“Những ngày Việt Nam tại Myanmar”
TCCSĐT - Chiều 07-5-2018, tại Myanmar đã diễn ra lễ khai mạc Chương trình “Những ngày Việt Nam tại Myanmar” (Viet Nam Days in Myanmar), dưới sự chủ trì của Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại Myanmar Luận Thùy Dương. Đây là lần đầu tiên diễn ra sự kiện này ở Myanmar.
Tham dự buổi lễ, về phía Myanmar có: Bộ trưởng Khách sạn và Du lịch Myanmar Ohn Maung; Hiệu trưởng trường Đại học Mỹ thuật và Văn hóa Myanmar thay mặt Bộ trưởng Bộ Văn hóa và các vấn đề tôn giáo Myanmar Aung Naing Myint; đại diện Hiệp hội Du lịch, Hội Hữu nghị Việt Nam - Myanmar, cùng hơn 10 làng nghề và Công ty Du lịch Myanmar. Về phía Việt Nam có: Hội Hữu nghị Việt Nam - Myanmar; Hội Làng nghề Việt Nam; các công ty du lịch đại diện cho Thủ đô Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh Huế, Đà Nẵng, Bà Rịa - Vũng Tàu; đại diện các doanh nghiệp và cộng đồng người Việt Nam đang sinh sống, học tập tại Myanmar; Đại sứ các nước Brunei, Campuchia, Lào, Philippines, Đông Timor, Brazil và đại diện ngoại giao đoàn tại thành phố Yangon, cùng các đối tác, bạn bè thân thiết quan tâm tới quan hệ Việt Nam - Myanmar.
Phát biểu khai mạc Chương trình, Đại sứ Luận Thùy Dương cho biết, Chương trình “Những ngày Việt Nam tại Myanmar” được tổ chức để kỷ niệm 43 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Myanmar (28-5-1975 - 28-5-2018), triển khai tinh thần khuôn khổ quan hệ Đối tác hợp tác toàn diện Việt Nam - Myanmar và Chương trình Hợp tác văn hóa Việt Nam - Myanmar giai đoạn 2017 - 2020 do lãnh đạo hai nước ký kết vào tháng 8-2017, cũng như Tuyên bố chung Việt Nam - Myanmar nhân chuyến thăm của Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi tới Việt Nam (tháng 4-2018).
Đại sứ Luận Thùy Dương cho biết, sự kiện sẽ kéo dài 04 ngày, từ ngày 07-5 đến ngày 10-5-2018, với nhiều hoạt động quan trọng, bao gồm Hội chợ du lịch, triển lãm ảnh, triển lãm hàng thủ công mỹ nghệ, trình diễn nghệ thuật dân gian và trình diễn thời trang. Ngoài ra, trong khuôn khổ Chương trình “Những ngày Việt Nam tại Myanmar” còn có Hội thảo kết nối các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch và hàng thủ công mỹ nghệ, với sự tham dự của 25 công ty du lịch và đại diện các làng nghề của Việt Nam và Myanmar. Trích dẫn câu nói “Cuộc hành trình ngàn dặm bắt đầu từ một bước chân nhỏ bé”, Đại sứ Luận Thùy Dương bày tỏ hy vọng sự kiện sẽ góp phần thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ hợp tác văn hóa - du lịch và giao lưu nhân dân giữa hai bên.
Trong phát biểu chào mừng Chương trình, Bộ trưởng Khách sạn và Du lịch Myanmar Ohn Maung khẳng định, “Những ngày Việt Nam tại Myanmar” không chỉ là dịp để giới thiệu những tiềm năng về tài nguyên thiên nhiên và nét đẹp văn hóa của Việt Nam, mà còn là sự kiện có ý nghĩa rất lớn trong việc đưa người dân hai nước đến gần nhau hơn để thúc đẩy tình hữu nghị, sự hiểu biết và hợp tác giữa nhân dân hai nước. Ông Ohn Maung cho biết, Việt Nam và Myanmar đang có quan hệ hợp tác du lịch rất tích cực. Ngày càng nhiều người Myanmar đi du lịch tại Việt Nam, số lượt khách du lịch trong những năm qua tăng khoảng 40%/năm. Ông Ohn Maung cũng cho rằng, để thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa Myanmar và Viêt Nam, cần phải thành lập nhóm làm việc chung về hợp tác du lịch giữa Bộ Khách sạn và Du lịch Myanmar và Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Việt Nam và có nhiều hoạt động hơn nữa để thúc đẩy việc quảng bá và đầu tư về du lịch cũng như có nhiều biện pháp tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động hợp tác du lịch giữa hai nước.
Hơn 30 nghệ sĩ đến từ Việt Nam đã mang tới cho Chương trình “Những ngày Việt Nam tại Myanmar” những màn biểu diễn nghệ thuật đặc sắc, kết hợp yếu tố truyền thống và hiện đại, đặc biệt là những tiết mục góp phần giới thiệu, quảng bá di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại của Việt Nam đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận, như hát Quan họ, Tín ngưỡng hầu đồng… từ các nhạc cụ dân tộc truyền thống dân tộc, như sáo, nhị… Nhà thiết kế Vĩnh Thụy đã mang đến bộ sưu tập áo dài truyền thống “Hoa trên vải gấm” được dệt, may và vẽ hoàn toàn bằng thủ công. Những người mẫu cùng đại diện cộng đồng người Việt Nam tại Myanmar trình diễn bộ sưu tập áo dài truyền thống đã góp phần làm nên sự độc đáo, ấn tượng của Chương trình.
Các đại biểu tham dự buổi lễ cũng được chiêm ngưỡng các sản phẩm hàng thủ công mỹ nghệ, như lụa, đồ chạm khắc, đồ gỗ, đồ trang sức... do các làng nghề của Việt Nam và Myanmar mang đến trưng bày, cũng như có cơ hội tìm hiểu các dịch vụ du lịch thúc đẩy hợp tác giữa hai bên đồng thời góp phần kết nối người dân Việt Nam và Myanmar.
Sáng 08-5-2018, tại Myanmar Plaza đã diễn ra Triển lãm ảnh “Khám phá Việt Nam” do Đại sứ quán Việt Nam tại Myanmar phối hợp với Bộ Thông tin Truyền thông Việt Nam tổ chức. Hơn 100 bức ảnh tại Triển lãm mang lại cho khách tham quan bức tranh tổng thể về đất nước, con người Việt Nam./.
Quy hoạch xây dựng tượng đài Quốc tổ Hùng Vương là cần thiết  (08/05/2018)
“Muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém”  (08/05/2018)
Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đạt Top 10 “Nhà máy xanh thân thiện” 2018  (08/05/2018)
Đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp chiến lược trong tình hình mới  (08/05/2018)
Những sự kiện quốc tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 30-4 đến 06-5-2018)  (08/05/2018)
Sự kiện trong nước nổi bật tuần qua (từ ngày 30-4 đến ngày 06-5-2018)  (07/05/2018)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên