Nguyên nhân của việc chậm trễ trong tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên
TCCSĐT - Phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên là nội dung cơ bản trong Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều tại Singapore ngày 12-6-2018. Tuy nhiên, cho đến nay, dường như cuộc đàm phán chưa được triển khai trên thực tế khi cả Mỹ và Triều Tiên “không vội vàng” và không áp đặt giới hạn thời gian cho các bước phi hạt nhân hóa.
1. Trước cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều, Chính phủ Mỹ nhiều lần khẳng định, tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên sẽ được khởi động sớm, “không thể chậm trễ”. Trong Hội nghị thượng đỉnh tại Singapore ngày 12-6-2018, Tổng thống Mỹ D. Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un thống nhất phương án thực hiện phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên. Tuy nhiên, tuyên bố chung được hai nhà lãnh đạo ký kết không nêu cụ thể lộ trình, cách thức thực hiện cam kết.
Ngay sau Hội nghị thượng đỉnh, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết, phần lớn quá trình giải trừ vũ khí hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên sẽ được thực hiện trước khi ông D. Trump kết thúc nhiệm kỳ Tổng thống vào năm 2020. Nhưng kể từ sau Hội nghị thượng đỉnh đến nay, các nhà quan sát ghi nhận, kết quả của Hội nghị thượng đỉnh chỉ dừng ở việc Triều Tiên trao trả hơn 50 bộ hài cốt binh lính Mỹ thiệt mạng trong Chiến tranh Triều Tiên (1950 - 1953). Trong khi đó, Mỹ cho rằng, Triều Tiên đang chủ ý làm chậm tiến trình khi không cung cấp một danh sách đầy đủ và có kiểm chứng vũ khí, tên lửa và năng lực hạt nhân.
Mặc dù đàm phán phi hạt nhân hóa đang lâm vào bế tắc, nhưng trước giới truyền thông, Mỹ vẫn khẳng định, Washington và Bình Nhưỡng đang duy trì đối thoại. Theo đó, thời gian gần đây, nhà lãnh đạo Triều Tiên và Tổng thống Mỹ đã có những bình luận tốt dành cho nhau; Bình Nhưỡng cũng không phô diễn tên lửa đạn đạo xuyên lục địa trong cuộc duyệt binh mừng 70 năm quốc khánh hôm 09-9. Hành động này dường như cho thấy, lãnh đạo Triều Tiên muốn phát tín hiệu tới Tổng thống Mỹ rằng, Bình Nhưỡng chân thành trong nỗ lực phi hạt nhân hóa.
Trước đó, phát biểu trong cuộc họp báo ngày 06-9 sau chuyến thăm một ngày tới Bình Nhưỡng, ông Chung Eui-yong, Đặc phái viên của Tổng thống Hàn Quốc cho biết, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã tái khẳng định cam kết chắc chắn thực hiện phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên. Theo ông Chung Eui-yong, nhà lãnh đạo Triều Tiên đã bày tỏ mong muốn giải quyết vấn đề chương trình vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng cũng như quan hệ thù địch với Mỹ trước khi kết thúc nhiệm kỳ của Tổng thống Mỹ D. Trump. Tuy nhiên, đó vẫn chỉ là những cam kết, những lời tuyên bố, chứ chưa phải là kế hoạch và những hành động cụ thể thực hiện tiến trình phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên.
2. Có thể lý giải phần nào tình hình nêu trên ở các khía cạnh sau:
Một là, Mỹ - Triều Tiên đang có những thiếu hụt niềm tin chiến lược, tỏ ra nghi ngại lẫn nhau trong các cuộc hội đàm về phi hạt nhân hóa.
Triều Tiên cho rằng, Bình nhưỡng mới là bên có thiện chí trong vấn đề phi hạt nhân hóa. Bộ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Ri Yong-ho cho rằng, cách tiếp cận của Chính quyền Tổng thống Mỹ D. Trump đối với tiến trình đàm phán quá “nghèo nàn” trong khi vẫn tiếp tục các biện pháp trừng phạt Bình Nhưỡng. Ông còn khẳng định, Triều Tiên sẽ không bị ép buộc hành động một cách đơn phương, đồng thời yêu cầu Mỹ phải có các biện pháp “xây dựng lòng tin” nếu muốn các cuộc đàm phán thành công.
Tuy nhiên, theo giới chức Mỹ, trong các cuộc đàm phán, Triều Tiên thậm chí từ chối thảo luận về định nghĩa phi hạt nhân hóa hay các điều khoản chính trong việc phi hạt nhân hóa như “có thể xác minh” và không thể đảo ngược. Mỹ cũng đã đề xuất 3 nội dung trọng điểm trong cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa. Các nội dung này gồm một tuyên bố đầy đủ về kho hạt nhân Triều Tiên sở hữu, lộ trình dỡ bỏ chương trình hạt nhân và lời hứa ông Kim Jong-un chưa hoàn thành tại cuộc gặp thượng đỉnh tại Singapore, nhưng Triều Tiên đã không phản hồi. Trong khi đó, các cơ quan tình báo Mỹ cho biết, Triều Tiên có thể đang nâng cấp lò phản ứng hạt nhân và phát triển tên lửa.
Hai là, giữa Mỹ và Triều Tiên vẫn còn những bất đồng trong giải quyết vấn đề phi hạt nhân hóa và dỡ bỏ lệnh cấm vận.
Mỹ muốn trước hết Triều Tiên phải phi hạt nhân hóa hoàn toàn, sau đó mới dỡ bỏ lệnh trừng phạt, trong khi Bình Nhưỡng muốn các lệnh trừng phạt được dỡ bỏ và sự bảo đảm an ninh từ phía Wasington. Bằng chứng là chỉ một tuần sau Hội nghị thượng đỉnh, Mỹ đã lên một bản danh sách 47 yêu cầu, nhằm đưa ra lộ trình cho Bình Nhưỡng loại bỏ toàn bộ kho vũ khí hạt nhân, các vũ khí hủy diệt hàng loạt và cơ sở hạ tầng liên quan. Nếu Triều Tiên không thực hiện phi hạt nhân hóa theo bản danh sách, các lệnh trừng phạt họ đang phải hứng chịu sẽ không được dỡ bỏ. Phát biểu trong cuộc họp báo sau hội đàm với hai người đồng cấp Nhật Bản và Hàn Quốc tại Tokyo ngày 08-7, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo khẳng định, Washington sẽ tiếp tục duy trì lệnh trừng phạt tới khi nào Bình Nhưỡng thực hiện phi hạt nhân hóa hoàn toàn. Những người ủng hộ Mỹ cho rằng, trên bình diện công khai, Bình Nhưỡng đã được nhiều thứ so với Washington. Mỹ đã ngừng các cuộc tập trận thường niên với Hàn Quốc; không tìm cách áp dụng mô hình phi hạt nhân hóa kiểu Libya đối với Bình Nhưỡng... Trong khi đó, Triều Tiên lại cho rằng, Washington đưa ra những đòi hỏi một phía về giải trừ hạt nhân của Bình Nhưỡng. Triều Tiên muốn Mỹ phải giảm áp lực kinh tế với Bình Nhưỡng trước khi bước vào các cuộc đàm phán mới.
Theo như thỏa thuận tại Singapore, phi hạt nhân hóa nằm ở giai đoạn 3, sau khi “thiết lập quan hệ Mỹ - Triều” và xây dựng “một chính phủ ôn hòa” tại Washington. Thỏa thuận “phi hạt nhân hóa hoàn toàn” chỉ diễn ra khi các điều kiện trên được thiết lập. Để đáp ứng các yêu cầu trên, Mỹ ít nhất sẽ phải dỡ bỏ các biện pháp răn đe hiện tại đối với Triều Tiên, kể cả khu vực phi hạt nhân trên bán đảo này. Thỏa thuận cũng đặt Triều Tiên ở mức độ trách nhiệm ngang với Mỹ, nghĩa là Triều Tiên sẽ giải trừ hạt nhân khi Mỹ cũng làm điều tương tự. Dù phương án nào thì thỏa thuận ở Singapore đều không cho phép những đòi hỏi từ một phía.
Ba là, do sự khác biệt về quan điểm trong các quan chức cấp cao của Chính quyền Tổng thống D. Trump về vấn đề tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.
Trước Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều tại Singapore, trong nội bộ Chính quyền Tổng thống D. Trump cũng đã dấy lên những luồng quan điểm trái chiều nhau trong vấn đề phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Phe được cho là có quan điểm cứng rắn mà tiêu biểu là Cố vấn An ninh quốc gia John Bolton yêu cầu Mỹ và Triều Tiên phải đi tới thỏa thuận “phi hạt nhân hóa hoàn toàn, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược” trong cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống D. Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Phe có quan điểm ôn hòa hơn lại lo ngại một điều kiện tiên quyết như vậy có thể làm đổ vỡ cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử Mỹ - Triều mà ông D. Trump rất kỳ vọng. Như đã biết, phe quan điểm ôn hòa hơn đã thắng thế khi thỏa thuận giữa Tổng thống D. Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un chỉ chứa đựng cam kết chung là thực hiện phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Việc thỏa thuận đạt được trong Hội nghị thượng đỉnh không đưa ra mốc thời gian và đặc biệt là các cơ chế, biện pháp để có thể kiểm chứng được việc Triều Tiên thực thi phi hạt nhân hóa.
Trong thời gian gần đây, việc thực thi thỏa thuận giữa Tổng thống D. Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un về phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên đang có những quan điểm khác biệt ngay trong nội bộ quan chức cao cấp của Mỹ. Trong cuộc trả lời phỏng vấn qua điện thoại với Kênh truyền hình CNN được công bố ngày 25-6, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo khẳng định, ông sẽ không đặt một lịch trình cho các cuộc đàm phán về phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Quan điểm này có sự khác biệt lớn so với lập trường của Lầu Năm góc. Trước đó chỉ một ngày (24-6), trước thềm chuyến công du châu Á của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis cho biết, Mỹ sẽ sớm đưa ra một lịch trình kèm theo những “yêu cầu cụ thể” đối với Triều Tiên sau cuộc gặp thượng đỉnh. Mặc dù không nêu chi tiết, song hàm ý rằng, Mỹ sẽ đưa ra một bản kế hoạch rõ ràng cho Triều Tiên, trong đó thể hiện quan điểm của Washington về việc thực thi thỏa thuận mà hai bên đạt được trong cuộc gặp thượng đỉnh tại Singapore. Sự khác biệt về quan điểm giữa Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng Mỹ trong tiến trình thực thi phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên một lần nữa cho thấy, sự thiếu thống nhất ngay trong nội bộ Chính quyền Tổng thống D. Trump trong vấn đề then chốt nhất của thỏa thuận cấp cao Mỹ - Triều.
Bốn là, Triều Tiên được cho là sử dụng chiến thuật “đàm phán trì hoãn” về vấn đề phi hạt nhân hóa để làm chậm tiến trình này.
Mặc dù cam kết phi hạt nhân hóa, nhưng trên thực tế Bình Nhưỡng không “thực sự nhiệt tình” trong các cuộc đàm phán tiếp sau Hội nghị thượng đỉnh để nhanh chóng phi hạt nhân hóa. Triều Tiên được cho là đang vận dụng “chiến thuật trì hoãn” nhằm làm mất đà nỗ lực phi hạt nhân hóa của Tổng thống D. Trump. Sau cuộc gặp thượng đỉnh ở Singapore, Washington đã tìm cách đưa ra khung thời gian chi tiết và khuôn khổ cho các cuộc đàm phán tiếp theo, song Bình Nhưỡng đã tỏ ra không muốn đặt ra “thời gian biểu” cho tiến trình phi hạt nhân hóa , đồng thời “trì hoãn” việc cung cấp một danh sách đầy đủ và có kiểm chứng vũ khí, tên lửa và năng lực hạt nhân.
Thay vì có bước đi cụ thể hướng tới phi hạt nhân hóa, Triều Tiên đã thực hiện các biện pháp xây dựng lòng tin, như ngừng các vụ thử vũ khí hạt nhân hoặc tên lửa, dỡ bỏ bãi thử hạt nhân và một trạm phóng vệ tinh, trao trả hài cốt binh lính Mỹ mất tích trong chiến tranh Triều Tiên, cũng như trả tự do cho 3 công dân Mỹ. Chiến thuật của Bình Nhưỡng như một phép thử sự kiên trì của Tổng thống D. Trump. Chiến thuật này dường như đã phát huy hiệu quả, minh chứng là tại cuộc gặp các phóng viên ở Nga ngày 17-7, ông D. Trump nói rằng, không việc gì phải vội vàng phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, một sự thay đổi so với lập trường trước đó của ông kêu gọi phi hạt nhân hóa nhanh chóng.
Cho đến Hội nghị thượng đỉnh Hàn - Triều lần 3 (từ ngày 18 đến 20-9) vừa qua, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un mới nhất trí về phương thức cụ thể để đạt được phi hạt nhân hóa và đồng ý để các thanh sát viên quốc tế tới các bãi thử tên lửa của nước này. Bình Nhưỡng cũng đồng ý đóng cửa cơ sở hạt nhân chủ chốt Yongbyon và bãi phóng thử tên lửa tầm xa Dongchang-ri dưới sự giám sát của cộng đồng quốc tế, nhưng vẫn gắn với điều kiện là nếu Mỹ có “bước đi phù hợp”.
Năm là, về khách quan, phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên sẽ là một tiến trình “dài hơi”.
Theo nhận định của một số chuyên gia tại trường Đại học Stanford (Mỹ), bất cứ thỏa thuận từ bỏ vũ khí hạt nhân nào từ phía Triều Tiên đều có thể mất hàng thập kỷ để thực hiện. Các nhà khoa học đã xác định có 22 chương trình hoặc hoạt động đặc biệt - như vũ khí hạt nhân, kho tên lửa hoặc các cơ sở tái xử lý hạt nhân của Triều Tiên. Việc tiêu hủy hoặc đặt ra giới hạn cho chúng sẽ mất khoảng từ 6 đến 10 năm, trong khi đó, việc đình chỉ các hoạt động này nhiều khả năng sẽ không mất đến 01 năm.
Mỹ cũng đã thừa nhận không thể sớm phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết, các cuộc đàm phán liên quan tới chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên sẽ mất thêm một thời gian nữa mới có thể hoàn tất. Tuy nhiên, vấn đề ở đây là thái độ thiếu thiện chí của cả hai phía Mỹ và Triều Tiên trong xây dựng và thực thi tiến trình phi hạt nhân hóa, đã tạo ra sự chậm trễ.
Như vậy, phi hạt nhân hóa bán đảo triều Tiên cho tới nay vẫn đang dừng lại ở lời hứa và cam kết. Trong khi đó, tương lai hòa bình trên bán đảo Triều Tiên đang phụ thuộc rất nhiều vào từng hành động cụ thể của cả Mỹ và Triều Tiên, đặc biệt trong việc theo đuổi mục tiêu phi hạt nhân hóa. Tuy nhiên, dư luận vẫn có thể kỳ vọng vào những bước tiến mới ở Hội nghị thượng đỉnh lần hai giữa Mỹ và Triều Tiên, bởi những động lực thúc đẩy từ thành công của hội nghị thượng đỉnh liên Triều vừa qua./.
Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài: Cần cách tiếp cận mới  (16/11/2018)
Say đắm thưởng ngoạn “lâu đài ánh sáng” chốn thiên đường hang động  (16/11/2018)
Lựa chọn “Hành trình mùa Thu” Vinpeal Discovery cho kỳ nghỉ  (16/11/2018)
Làm sao để vừa ăn ngon mà vẫn vừa giữ dáng và trẻ khoẻ  (16/11/2018)
Xây dựng và hoàn thiện thể chế phát triển tập đoàn kinh tế nhà nước trong bối cảnh hội nhập quốc tế  (15/11/2018)
Kỳ họp Quốc hội: Cần nâng trình độ đào tạo giáo viên mầm non  (15/11/2018)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển