứng tự nhiên - lịch sử, cùng với vị thế của đất nước hiện nay trong khu vực và trên thế giới, Việt Nam đã có nhiều chủ trương, chính sách về biển, sách nhằm khai thác tối đa tiềm năng và lợi thế trên biển, vùng ven biển và hải đảo, bảo đảm quốc phòng - an ninh, bảo vệ môi trường, bảo vệ toàn vẹn chủ quyền quốc gia, góp phần đẩy nhanh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đưa nước ta trở thành “quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển, phát triển bền vững, thịnh vượng, an ninh và an toàn” như Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 do Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương khóa XII đã đề ra./.
----------------------------------------
(1) Xem: Tạp chí Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương, số 478, tháng 9-2016
Lĩnh vực hóa - chế biến dầu khí: “Trước đây chúng ta còn chưa hiểu hết bản thân, nhưng giờ đã khác”  (10/01/2019)
Thảo luận về báo cáo tư vấn xây dựng báo cáo chính trị Đại hội Đảng  (09/01/2019)
Thủ tướng đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục hỗ trợ Lào  (09/01/2019)
Nghiên cứu phản ánh về cơ chế đầu tư PPP  (09/01/2019)
Thủ tướng: Hệ thống tín dụng phải có trách nhiệm hỗ trợ người dân  (09/01/2019)
Bế mạc Hội nghị lần thứ 9 Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc  (09/01/2019)
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay