TCCSĐT - Ngày 11-01, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chủ trì cuộc họp về hội nhập kinh tế và họp về giá xăng dầu; Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam dự Hội nghị triển khai nhiệm vụ công tác văn hóa, thể thao và du lịch năm 2018; Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì cuộc họp về xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam.

Về hội nhập kinh tế

Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế đã tổ chức phiên họp lần thứ nhất năm 2018 dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo.

Phát biểu tại phiên họp, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh năm 2017, kinh tế, xã hội đạt được thành công toàn diện, vượt bậc với nhiều mốc có ý nghĩa. Mặc dù là năm không ký kết các FTA nào nhưng năm 2017 đánh dấu thành công của APEC- sự kiện giao thương, đầu tư lớn hàng đầu thế giới, đạt “kỷ lục” về giao thương xuất, nhập khẩu với kim ngạch 425 tỷ USD. Riêng kim ngạch xuất nhập khẩu nông sản đã hơn 36 tỷ USD. Môi trường kinh doanh, cạnh tranh quốc gia tăng bậc, 10 nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD. Kết quả này chủ yếu do các doanh nghiệp, ngành hàng mang lại, trong đó vai trò của Ban Chỉ đạo khá rõ.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng Nghị quyết 01/NQ-CP nêu rõ năm 2018 là năm bản lề cho phát triển kinh tế, xã hội cho cả giai đoạn, yêu cầu đẩy mạnh hội nhập quốc tế, lấy hội nhập kinh tế quốc tế là trọng tâm.

“Năm nay phải có bước chuyển biến mạnh mẽ, căn bản trong hội nhập kinh tế về đàm phán, ký kết, hoàn thiện khung khổ pháp lý, chuẩn bị thực thi, hiện thực hóa các kết quả đàm phán, tránh tình trạng kết quả tốt mà thực thi yếu”, Trưởng Ban Chỉ đạo yêu cầu.

Phó Thủ tướng đề nghị các thành viên Ban Chỉ đạo tăng cường nghiên cứu, đánh giá, tham mưu cho Đảng, Nhà nước về hội nhập kinh tế quốc tế. Ban Chỉ đạo phối hợp với Bộ Công Thương, các bộ, ngành triển khai tăng cường thực hiện khai thác hiệu quả các hiệp định FTA có hiệu lực, đưa ra phương án ký các hiệp định mới, báo cáo kịp thời thay đổi chính sách của đối tác, phản ứng của các thị trường nước ngoài để có cảnh báo sớm tới các doanh nghiệp; chủ trì phối hợp với các cơ quan nước ngoài xây dựng, hợp tác, tiếp nhận hỗ trợ kỹ thuật, nâng cao khả năng hội nhập của Việt Nam; nghiên cứu đề xuất áp dụng các chính sách bảo hộ thương mại phù hợp…

Phó Thủ tướng cũng giao các bộ, ngành, các địa phương đánh giá tác động của hội nhập kinh tế tới ngành, địa phương và báo cáo Chương trình hành động về hội nhập kinh tế quốc tế trong quý I-2018.

Về giá xăng dầu

Trong ngày 11-01, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã chủ trì cuộc họp với liên Bộ Công Thương - Tài chính để cho ý kiến về việc quản lý, điều hành giá các mặt hàng xăng dầu trong thời gian tới.

Trên cơ sở đề nghị của Bộ Công Thương tại văn bản số 199/BCT-TTTN ngày 09-01-2018 về việc công bố giá cơ sở xăng dầu và ý kiến của Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá đề nghị về việc công bố giá cơ sở của các mặt hàng xăng dầu: Thực hiện theo đúng quy định tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 03-9-2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu và các văn bản hướng dẫn liên quan.

Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan tiếp tục theo dõi tình hình tiêu thụ xăng E5 RON 92, RON 95 tiêu chuẩn khí thải Euro 3, Euro 4,... trong quý I-2018 để công bố giá cơ sở các mặt hàng xăng dầu phù hợp với thị trường và theo quy định của pháp luật.

Về công tác điều hành giá xăng dầu, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu liên Bộ Công Thương - Tài chính tiếp tục điều hành giá xăng E5 RON 92, RON 95 và các mặt hàng xăng dầu khác theo nguyên tắc hài hoà, đồng bộ, linh hoạt trong việc trích lập và chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu nhằm kiểm soát mặt bằng giá xăng dầu.

Liên Bộ Công Thương - Tài chính phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về lợi ích của xăng E5 RON 92 để người tiêu dùng tin tưởng, yên tâm sử dụng; tăng cường công tác kiểm soát chất lượng, tránh gian lận trong kinh doanh xăng dầu; đồng thời, thực hiện tốt công tác quản lý phân phối, quy hoạch bảo đảm nguồn nguyên, nhiên liệu phục vụ xăng sinh học.

Hội nghị triển khai nhiệm vụ công tác văn hóa, thể thao và du lịch năm 2018

Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ công tác văn hóa, thể thao và du lịch năm 2018 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá, năm 2017, ngành văn hóa, thể thao và du lịch đã rất nỗ lực, cố gắng, sáng tạo, đóng góp chung vào thành tựu của cả nước.

Bên cạnh những thành tích có thể dễ dàng đánh giá, đo đếm như tổ chức thành công nhiều chương trình biểu diễn văn hóa nghệ thuật tầm cỡ, nhiều di sản được công nhận, công tác tổ chức lễ hội đã có chuyển biến, những thành tích cao trong thể thao…, Phó Thủ tướng cho rằng, quan trọng nhất là phải làm thường xuyên, mỗi năm cần nhìn nhận, đánh giá lại để tập trung vào một số vấn đề.

Đầu tiên, trước thực trạng đạo đức xã hội xuống cấp, ngành văn hóa, thể thao và du lịch cần phải có kế hoạch hành động rất cụ thể, thiết thực để làm nòng cốt ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái, phát huy những điều tốt đẹp.

Bên cạnh đó, cần bảo tồn được truyền thống bên cạnh việc tiếp thu hiện đại. Phó Thủ tướng ví dụ như phát triển du lịch, nếu không giữ các nét truyền thống, cứ tưởng chỉ xây nhà mới là được thì tự làm mất đi lợi thế của mình. Hay như trong thể thao, ngoài rất nhiều môn mới, chúng ta còn võ truyền thống, ném còn… cũng là thể thao, là văn hóa. Theo Phó Thủ tướng, khơi lên thế nào, tiếp thu cái mới tới đâu là trách nhiệm của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, của từng đơn vị cũng như các địa phương.

Phó Thủ tướng cho rằng, làm văn hóa là phải kiên trì, tỉ mỉ bởi “có những thứ tưởng to nhưng thực ra là ngọn, có những thứ tưởng là bé nhưng lại là cái gốc”. Bởi vậy, người làm văn hóa phải vừa có lý trí, vừa có tình cảm, cùng với tâm huyết và sự nhiệt tình. Ví như trong công tác bảo tồn và phát huy di sản, phải làm sao giữ được di sản nhưng không đóng khung mà phải phát huy tốt. Điều đó cần sự tỉ mỉ, từ lớp sơn, cái cây, ngọn cỏ đến đặt linh vật nào, cách ra vào khu thờ tự các danh nhân ra sao…

Đối với những câu chuyện “lình xình” trong lĩnh vực văn hóa trong năm qua như cấp phép bài hát hay tổ chức các cuộc thi sắc đẹp, Phó Thủ tướng đồng tình với quan điểm của một đại biểu rằng những người làm văn hóa là những “thuyết phục viên”, vừa vận động, thuyết phục, làm gương vừa phải đi đôi với thực thi pháp luật. Đối với những vấn đề pháp luật quy định chưa rõ thì phải có thái độ công tâm, rõ ràng, ai vi phạm thì phải xử lý công bằng, nghiêm túc, dứt khoát.

Trong năm 2018, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phải tập trung làm tốt một số vấn đề.

Đầu tiên, về văn hóa gia đình, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ưu tiên vấn đề văn hóa trong mỗi gia đình bởi gia đình là gốc, từ đó sẽ nâng cao văn hóa của toàn xã hội.

Tiếp đến, cần tiếp tục giữ gìn, phát huy các loại hình nghệ thuật truyền thống, khôi phục sân khấu truyền thống. Điều này không chỉ góp phần vào việc bảo tồn, mà quan trọng là làm lan tỏa cái đẹp trong xã hội, để những suy thoái đạo đức bị đẩy lùi. Phó Thủ tướng cho rằng, Bộ cần chỉ đạo đặt hàng đào tạo nhân lực đối với những chuyên ngành hiếm người học, cũng như nghiên cứu đặt hàng tác phẩm, để từ đó làm mẫu cho các địa phương thực hiện. “Nói nghệ thuật truyền thống đi xuống, mà không làm gì cụ thể thì không được”, Phó Thủ tướng nói và yêu cầu triển khai sớm nội dung này.

Về tổ chức lễ hội, Phó Thủ tướng cho rằng vẫn còn những bức xúc và do vậy phải nhìn thẳng, phải chấn chỉnh bằng được. Ngay dịp đầu xuân năm 2018, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần kiểm tra sớm nhưng nơi vẫn thường xảy ra sự cố để chấn chỉnh. Ngoài vấn đề bạo lực hay những hành vi phản cảm trong các lễ hội, Phó Thủ tướng đặc biệt lưu ý cần loại bỏ các hành động, hành vi khơi dậy lòng tham về vật chất như đánh bạc, chia lộc…, bởi những việc này là sai lệch với bản chất tốt đẹp của các lễ hội.

Trước thực trạng các phong trào, các chỉ tiêu thi đua quá hình thức, chung chung, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ phải đưa ra bằng được các tiêu chí cụ thể, tránh hình thức. Theo Phó Thủ tướng, nếu sớm ra được bộ tiêu chí đời sống văn hóa mới, gia đình văn hóa, làng xóm văn hóa, cơ quan văn hóa và thực hiện tốt là góp phần thúc đẩy phát triển du lịch, giải quyết “những nỗi sợ” của khách du lịch và làm Việt Nam trở thành điểm đến đẹp hơn, hấp dẫn hơn.

Phó Thủ tướng cũng chỉ đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về một số vấn đề cụ thể trong lĩnh vực thể thao thành tích cao, thể thao phong trào, công nghiệp văn hóa, du lịch hay bạo lực gia đình.

Xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam
Trong ngày, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì cuộc họp về các giải pháp đẩy nhanh tiến độ công tác chuẩn bị đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2017-2020.

Tại cuộc họp, Bộ Giao thông vận tải đã báo cáo kế hoạch triển khai Nghị quyết số 52/2017/QH14 và kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận một số đề xuất trong giai đoạn chuẩn bị các dự án đầu tư xây dựng công trình một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía đông.

Theo Bộ Giao thông vận tải, để thực hiện những yêu cầu nêu trên, cần thiết phải có các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong quá trình triển khai dự án nhằm bảo đảm quản lý chặt chẽ, hiệu quả đầu tư và đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư công khai, minh bạch, cạnh tranh, đồng thời khắc phục những tồn tại, hạn chế trong việc triển khai các dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT trong thời gian vừa qua.

Thực tiễn triển khai các dự án đầu tư theo hình thức PPP cho thấy các cơ chế, chính sách về lựa chọn nhà đầu tư, quản lý, tổ chức thực hiện dự án còn bất cập; khả năng huy động nguồn vốn từ các tổ chức tín dụng trong nước khó khăn; việc huy động nguồn vốn nước ngoài cần có các cơ chế bảo lãnh của Chính phủ trong khi hành lang pháp lý chưa cho phép...

Dự kiến, tại kỳ họp sắp tới, Chính phủ sẽ thảo luận, ra Nghị quyết về những cơ chế, giải pháp cụ thể đối với những vấn đề thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng ghi nhận, đánh giá cao sự chuẩn bị tích cực, khoa học của Bộ Bộ Giao thông vận tải trong thời gian qua. Quốc hội đã giao Chính phủ xây dựng cơ chế huy động nguồn lực tham gia đầu tư dự án, vì vậy cần sớm trình Chính phủ ban hành Nghị quyết để triển khai dự án, bảo đảm tiến độ cơ bản hoàn thành dự án vào năm 2021.

Phó Thủ tướng giao các bộ, ngành sớm có ý kiến về nội dung cơ chế, trên cơ sở đó Văn phòng Chính phủ phối hợp với Bộ Giao thông vận tải hoàn thiện dự thảo Nghị quyết, trình Chính phủ xem xét, thông qua tại kỳ họp tới nhằm bảo đảm triển khai các công tác chuẩn bị đầu tư đúng trình tự, thủ tục, bảo đảm chất lượng, tiến độ, hiệu quả.

Đặc biệt, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu phải khẳng định quan điểm tuyệt đối không chỉ định thầu, thay vào đó phải tổ chức đấu thầu công khai, minh bạch để lựa chọn nhà đầu tư đủ năng lực triển khai các gói thầu đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng, đáp ứng hiệu quả kinh tế, tránh thất thoát, lãng phí, tiêu cực./.