Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương: Đánh giá tình hình 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2019
TCCSĐT - Sáng 4-7-2019, Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến với các địa phương, đánh giá tình hình sáu tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ sáu tháng cuối năm 2018. Hội nghị có sự tham dự của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, các Phó Thủ tướng: Trương Hòa Bình, Vương Đình Huệ, Phạm Bình Minh, Vũ Đức Đam, Trịnh Đình Dũng cùng các bộ trưởng, các thành viên Chính phủ. Tại đầu cầu 63 địa phương có sự tham dự của các đồng chí bí thư, chủ tịch tỉnh, thành phố.
Nhiều kết quả quan trọng, toàn diện
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng trong 6 tháng đầu năm, kinh tế, thương mại, đầu tư cũng như các lĩnh vực văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh, đối ngoại đạt kết quả quan trọng, toàn diện. Đặc biệt là công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế đã có nhiều nỗ lực và đạt được nhiều thành tựu như: chính thức ký Hiệp định thương mại Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA); trúng cử Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc với số phiếu rất cao; chuẩn bị, phục vụ tốt cho Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên; tổ chức thành công Đại lễ Vesak Liên Hợp quốc năm 2019…thể hiện một đất nước Việt Nam yêu chuộng hòa bình, hữu nghị và hợp tác cùng phát triển và có trách nhiệm.
Dẫn lời Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng nhắc lại quan điểm là từ khi đổi mới, chưa khi nào chúng ta có cơ đồ như ngày hôm nay, bạn bè quốc tế đánh giá cao vị thế, vai trò của Việt Nam. Thủ tướng nêu rõ: Trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực rất phức tạp, diễn biến nhanh khó lường, trong đó tăng trưởng thương mại đầu tư toàn cầu dự báo giảm mạnh xuống mức thấp nhất kể từ sau khủng hoảng 2008 - 2009, biến động này ảnh hưởng tới tất cả các nước, kể cả Mỹ, đặc biệt là Trung Quốc, và các nước trong khu vực ASEAN, nhưng nhờ sự chủ động, quyết liệt của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương, sự nỗ lực vượt khó của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước, chúng ta đã đạt kết quả khả quan trên nhiều lĩnh vực. Việc đạt tốc độ tăng trưởng GDP 6,76% là rất tốt, vì trên nền tăng trưởng cùng kỳ năm 2018 đã đạt mức cao, mức này cao hơn cùng kỳ giai đoạn 2011 - 2017.
Thủ tướng đánh giá cao ngành nông nghiệp đã nỗ lực vượt khó, đạt mức tăng trưởng 2,39% (đặc biệt thủy sản tăng 6,45%, cao nhất trong chín năm trở lại đây). Khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,93%, khu vực dịch vụ tăng 6,69%, trong đó tổng cầu tiếp tục tăng mạnh; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 11,5%, cao nhất trong vòng năm năm qua. Việt Nam tiếp tục là điểm đến thu hút khách du lịch quốc tế, đạt gần 8,5 triệu lượt trong sáu tháng đầu năm. Xuất khẩu đạt 122,7 tỷ USD, xuất siêu 1,64 tỷ USD, vốn FDI thực hiện đạt mức kỷ lục 9,1 tỷ USD…
Các vấn đề Chính phủ điện tử, đổi mới sáng tạo, kinh tế số… đã được bước đầu nhận thức và hành động trong nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, nhiều doanh nghiệp. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, môi trường được chú trọng, đời sống dân cư tiếp tục cải thiện (số hộ thiếu đói giảm 30,9%, tốc độ tăng thu nhập năm 2018 so với 2016 là 25,1%). Tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm giảm, thu nhập của người lao động tăng. Quốc phòng, an ninh, đối ngoại được tăng cường. Công tác bảo đảm an ninh, trật tự có nhiều cố gắng.
Còn một bộ phận cán bộ nhũng nhiễu, tiêu cực
Bên cạnh những kết quả đạt được, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng chỉ ra những vấn đề nổi lên trong 6 tháng đầu năm như tình hình dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp; nắng nóng kéo dài trên diện rộng làm giảm năng suất lúa, cây trồng, vật nuôi; nguy cơ hạn hán, thiếu nước trầm trọng tại nhiều khu vực. Diện tích trồng rừng tập trung giảm 5%; rừng bị cháy tăng 81,2%, nhất là vụ cháy rừng tại Hà Tĩnh vừa qua là lời cảnh tỉnh sâu sắc đối với các vùng trên cả nước. Giá một số mặt hàng nông, thủy sản giảm mạnh (giá tôm giảm 15-20%).
Điểm tồn tại trong lĩnh vực công nghiệp - xây dựng là tỷ lệ tồn kho ngành chế biến, chế tạo tăng 16,1%. Nhiều dự án trọng điểm (năng lượng, giao thông, hạ tầng...) chậm tiến độ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh năng lượng, năng lực sản xuất, kinh doanh thời gian tới. Nguy cơ thiếu điện hiện hữu mặc dù đã vận hành thêm điện diesel và phải nhập khẩu điện. Tình hình sản xuất kinh doanh trong một số ngành còn nhiều khó khăn, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Trong đó, có nhiều ý kiến cho rằng, việc cắt giảm điều kiện kinh doanh cho doanh nghiệp chưa có bước tiến thực chất…, những điều kiện kiểm tra chuyên ngành còn nhiều bất cập, ảnh hưởng đến sự phát triển.
Thủ tướng hoan nghênh nhiều bí thư, chủ tịch tỉnh, thành đã sát sao, chủ động nắm chắc tình hình, chỉ đạo xử lý kịp thời, hiệu quả nhiều vấn đề thực tiễn phát sinh. Nhiều mô hình tốt, kinh nghiệm hay đã xuất hiện, cần nhân rộng trên phạm vi cả nước. Trên tinh thần đó, Thủ tướng đề nghị lãnh đạo các địa phương phát biểu tập trung vào những vấn đề cụ thể phát sinh để có những đối sách, biện pháp giải quyết một cách thẳng thắn.
Tránh tình trạng đùn đẩy, kéo dài thời gian thi công dự án đầu tư công nhằm né tránh trách nhiệm
Tại Hội nghị, báo cáo kiểm điểm, đánh giá công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ trong 6 tháng đầu năm, phương hướng chỉ đạo, điều hành 6 tháng cuối năm 2019, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, Chính phủ tập trung thể chế hóa các chủ trương của Đảng, tích cực triển khai chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội. Quan điểm xây dựng chính sách là bảo đảm sự ổn định, thống nhất, đồng bộ, công khai, minh bạch, loại bỏ lợi ích nhóm, tháo gỡ mọi vướng mắc, tạo động lực thực sự cho đầu tư kinh doanh, phát triển. Chính phủ đã ban hành ba nghị định để tiếp tục cắt giảm, đơn giản hóa thêm 106 điều kiện kinh doanh, nâng tổng số lên 3.451 điều kiện kinh doanh đã được cắt giảm. Đồng thời tổ chức kiểm tra, rà soát việc cắt giảm thực chất các thủ tục kiểm tra chuyên ngành và điều kiện kinh doanh, không để phát sinh các giấy phép con.
Báo cáo về việc tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ (về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2019), Chỉ thị số 09/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ (về các giải pháp tập trung tháo gỡ cho sản xuất, kinh doanh, bảo đảm mục tiêu tăng trưởng sáu tháng và cả năm 2019); và tình hình kinh tế - xã hội tháng 6 và sáu tháng đầu năm 2019, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, tổng vốn đầu tư toàn xã hội theo giá hiện hành ước đạt 822,9 nghìn tỷ đồng, tăng 10,3% so với cùng kỳ năm 2018 và bằng 33,1% GDP, trong đó, vốn đầu tư khu vực ngoài nhà nước chiếm tỷ trọng và có mức tăng cao nhất, khoảng 43,6%, tăng 16,4%. Đăng ký thành lập doanh nghiệp vẫn duy trì được đà tăng tích cực, ước có gần 67 nghìn doanh nghiệp được thành lập mới với số vốn đăng ký đạt trên 860 nghìn tỷ đồng, tăng 3,8% về số doanh nghiệp và tăng 32,5% về số vốn.
Giải ngân vốn đầu tư công ước đạt 119 nghìn tỷ đồng, bằng 32,41% kế hoạch vốn được Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn so với cùng kỳ (33,85%). Trước tình hình giải ngân vốn đầu tư công các tháng đầu năm, trong tháng 6-2019, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức ba đoàn công tác liên ngành kiểm tra tình hình thực tế, tháo gỡ khó khăn và đôn đốc giải ngân tại 12 tỉnh, thành phố. Qua tổng hợp báo cáo, việc giải ngân chậm do cả nguyên nhân khách quan và nguyên nhân chủ quan, nhưng nguyên nhân chủ quan là chủ yếu. Lý do là cùng một mặt bằng quy định pháp luật, vẫn có 6 bộ, ngành, 13 địa phương đã đạt tỷ lệ giải ngân trên 50%, trong khi đó, có tới 35 bộ, ngành, 16 địa phương giải ngân đạt dưới 30%.
Nguyên nhân được Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chỉ ra là tâm lý chủ quan khi kế hoạch vốn đầu tư công được phép thực hiện và giải ngân trong hai năm, dẫn tới việc không quyết liệt ngay từ đầu năm. Nhiều địa phương không thực hiện quy định về phân cấp thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn cấp xã, làm ảnh hưởng đáng kể đến tiến độ giao và triển khai kế hoạch vốn đầu tư công ở cấp cơ sở đối với các dự án thuộc hai chương trình mục tiêu quốc gia.
Bên cạnh đó là các nguyên nhân, tồn tại trước đây vẫn chưa được xử lý triệt để như: năng lực một số chủ đầu tư còn hạn chế, chưa nắm bắt kịp thời, đầy đủ các thủ tục đầu tư, xây dựng; chậm trễ trong công tác chuẩn bị hồ sơ mời thầu, đấu thầu; chưa sâu sát, đôn đốc, kiểm tra, giám sát các đơn vị tư vấn, các nhà thầu thi công kịp thời; chậm triển khai các thủ tục và các vấn đề liên quan đến công tác giải ngân của các dự án; công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, đặc biệt là các dự án trọng điểm gặp khó khăn, vướng mắc kéo dài do thiếu sự phối hợp chặt chẽ giữa chủ đầu tư, nhà thầu và chính quyền địa phương. Công tác chỉ đạo, điều hành, đôn đốc hoàn thiện thủ tục, triển khai thi công, hoàn thiện hồ sơ giải ngân của các cấp, các ngành chưa quyết liệt, xuất hiện tâm lý ngại hoàn thiện thủ tục, ngại triển khai do chưa nắm vững quy định pháp luật, sợ trách nhiệm... Công tác giao kế hoạch và điều chỉnh kế hoạch chậm do phải báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định, một số dự án chưa bảo đảm thủ tục đầu tư theo quy định dẫn tới chưa giao kế hoạch chi tiết, thời gian hoàn thiện thủ tục kéo dài, nhất là các dự án ODA.
Tại Hội nghị, đại diện lãnh đạo các địa phương bày tỏ sự đồng thuận và nhất trí cao với Báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội tháng 6 và 6 tháng đầu năm 2019. Đại diện các địa phương đánh giá, kết quả tích cực của bức tranh kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm trên cả nước cho thấy tính đúng đắn, hiệu quả đối với các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu của Chính phủ ban hành năm 2019. Tại Hội nghị, đại diện các địa phương đã nêu nhiều kiến nghị với Chính phủ nhằm giải quyết những vướng mắc trong thực thi chính sách, pháp luật trong thực tiễn, công tác cải cách thủ tục hành chính, hướng giải pháp phát triển kinh tế - xã hội hiệu quả đối với từng địa phương.
Giải quyết các vướng mắc đối với các dự án trọng điểm chậm triển khai
Trong 6 tháng của năm 2019, Thành phố Hồ Chí Minh đã tiến hành công bố 21 quy trình đồng bộ trong giải quyết các thủ tục hành chính; quy định rõ thời hạn giải quyết hồ sơ tại các sở, ban, ngành và văn phòng Ủy ban nhân dân Thành phố nhằm tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Đây là thông tin được Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong báo cáo tại Hội nghị.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cho biết, trong 6 tháng cuối năm, Thành phố sẽ tiếp tục triển khai một số giải pháp trọng tâm như: Tiếp tục thực hiện hiệu quả chủ đề năm đột phá cải cách hành chính và thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh, xem đây là tiền đề để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố năm 2019 và các năm tiếp theo; tiếp tục triển khai theo lộ trình kế hoạch thực hiện Đề án xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017 - 2020 và định hướng 2025, triển khai đề án khu đô thị sáng tạo của Ủy ban nhân dân Thành phố; thống nhất ứng dụng công nghệ thông tin từ thành phố đến phường, xã, thị trấn theo kiến trúc chính quyền điện tử...
Để giải quyết những vấn đề tồn đọng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị Chính phủ ba nội dung cụ thể. Đó là, sớm thông qua nghị quyết cho phép Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện cơ chế, quy trình đặc thù để rút ngắn thời gian bồi thường, hỗ trợ tái định cư và bàn giao mặt bằng dự án có thu hồi đất trên địa bàn thành phố. Đồng thời, Thủ tướng sớm phê duyệt đề án cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2019 - 2020. Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong bày tỏ mong muốn Thủ tướng sắp xếp, có buổi làm việc với Thành phố Hồ Chí Minh vào giữa tháng 7 để tháo gỡ giải quyết các vướng mắc, khó khăn đối với các dự án trọng điểm chậm triển khai.
Từ cơ sở thực tiễn đặc thù của Thủ đô, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đề nghị Thủ tướng Chính phủ và Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành nghiên cứu, sửa đổi các quy định có liên quan về đầu tư, đấu thầu, đất đai, nhà ở… nhằm giải quyết các nội dung còn vướng mắc hiện nay; sớm ban hành văn bản quy định cụ thể các ưu đãi đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, đặc biệt là doanh nghiệp được chuyển đổi từ hộ kinh doanh, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo; tăng khả năng tiếp cận đất đai cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đồng thời, Chính phủ sửa đổi, bổ sung các nghị định liên quan đến đầu tư, kinh doanh theo phương án cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính theo Quyết định số 3720/QĐ-BCT của Bộ Công Thương.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đề nghị Chính phủ cho phép các dự án ODA được giải ngân theo tiến độ; cho phép các dự án đầu tư công sau khi được Hội đồng nhân dân phê duyệt chủ trương đầu tư được ứng tiền từ Quỹ đầu tư phát triển để giải phóng mặt bằng; các tỉnh, thành phố có đoàn khiếu kiện đông người cử lãnh đạo tỉnh, thành phố trực tiếp ra Hà Nội để phối hợp giải quyết.
Giải quyết vướng mắc đối với chính sách pháp luật về đất đai
Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ Lê Quang Mạnh kiến nghị những vướng mắc trong chính sách, pháp luật và cải cách thủ tục hành chính. Trong quy trình lựa chọn nhà đầu tư đối với các dự án sử dụng đất, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ Lê Quang Mạnh biết, tháng 8-2018, Cần Thơ đã tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư rất thành công. Sau Hội nghị, nhiều nhà đầu tư đã quay trở lại thực hiện cam kết đầu tư. Tuy nhiên, khi triển khai các quy trình đầu tư cụ thể, thành phố Cần Thơ cũng như một số địa phương còn gặp nhiều khó khăn do có những quy định, mâu thuẫn chồng chéo ở các Luật: Đất đai, Nhà ở, Đầu tư, Đấu thầu… Cuối tháng 9-2018, địa phương đã gửi văn bản kiến nghị tới các bộ, ngành về vấn đề này.
Tại Báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội số 52 ngày 04-3-2019 về thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018 nêu rõ, Luật Đất đai quy định về các trường hợp giao đất, cho thuê đất thông qua đấu giá và không đấu giá quyền sử dụng đất. Luật Đấu thầu quy định các trường hợp đấu thầu dự án có sử dụng đất. Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ Lê Quang Mạnh nêu câu hỏi: Trường hợp đã thực hiện đấu thầu dự án có sử dụng đất thì sau đó có phải đấu giá đất không và ngược lại; ngoài ra là thời điểm thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với các trường hợp đấu thầu dự án có sử dụng đất. Đây là vướng mắc, khoảng trống pháp luật giữa hai luật thuộc thẩm quyền Chính phủ có thể giải quyết, hướng dẫn. Trước mắt trong thời gian chưa sửa Luật Đất đai, Đầu tư, Chính phủ cần sớm ban hành nghị định thay thế Nghị định 30 quy định chi tiết một số điều của Luật Đấu thầu để lựa chọn nhà đầu tư, tháo gỡ những vướng mắc hiện nay.
Chủ trương xây dựng chính quyền điện tử được các địa phương quan tâm và từng bước triển khai thực hiện. Tuy nhiên, việc tự tìm kiếm các giải pháp đầu tư vào lĩnh vực này ở Cần Thơ còn nhiều hạn chế, chưa đủ hành lang pháp lý cho việc thuê dịch vụ bên ngoài, những quan ngại về chuẩn thông tin theo khung kiến trúc chính phủ điện tử 2.0, các vấn đề về thiết bị đồng bộ bảo đảm tương thích và phù hợp với cấu trúc mô hình chính phủ điện tử ở Trung ương. Trước đây, nhiều địa phương đã có cố gắng để áp dụng biện pháp đưa công nghệ thông tin vào hoạt động nhưng khi kết hợp chung lại với quốc gia thì có nhiều trường hợp không tích hợp được. Chính phủ cần cho triển khai các dự án, đề án chính phủ điện tử, chính quyền điện tử như giải pháp e-Cabinet vừa qua của Chính phủ xuống các địa phương.
Gỡ khó trong thanh toán cho nhà đầu tư dự án BT
Nêu một số vướng mắc của địa phương tại Hội nghị, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng kiến nghị, Chính phủ phân cấp cho địa phương 6 nội dung nhằm chủ động giải quyết công việc, đẩy nhanh giải quyết tồn đọng; trong đó có việc cho phép địa phương triển khai dự án sân golf tại nơi không có đất lúa và đất rừng, để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; được phê duyệt các dự án ngoài ngân sách với tổng mức đầu tư trên 5.000 tỷ đồng, các dự án đầu tư công với mức trên 1.500 tỷ đồng; đề nghị Chính phủ giao cho các thành phố lớn được chủ động chuyển đổi trên 10 hecta đất lúa sang để thực hiện các dự án phát triển công nghiệp; đề nghị Chính phủ không khống chế diện tích đất lúa đối với các tỉnh, thành phố lớn có điều kiện phát triển công nghiệp tập trung diện tích đất cho phát triển công nghiệp.
Nhắc đến dự án xây dựng Nhà ga T2, Cảng hàng không quốc tế Cát Bi, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng cho biết, dự án này do Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam thực hiện nhưng đang chậm trễ. Trước thực tế sân bay này sắp rơi vào tình trạng quá tải, ông Nguyễn Văn Tùng kiến nghị Thủ tướng có ý kiến chỉ đạo để Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam sớm triển khai dự án trên.
Giống như nhiều địa phương khác đang gặp vướng mắc trong việc sử dụng quỹ đất công để thanh toán cho các nhà đầu tư dự án BT (xây dựng - chuyển giao), Hải Phòng cũng đang gặp khó trong việc này. Nghị quyết số 160/NQ-CP của Chính phủ về việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình theo hình thức BT đã tạo cơ sở cho các địa phương thanh toán quỹ đất cho các nhà đầu tư đối với các dự án ký hợp đồng trước ngày 1-1-2018, còn các dự án ký sau thời điểm này thì chưa thể thanh toán do chưa có quy định cụ thể. Tuy nhiên, thành phố Hải Phòng và nhiều địa phương khác vẫn đang triển khai các dự án ký sau ngày 1-1-2018; đối với các dự án này không có cơ sở để thanh toán cho các nhà đầu tư.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi Trần Ngọc Căng cũng đề nghị Chính phủ ủy quyền cho địa phương cấp phép đầu tư với các nhà đầu tư có vốn ngoài ngân sách. Về cấp phép đầu tư sân golf, ông đề nghị Chính phủ chỉ quy định tiêu chí để cấp phép, còn có thể ủy quyền cho địa phương cấp phép để đẩy nhanh tiến độ./.
Quy định pháp lý về bảo vệ tài sản trí tuệ công nghiệp ở Nhật Bản và một số khuyến nghị đối với Việt Nam  (05/07/2019)
Thực hiện nội dung sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân trong Cách mạng công nghiệp lần thứ tư  (05/07/2019)
Quản lý phát triển xã hội trên phương diện lao động, việc làm  (04/07/2019)
Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU: Nâng tầm hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam  (03/07/2019)
Thủ tướng Chính phủ: Quảng Ngãi cần phải trân trọng từng đồng vốn đầu tư  (03/07/2019)
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 2)
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay