Bảo vệ, phát huy giá trị văn hóa dân gian của các dân tộc thiểu số ở Việt Nam
Hội thảo bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa dân gian của các dân tộc thiểu số ở Việt Nam đã diễn ra chiều 14-12, tại Làng văn hóa các dân tộc Việt Nam (Sơn Tây, Hà Nội). Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam dự Hội thảo.
Báo cáo của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cho thấy, thời gian qua, công tác bảo tồn, phát huy văn hóa các dân tộc thiểu số góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, tăng cường sức mạnh khối đại đoàn kết các dân tộc, vì một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến và đậm đà bản sắc dân tộc. Công tác điều tra, sưu tầm, nghiên cứu, phổ biến các giá trị văn hóa, văn học nghệ thuật; phục dựng bảo tồn các lễ hội truyền thống đặc sắc có nguy cơ mai một, tạo môi trường văn hóa lành mạnh, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, tạo điều kiện để phát triển mô hình văn hóa - du lịch.
Đến nay, hơn 80 lễ hội truyền thống tiêu biểu của các dân tộc Mường, Thái, Tày, Cơ Tu, Mông, Nùng, Dao, Ba Na, Chứt, Khmer, XTiêng, Khơ Mú, Lào, Giáy, Lô Lô, Co, Mạ, Bố Y, Pà Thẻn, Ơ Đu, Tà Ôi, Hà Nhì, Cống, Shi La, Rơ Măm, Ê Đê, Bru-Vân Kiều… được phục dựng bảo tồn, phát triển đúng mục đích, phù hợp với từng dân tộc. Hơn 30 làng/bản/buôn của 25 dân tộc (S’tiêng, Chăm, Ba Na, K’ho, M’Nông, Ê Đê, Vân Kiều, Khơ mú, Mường, Thái, Mông, Lô Lô, Tày, Dao, Khmer, Jrai, Ơ Đu, Chứt, Mạ, Bố Y, H’rê…) được hỗ trợ đầu tư bảo tồn, phát huy giá trị các thiết chế văn hóa truyền thống, lễ hội, làn điệu dân ca, dân vũ, dân nhạc, trang phục truyền thống, nghề truyền thống, những nét đẹp trong phong tục tập quán của các dân tộc. Nhiều lớp truyền dạy văn hóa truyền thống phi vật thể của dân tộc thiểu số có số dân rất ít người (dưới 10.000 người) được mở ra tại các tỉnh Hà Giang, Lai Châu, Nghệ An, Kon Tum, Điện Biên, Lào Cai, Thái Nguyên, Quảng Bình... 134/271 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là của các dân tộc thiểu số; 276/617 nghệ nhân ưu tú là người dân tộc thiểu số.
Bên cạnh những kết quả đạt được, nhiều ý kiến tại hội thảo cho rằng, việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân gian các dân tộc thiểu số đặt ra ngày càng cấp bách. Sự du nhập văn hóa nước ngoài và quá trình đô thị hóa nhanh chóng hiện nay, ngoài những lợi ích đem lại cho con người cũng gây ra nhiều bất cập, trong đó có nguy cơ làm mai một không ít giá trị văn hóa dân gian các dân tộc thiểu số như: trang phục, kiến trúc, lối sống của giới trẻ, văn hóa ứng xử trong cộng đồng; việc phục dựng, tổ chức lễ hội còn bất cập; tình trạng thương mại hóa, biến tướng, lợi dụng tín ngưỡng để trục lợi có chiều hướng gia tăng... Điển hình như việc bảo vệ, phát huy các di sản văn hóa phi vật thể đã được UNESCO vinh danh đang gặp phải tình trạng “ngoài lề hoá”, “sân khấu, làm mới và thương mại hóa di sản”, cùng với những bất cập trong thực hành, truyền dạy và công tác nghệ nhân. Các đại biểu đã tập trung đánh giá việc thực hiện chính sách về bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân gian ở vùng dân tộc thiểu số đồng thời gợi mở, xây dựng các chính sách mới.
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, lĩnh vực văn hóa nói chung, hoạt động bảo tồn, phát huy di sản văn hóa nói riêng, có những đặc thù, khó khăn do nguồn lực về con người, thường được ưu tiên hơn cho các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội, đầu tư cơ sở hạ tầng. Nhưng khi xuất hiện các vấn đề, bất cập về văn hóa, thường chưa thể khắc phục được ngay, phải mất nhiều thời gian, tâm sức, thậm chí nhiều chục năm, để khắc phục. Cùng với đó, nhiều hoạt động bảo tồn, phát huy di sản văn hóa chưa coi trọng đúng mức.
Phó Thủ tướng khẳng định, sự tôn vinh của cộng đồng quốc tế đối với các di sản văn hóa dân tộc hay những hoa văn, họa tiết trên thổ cẩm được đưa vào thời trang, kiến trúc… là niềm tự hào của dân tộc, của đất nước. Để hình thành nên bản sắc văn hóa mỗi cộng đồng dân tộc cần thời gian hàng nghìn năm. Vì vậy, công tác bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa cần lắng nghe chuyên gia, có tầm nhìn chiến lược và sự kiên trì từng việc cụ thể, theo lộ trình. “Nhà nước không chỉ đào tạo nhân lực, hỗ trợ hoạt động bảo tồn di sản văn hóa mà còn tạo ra môi trường, mối liên kết, kết nối để từng người dân, từng cộng đồng và toàn xã hội có thể tham gia công tác này, đặc biệt dựa trên sự phát triển của khoa học công nghệ, nhất là công nghệ thông tin, kết nối mạng di động, cá nhân hóa”, Phó Thủ tướng nói.
Thời gian tới Chính phủ sẽ chỉ đạo các bộ, ngành hoàn thiện hơn nữa chính sách dành cho các nghệ nhân, nhất là đối với những di sản vật thể, phi vật thể có nguy cơ mất đi; tiếp cận theo xu hướng giáo dục người dân tộc thiểu số trong trường học theo xu thế quốc tế.
Kết luận Hội thảo, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng khẳng định, trách nhiệm bảo vệ, phát huy bản sắc văn hóa, văn hóa dân gian các dân tộc không chỉ là việc của từng cộng đồng dân tộc mà là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của tất cả mọi người. Thông qua việc giao lưu văn hóa từ các vùng miền, các dân tộc sẽ tạo điều kiện để đồng bào các dân tộc thiểu số học hỏi, tăng cường hiểu biết, phát huy truyền thống tốt đẹp và gắn kết cộng đồng. Tuy nhiên, hiện nay việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa hiệu quả chưa cao, nguy cơ mai một chưa được chặn đứng. Một phần do đầu tư cho văn hóa chưa tương xứng, còn dàn trải, chưa có cơ chế phát huy toàn xã hội đầu tư cho văn hóa, nhất là trong việc sưu tầm, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa tốt đẹp, kể cả nguồn nhân lực công tác này có mặt còn hạn chế.
Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, thời gian tới, Chính phủ cần tổ chức rà soát, bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về chính sách đối với các dân tộc thiểu số, trong đó có chính sách bảo vệ, phát huy giá trị văn hóa dân gian, bảo tồn phát huy bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số, đặc biệt chú ý địa bàn, các dân tộc có nguy cơ biến dạng văn hóa, nhất là các dân tộc còn rất ít người, khu vực biên giới, hải đảo, khu tái định cư do di dân. Tôn vinh các giá trị văn hóa tốt đẹp, khích lệ sáng tạo giá trị văn hóa mới, tiến bộ, bỏ những hủ tục lạc hậu.
Đồng thời, Chính phủ cần có giải pháp đào tạo nhân lực nòng cốt cho bảo tồn phát huy, chú ý coi trọng các chính sách, chế độ khuyến khích đối với các nghệ nhân trao truyền di sản văn hóa; khuyến khích giới trẻ tiếp thu các di sản văn hóa, chú ý phong tặng danh hiệu nghệ nhân ưu tú, nghệ nhân nhân dân các dân tộc thiểu số - Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh./.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm Khu sản xuất cá tra giống công nghệ cao tại An Giang  (14/12/2018)
Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11-2018  (14/12/2018)
Hoạt động đối ngoại nổi bật tuần qua (từ ngày 03 đến ngày 09-12-2018)  (14/12/2018)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển