TCCSĐT - Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định 1365/QĐ-TTg về việc tổ chức và hoạt động “Quỹ vì biển, đảo Việt Nam”.

Quỹ này nhằm tuyên truyền, vận động nhân dân cả nước và người Việt Nam ở nước ngoài hướng về biển, đảo Việt Nam nói chung, quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1 nói riêng.

Quỹ này cũng nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, các địa phương và nhân dân trong và ngoài nước về vị trí, vai trò của biển, đảo trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đưa “Nghị quyết về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn năm 2045” vào cuộc sống, đáp ứng yêu cầu xã hội hóa nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo, thềm lục địa của Tổ quốc trong tình hình mới.

Đồng thời, việc tổ chức Quỹ nhằm huy động mọi nguồn lực, phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị, cộng đồng xã hội tham gia nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ chủ quyền biển, đảo.

Cùng với đó tuyên truyền, vận động các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tự nguyện hỗ trợ vật chất, tài chính, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của quân và dân trên các vùng biển, đảo của Tổ quốc.

“Quỹ vì biển, đảo Việt Nam” là nguồn kinh phí huy động tự nguyện (không bắt buộc) đóng góp, hỗ trợ của các cơ quan, tổ chức, đoàn thể, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài nước nhằm từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của quân và dân trên các vùng biển, đảo của Tổ quốc, trong đó ưu tiên tập trung cho các địa bàn trọng điểm, chiến lược, nhất là huyện đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1.

Thủ tướng Chính phủ cũng ký Quyết định 1366/QĐ-TTg kiện toàn Ban Chỉ đạo “Quỹ vì biển, đảo Việt Nam”. Theo Quyết định, Trưởng Ban chỉ đạo là lãnh đạo Bộ Quốc phòng phụ trách về biển, đảo.

Phó Trưởng ban Thường trực là Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam. Phó Trưởng ban là Chính ủy Quân chủng Hải quân, Bộ Quốc phòng. Mời 1 Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam làm Phó Trưởng ban.

Đề xuất giải pháp về chống chuyển giá

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Tài chính đề xuất các giải pháp cần thực hiện để có thể làm tốt hơn chức năng, nhiệm vụ được giao về chống chuyển giá.

Trước đó, báo Tiền Phong ngày 21-9-2018 có bài phản ánh "Theo TS. Nguyễn Đình Hòa, thiếu sự phối hợp giữa cơ quan thuế và các cơ quan chức năng trong chống chuyển giá tạo kẽ hở để các đối tượng lợi dụng. Trình độ của kiểm toán viên nhà nước còn hạn chế về ngoại ngữ, tin học, các chuẩn mực kế toán, kiểm toán quốc tế, pháp lý liên quan kinh doanh và pháp luật quốc tế".

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Tài chính rà soát, đánh giá tình hình thực hiện các nhiệm vụ của các cơ quan liên quan được giao tại Điều 13 Nghị định số 20/2017/NĐ-CP ngày 24-02-2017 của Chính phủ quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết, đề xuất các giải pháp cần thực hiện để có thể làm tốt hơn chức năng, nhiệm vụ được giao về chống chuyển giá, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Không sử dụng Quỹ bảo hiểm y tế để tạm ứng mua thuốc chống lao

Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ về mua sắm, thanh toán thuốc chống lao.

Kết luận nêu rõ, trong thời gian qua, việc tổ chức thực hiện Chương trình phòng chống lao quốc gia đã đạt nhiều kết quả tích cực, được cộng đồng quốc tế đánh giá tốt.

Phó Thủ tướng giao Bộ Y tế báo cáo Thủ tướng Chính phủ tình hình, kết quả thực hiện việc mua sắm, thanh toán thuốc chống lao trong thời gian qua (kể cả nguồn viện trợ); chủ trì, phối hợp với các Bộ: Tài chính, Tư pháp và các cơ quan liên quan đề xuất phương án, hình thức văn bản về mua sắm, thanh toán thuốc chống lao phù hợp với pháp luật hiện hành, bảo đảm có đủ thuốc chống lao, tuân thủ nguyên tắc bảo hiểm y tế, không sử dụng Quỹ bảo hiểm y tế để tạm ứng mua thuốc chống lao.

Giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế khẩn trương nghiên cứu, đề xuất phương án tiếp tục sử dụng nguồn ngân sách nhà nước để mua thuốc chống lao trong các năm 2019 - 2020; trước mắt bố trí kinh phí mua thuốc chống lao trong dự toán ngân sách năm 2019, không chuyển sang sử dụng nguồn Quỹ bảo hiểm y tế, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định trước ngày 25-10-2018.

Ban hành nghị định bổ sung thêm đối tượng được miễn học phí


Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 145/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 02-10-2015 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015 - 2016 đến năm học 2020 - 2021.

Theo đó, Nghị định số 145/2018/NĐ-CP bổ sung thêm đối tượng được miễn học phí là trẻ em học lớp mẫu giáo 5 tuổi ở vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn có cha mẹ, có cha hoặc có mẹ hoặc có người chăm sóc trẻ em, trẻ em thường trú ở xã, thôn đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi, các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển, hải đảo theo quy định của Thủ tướng Chính phủ và cấp có thẩm quyền.

Cha mẹ hoặc người chăm sóc trẻ em mẫu giáo 5 tuổi được hưởng chính sách miễn học phí theo quy định làm Đơn đề nghị miễn học phí theo mẫu kèm theo Nghị định số 145/2018/NĐ-CP và hồ sơ theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 5 Nghị định số 06/2018/NĐ-CP ngày 05-01-2018 của Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ ăn trưa đối với trẻ em mẫu giáo và chính sách đối với giáo viên mầm non.

Nghị định nêu rõ, trường hợp trẻ em mẫu giáo 5 tuổi được hưởng chính sách miễn học phí theo quy định tại Nghị định này đồng thời thuộc diện được hưởng chính sách hỗ trợ ăn trưa theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Nghị định số 06/2018/NĐ-CP, cha mẹ hoặc người chăm sóc trẻ em chỉ phải nộp bổ sung Đơn đề nghị miễn học phí.

Trình tự thủ tục xét duyệt hồ sơ, chi trả, cấp bù kinh phí miễn học phí thực hiện theo quy định như đối với các đối tượng được miễn học phí quy định tại Điều 7 Nghị định số 86/2015/NĐ-CP.

Nghị định số 145/2018/NĐ-CP có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01-12-2018. Chính sách miễn học phí cho trẻ em học lớp mẫu giáo 5 tuổi quy định ở trên được thực hiện từ năm học 2018 - 2019 (từ ngày 01-9-2018)./.