Những ưu tiên của Đại Hội đồng Liên hợp quốc trong năm 2018
Di cư, phát triển và hòa bình bền vững nằm trong số những ưu tiên của Đại Hội đồng Liên hợp quốc trong những tháng còn lại của khóa họp kéo dài đến hết tháng 9-2018. Đó là tuyên bố của ông Miroslav Lajčák, Chủ tịch Đại Hội đồng - cơ quan hoạch định chính sách chủ chốt của Liên hợp quốc.
Phát biểu trước toàn thể các thành viên Liên hợp quốc ngày 12-01, Chủ tịch Lajčák cho biết, trong gần 4 tháng qua, Đại Hội đồng khóa 72 đã đạt được nhiều thành tựu với việc thông qua được hơn 250 nghị quyết và ngân sách mới cho giai đoạn 2018 - 2019 cùng nhiều kết quả khác. Ông nhấn mạnh cần phải coi 8 tháng tới là cơ hội để đạt được nhiều thành tích hơn nữa, trong đó nổi bật là thỏa thuận di cư toàn cầu đầu tiên trên thế giới. Vòng đàm phán về thỏa thuận này bắt đầu từ ngày 20-02 tới và các nước thành viên sẽ cần phải có sự thỏa hiệp cũng như huy động sự ủng hộ ở trong nước để có thể đạt được thỏa thuận vào tháng 7 và thông qua vào 9.
Chủ tịch Đại Hội đồng cũng nêu bật thành tựu thứ hai cần phải đạt được trong năm nay liên quan đến hòa bình bền vững với một hội nghị cấp cao về gìn giữ hòa bình và hòa bình bền vững diễn ra vào ngày 24 và 25-4 tới. Về chủ đề này, ông nhấn mạnh đến việc cần phải tập trung nhiều hơn vào ngăn ngừa khủng hoảng. Ông cũng nêu bật tầm quan trọng của quan hệ đối tác và sự tham gia của phụ nữ và thanh niên. Bên cạnh đó, ông kêu gọi các quốc gia tăng tài trợ cho các hoạt động gìn giữ hòa bình vốn thiếu ngân sách kinh niên, đồng thời nhấn mạnh đến việc cần phải có sự kết hợp các nỗ lực của tất cả các cơ quan Liên hợp quốc trong lĩnh vực này.
Đối với vấn đề phát triển, Chủ tịch Lajčák có kế hoạch triệu tập 3 sự kiện chủ chốt trong năm nay. Sự kiện thứ nhất sẽ tập trung vào vấn đề nước diễn ra vào ngày 22-3 tới với lễ phát động Thập kỷ Quốc tế hành động “Nước vì sự phát triển bền vững”. Sự kiện thứ hai sẽ là cuộc đối thoại của thanh niên diễn ra ngày 30-5 tới với một loạt chủ đề rộng khắp - từ giáo dục, việc làm và cơ hội, đến ngăn ngừa bạo lực cực đoan. Sự kiện thứ ba là hội nghị về vấn đề tài trợ cho tiến trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (SDG) diễn ra ngày 11-6. Đây sẽ là diễn đàn để huy động sự hợp tắc chặt chẽ hơn giữa lĩnh vực quốc doanh và tư nhân.
Ngoài ra, Đại Hội đồng Liên hợp quốc sẽ tiếp tục chú trọng đến những nhiệm vụ liên quan đến việc cải tổ Liên hợp quốc. Vòng đàm phán liên chính phủ đầu tiên về cải cách Hội đồng Bảo an sẽ diễn ra vào cuối tháng 01. Sau khi Hội đồng kinh tế và xã hội xem xét xong những đề xuất cụ thể của Tổng Thư ký Liên hợp quốc về việc bố trí lại cơ chế phát triển của Liên hợp quốc, Đại Hội đồng sẽ đóng vai trò quan trọng trong vấn đề này. Đối với vấn đề cải cách cách thức quản lý, Đại Hội đồng sẽ tiến hành thêm nhiều cuộc thảo luận sau khi Tổng Thư ký đệ trình báo cáo toàn diện của ông. Ngoài ra, Đại Hội đồng sẽ tiếp tục thảo luận về cải tổ trụ cột an ninh và hòa bình của Liên hợp quốc khi Tổng Thư ký đệ trình báo cáo thứ hai.
Chương trình nghị sự của Đại Hội đồng còn bao gồm nhiều hoạt động đã được ủy nhiệm, như là lên kế hoạch tổ chức hội nghị ngoại giao về một công cụ có tính ràng buộc pháp lý cho việc bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học biển ở ngoài vùng tài phán của các quốc gia. Đại Hội đồng cũng sẽ bắt đầu công tác chuẩn bị cho hội nghị cấp cao đầu tiên thảo luận về xóa sổ bệnh lao phổi. Đại Hội đồng cũng sẽ tiến hành cuộc đánh giá toàn diện việc kiểm soát và ngăn chặn những bệnh không truyền nhiễm lần đầu tiên kể từ khi thông qua SDG vào năm 2015, đồng thời tổ chức các cuộc điều trần không chính thức đầu tiên với những người bản địa, bên lề Diễn đàn Những vấn đề bản địa vào tháng 4 tới. Trong tháng 6, Đại Hội đồng sẽ tiến hành cuộc đánh giá hai năm một lần Chiến lược Chống khủng bố toàn cầu.
Một sự kiện đáng chú ý nữa là lần đầu tiên Đại Hội đồng sẽ tiến hành đối thoại với những ứng cử viên cho vị trí Chủ tịch Đại Hội đồng khóa 73. Kết thúc bài phát biểu, Chủ tịch Lajčák cảnh báo rằng, “chủ nghĩa đa phương đang bị đe dọa” vì không chỉ một mà nhiều chủ thể đang hoài nghi về mục đích tồn tại của Liên hợp quốc. Theo ông, thực tế cho thấy các quốc gia mạnh hơn khi đoàn kết cùng nhau và sự thỏa hiệp hay nhất trí vì tất cả các quốc gia luôn tốt hơn là chiến thắng chỉ dành cho một nước, hoặc một vài nước. Ông hối thúc các quốc gia có trách nhiệm đẩy lùi xu hướng hoài nghi cơ chế đa phương này./.
Tháo ngòi khủng hoảng chính trị tại Đức  (13/01/2018)
Việt Nam kêu gọi ASEAN sẵn sàng cùng nhau thúc đẩy phát triển sáng tạo  (13/01/2018)
Thủ tướng chủ trì cuộc họp Ủy ban Hợp tác Việt Nam - Lào  (13/01/2018)
Cà Mau cần có giải pháp đột phá để bảo đảm phát triển kinh tế bền vững  (13/01/2018)
Thủ tướng chỉ thị triển khai thi hành Bộ luật Hình sự năm 2015  (12/01/2018)
Xét xử Trịnh Xuân Thanh: Các luật sư phân tích chứng cứ gỡ tội  (12/01/2018)
- Tỉnh Yên Bái nâng cao chỉ số hạnh phúc cho người dân: Từ nghị quyết đến thực tiễn
- Vai trò của Hội Xuất bản Việt Nam trong việc phát triển ngành xuất bản và nguồn nhân lực ngành xuất bản
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 2)
- Nâng cao chất lượng công tác phát triển đảng viên trong Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương
- Một số giải pháp thúc đẩy quá trình chuyển đổi số tại các cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập ở Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên