Phát biểu của đồng chí Trương Tấn Sang tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm học 2010 - 2011 của Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh và các trường chính trị tỉnh, thành phố
07:28, ngày 06-08-2010
Hôm nay, tôi vui mừng đến dự Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm học 2010 - 2011 của Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh và các trường chính trị tỉnh, thành phố, gặp lại các đồng chí cán bộ lãnh đạo chủ chốt của Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, các đơn vị trực thuộc, lãnh đạo các trường chính trị của các tỉnh, thành phố trong cả nước và các nhà khoa học tiêu biểu của Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh.
Thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư, tôi nhiệt liệt chào mừng các đồng chí. Chúc các đồng chí mạnh khỏe, hạnh phúc. Chúc Hội nghị thành công tốt đẹp.
...Qua Báo cáo tổng kết do đồng chí Giám đốc Học viện trình bày tại Hội nghị và qua việc thường xuyên theo dõi hoạt động của Học viện, tôi rất vui mừng vì Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh đã triển khai thực hiện tích cực, nghiêm túc sự chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Thủ tướng Chính phủ về sắp xếp tổ chức bộ máy, sớm ổn định để thực hiện chức năng, nhiệm vụ mới; đẩy mạnh đổi mới toàn diện các mặt hoạt động, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ năm học 2009-2010. Việc đổi mới chương trình, phương pháp đào tạo được quan tâm; nhiều chương trình, giáo trình mới với các chuyên đề chứa đựng những kiến thức cơ bản, hệ thống và những tri thức hiện đại, gắn kết lý luận và thực tiễn đã được đưa vào giảng dạy ở các hệ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Việc đổi mới phương pháp giảng dạy được coi trọng hơn, trong đó việc tự nghiên cứu, thảo luận của học viên trong quá trình học tập từng bước được tăng cường. Công tác quản lý đào tạo, đánh giá kết quả học tập, rèn luyện của học viên, ngăn ngừa tiêu cực trong thi cử được thực hiện nghiêm túc hơn. Hoạt động nghiên cứu khoa học được đẩy mạnh với nhiều chương trình, đề tài nghiên cứu khoa học cấp nhà nước, cấp bộ và cấp cơ sở; nghiên cứu lý luận chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, tổng kết thực tiễn để góp phần xây dựng, hoàn thiện chủ trương, đường lối của Ðảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, đồng thời phục vụ công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của hệ thống Học viện. Cơ sở vật chất phục vụ giảng dạy, học tập, hoạt động của hệ thống Học viện được tăng cường. Quan hệ quốc tế của Học viện được mở rộng, v.v...
Hai năm 2009-2010, đất nước ta có nhiều lễ kỷ niệm lớn. Học viện đã tổ chức nhiều hội thảo khoa học, góp phần tích cực vào tổ chức thành công các hoạt động kỷ niệm, như: Hội thảo quốc gia kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Ðảng quang vinh; Hội thảo quốc gia kỷ niệm 140 năm Ngày sinh Lê-nin vĩ đại, Hội thảo khoa học về Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh nhân kỷ niệm 95 năm Ngày sinh của đồng chí và đặc biệt là Hội thảo quốc tế Di sản Hồ Chí Minh trong thời đại ngày nay, nhân kỷ niệm 120 năm Ngày sinh của Người đã gây tiếng vang lớn trong xã hội.
Cùng với Học viện, các trường chính trị tỉnh, thành phố trong cả nước trong năm học vừa qua đã triển khai thực hiện nghiêm túc Thông báo kết luận số 181 và Quyết định số 184 của Ban Bí thư về chức năng, nhiệm vụ, về tổ chức bộ máy của trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Tuy còn không ít khó khăn về cơ sở vật chất, về đội ngũ cán bộ nhưng các trường chính trị tỉnh, thành phố đã nỗ lực phấn đấu, hoàn thành tốt nhiệm vụ trong năm học 2009-2010.
Thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Ðảng, tôi nhiệt liệt biểu dương những nỗ lực phấn đấu và những kết quả đã đạt được của Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh và các trường chính trị tỉnh, thành phố cả nước trong năm học 2009-2010 vừa qua.
...Báo cáo của đồng chí Giám đốc Học viện đã nêu rõ phương hướng, nhiệm vụ năm học 2010-2011 của Học viện và các trường chính trị tỉnh, thành phố. Sau đây, tôi nêu thêm một số vấn đề để các đồng chí cùng suy nghĩ và thảo luận:
Hiện nay, Ðảng ta đang tiến hành Ðại hội Ðảng các cấp để tiến tới Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Ðảng vào đầu năm 2011. Ðại hội sẽ đánh giá kết quả 5 năm thực hiện Nghị quyết Ðại hội X, đề ra phương hướng, nhiệm vụ của Ðảng, của đất nước trong 5 năm tới 2011-2015; tổng kết, bổ sung, phát triển Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Cương lĩnh năm 1991) sau 20 năm thực hiện; đánh giá tình hình thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2001-2010, xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011-2020. Ðây là những vấn đề lớn, có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với sự phát triển của đất nước ta trong những năm tới.
Sau 25 năm đổi mới và sau 20 năm thực hiện Cương lĩnh năm 1991, trong đó có 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội (2001-2010) và 5 năm thực hiện Nghị quyết Ðại hội X, đất nước ta đã đạt những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, giữ vững ổn định chính trị - xã hội, đã thoát khỏi tình trạng nước nghèo, kém phát triển; đời sống nhân dân được cải thiện; thế và lực, sức mạnh tổng hợp của đất nước lớn hơn nhiều so với trước đây; vị thế, uy tín quốc tế của đất nước không ngừng được nâng lên và ngày nay đang bước vào giai đoạn phát triển mới với nhiều thời cơ, thuận lợi lớn và cả những khó khăn, thách thức gay gắt, đan xen nhau, cả do bối cảnh quốc tế và tình hình đất nước. Những mục tiêu và nhiệm vụ mà Ðại hội XI của Ðảng sẽ đề ra trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong những năm tới là rất to lớn, rất nặng nề, đòi hỏi sự nỗ lực phấn đấu rất cao của toàn Ðảng, toàn dân, toàn quân ta để thực hiện thắng lợi.
Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh và các trường chính trị tỉnh, thành phố cả nước là những trung tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo và quản lý cho cả hệ thống chính trị ở các cấp, các ngành, các địa phương và là một trong những trung tâm nghiên cứu lớn về lý luận chính trị - hành chính của Ðảng và Nhà nước ta, có vai trò và trách nhiệm hết sức to lớn, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ này.
Công tác đào tạo và bồi dưỡng cán bộ của Học viện và các trường chính trị tỉnh, thành phố phải đóng góp tích cực vào việc xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược cho Trung ương, cán bộ chủ chốt cho các địa phương. Tốt nghiệp ra trường, các học viên phải có lập trường tư tưởng, bản lĩnh chính trị vững vàng và đạo đức, lối sống lành mạnh, không tham nhũng, không để vợ con, gia đình và người thân, quen lợi dụng để mưu cầu lợi ích phi pháp, kể cả làm sai lệch chủ trương, chính sách của Ðảng và Nhà nước; có trình độ lý luận chính trị sâu sắc, tư duy đổi mới, sáng tạo, có kiến thức rộng, thành thạo chuyên môn, nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Ðồng thời, được nâng cao về tinh thần trách nhiệm và dũng khí đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, góp phần làm trong sạch bộ máy trong hệ thống chính trị, xây dựng Ðảng và bộ máy nhà nước ngày càng trong sạch, vững mạnh. Ðội ngũ cán bộ đó có tinh thần đoàn kết, hợp tác, ý thức tổ chức kỷ luật và phong cách làm việc khoa học, gắn bó với nhân dân; dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; dám đấu tranh phê phán cái sai, phê phán những tư tưởng lệch lạc; bảo vệ cái đúng; rèn luyện đức tính khiêm tốn, cầu thị; chống tư tưởng chủ quan, tự mãn, xa dân, xem thường lợi ích của nhân dân; là những tấm gương trong việc thực hiện Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", được nhân dân tin cậy, yêu mến.
Ðể làm tốt nhiệm vụ quan trọng này, Học viện và các trường chính trị tỉnh, thành phố cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ chương trình, giáo trình, nội dung và phương pháp dạy và học; nâng cao chất lượng giáo dục chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Ðảng, pháp luật, chính sách của Nhà nước; đồng thời có chương trình, giáo trình, nội dung đào tạo phù hợp với từng loại cán bộ, trang bị cho cán bộ những tri thức và kỹ năng phù hợp, cần thiết của người cán bộ lãnh đạo, quản lý ở các cấp, các vị trí công tác cụ thể (như công việc của đồng chí bí thư tỉnh ủy, quận, huyện ủy, của đồng chí chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh, chủ tịch ủy ban nhân dân quận, huyện...), gắn lý luận với thực tiễn, có nhiều báo cáo thực tế, nhiều tình huống thực tế để người học thảo luận tìm cách giải quyết, phát huy tính chủ động, tích cực của người học.
Học viện cần thường xuyên mời các đồng chí trong Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Ðảng; các trường chính trị tỉnh, thành phố mời các đồng chí trong ban thường vụ các tỉnh ủy, thành ủy tham gia giảng dạy các chuyên đề có tính chất gắn lý luận với những vấn đề thực tiễn của đất nước, của các địa phương.
Công tác quản lý giáo dục - đào tạo cũng cần được tăng cường; quản lý chặt chẽ các hoạt động giảng dạy, học tập, thi cử, đánh giá chất lượng học tập, các hoạt động rèn luyện, sinh hoạt của học viên; nâng cao chất lượng đào tạo toàn diện; phân cấp đào tạo hợp lý giữa Học viện trung tâm với các học viện khu vực, học viện chuyên ngành; lấy nâng cao chất lượng đào tạo toàn diện là mục tiêu phấn đấu, không chạy theo số lượng, không chạy theo "chủ nghĩa thành tích", không để xảy ra tiêu cực trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ở bất kỳ khâu nào, dưới bất kỳ hình thức nào. Môi trường giảng dạy, học tập ở Học viện và các trường chính trị tỉnh, thành phố phải là môi trường giáo dục tiêu biểu, mẫu mực trong hệ thống giáo dục quốc dân nước ta.
Học viện và các trường chính trị tỉnh, thành phố đồng thời phải đẩy mạnh và nâng cao hơn nữa chất lượng nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn, phát huy tốt hơn vai trò của một trung tâm nghiên cứu lý luận chính trị - hành chính để phục vụ cho việc nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và góp phần giải đáp những vấn đề thực tiễn của đất nước và thời đại đặt ra để tham mưu, tư vấn có chất lượng cho lãnh đạo Ðảng, Nhà nước. Cần tiếp tục nghiên cứu, vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, làm sáng tỏ nhận thức về thời đại, về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của đất nước ta, tập trung vào các vấn đề lớn như: độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ trong bối cảnh hội nhập quốc tế; gắn tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; phát huy quyền làm chủ của nhân dân và xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận về đảng cầm quyền, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Ðảng; nghiên cứu sự phát triển văn hóa và con người Việt Nam trong thời kỳ mới; nghiên cứu về tính chất và các xu hướng lớn của thời đại ngày nay, những vấn đề lớn, mới trên thế giới có ảnh hưởng và tác động trực tiếp tới nước ta...
Ðồng thời, Ðảng ủy, Ban Giám đốc Học viện, Ðảng ủy, Ban Giám đốc các trường chính trị tỉnh, thành phố phải lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng Ðảng bộ và cơ quan trong sạch, vững mạnh về mọi mặt; phải xây dựng đội ngũ cán bộ của nhà trường có phẩm chất chính trị, đạo đức và trình độ, kiến thức khoa học, chuyên môn nghiệp vụ cao, đặc biệt là đội ngũ cán bộ giảng dạy, nghiên cứu và cán bộ quản lý vì đây là yếu tố quyết định nhất để Học viện chúng ta cũng như các trường chính trị tỉnh, thành phố nâng cao được chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và nghiên cứu khoa học. Phải xác định đó là trách nhiệm và nhiệm vụ hàng đầu của Ðảng ủy, Ban Giám đốc Học viện, của Ðảng ủy, Ban Giám đốc các trường chính trị tỉnh và thành phố trong cả nước.
...Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh và các trường chính trị tỉnh, thành phố đang bước vào năm học mới 2010-2011 với trách nhiệm và những nhiệm vụ hết sức lớn, khó khăn, thách thức còn rất nhiều. Tôi tin tưởng rằng, cùng với những thành tựu đổi mới và phát triển đất nước, phát huy truyền thống vẻ vang hơn 60 năm qua của Trường Ðảng Nguyễn Ái Quốc, sự nỗ lực phấn đấu của đội ngũ cán bộ, đảng viên, viên chức và người lao động trong toàn hệ thống Học viện và các trường chính trị tỉnh, thành phố trong cả nước, Học viện và các trường chính trị tỉnh, thành phố trong cả nước nhất định sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Những kết quả tích cực đạt được trong năm học 2010-2011 sẽ là những bông hoa đẹp để Học viện và các trường chính trị tỉnh, thành phố thiết thực chào mừng Ðại hội lần thứ XI của Ðảng quang vinh./.
Tiến tới Đại hội lần thứ IX Hội Nhà báo Việt Nam  (06/08/2010)
Tiến tới Đại hội lần thứ IX Hội Nhà báo Việt Nam  (05/08/2010)
Kỷ niệm 80 năm Ngày Tạp chí Cộng sản ra số đầu và đón nhận danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới  (05/08/2010)
Kỷ niệm 80 năm Ngày Tạp chí Cộng sản ra số đầu và đón nhận danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới  (05/08/2010)
Trung Quốc vi phạm nghiêm trọng chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa  (05/08/2010)
Tạp chí Cộng sản - chặng đường 80 năm  (05/08/2010)
- Suy ngẫm những điều đặc biệt về cuộc đời, sự nghiệp của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
- Phát triển du lịch cộng đồng, góp phần giữ vững thương hiệu “Nha Trang - điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện”
- Chính sách, pháp luật của Việt Nam về bảo vệ chủ quyền biển, đảo và đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch về vấn đề biển, đảo
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về phát triển nông nghiệp và sự vận dụng của Đảng đối với vấn đề bảo đảm an ninh lương thực ở Việt Nam hiện nay
- Công an nhân dân tu dưỡng, rèn luyện, quyết tâm thực hiện lời căn dặn “Danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên