Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân hội kiến Thủ tướng Armenia
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã hội kiến Thủ tướng Cộng hòa Armenia Nikol Pashinyan đang thăm chính thức Việt Nam theo lời mời của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.
Chào mừng Thủ tướng Nikol Pashinyan và Đoàn đại biểu cấp cao Armenia thăm chính thức Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chúc mừng những thành tựu to lớn mà Armenia đạt được trong công cuộc phát triển đất nước, đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện, vị thế của Armenia không ngừng nâng cao trên trường quốc tế.
Chủ tịch Quốc hội bày tỏ vui mừng khi Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Cộng hòa Armenia Nikol Pashinyan đã có cuộc hội đàm cởi mở, thành công; khẳng định Quốc hội Việt Nam luôn ủng hộ Chính phủ hai nước hợp tác cùng phát triển.
Thủ tướng Nikol Pashinyan cảm ơn Việt Nam đã dành cho đoàn sự đón tiếp trọng thị, chu đáo. Thông báo với Chủ tịch Quốc hội về kết quả hội đàm với Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Nikol Pashinyan cho biết hai bên đã đạt được nhiều thỏa thuận về phương hướng và biện pháp thúc đẩy, mở rộng quan hệ hợp tác trong thời gian tới. Tháng 10-2019 tới, tại Thủ đô Yerevan của Armenia sẽ diễn ra khóa họp thứ hai Ủy ban Liên Chính phủ Việt Nam - Armenia và diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Armenia.
Tại hội kiến, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan cho rằng hai nước có quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp, ủng hộ nhau trên các diễn đàn quốc tế cũng như tại Liên hợp quốc.
Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan nhấn mạnh quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước đã có từ lâu. Năm 1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tới thăm Armenia khi đó là một phần của Liên bang Xô Viết. Đất nước và nhân dân Armenia vẫn nhớ về chuyến thăm của Chủ tịch Hồ Chí Minh với tình cảm ấm áp.
Nhân dịp này, Thủ tướng Armenia bày tỏ ấn tượng trước thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam cũng như uy tín ngày càng cao của Việt Nam trên trường quốc tế, mong Việt Nam tiếp tục ủng hộ Armenia trên các diễn đàn quốc tế.
Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, Việt Nam luôn coi trọng phát triển quan hệ hợp tác với các đối tác truyền thống, trong đó có Armenia - đất nước đã dành cho Việt Nam sự ủng hộ và giúp đỡ quý báu trong công cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc trước đây, cũng như trong sự nghiệp phát triển ngày nay. Quan hệ chính trị, ngoại giao giữa Việt Nam và Armenia đang phát triển tốt đẹp, tuy nhiên việc trao đổi đoàn giữa hai nước còn hạn chế, quan hệ kinh tế - thương mại và đầu tư còn khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng hợp tác.
Chủ tịch Quốc hội hy vọng, trong khóa họp thứ hai Ủy ban Liên Chính phủ Việt Nam - Armenia sắp tới, hai bên sẽ cùng nhau đánh giá, tìm giải pháp thúc đẩy sự hợp tác trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là trao đổi đoàn cấp cao và các cấp để thúc đẩy hợp tác thương mại, đầu tư giữa hai nước.
Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh Kinh tế Á - Âu đã có hiệu lực và hai bên đã thiết lập cơ chế Ủy ban Liên Chính phủ về hợp tác kinh tế - thương mại và khoa học - kỹ thuật Việt Nam - Armenia. Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) cũng vừa ký Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA). Trên cơ sở đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị hai bên tận dụng triệt để những cơ chế đã có để thúc đẩy quan hệ thương mại, đầu tư, góp phần phát triển kinh tế mỗi nước.
Nhất trí với ý kiến của Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Nikol Pashinyan bày tỏ hy vọng tại Khóa họp Ủy ban Liên Chính phủ Việt Nam - Armenia sắp tới, hai bên sẽ tìm ra, nắm bắt cơ hội mới để nâng cao hiệu quả hợp tác trên tất cả các kênh: Chính phủ, Quốc hội, doanh nghiệp, cũng như các địa phương. Thủ tướng Nikol Pashinyan chia sẻ, tại hội đàm với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, phía Armenia đã đề cập tới khả năng sẽ đơn giản hóa việc cấp thị thực cho công dân Việt Nam sang thăm Armenia, hy vọng qua đó sẽ thúc đẩy phát triển hợp tác trong lĩnh vực du lịch giữa hai bên. Armenia cũng mong muốn hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực hợp tác quốc phòng và lĩnh vực công nghệ cao. Thủ tướng Armenia tin rằng, những nỗ lực đó sẽ giúp tăng cường quan hệ kinh tế, thương mại... giữa hai nước.
Về quan hệ nghị viện, Thủ tướng Armenia khẳng định, chuyến thăm Việt Nam lần này của Đoàn đại biểu cấp cao Armenia cũng là dịp để tăng cường quan hệ nghị viện giữa hai nước. Trân trọng chuyển lời mời của Chủ tịch Quốc hội Armenia tới Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân sang thăm Armenia, Thủ tướng Nikol Pashinyan bày tỏ tin tưởng việc Quốc hội hai nước tăng cường quan hệ sẽ góp phần thúc đẩy hợp tác song phương cũng như trên các diễn đàn nghị viện quốc tế.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định, Quốc hội Việt Nam rất quan tâm thúc đẩy quan hệ với Quốc hội Armenia. Quốc hội Việt Nam sẽ tăng cường hợp tác với Quốc hội Armenia trên các diễn đàn khu vực, diễn đàn đa phương và tại Liên minh Nghị viện thế giới (IPU); trao đổi quan điểm, tham vấn lẫn nhau về những vấn đề hai bên cùng quan tâm và phù hợp với lợi ích của mỗi nước. Trân trọng cảm ơn Chủ tịch Quốc hội Armenia đã mời thăm, qua Thủ tướng Nikol Pashinyan, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân trân trọng gửi lời mời tới Chủ tịch Quốc hội Armenia sớm sang thăm Việt Nam./.
Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao: Báo cáo Tự do tôn giáo quốc tế của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ thiếu khách quan về Việt Nam  (06/07/2019)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hội đàm với Thủ tướng Armenia  (06/07/2019)
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chủ trì họp Bộ Chính trị  (05/07/2019)
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chuẩn bị thăm chính thức nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa  (05/07/2019)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên