Những sự kiện trong nước đáng chú ý trong tuần (từ ngày 30-8 đến ngày 5-9-2010)
Ngày 30-8-2010, tại thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam, Văn phòng Quốc hội Việt Nam và Chương trình phát triển Liên hợp quốc phối hợp tổ chức Hội nghị với chủ đề "Quốc hội khóa XII tiếp tục đổi mới để phát triển." Hội nghị này là hoạt động trong khuôn khổ Dự án “Tăng cường nhân lực cho các cơ quan đại diện tại Việt Nam”. Qua các phiên làm việc của Hội nghị, các đại biểu đã nghe các tham luận về một số chủ đề liên quan đến những thành tựu và thách thức trong việc thực hiện các chương trình của Quốc hội thông qua việc giới thiệu về các đề án đổi mới hoạt động của Quốc hội trong hoạt động lập pháp, giám sát, việc xem xét và quyết định những vấn đề quan trọng và công tác tiếp xúc cử tri. Tại Hội nghị, các chuyên gia của Liên minh Nghị viện thế giới chia sẻ và thảo luận kinh nghiệm quốc tế về hoạt động giám sát cũng như việc đổi mới hoạt động của Quốc hội. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên cho biết, Hội nghị lần này là một dịp rất tốt để thông tin đến cộng đồng quốc tế về những thành tựu và thách thức trong hoạt động của Quốc hội Việt Nam, cũng như những định hướng đổi mới trong thời gian tới. Phát biểu tại Hội nghị, ông Giôn Hen-đra, Điều phối viên của Liên hợp quốc, đại diện thường trú Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam đánh giá cao những thành tựu phát triển của Quốc hội Việt Nam khóa XII, đặc biệt là tính chuyên nghiệp của các đại biểu Quốc hội được nâng cao cũng như sự quyết đoán của Quốc hội trong việc quyết định những vấn đề liên quan đến lợi ích quốc gia.
2. Ủy ban Quốc gia về ASEAN 2010 họp phiên thứ 7
Ngày 30-8-2010, tại Hà Nội, Ủy ban Quốc gia về ASEAN 2010 đã họp phiên thứ 7 dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm. Cuộc họp đã tổng kết đánh giá công tác tổ chức Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 43, Diễn đàn Khu vực ASEAN lần thứ 17 và các hội nghị liên quan, các Hội nghị Hội đồng Cộng đồng Kinh tế và Văn hóa – Xã hội ASEAN, đồng thời rà soát công tác chuẩn bị cho Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 17 tại Hà Nội vào cuối tháng 10-2010 và triển khai các hoạt động khác của năm Chủ tịch ASEAN 2010. Phó Thủ tướng nhấn mạnh, Hội nghị Cấp cao ASEAN 17 và các cấp cao liên quan có ý nghĩa đặc biệt quan trọng và yêu cầu các Tiểu ban, Bộ, ngành khẩn trương triển khai công tác chuẩn bị cho Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 17 và các cấp cao liên quan; Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN + (ADMM+), Hội nghị những người đứng đầu cơ quan an ninh ASEAN (MAHCOS) và các hoạt động khác từ nay tới cuối năm 2010. Phó Thủ tướng nhấn mạnh, các tiểu ban, bộ, ngành liên quan cần sớm hoàn thiện chương trình hoạt động và chương trình nghị sự các hội nghị, làm tốt công tác thông tin tuyên truyền, lễ tân, hậu cần, an ninh và vệ sinh y tế, bảo đảm các hội nghị thành công tốt đẹp, thể hiện được dấu ấn Việt Nam.
3. Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 8-2010
Trong hai ngày 30 và 31-8-2010, tại Hà Nội, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chính phủ đã họp Phiên thường kỳ tháng 8-2010. Tại phiên họp, Chính phủ đã tập trung thảo luận tình hình kinh tế - xã hội tháng 8 và tám tháng năm 2010; dự báo tình hình kinh tế thế giới và Việt Nam; tình hình kinh tế - xã hội và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2011; đánh giá kết quả thực hiện ngân sách nhà nước năm 2010 và dự toán ngân sách nhà nước năm 2011; công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và đấu tranh phòng, chống tham nhũng tháng 8-2010; công tác cải cách hành chính và tình hình thực hiện Nghị quyết Phiên họp tháng 7-2010, chương trình công tác của Chính phủ tháng 8-2010. Trong phiên họp thường kỳ tháng 8-2010, Chính phủ cũng đã thảo luận và cho ý kiến về Báo cáo triển khai kế hoạch số 900/UBTVQH của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thực hiện Nghị quyết số 48/NQ-T.Ư của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020; Báo cáo đánh giá tình hình thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2006-2010; dự kiến danh mục các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011-2015; Dự thảo Nghị định số 139/2007/NÐ-CP hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật Doanh nghiệp; Dự án Pháp lệnh Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hợp tác xã.
4. Kỷ niệm 65 năm Cách mạng Tháng Tám và Ngày Quốc khánh 2-9
Sáng 1-9-2010, Lễ Kỷ niệm 65 năm Cách mạng Tháng Tám và Ngày Quốc khánh 2-9 đã diễn ra trọng thể tại Hà Nội. Dự Lễ Kỷ niệm có Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng, cùng nhiều nguyên lãnh đạo Đảng và Nhà nước, đại diện các đoàn ngoại giao và tổ chức quốc tế tại Hà Nội và các tầng lớp nhân dân Thủ đô. Thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước, kiều bào ở nước ngoài hãy đồng tâm, hiệp lực đẩy mạnh toàn diện và sâu rộng sự nghiệp đổi mới đất nước.
Nhân kỷ niệm Quốc khánh, sáng 1-9, đoàn đại biểu Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch nước, Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc đã đặt vòng hoa và vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh; và đặt vòng hoa tại Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ.
Các đoàn đại biểu gồm 61 bạn bè quốc tế đến từ 21 nước như Lào, Cam-pu-chia, Trung Quốc, Liên bang Nga, Cu-ba và các nước châu Âu, châu Á - Thái Bình Dương, châu Mỹ đã thăm và tham dự các hoạtđộng kỷ niệm 65 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9. Đây là các cựu chiến binh, cựu chuyên gia, đại diện các gia đình có công với Việt Nam; đại diện các tổ chức hòa bình, dân chủ quốc tế, các tổ chức đoàn kết, hợp tác hữu nghị với Việt Nam; đại diện các tổ chức phi chính phủ đã hợp tác có hiệu quả với Việt Nam sau chiến tranh. Họ là những bạn bè đã sát cánh chiến đấu cùng nhân dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh thống nhất đất nước, những người đã đoàn kết, giúp đỡ cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam về chính trị, vật chất, tinh thần và đã góp phần hình thành một mặt trận nhân dân rộng lớn chưa từng có trong thế kỷ XX đoàn kết, ủng hộ và bảo vệ Việt Nam, đồng thời đã và đang hợp tác có hiệu quả với Việt Nam trong công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế.
Đại sứ quán, Lãnh sự quán Việt Nam ở nhiều nước trên thế giới đã tổ chức các hoạt động kỷ niệm Quốc khánh 2-9. Tổng Thư ký Liên hợp quốcBan Ki-mun đã gửi điện chúc mừng đến Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết. Bức điện viết: “Nhân Quốc khánh Việt Nam, tôi hân hạnh gửi đến Chủ tịch và Chính phủ Việt Nam những lời chúc mừng nồng nhiệt nhất.
5. Việt Nam dự Hội nghị tham vấn chính sách Nghị viện Nhóm các nước G20
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng và đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam đã đến Thủ đô Ốt-ta-oa (Ca-na-đa) để tham dự Hội nghị tham vấn chính sách Nghị viện Nhóm các nước phát triển và mới nổi (G20), theo lời mời của Chủ tịch Thượng viện Ca-na-đaNô-en A.Kin-xe-la (Noel A.Kinsella). Đây là lần đầu tiên, các nước G20 tổ chức Hội nghị tham vấn Chủ tịch Nghị viện/Chủ tịch Quốc hội, trong đó có mời Chủ tịch Quốc hội Việt Nam tham dự với tư cách Chủ tịch Hội đồng Liên nghị viện Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (AIPA). Phát biểu tại Hội nghị này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, trong những năm qua, an ninh lương thực đã trở thành mối quan tâm chung của cộng đồng quốc tế, tuy nhiên, những nỗ lực này đến nay vẫn chưa hoàn toàn đem lại kết quả như mong muốn. Giá lương thực tăng cao và khủng hoảng tài chính toàn cầu vừa qua khiến nạn nghèo đói, tình trạng mất an ninh lương thực ngày càng trở thành vấn đề cấp thiết toàn cầu, gây cản trở đến việc hoàn thành các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ. Để đối phó với thách thức này, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, các nước cần hành động quyết liệt hơn nữa, trước hết là đẩy mạnh thực thi các cam kết cũng như các chương trình hành động ở cấp quốc gia và quốc tế về an ninh lương thực. Với chức năng lập pháp, các cơ quan nghị viện G20 cần đóng vai trò quan trọng trong tiến trình này. Các nước cần đóng vai trò tích cực trong việc thúc đẩy triển khai các sáng kiến toàn cầu về đảm bảo an ninh lương thực. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng cũng đề nghị cần thiết lập và duy trì thường xuyên các cơ chế đối thoại và tham vấn giữa Nghị viện và Chính phủ các nước G20 để nâng cao hiệu quả thực thi các quyết sách quan trọng của G20 về các vấn đề kinh tế và phát triển, trong đó có đảm bảo an ninh lương thực.
Nhân dịp dự Hội nghị tham vấn chính sách Nghị viện Nhóm các G20, tại Nhà Quốc hội ở thủ đô Ốt-ta-oa, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đã hội đàm với Chủ tịch Thượng viện Ca-na-đa Nô-en A. Kin-xe-la; có các cuộc tiếp xúc song phương với Phó Ủy viên trưởng Ủy ban thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc Trung Quốc Tưởng Thụ Thanh (Jiang Shusheng); Phó Chủ tịch Hội đồng Liên bang Nga A-lếch-xan-đơ Tốp-xin (Alexander Torshin); Phó Chủ tịch Thượng viện Nhật Bản Ô-chư-gi Hi-đê-hi-xa (Otsuji Hidehisa). Trong các cuộc gặp, Chủ tịch Thượng viện Nô-en A.Kin-xe-la, Phó Ủy viên trưởng Ủy ban Thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc Trung Quốc Tưởng Thụ Thanh, Phó Chủ tịch Hội đồng Liên bang Nga A-lếch-xan-đơ Tốp-xin đều dành những lời tốt đẹp cho đoàn. Các nhà lãnh đạo đánh giá cao sự có mặt cùng những ý kiến đóng góp của Chủ tịch và Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam tại Hội nghị, thể hiện sự tích cực, chủ động của Việt Nam, chung tay xây dựng một thế giới ngày càng tốt đẹp hơn.
6. Khai mạc Festival Gốm Sứ Việt Nam-Bình Dương 2010
Tối ngày 4-9-2010, trên sân vận động Gò Đậu, Lễ khai mạc Festival Gốm Sứ Việt Nam - Bình Dương 2010 với chủ đề "Gốm Sứ Việt Nam - Truyền thống - Bản sắc và Phát triển" đã được tổ chức trọng thể với chương trình nghệ thuật sân khấu hóa được dàn dựng công phu, hoành tráng, ấn tượng. Dự lễ có lãnh đạo các bộ, ngành trung ương, các tỉnh thành, đại diện các Đại sứ quán nước ngoài, các doanh nghiệp và các nghệ nhân của các làng nghề gồm sứ trong cả nước tham gia Festival. Đây là sự kiện kinh tế, văn hóa, du lịch có quy mô mang tầm quốc gia nhằm tôn vinh, giới thiệu về gốm sứ, một trong những ngành nghề truyền thống nổi tiếng đặc sắc của dân tộc Việt Nam, đồng thời khẳng định vị trí, tiềm năng của nghề gốm sứ trong định hướng phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam trong hiện tại và tương lai. Đây cũng là nơi hội tụ của các nghệ nhân, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và những người yêu thích, đam mê gốm sứ trong và ngoài nước nhằm tăng cường giao lưu, quảng bá thương hiệu doanh nghiệp, xây dựng thương hiệu quốc gia, tìm kiếm đối tác và thiết lập thị trường sản xuất tiêu thụ các sản phẩm gốm sứ; góp phần tạo ra những sản phẩm văn hóa - du lịch - phục vụ nhân dân địa phương, thu hút du khách trong và ngoài nước ...
7. Thủ tướng Cộng hoà Mô-dăm-bích thăm Việt Nam
Từ ngày 1 đến ngày 5-9-2010, nhận lời mời của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng nước Cộng hoà Mô-dăm-bích Ai-rét Bô-ni-pha-xi-ô Báp-tít-ta A-li (Aires Bonifácio Baptista Ali) thăm hữu nghị chính thức nước ta. Trong thời gian thăm Việt Nam, Thủ tướng Ai-rét Bô-ni-pha-xi-ô Báp-tít-xta A-li đã được Tổng Bí thư Nông Ðức Mạnh, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết tiếp; hội đàm với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Tại các cuộc làm việc, hai bên đã trao đổi và thống nhất chỉ đạo các bộ, ngành hai nước sớm triển khai những biện pháp cụ thể nhằm tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực trọng tâm, mở rộng hợp tác trên một số lĩnh vực hai nước có tiềm năng và nhu cầu; sớm triển khai họp Ủy ban liên Chính phủ để rà soát kết quả hợp tác đã đạt được và định hướng chiến lược hành động cụ thể trong thời gian tới. Thủ tướng Ai-rét Bô-li-pha-xi-ô A-li cùng đoàn đại biểu cấp cao của Mô-dăm-bích cũng đã có các chuyến thăm và làm việc tại tỉnh Bình Phước, Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Tiền Giang.
8. Hơn 21,8 triệu học sinh, sinh viên cả nước bước vào năm học mới
Trong 3 ngày, từ ngày 3 đến ngày 5-9-2010, các địa phương trong cả nước đã tổ chức khai giảng năm học mới 2010 - 2011 với chủ đề “Năm học tiếp tục đổi mới quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục”. Các đồng chí lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước; lãnh đạo các tỉnh, thành phố, các ban, ngành, đoàn thể đã đến chia vui với hơn 21.870.000 học sinh, sinh viên và hơn 1 triệu thày, cô giáo. Lễ khai giảng tại các trường được tiến hành trang trọng, với các nghi thức truyền thống chào cờ Tổ quốc, hát Quốc ca; đọc Thư của Chủ tịch nước nhân ngày khai trường; diễn văn khai giảng năm học mới của nhà trường. Theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, lãnh đạo các trường phát động "tháng Khuyến học", "tháng An toàn giao thông", đọc quyết tâm thư của học sinh, giáo viên, khen thưởng học sinh có thành tích xuất sắc trong hè và đánh trống khai trường. Sau lễ khai giảng, các trường tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, các trò chơi dân gian, tạo không khí phấn khởi cho học sinh bước vào năm học mới...Năm học 2010- 2011, ngành giáo dục và đào tạo xác định chủ đề là “Năm học tiếp tục đổi mới quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục”. Trong năm học này, ngành tiếp tục thực hiện tốt hơn quyền chủ động của cơ sở trong phân cấp quản lý giáo dục và phối hợp quản lý hệ thống giáo dục quốc dân; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giáo dục, đặc biệt để đổi mới phương pháp dạy và học; tiếp tục cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực giáo dục; nâng cao năng lực các phòng khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục ở các sở.
9. Ban hành Nghị định 93/2010/NĐ-CP sửa đổi một số điều của Nghị định số 24/2010/NĐ-CP quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức
Tuần qua, Chính phủ ban hành đã ban hành Nghị định số 93/2010/NĐ-CP để sửa đổi một số điều của Nghị định số 24/2010/NĐ-CP quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức đã ban hành trước đó (từ ngày 15-3-2010). Việc thực hiện luân chuyển công chứccó sửa đổivà sẽ được thực hiện theo quy định mới kể từ ngày 22-10 sắp tới. Thay cho quy định cũ là "việc luân chuyển công chức chỉ thực hiện đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý và trong quy hoạch vào các chức vụ lãnh đạo, quản lý cao hơn", Nghị định mới quy định rằng, "việc luân chuyển công chức chỉ thực hiện đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý trong quy hoạch". Theo quy định hiện nay, việc luân chuyển công chức được thực hiện trong 2 trường hợp: Theo yêu cầu nhiệm vụ, quy hoạch, kế hoạch sử dụng công chức của cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc luân chuyển giữa trung ương và địa phương, giữa các ngành, các lĩnh vực theo quy hoạch nhằm tiếp tục rèn luyện, đào tạo, bồi dưỡng công chức lãnh đạo, quản lý. Trước đó, Chính phủ đã ban hành: Nghị định số 06/2010/NĐ-CP ngày 25-1-2010 quy định những người là công chức; Nghị định số 18/2010/NĐ-CP ngày 5-3-2010 về đào tạo, bồi dưỡng công chức; Nghị định số 21/2010/NĐ-CP ngày 8-3-2010 về quản lý biên chế công chức; Nghị định số 24/2010/NĐ-CP ngày 15-3-2010 quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức; Nghị định số 46 /2010/NĐ-CP ngày 27-4-2010 quy định về thôi việc và thủ tục nghỉ hưu đối với công chức và Luật Cán bộ, Công chức được Quốc hội thông qua ngày 13-11-2008 tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XII, có hiệu lực thực thi từ ngày 1-1-2010.
10. Kỷ niệm 80 năm Xô-viết Nghệ Tĩnh và 108 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Lê Hồng Phong
Sáng 4-9, tại xóm 9, xã Hưng Thông, Tỉnh ủy, HÐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh Nghệ An phối hợp với huyện Hưng Nguyên long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 80 năm Xô-viết Nghệ Tĩnh (12-9-1930 - 12-9-2010); 108 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Lê Hồng Phong (6-9-1902 - 6-9-2010) và khởi công xây dựng Khu lưu niệm Tổng Bí thư Lê Hồng Phong. Cách đây 80 năm, Cao trào Xô-viết Nghệ Tĩnh đã diễn ra, đỉnh cao là cuộc biểu tình ngày 12-9-1930 ở Hưng Nguyên của hơn tám nghìn nông dân đã bị thực dân Pháp đàn áp dã man làm 217 chiến sĩ Nông hội đỏ và quần chúng yêu nước hy sinh. Ngày 12-9-1930 trở thành sự kiện tiêu biểu nhất trong phong trào Xô-viết Nghệ Tĩnh (1930-1931), lật đổ chính quyền thực dân, phong kiến lập nên chính quyền Xô-viết đầu tiên ở Việt Nam. Ðây được coi là cuộc tổng diễn tập đầu tiên của cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Ðảng Cộng sản Việt Nam kể từ khi ra đời để Tổng khởi nghĩa Tháng Tám thành công. Các đại biểu có mặt tại buổi lễ đã ôn lại thân thế, sự nghiệp của Tổng Bí thư Lê Hồng Phong. Cùng ngày, tại xóm 9, xã Hưng Thông, UBND huyện Hưng Nguyên cũng đã tổ chức khởi công xây dựng Khu lưu niệm Tổng Bí thư Lê Hồng Phong. Khu lưu niệm được xây dựng trên diện tích 3,2 ha với 19 hạng mục được tôn tạo, xây dựng mới, bao gồm: phục chế, tôn tạo nhà di tích, nhà thờ, nhà lưu niệm, nhà trưng bày truyền thống, tượng đài Lê Hồng Phong, xây dựng hạ tầng giao thông, bãi đỗ xe.../.
*** Những sự kiện trong nước đáng chú ý trong tuần (từ ngày 23-8 đến ngày 29-8-2010)
Thay đổi thành viên UBND một số tỉnh, thành phố  (06/09/2010)
Diễn đàn quốc tế ASEM ứng phó biến đổi khí hậu  (06/09/2010)
Chương mới trong “hồ sơ hạt nhân” gây nhiều tranh cãi của I-ran  (06/09/2010)
Đảng Cộng sản Phần Lan: Lịch sử hình thành và phát triển  (06/09/2010)
"Phát huy hơn nữa vai trò hệ phát thanh quan trọng"  (06/09/2010)
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay