Ngày 7-5, Tổng thống đắc cử Đơ-mi-tơ-ri Mét-vê-đép đã chính thức tuyên thệ nhậm chức, kế nhiệm ông Vla-đi-mia Pu-tin. Theo lịch trình, ngày hôm nay, mùng 8-5, Quốc hội do Đảng Nước Nga thống nhất chiếm đa số sẽ bầu ông Putin làm Thủ tướng sau khi được tân Tổng thống Đ.Mét-vê-đép đề cử. Vị tân Tổng thống sẽ điều hành đất nước như thế nào? Câu hỏi trên sẽ được giải đáp trong thời gian tới nhưng có một điều mà người ta tin tưởng là nước Nga vẫn giữ nhịp tiến vững chắc về mọi mặt.

Kế nhiệm “tượng đài Pu-tin” đồng nghĩa với việc tân Tổng thống Đ.Mét-vê-đép phải gánh vác một nhiệm kỳ không hề dễ dàng. Người dân Nga chọn ông Mét-vê-đép làm người chèo lái mới cho con thuyền nước Nga bởi họ hy vọng ông tiếp tục đưa đất nước phát triển trên cơ sở những thành quả mà 8 năm cầm quyền của ông Pu-tin mang lại. Nước Nga, sau 8 năm dưới thời Tổng thống Pu-tin, đã có một diện mạo khác xa những năm 90 của thế kỷ trước.

Từ một đất nước không còn khả năng trả nợ nước ngoài và đồng rúp bị mất giá một nửa, đến tháng 9-2006, nước Nga đã thanh toán xong những món nợ cuối cùng của thời Xô-viết để lại tổng cộng 42 tỉ USD tại câu lạc bộ Pa-ri, sớm hơn 14 năm so với thời hạn quy định. Giữa những năm 90 của thế kỷ trước, Nga chỉ có 12 tỉ USD dự trữ ngoại hối, nhưng tính đến cuối 2007 con số này là 467,4 tỉ USD.

Hiện nay, Nga là một trong 10 nước dẫn đầu thế giới về mức tăng trưởng kinh tế là 7,6% với tổng sản phẩm trong nước (GDP) hơn 1.200 tỉ USD năm 2007. Kim ngạch ngoại thương nếu như năm 2000 chỉ đạt 150 tỉ USD, trong năm 2007 đã tănglên hơn 550 tỉ USD. Hoạt động đầu tư khởi sắc với mức đầu tư kỷ lục 80 tỉ USD năm 2007 trong khi mức dự tính đưa ra là 15 tỉ USD. Với đà tăng trưởng mạnh mẽ như hiện nay, theo nhận định của Bộ Phát triển Kinh tế và Thương mại Nga, đến năm 2020, Nga sẽ vươn lên trở thành nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới.

Ổn định chính trị và những thành tựu lớn trong công cuộc phát triển kinh tế đã tạo lập được vị thế ngày càng lớn của Nga trên trường quốc tế, giúp Nga bảo vệ lợi ích của mình và chủ động điều chỉnh các mối quan hệ với các trung tâm kinh tế - chính trị trên thế giới, cũng như với các nước lớn khác. Điều này được thể hiện rõ nhất trong mối quan hệ Nga - NATO, Nga - Mỹ, Nga - Gru-di-a trong thời gian qua. Do phản ứng quyết liệt của Nga mà NATO đã buộc phải hoãn việc mở rộng về phía Đông khi tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương buộc phải tạm gác việc trao Kế hoạch hành động thành viên (MAP) - bước đệm vào NATO - cho U-crai-na và Gru-di-a.

Với Gru-di-a, mối quan hệ căng thẳng giữa Mát-xcơ-va và Tbi-li-xi sau quyết định của Nga điều thêm quân đến Áp-kha-di-a và Nam Ô-xê-ti-a - hai vùng lãnh thổ đang đòi độc lập khỏi Gru-di-a, được coi như động thái trả đũa việc phương Tây công nhận Cô-xô-vô độc lập, và việc Gru-di-a xích gần lại NATO, cho thấy một nước Nga kiên quyết bảo vệ lợi ích của mình. Và, Mỹ cũng không thể phớt lờ mối quan ngại của Nga để triển khai một phần hệ thống phòng thủ tên lửa tại Séc và Ba Lan.

Trong đối ngoại, Nga cũng thể hiện vai trò lớn trong giải quyết các vấn đề quốc tế nóng bỏng: khủng bố quốc tế, an ninh năng lượng, dịch bệnh, nghèo đói và lạc hậu, các chương trình hạt nhân của Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên, I-ran, vấn đề liên quan đến quy chế tương lai của Cô-xô-vô, hòa bình ở Trung Đông.

Những thành quả kể trên đã khẳng định sự đúng đắn của "Kế hoạch Pu-tin" và việc ngày hôm nay, mùng 8-5, Quốc hội Nga sẽ họp bầu ông Pu-tin là Thủ tướng theo đề xuất của tân Tổng thống Mét-vê-đép, thêm một lần nữa khẳng định “Kế hoạch Pu-tin” sẽ là hướng đi của nước Nga. Chỉ có khác là, việc thực hiện kế hoạch này sắp tới sẽ mang bản sắc riêng của Tổng thống Mét-vê-đép. Bản sắc đó đã được ông Mét-vê-đép thể hiện trong bài phát biểu của mình tại Diễn đàn kinh tế ở thành phố Crát-xnôi-a ngày 15-2, trong đó ông nhấn mạnh đến bốn phương hướng chủ yếu (hoàn thiện, nâng cao chất lượng hoạt động của các thiết chế nhà nước; phát triển hạ tầng kết cấu; thúc đẩy sáng tạo, công nghệ, kinh tế tri thức; và đầu tư) và bảy nhiệm vụ của Liên bang Nga cùng cuộc chiến chống căn bệnh trầm kha của xã hội Nga hiện nay là tham nhũng.

Các nhà phân tích cho rằng, sự thay đổi trong chính sách ngoại giao của Nga sẽ được ông Mét-vê-đép thể hiện tại Hội nghị thượng đỉnh nhóm các nước công nghiệp phát triển (G8) vào mùa hè năm nay. Tuy nhiên, những phát biểu gần đây của ông Mét-vê-đép về các vấn đề quốc tế cũng như việc ông sẽ thăm Ca-dắc-xtan và Trung Quốc trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên với tư cách Tổng thống Nga sau lễ nhậm chức, cho thấy nước Nga cứng rắn trong xử lý các mối quan hệ liên quan đến lợi ích của mình, đồng thời, vẫn dành ưu tiên hàng đầu cho việc tăng cường quan hệ hợp tác với các nước hữu nghị và đối tác truyền thống.

Ngày 7-5, nước Nga đã hoàn thành việc chuyển giao quyền lực. Nhiều nhà phân tích đặt câu hỏi liệu từ đây trung tâm quyền lực của nước Nga sẽ nằm ở đâu? Bởi một thực tế không thể phủ nhận là uy tín và tầm ảnh hưởng của ông Pu-tin rất lớn. Câu trả lời đã được ông Mét-vê-đép đưa ra khi khẳng định "Nước Nga đã và vẫn sẽ là một nước cộng hoà tổng thống. Không thể có con đường nào khác. Không thể có hai, ba hoặc năm trung tâm quyền lực. Tổng thống sẽ điều hành nước Nga, và theo hiến pháp sẽ chỉ có một tổng thống duy nhất". Còn người dân Nga, điều họ quan tâm lại là “cỗ xe song mã Mét-vê-đép - Pu-tin” sẽ hợp tác như thế nào để nước Nga tăng cường sức mạnh đoàn kết, ngày càng phát triển thịnh vượng và khẳng định uy tín của mình trên trường quốc tế./.