Sóc Trăng sẽ là “kho chứa bạc” của các nhà đầu tư
TCCSĐT - Hội nghị xúc tiến đầu tư và phát động khởi nghiệp tỉnh Sóc Trăng năm 2018 tổ chức sáng 19-6 hội tụ gần 650 đại biểu là các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong nước và quốc tế, chuyên gia kinh tế, đại diện các hiệp hội, ngành hàng, cơ quan ngoại giao với kỳ vọng đưa địa phương ẩn chứa nhiều tiềm năng lợi thế này trở thành một điểm đến mới của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và lãnh đạo nhiều bộ, ban, ngành Trung ương, một số địa phương trong vùng đã tới dự sự kiện xúc tiến đầu tư đặc biệt này của Sóc Trăng.
Điểm đến mới của nhà đầu tư
Kể từ giữa năm 2016 đến nay, thu hút đầu tư vào tỉnh Sóc Trăng đã có nhiều chuyển biến tích cực khi ngày càng có thêm nhiều nhà đầu tư trong nước và nước ngoài đến tìm kiếm cơ hội đầu tư và triển khai dự án tại địa phương.
Trong năm 2017, tỉnh Sóc Trăng đã cấp quyết định chủ trương đầu tư và giấy chứng đăng ký nhận đầu tư cho 29 dự án, tăng 7 dự án so với cùng kỳ, tổng vốn đầu tư trên 4.150 tỷ đồng, tăng 3,5 lần so với năm 2016.
Trong 5 tháng đầu năm 2018, tỉnh đã cấp quyết định chủ trương đầu tư và giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 12 dự án, với tổng vốn 2.806 tỷ đồng.
Điều đáng nói là ngày càng có nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong nước và nước ngoài “để mắt” tới một số dự án tại Sóc Trăng trên nhiều lĩnh vực như bất động sản, nông nghiệp công nghệ cao, du lịch sinh thái, chế biến sữa, khu chăn nuôi bò sữa công nghệ cao...
Bước chuyển mình quan trọng này có được là nhờ thời gian qua, song song với thực hiện kịp thời những cơ chế, chính sách ưu đãi của Trung ương, Sóc Trăng đã tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư đến địa phương hoạt động đầu tư sản xuất và kinh doanh.
Nét độc đáo ở địa phương này là việc Sóc Trăng đã thành lập Tổ công tác làm đầu mối xem xét, phối hợp giải quyết theo thẩm quyền hoặc tham mưu Ủy ban Nhân dân tỉnh giải quyết thủ tục đầu tư các dự án trên địa bàn tỉnh, bảo đảm yêu cầu nhanh chóng và tuân thủ quy định của pháp luật.
Lợi thế kinh doanh quan trọng
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ vui mừng chứng kiến quy mô lớn lên đến 6 tỷ USD của các dự án được ký cam kết đầu tư, trao giấy chứng nhận tại Hội nghị cùng sự góp mặt của nhiều tập đoàn uy tín trong nước và các nhà đầu tư nước ngoài, sự tham gia, hỗ trợ của các ngân hàng thương mại đồng hành với Sóc Trăng trong tiến trình phát triển.
Chia sẻ tầm nhìn của Sóc Trăng, Thủ tướng tin tưởng từ một vùng đất hạ lưu sông Mekong, trong thập kỷ đến, Sóc Trăng sẽ trở thành vùng đất trung lưu về mức sống, là niềm cảm hứng về ý chí vượt khó, góp phần hiện thực hóa ước mơ làm giàu của cộng đồng các dân tộc ở Sóc Trăng nói riêng và Đồng bằng sông Cửu Long nói chung.
“Chỉ có đặt niềm cảm hứng mạnh mẽ như thế thì chúng ta mới hành động quyết liệt để đưa tỉnh Sóc Trăng tiến lên”, Thủ tướng nói.
Nhắc đến những ca từ về vẻ đẹp bình yên, về con người Sóc Trăng cần cù, chịu thương, chịu khó trong nhạc phẩm của nhạc sỹ Thanh Sơn, Thủ tướng đặt ra yêu cầu vận dụng tiềm năng, lợi thế so sánh để Sóc Trăng vươn lên. Vấn đề là chìa khóa nào để biến những lợi thế so sánh thành lợi thế cạnh tranh.
Sóc Trăng trong tiếng Khmer có nghĩa là “Xứ kho bạc”, Thủ tướng cho rằng mặc dù nhiều người nhìn Sóc Trăng như một tỉnh có ví trị kém thuận lợi, tựa như “nằm trong hẻm sâu”, nhưng nếu nhìn từ phía Biển Đông thì Sóc Trăng lại có vị trí cực kỳ đắc địa, là mặt tiền hướng biển.
Không những thế, Sóc Trăng còn là nơi sông Hậu đổ ra biển Đông tại cửa biển nổi tiếng là Trần Đề. Đây là lợi thế kinh doanh quan trọng.
Ba trụ cột phát triển
Trên tinh thần đó, Thủ tướng gợi ý 3 trụ cột phát triển Sóc Trăng gồm: nông nghiệp công nghệ cao thích ứng với biến đổi khí hậu, thủy sản sạch liên kết với ngành công nghiệp chế biến được định vị ở phân khúc cấp cao và du lịch sinh thái gắn với phát triển các mô hình nông nghiệp sạch, thông minh.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh đến những lợi thế khác ở Sóc Trăng, nhất là những giá trị văn hóa độc đáo riêng có được gọi là “văn hóa xứ Giồng” thể hiện qua các mặt của đời sống hằng ngày của đồng bào các dân tộc Sóc Trăng, từ ngôn ngữ, mối quan hệ xã hội, tên đất, tên làng đến tín ngưỡng tôn giáo, ẩm thực và lễ hội.
Tài nguyên của Sóc Trăng còn nằm ở những tài nguyên có giá trị du lịch lớn, đặc sắc mang tầm cỡ quốc gia như lễ hội Ooc Om Boc-Đua Ghe Ngo (Cúng trăng) và rất nhiều lễ hội độc đáo khác...
“Sóc Trăng cần vượt lên chính mình, xây dựng một niềm tin, niềm cảm hứng mới cho người dân, cộng đồng doanh nghiệp và nhà đầu tư trong nước, quốc tế”, Thủ tướng mong muốn và cho rằng nhiều địa phương trong vùng hiện đã và đang nổi lên như một điểm đến mới của nhiều nhà đầu tư.
Đề nghị chính quyền địa phương phải làm sao thu phục, thu hút người tài, đặc biệt là con em địa phương thành danh về giúp sức cho quê hương, Thủ tướng cũng nhấn mạnh đến yếu tố giáo dục - chìa khóa để bảo đảm thành công trong phát triển. Đây chínhlà động lực tăng trưởng nhanh, bền vững và bao trùm đối với Sóc Trăng nói riêng cũng như các tỉnh miền Tây nói chung.
Thủ tướng đề nghị “không nên tư duy cục bộ, đóng khung theo địa giới hành chính” mà cần có tư duy liên kết vùng để tận dụng những công trình hạ tầng lớn, nhất là dự án đường cao tốc Trung Lương - Cần Thơ sắp tới hoàn thành sẽ tạo ra một lực bẩy kinh tế quan trọng cho cả vùng, trong đó có Sóc Trăng.
Đáng chú ý, tại Hội nghị, Thủ tướng đưa ra mô hình 6 nhà (nhà nông, nhà nước, nhà đầu tư, nhà băng, nhà khoa học và nhà phân phối) và đề nghị Sóc Trăng xây dựng chuỗi giá trị và quy trình sản xuất các mặt hàng nông sản theo mô hình này, nhất là vai trò của nhà phân phối như chuỗi những siêu thị lớn trong nước và quốc tế đã gia nhập thị trường.
Trên cơ sở đó, định vị chuỗi liên kết trong sản xuất nông nghiệp công nghệ cao ở địa phương, để chuyển dịch sang các mắt xích có giá trị gia tăng cao hơn.
“Đó là những câu hỏi then chốt mà Sóc Trăng cần phải trả lời để tìm được lời giải cho bài toán phát triển bền vững”, Thủ tướng chỉ rõ.
Lưu ý cải thiện môi trường kinh doanh, Thủ tướng đề nghị “Sóc Trăng phải thu hẹp những khoảng cách về chất lượng môi trường kinh doanh, cùng chung tay làm cho vùng đất “9 con rồng này” trở nên hấp dẫn hơn trong mắt các nhà đầu tư trong và ngoài nước”.
Thủ tướng cũng đề nghị các cấp, các ngành chung tay cùng Sóc Trăng trong ứng phó với biến đổi khí hậu để các tỉnh đồng bằng Sông Cửu Long, trong đó có Sóc Trăng “không lẻ loi trong ứng phó với biển đổi khí hậu”.
Chia sẻ với khó khăn của địa phương trước thực trạng người dân ở các tỉnh miền Tây thường di dân lên Thành phố Hồ Chí Minh cũng như các tỉnh Đông Nam Bộ để tìm kiếm việc làm và lập nghiệp, Thủ tướng để nghị tỉnh tạo mọi điều kiện cho nhà đầu tư thành công; gắn được lợi ích của nhà đầu tư với phúc lợi của người dân địa phương, tránh việc cấp phát các ưu đãi vô điều kiện với nhà đầu tư trong khi người dân hoàn toàn bị đứng ra ngoài lề của sự phát triển.
Thủ tướng cũng mong muốn các doanh nghiệp, nhà đầu tư tích cực thực hiện các chính sách xã hội.
“Các ưu đãi cần được đối ứng bằng các cam kết đóng góp trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp”, Thủ tướng nói và nhấn mạnh: “Nhà đầu tư cũng có nhiều thiên chức trong phát triển cũng như thiên chức của người mẹ, người vợ trong gia đình”.
Mong muốn các nhà đầu tư sẽ thành công, Thủ tướng bày tỏ tin tưởng trong tương lai gần, Sóc Trăng sẽ là “kho chứa bạc” của các nhà đầu tư, của người dân và cả nước.
Tại Hội nghị đã diễn ra lễ ký kết phối hợp giữa tỉnh Sóc Trăng với các bộ, ngành, cơ quan về đầu tư phát triển nông nghiệp, xúc tiến thương mại và đầu tư, xây dựng mạng lưới điện, cam kết hỗ trợ tín dụng.
Dịp này, tỉnh cũng trao quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đầu tư và bản ghi nhớ hợp tác đầu tư cho 47 dự án, tổng mức vốn đầu tư trên 122.880 tỷ đồng.
Hội nghị cũng đã tiến hành trao khen thưởng cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo và trao kinh phí tài trợ cho doanh nghiệp sáng tạo.
* Sau khi dự Hội nghị xúc tiến đầu tư, chiều 19-6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và đoàn công tác của Chính phủ đã làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Sóc Trăng. Đây là lần thứ 3 từ năm 2016 tới nay, Thủ tướng làm việc với Sóc Trăng - địa phương còn nhiều khó khăn nhưng có nhiều tiềm năng phát triển.
Theo báo cáo của địa phương, 6 tháng đầu năm 2018, tổng thu ngân sách Nhà nước đạt 2.000 tỷ đồng, bằng 55% dự toán. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng kinh tế thấp hơn cùng kỳ, chỉ đạt 6,11% (cùng kỳ năm 2017 đạt 6,47%). Sản xuất mía gặp nhiều khó khăn, đầu ra không ổn định. Giá tôm thấp hơn so với giá thành sản xuất khiến tỷ lệ diện tích nuôi tôm bị thiệt hại trong tỉnh khoảng 9,9%...
Đại diện các bộ, ngành cho rằng, là địa phương chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu trong vùng Đồng bằng Sông Cửu Long, song những năm qua, Sóc Trăng đã triển khai được nhiều dự án phát triển tiềm năng, hệ sinh thái và duy trì thế mạnh về sản xuất nông nghiệp với các giống lúa năng suất cao, đàn bò sữa quy mô lớn và đặc biệt là sản lượng tôm nước lợ cao nhất cả nước.
Kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao tinh thần đoàn kết, nhất trí trong cấp ủy, chính quyền các cấp và nhân dân tỉnh Sóc Trăng. Song, Thủ tướng cũng nhìn nhận, Sóc Trăng đang đối diện với nhiều vấn đề khó khăn về nguồn vốn tín dụng, môi trường, liên kết trong sản xuất và những vấn đề xã hội khác, tỉnh cần tiếp tục tháo gỡ, khắc phục, cải thiện trong thời gian tới.
Chỉ đạo việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, Thủ tướng đề nghị Sóc Trăng cần rà soát lại các chỉ tiêu tăng trưởng đã đề ra, từ đó, xem xét, nghiên cứu để có những biện pháp đảm bảo hoàn thành các chỉ tiêu này. Trong số đó, chú ý đến những chỉ tiêu hiện đang đạt thấp như: Tăng trưởng GDP, chỉ số PCI. Bên cạnh đó cần “chỉ đạo quyết liệt thực hiện thì mới thành công”. Đi liền với đó, tỉnh cũng cần nỗ lực hơn nữa trong cải thiện môi trường đầu tư; tập trung phát triển đô thị hóa theo hướng rà soát, hoàn thiện lại quy hoạch dân cư gắn liền với thích ứng với biến đổi khí hậu. Đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới; không ngừng cải thiện môi trường sống của người dân.
Thủ tướng gợi ý Sóc Trăng cần đặt trọng tâm phát triển Cảng Trần Đề để không chỉ phục vụ cho sự phát triển của địa phương mà hướng đến là hiệu quả kinh tế - xã hội của cả vùng Đồng bằng Sông Cửu Long.
Thủ tướng cũng lưu ý Sóc Trăng không lơ là nhiệm vụ bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; tích cực, thường xuyên tuyên truyền giáo dục nâng cao hiểu biết pháp luật cho nhân dân, tuyệt đối cảnh giác trước sự dụ dỗ, kích động, lôi kéo của kẻ xấu, các thế lực thù địch; gìn giữ tình đoàn kết giữa các dân tộc trên địa bàn.
Tỉnh cũng cần chú trọng hơn nữa đến hỗ trợ khởi nghiệp, nhất là lớp trẻ. Đặc biệt, Thủ tướng đề nghị Sóc Trăng hạn chế cơ chế xin, cho mà nên “tặng cần câu chứ không nên cho con cá” trong quản lý, điều hành, chống tư tưởng bao cấp, ỷ lại.
Nhân chuyến công tác tại Sóc Trăng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thăm Khu nuôi tôm công nghệ cao của Công ty TNHH Khánh Sủng tại xã Liêu Tú, huyện Trần Đề./.
Nhiều hoạt động nhân kỷ niệm 93 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam  (19/06/2018)
Báo chí phải nêu gương người tốt, việc tốt, góp phần tăng thêm niềm tin của nhân dân vào sự nghiệp đổi mới  (19/06/2018)
Khai mạc Hội nghị ASEM về cùng hành động ứng phó với biến đổi khí hậu  (19/06/2018)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển