Viễn cảnh kinh tế toàn cầu năm 2018
TCCSĐT - Ngày 09-01-2018, tại Washington (Mỹ), Ngân hàng Thế giới (WB) công bố báo cáo “Viễn cảnh kinh tế toàn cầu”, dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2018 sẽ tăng và đạt mức 3,1%, tiếp tục thời kỳ tăng trưởng cao hơn dự đoán trong năm 2017 nhờ đầu tư, công nghiệp chế tạo và thương mại đều hồi phục, các nền kinh tế xuất khẩu nguyên vật liệu được hưởng lợi từ xu thế tăng giá các loại mặt hàng này.
Tình trạng trì trệ kinh tế toàn cầu dự kiến sẽ giảm
Tăng trưởng tại các nền kinh tế phát triển năm 2018 dự kiến sẽ giảm nhẹ xuống mức 2,2% do các ngân hàng trung ương sẽ giảm dần các biện pháp kích cầu sau khủng hoảng và xu hướng gia tăng đầu tư chậm lại. Tăng trưởng tại các nền kinh tế mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển dự báo đạt 4,5% nhờ tăng trưởng tại các nước xuất khẩu nguyên vật liệu. Tuy nhiên, triển vọng tương lai vẫn đáng quan ngại. Nhiều chuyên gia cho rằng đây chỉ là xu thế tăng tốc ngắn hạn. Về lâu dài, tăng trưởng tiềm năng - được tính bằng tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế trong trường hợp lao động và vốn được sử dụng hoàn toàn - có xu hướng chậm lại sẽ đe dọa đến việc cải thiện mức sống và công cuộc giảm nghèo trên thế giới.
Ông Jim Yong Kim, Chủ tịch WB nhận định: “Xu thế tăng trưởng rộng khắp trên toàn cầu là tín hiệu rất đáng mừng nhưng hiện nay chưa phải là lúc tự mãn. Đây là cơ hội đầu tư lớn vào nguồn vốn con người và cơ sở vật chất. Nếu các nhà hoạch định chính sách trên thế giới tập trung vào các lĩnh vực trọng yếu thì họ có thể giúp đất nước mình nâng cao năng suất, tạo thêm việc làm và hoàn thành sớm mục tiêu xóa bỏ nghèo cùng cực và chia sẻ thịnh vượng”.
Dự báo năm 2018 sẽ là năm đầu tiên nền kinh tế thế giới hoạt động hết hoặc gần hết công suất kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Theo đó, các hiện tượng trì trệ trong nền kinh tế sẽ giảm bớt vì thế các nhà hoạch định chính sách cần có tầm nhìn xa hơn, có các sáng kiến thúc đẩy tăng trưởng dài hạn thay vì đơn thuần sử dụng các công cụ tiền tệ và tài khóa vốn chỉ có tác dụng thúc đẩy tăng trưởng trong ngắn hạn.
Tình trạng suy giảm tăng trưởng tiềm năng là kết quả của nhiều năm suy giảm tăng trưởng năng suất, suy giảm đầu tư, và sự già hóa lực lượng lao động toàn cầu. Hiện tượng suy giảm tốc độ tăng trưởng diễn ra trên diện rộng, tác động tới các nền kinh tế chiếm tới 65% GDP toàn cầu. Nếu không tiếp thêm sinh khí cho tăng trưởng tiềm năng, xu thế suy giảm này có thể sẽ kéo dài đến thập niên tiếp theo, làm cho mức tăng trưởng toàn cầu bị sụt giảm ¼ điểm phần trăm và mức tăng trưởng thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển sụt giảm ½ điểm phần trăm trong cùng kỳ.
Ông Shantayanan Devarajan, Giám đốc cao cấp về kinh tế phát triển nhận định, cho rằng, kết quả phân tích các nguyên nhân kìm hãm tăng trưởng tiềm năng cho thấy chúng ta không cần lo ngại quá đáng về vấn đề này. Nếu thực hiện cải cách nâng cao chất lượng giáo dục và y tế, cải thiện dịch vụ hạ tầng thì ta có thể nâng cao đáng kể tiềm năng phát triển, nhất là tại thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển.
Tuy nhiên, nhiều rủi ro vẫn có khả năng tái hiện. Chẳng hạn, nếu điều kiện tài chính toàn cầu thắt chặt sẽ tác động tiêu cực đến tăng trưởng. Sự gia tăng bảo hộ thương mại, căng thẳng địa - chính trị cũng sẽ kìm hãm niềm tin và tăng trưởng kinh tế. Ngược lại, một số nền kinh tế lớn vẫn có thể tăng trưởng mạnh hơn dự đoán và yếu tố đó sẽ kéo theo tăng trưởng toàn cầu.
Theo ông Ayhan Kose, Giám đốc viễn cảnh kinh tế phát triển của WB, hiện nay tỷ lệ thất nghiệp đang quay trở lại mức trước khủng hoảng và viễn cảnh tại các nước phát triển cũng như các nước đang phát triển cũng sáng sủa hơn nên các nhà hoạch định chính sách cần xem xét các cách tiếp cận mới nhằm duy trì đà tăng trưởng.
Viễn cảnh các khu vực
Đông Á - Thái Bình Dương: Dự kiến mức tăng trưởng sẽ giảm, từ 6,4% năm 2017 xuống còn 6,2%. năm 2018. Tốc độ tăng trưởng tại Trung Quốc sẽ chậm lại do cơ cấu lại nền kinh tế nên sẽ làm giảm phần nào mức tăng theo chu kỳ tại các nước khác trong khu vực. Dự kiến nền kinh tế Trung Quốc sẽ giảm tăng trưởng xuống còn 6,4% trong năm 2018 so với mức 6,8% trong năm 2017. Tăng trưởng mạnh hơn dự kiến tại các nền kinh tế phát triển sẽ kéo theo tăng trưởng của toàn khu vực. Những yếu tố rủi ro có khả năng tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế của khu vực là gia tăng căng thẳng địa chính trị, xu hướng bảo hộ thương mại leo thang, điều kiện tài chính toàn cầu đột nhiên thắt chặt, và sự suy giảm tăng trưởng mạnh hơn dự kiến tại các nền kinh tế chủ chốt, trong đó có Trung Quốc.
Châu Âu và Trung Á: Tăng trưởng dự kiến sẽ giảm từ mức 3,7% năm 2017 xuống còn 2,9% năm 2018. Các nước phía Đông khu vực sẽ tiếp tục phục hồi nhờ xuất khẩu nguyên vật liệu nhưng lại bị bù trừ bởi xu thế suy giảm tại các nước phía Tây do hoạt động kinh tế tại Khu vực đồng tiền chung châu Âu bị suy giảm. Gia tăng bất định chính sách và giá dầu giảm liên tiếp sẽ đe dọa làm cho tăng trưởng chậm hơn dự kiến. Kinh tế Nga dự kiến tăng trưởng 1,7% năm 2018, bằng mức năm 2017.
Mỹ Latin và Caribe: Tăng trưởng dự kiến sẽ tăng và đạt mức 2% năm 2018 so với mức 0,9% năm 2017. Đà tăng trưởng sẽ tiếp tục mạnh lên do tiêu dùng cá nhân và đầu tư tăng, nhất là tại các nước xuất khẩu nguyên vật liệu. Các yếu tố bất định, như thiên tai, tăng cường bảo hộ thương mại, hoặc tình trạng tài khóa trong nước xấu đi có thể sẽ làm cho nền kinh tế đi chệch quỹ đạo tăng trưởng. Brazil sẽ tăng tốc và đạt mức 2% năm 2018 so với mức 1% năm 2017. Mexico sẽ đạt mức 2,1% năm 2018 so với mức 1,9% năm 2017.
Trung Đông và Bắc Phi: Tăng trưởng dự kiến sẽ đạt 3% năm 2018 so với 1,8% năm 2017. Các đợt cải cách trong khu vực sẽ tạo được đà, hạn chế tài khóa sẽ giảm nhẹ do giá dầu sẽ ổn định và tăng trưởng du lịch mạnh, giúp một số nền kinh tế không phụ thuộc vào xuất khẩu dầu trong khu vực tăng trưởng. Nhưng nếu xung đột địa - chính trị tiếp diễn và giá dầu giảm thì sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến viễn cảnh tăng trưởng. Tăng trưởng tại Saudi Arabia năm 2018 dự kiến đạt 1,2% so với 0,3% năm 2017; tại Ai Cập, tăng trưởng dự kiến sẽ đạt 4,5% năm 2018 so với mức 4,2% năm 2017.
Nam Á: Tăng trưởng khu vực sẽ tăng, đạt mức 6,9% năm 2018 so với mức 6,5% năm 2017. Tiêu dùng sẽ tiếp tục tăng mạnh, xuất khẩu hồi phục và đầu tư sẽ ổn định nhờ cải cách chính sách và nâng cấp kết cấu hạ tầng. Các yếu tố rủi ro, như thất bại cải cách chính sách, thiên tai, hoặc tăng cường bất ổn tài chính toàn cầu sẽ làm giảm tốc độ tăng trưởng. Ấn Độ dự kiến đạt mức tăng trưởng 7,3% trong năm tài khóa 2018-2019 bắt đầu từ ngày 01-4-2018 so với mức 6,7% trong năm tài khóa 2017 - 2018. Pakistan sẽ đạt mức 5,8% trong năm tài khóa 2018-2019 bắt đầu từ ngày 01-7-2018 so với mức 5,5% trong năm tài khóa 2017 - 2018.
Khu vực hạ Sahara châu Phi: Tăng trưởng dự kiến đạt 3,2% năm 2018 so với 2,4% năm 2017. Tốc độ tăng trưởng của khu vực sẽ mạnh hơn nếu giá nguyên vật liệu tiếp tục tăng và nếu thực hiện thành công cải cách. Tuy nhiên, nếu giá nguyên vật liệu giảm, lãi suất toàn cầu tăng nhanh hơn dự kiến, không có những biện pháp để giảm nợ thì tăng trưởng kinh tế sẽ chịu tác động tiêu cực. Nam Phi sẽ đạt mức 1,1% năm 2018 so với mức 0,8% năm 2017. Con số tăng trưởng tương ứng của Ni-giê-ri-a là 1% và 2,5%./.
Quân ủy Trung ương gặp mặt đại biểu cán bộ cao cấp nghỉ hưu  (11/01/2018)
Cuộc thi Sưu tập và tìm hiểu tem Bưu chính năm 2018  (11/01/2018)
Nâng cao trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền trong thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở  (11/01/2018)
Kịp thời cứu nạn tàu cá cùng 10 thuyền viên gặp sự cố trên biển  (11/01/2018)
Hoạt động đối ngoại nổi bật tuần qua (từ ngày 01 đến ngày 07-01-2018)  (11/01/2018)
- Suy ngẫm những điều đặc biệt về cuộc đời, sự nghiệp của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
- Phát triển du lịch cộng đồng, góp phần giữ vững thương hiệu “Nha Trang - điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện”
- Chính sách, pháp luật của Việt Nam về bảo vệ chủ quyền biển, đảo và đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch về vấn đề biển, đảo
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về phát triển nông nghiệp và sự vận dụng của Đảng đối với vấn đề bảo đảm an ninh lương thực ở Việt Nam hiện nay
- Công an nhân dân tu dưỡng, rèn luyện, quyết tâm thực hiện lời căn dặn “Danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên