TCCSĐT - Thông tin từ Bộ Y tế cho biết, đến nay, các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS được các địa phương trong cả nước triển khai toàn diện, rộng khắp và có hiệu quả cao. Nhờ đó, số người nhiễm HIV mới phát hiện, số bệnh nhân AIDS và số người tử vong do HIV/AIDS hằng năm liên tục giảm. Tuy nhiên, tình hình dịch HIV/AIDS vẫn chưa ổn định, có nhiều nguy cơ trở lại, trong khi đó nhiều địa phương chưa quan tâm cao đến công tác phòng, chống HIV/AIDS.
Hướng mục tiêu đến năm 2020

Tính đến cuối tháng 3-2018, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế trong bệnh nhân nhiễm HIV điều trị bằng ARV của cả nước đạt 83,4%. Trong đó, 5 địa phương có tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế cao nhất nước đạt 100% là: Hà Nội, Cao Bằng, Bắc Cạn, Lạng Sơn và tỉnh Cà Mau, còn lại 30 tỉnh đạt trên 90% và 5 tỉnh đạt dưới 70% gồm: Đồng Nai, Quảng Trị, Thanh Hóa, Bình Thuận và Bến Tre... Theo đó, Bộ Y tế đang hướng mục tiên đến năm 2020 sẽ có 100% người nhiễm HIV trên cả nước tham gia bảo hiểm y tế.

PEPFAR (President’s Emergency Plan For AIDS Relief) tên gọi tắt của Kế hoạch Cứu trợ Khẩn cấp được Tổng thống Hoa kỳ George W. Bush khởi xướng từ năm 2003. Đây là chương trình viện trợ dành cho 15 quốc gia để phòng chống HIV/AIDS mà Việt Nam là một trong số những nước được tài trợ. Theo bà Stephanie De Goes - Điều phối viên chương trình PEPFAR Việt Nam cho biết, để đạt được mục tiêu 100% người nhiễm HIV có thẻ bảo hiểm y tế, thì Bộ Y tế cần nghiên cứu, sửa đổi, tháo gỡ những rào cản, khó khăn, cho phép người nhiễm HIV có nhiều cơ hội tiếp cận với bảo hiểm y tế hơn.

Đẩy mạnh hoạt động dự phòng lây nhiễm HIV

Để thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25-10-2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới, hướng tới mục tiêu kết thúc đại dịch AIDS vào năm 2030, Bộ Y tế ban hành Chỉ thị số 1139/CT-BYT về tăng cường công tác phòng, chống HIV/AIDS.

Bộ Y tế yêu cầu Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chủ trì chỉ đạo tập trung đẩy mạnh các hoạt động dự phòng lây nhiễm HIV, đặc biệt là phân phát bơm kim tiêm và bao cao su cho các nhóm nguy cơ cao. Các địa phương tiếp tục duy trì và tích cực mở rộng điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone; đẩy mạnh truyền thông, chống kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS; tăng cường phối hợp liên ngành và huy động xã hội tham gia vào công tác phòng, chống HIV/AIDS.

Các địa phương, đơn vị đẩy mạnh giám sát và phát hiện HIV chủ động. Đa dạng hóa các hình thức tư vấn xét nghiệm sàng lọc HIV như xét nghiệm tại cơ sở y tế, tại cộng đồng, tại gia đình và tự xét nghiệm HIV; triển khai xét nghiệm HIV chủ động tại khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc ít người, đặc biệt là ở các cụm dân cư có nhiều người đã được phát hiện nhiễm HIV; mở các phòng xét nghiệm được phép khẳng định HIV dương tính tại tuyến huyện ở khu vực vùng sâu, vùng xa để phát hiện sớm các trường hợp nhiễm HIV trên địa bàn.

Mở rộng điều trị thuốc kháng HIV (ARV) cho người nhiễm HIV

Đây là một trong những nội dung quan trọng của Chỉ thị tăng cường công tác phòng, chống HIV/AIDS. Bộ Y tế yêu cầu các địa phương khẩn trương mở rộng điều trị thuốc kháng HIV (ARV) cho tất cả những người nhiễm HIV ngay khi được phát hiện; mở rộng cấp phát thuốc tại tuyến xã và cấp phát thuốc nhiều tháng theo hướng dẫn của Bộ Y tế; kiện toàn các cơ sở điều trị và các điều kiện cần thiết khác để bắt đầu thanh toán thuốc ARV cho điều trị HIV/AIDS qua Quỹ bảo hiểm y tế từ năm 2019.

Bên cạnh đó, tăng cường đầu tư từ ngân sách địa phương cho công tác phòng, chống HIV/AIDS theo đề án đảm bảo tài chính đã được phê duyệt; báo cáo cấp có thẩm quyền để bố trí đủ kinh phí mua thẻ Bảo hiểm y tế cho người nhiễm HIV, đảm bảo 100% bệnh nhân HIV có thẻ Bảo hiểm y tế, thực hiện hỗ trợ đồng chi trả khám chữa bệnh Bảo hiểm y tế và các hỗ trợ khác theo quyết định số 2188/QĐ-TTg ngày 15-11-2016 của Thủ tướng Chính phủ; quản lý tốt và sử dụng có hiệu quả các nguồn kinh phí viện trợ quốc tế và các nguồn kinh phí hợp pháp khác cho công tác phòng, chống HIV/AIDS.

Duy trì và tăng cường đội ngũ cán bộ chuyên môn về phòng, chống HIV/AIDS trong quá trình thành lập Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh, thành phố, đặc biệt là cán bộ chuyên môn về tư vấn xét nghiệm HIV, điều trị nghiện các chất dạng thuộc phiện bằng thuốc thay thế và chăm sóc, điều trị HIV/AIDS./.