Những chuyển động tích cực trong mối quan hệ liên Triều
Tín hiệu lạc quan từ thông điệp năm mới của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un
Trong thông điệp Năm mới đưa ra ngày 01-01 vừa qua, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tuyên bố "để ngỏ cánh cửa đối thoại" với Seoul và xem xét cử các vận động viên của nước này tham gia tranh tài tại Olympic mùa Đông Pyeongchang 2018. Điều này thể hiện sự thay đổi rõ rệt trong thái độ của Bình Nhưỡng sau những căng thẳng liên tiếp trong năm 2017. Ngay sau đó, Tổng thống Moon Jae-in đã hoan nghênh tuyên bố của nhà lãnh đạo Triều Tiên, đồng thời nêu rõ Seoul sẵn sàng đối thoại "bất cứ lúc nào, ở bất cứ đâu và dưới bất kỳ hình thức nào". Seoul hy vọng việc Triều Tiên tham gia Olympic Pyeongchang sẽ giúp giảm căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên, từ đó mở đường cho việc giải quyết vấn đề hạt nhân của Triều Tiên cũng như các cuộc đối thoại sâu rộng hơn giữa Washington và Bình Nhưỡng.
Ngày 03-01, hai bên đã chính thức nối lại đường dây liên lạc liên Triều vốn bị ngừng hoạt động từ năm 2016, để có thể tiến hành các cuộc đàm phán theo đề nghị từ phía Seoul về việc Triều Tiên tham gia Thế vận hội mùa Đông PyeongChang 2018.
Ngày 04-01, Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Hàn Quốc Moon Jae-in đã nhất trí hoãn cuộc tập trận "Đại bàng non" và "Giải pháp Then chốt" tới sau Thế vận hội mùa Đông được tổ chức tại Pyeongchang từ ngày 09 đến 25-02. Chỉ vài giờ sau khi lãnh đạo Mỹ - Hàn đưa ra quyết định trì hoãn trên, Triều Tiên đã thông báo chấp nhận đề xuất đàm phán cấp cao với Hàn Quốc vào ngày 09-01 tới tại làng đình chiến Panmunjom. Nội dung của cuộc đối thoại cấp cao lần này sẽ là bàn về đoàn vận động viên Triều Tiên tới Hàn Quốc tham dự Thế vận hội mùa Đông PyeongChang 2018 vào tháng tới. Seoul cũng nhắc lại đề nghị của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in về việc hai bên tổ chức các cuộc đối thoại quân sự, cũng như thu xếp tổ chức đoàn tụ cho các gia đình hai miền Triều Tiên bị ly tán trong chiến tranh.
Bộ Thống nhất Hàn Quốc ngày 05-01 thông báo Bình Nhưỡng đã chấp thuận đề xuất của Seoul về việc tiến hành đối thoại cấp cao liên Triều vào tuần tới. Theo bộ trên, nội dung của cuộc đối thoại sẽ bàn về khả năng tham gia Thế vận hội mùa Đông PyeongChang 2018 cũng như các biện pháp để cải thiện quan hệ song phương.
Trước đó, Hàn Quốc đã đề xuất tổ chức một cuộc đối thoại cấp cao với Triều Tiên vào ngày 09-01 tới tại làng đình chiến Panmunjom. Nội dung của cuộc đối thoại cấp cao lần này sẽ là bàn về đoàn vận động viên Triều Tiên tới Hàn Quốc tham dự Olympic mùa Đông PyeongChang 2018 vào tháng tới. Seoul cũng nhắc lại đề nghị của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in về việc hai bên tổ chức các cuộc đối thoại quân sự, cũng như thu xếp tổ chức đoàn tụ cho các gia đình hai miền Triều Tiên bị ly tán trong chiến tranh.
Các động thái tích cực của Hàn Quốc được đưa ra sau khi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un ngày 01-01 tuyên bố "để ngỏ cánh cửa đối thoại" với Seoul và xem xét cử các vận động viên của nước này tham gia tranh tài tại Olympic mùa Đông PyeongChang 2018. Điều này thể hiện sự thay đổi rõ rệt trong thái độ của Bình Nhưỡng sau một loạt vụ thử hạt nhân và phóng tên lửa của nước này thời gian gần đây.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã hoan nghênh tuyên bố của nhà lãnh đạo Triều Tiên, đồng thời nêu rõ Seoul sẵn sàng đối thoại "bất cứ lúc nào, ở bất cứ đâu và dưới bất kỳ hình thức nào". Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Hàn Quốc cũng nhấn mạnh việc cải thiện quan hệ liên Triều cần gắn liền với nỗ lực giải quyết vấn đề liên quan đến chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Hãng thông tấn Kyodo (Nhật Bản) đưa tin ông Chang Ung, một đại diện của Triều Tiên tại Ủy ban Olympic quốc tế, thông báo nước này "có thể sẽ tham gia" Olympic mùa Đông diễn ra vào tháng sau tại Hàn Quốc, dấu hiệu mới nhất về sự tan băng trong quan hệ căng thẳng liên Triều. Theo nguồn tin trên, ông Chang Ung đưa ra thông báo trên với báo giới trong khi dừng chân tại sây bay quốc tế Bắc Kinh (Trung Quốc). Ông này được cho sẽ tới Thụy Sĩ để gặp gỡ các quan chức IOC nhằm thảo luận về khả năng Triều Tiên tham dự Thế vận hội.
Và sau khi đường dây nóng giữa hai bên được nối lại, Triều Tiên và Hàn Quốc đã đạt được thỏa thuận về đối thoại cấp cao. Cuộc đối thoại liên Triều đầu tiên trong vòng 2 năm qua sẽ được tổ chức tại làng đình chiến Panmunjom ở biên giới trên bộ giữa hai miền Triều Tiên. Theo Bộ Thống nhất Hàn Quốc, thông qua đường dây nóng vừa được nối lại, quan chức hai nước sẽ thảo luận chi tiết hơn về các nội dung chuẩn bị, trong đó có cách thức tổ chức và thành phần phái đoàn tham gia đàm phán. Cuộc đối thoại sẽ tập trung bàn thảo việc Triều Tiên cử đoàn vận động viên tham gia Olympic mùa Đông Pyeong Chang 2018 cùng các biện pháp cải thiện quan hệ song phương.
Ngày 05-01, Bộ trưởng Bộ Thống nhất Hàn Quốc Cho Myoung-gyon bày tỏ hy vọng rằng cuộc đàm phán cấp cao với Triều Tiên vào tuần tới có thể mở đường cho việc cải thiện quan hệ giữa hai miền bị đình trệ lâu nay.
Phát biểu với báo giới, ông Cho Myoung-gyon cho biết việc nối lại đàm phán liên Triều có thể mở đường cho cải thiện quan hệ giữa hai miền. Ông nhấn mạnh quan hệ tốt hơn có thể trở thành "chất xúc tác" giúp giải quyết vấn đề hạt nhân của Triều Tiên.
Vòng đối thoại liên chính phủ giữa hai miền Triều Tiên gần đây nhất diễn ra tháng 12-2015. Sau khi nhậm chức tháng 5-2017, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã đề xuất tiến hành đàm phán quân sự và đối thoại Hội Chữ thập Đỏ, song không nhận được hồi âm từ phía Bình Nhưỡng.
Hai bên bàn thảo kế hoạch chi tiết cho cuộc đàm phán cấp cao sắp tới
Hàn Quốc và Triều Tiên đang tích cực chuẩn bị cho cuộc đối thoại cấp cao, đã được hai bên nhất trí tiến hành vào ngày 9-01. Trong ngày 06 và 07-01, các nội dung chi tiết hơn cho cuộc đàm phán được mong đợi này sẽ được hai bên thảo luận cụ thể.
Theo Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc, Seoul và Bình Nhưỡng có thể sẽ tiến hành thảo luận cách thức thúc đẩy quan hệ song phương, song điều này chỉ diễn ra sau khi hai bên hoàn tất các vấn đề liên quan đến Olympic, như phương tiện đoàn vận động viên Triều Tiên sang Hàn Quốc, hay hai miền có cùng diễu hành dưới một lá cờ thống nhất vào lễ khai mạc và bế mạc Olympic hay không. Nếu đoàn vận động viên Triều Tiên sang Hàn Quốc bằng đường bộ, quân đội hai bên sẽ phải tiến hành tham vấn. Nếu Triều Tiên cử đoàn cổ vũ hoặc đội biểu diễn nghệ thuật đi cùng, hai bên sẽ phải thảo luận về lộ trình cùng công tác an ninh, hậu cần, cũng như chi phí cho hoạt động này.
Ủy ban Olympic quốc tế cho biết sẵn sàng chi trả cho các vận động viên Triều Tiên nếu Bình Nhưỡng tham gia Olympic mùa Đông Pyeongchang. Trước đó, Hàn Quốc cũng đã sử dụng quỹ hợp tác liên Triều để chi trả các khoản tương tự cho phía Triều Tiên khi các vận động viên nước này tham dự các sự kiện thể thao quốc tế được tổ chức tại Hàn Quốc.
Trong ngày 07-1, Hàn Quốc và Triều Tiên tiếp tục bàn thảo về những nội dung chi tiết cho cuộc đối thoại cấp cao vào tuần tới về việc Triều Tiên có thể cử phái đoàn tới tham dự tham dự Thế vận hội mùa Đông 2018 được tổ chức tại Hàn Quốc từ ngày 09 đến 25-2.
Một quan chức của Bộ Thống nhất Hàn Quốc cho biết hai bên đã liên lạc qua đường dây nóng và thảo luận thành phần phái đoàn tham gia đàm phán thông qua việc trao đổi văn bản. Seoul đã đề xuất cử một phái đoàn gồm 5 thành viên do Bộ trưởng Bộ Thống nhất Hàn Quốc Cho Myoung-gyon dẫn đầu, trong đó có hai Thứ trưởng đến từ Bộ Thống nhất và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trong khi phía Triều Tiên vẫn chưa công bố.
Bộ Thống nhất Hàn Quốc ngày 07-01 cho biết Triều Tiên đã gửi danh sách phái đoàn dự kiến của nước này dự kiến tham gia cuộc đàm phán liên Triều cấp cao hiếm hoi tại làng đình chiến Panmunjeom ở biên giới liên Triều vào ngày 09-01 tới.
Theo danh sách trên, phái đoàn của Triều Tiên sẽ do ông Ri Son-Gwon, người phụ trách cơ quan giải quyết các vấn đề liên Triều, dẫn đầu. Trong số 4 quan chức khác đi cùng ông Ri có một quan chức phụ trách thể thao của Triều Tiên. Triều Tiên đưa ra danh sách trên sau khi phía Hàn Quốc đề xuất Bộ trưởng Thống nhất Cho Myoung-Gyon sẽ dẫn đầu phái đoàn của Hàn Quốc tham dự cuộc gặp tới.
Trong khi đó, các quan chức Nhà Xanh cho biết Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cùng ngày đã được thông báo về công tác chuẩn bị cho cuộc đàm phán liên Triều vào tuần tới. Một quan chức nhận định cuộc đối thoại liên Triều là sự khởi đầu cho việc thiết lập hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên cũng như giải quyết vấn đề hạt nhân và tên lửa gây tranh cãi của Bình Nhưỡng.
Hàn Quốc tích cực tham vấn các đối tác trước cuộc đàm phán liên Triều
Các nỗ lực hòa giải giữa 2 miền Triều Tiên đã nhận được sự ủng hộ của Mỹ, khi Tổng thống Mỹ Donald Trump nhất trí lùi thời điểm tập trận chung Mỹ - Hàn theo đề nghị của người đồng cấp Hàn Quốc Moon Jae-in, đồng thời bày tỏ hy vọng đàm phán liên Triều sẽ đạt kết quả.
Bộ Ngoại giao Hàn Quốc thông báo hai đặc phái viên hạt nhân hàng đầu của nước này và Nhật Bản sẽ gặp nhau vào tuần tới để thảo luận về vấn đề hạt nhân Triều Tiên, trước khi diễn ra các cuộc đàm phán liên Triều.
Theo thông báo, Đặc phái viên Hàn Quốc về hòa bình và an ninh trên bán đảo Triều Tiên Lee Do-hoon và người đồng cấp Nhật Bản Kenji Kanasugi sẽ gặp nhau tại Seoul vào ngày 08-01 để chia sẻ quan điểm về tình hình trên bán đảo Triều Tiên kể từ sau thông điệp Năm mới của Triều Tiên và có các cuộc thảo luận sâu sắc về tăng cường nỗ lực ngoại giao nhằm thúc đẩy quan hệ liên Triều và giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên một cách hòa bình. Cuộc gặp diễn ra một ngày trước khi các quan chức cấp cao của hai miền Triều Tiên gặp nhau tại làng đình chiến Panmunjom để thảo luận về việc đoàn vận động viên Bình Nhưỡng tham gia Thế vận hội mùa Đông 2018 tại PyeongChang.
Trong ngày 05-01, ông Lee Do-hoon cũng có các cuộc gặp trực tiếp với người đồng cấp Trung Quốc Khổng Huyễn Hựu tại Seoul để thảo luận về vấn đề hạt nhân Triều Tiên. Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho biết cơ quan này đang sắp xếp một cuộc gặp tương tự với các quan chức Mỹ.
Triều Tiên kêu gọi tăng cường hợp tác liên Triều
Truyền thông nhà nước Triều Tiên ngày 07-01 kêu gọi tăng cường hợp tác liên Triều trong bối cảnh hai miền dự định sẽ tổ chức cuộc đàm phán chính thức đầu tiên trong hơn 2 năm qua vào ngày 09-01 tới.
Trong một bài viết, Hãng Thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) nêu rõ: “Toàn bộ tiến trình của mối quan hệ hai miền trước đây đã cho thấy rằng các nỗ lực nhằm cải thiện quan hệ song phương sẽ chỉ đạt kết quả khi 2 bên cùng nỗ lực dựa trên cơ sở hợp tác giữa người dân hai miền. Thiện chí tăng cường quan hệ liên Triều cần được ủng hộ không chỉ bằng lời nói mà phải bằng các hành động thực tế, nhằm thúc đẩy tinh thần hòa giải và đoàn kết liên Triều, cũng như tái thống nhất”.
Bài viết của KCNA cũng nhấn mạnh rằng bất kỳ động thái nào nhằm cản trở hoạt động tiếp xúc liên Triều thông qua “những cái cớ không thích hợp, hay các công cụ pháp lý và thể chế” đều chỉ là bước đi “lừa dối” nhằm đánh lạc hướng công luận trong và ngoài nước. KCNA hàm ý đến những chỉ trích của phe bảo thủ ở Hàn Quốc rằng việc Seoul hỗ trợ tài chính cho các vận động viên Triều Tiên tham gia Thế vận hội mùa Đông PyeongChang sắp tới có thể vi phạm các nghị quyết trừng phạt của Liên hợp quốc.
Cuộc đàm phán sắp tới đang làm dấy lên hy vọng về một sự cải thiện trong quan hệ liên Triều sau các vụ thử hạt nhân và phóng tên lửa đạn đạo liên tiếp của Triều Tiên trong năm 2017, tuy nhiên phe bảo thủ ở Hàn Quốc cảnh báo rằng Triều Tiên có thể lợi dụng sự kiện thể thao này để giải tỏa sức ép của các biện pháp trừng phạt và gây chia rẽ giữa Seoul và Washington.
Ý tưởng về sự xích lại gần nhau giữa hai miền Triều Tiên được đưa ra sau khi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un để ngỏ khả năng cử một phái đoàn tham dự Thế vận hội mùa Đông PyeongChang.
Trong quá khứ, nhiều lần thể thao được sử dụng như công cụ làm tan băng trong các quan hệ ngoại giao. Hy vọng lần này, Thế vận hội mùa Đông PyeongChang sẽ góp phần tháo gỡ những bế tắc trong quan hệ liên Triều, thúc đẩy đàm phán, hạ nhiệt tình hình căng thẳng và góp phần giải quyết vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên./.
Chỉ thị của Ban Bí thư Trung ương Đảng về lãnh đạo Đại hội Mặt trận Tổ quốc các cấp  (07/01/2018)
Kết luận của Ban Bí thư về kiện toàn tạp chí các ban Đảng Trung ương  (07/01/2018)
Phiên tòa xét xử Trịnh Xuân Thanh: Không có thẻ “kim bài” miễn tội  (07/01/2018)
Chương trình nghệ thuật 'Vang mãi giai điệu Tổ quốc'  (07/01/2018)
Hỗ trợ dạy tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài  (07/01/2018)
- Suy ngẫm những điều đặc biệt về cuộc đời, sự nghiệp của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
- Phát triển du lịch cộng đồng, góp phần giữ vững thương hiệu “Nha Trang - điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện”
- Chính sách, pháp luật của Việt Nam về bảo vệ chủ quyền biển, đảo và đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch về vấn đề biển, đảo
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về phát triển nông nghiệp và sự vận dụng của Đảng đối với vấn đề bảo đảm an ninh lương thực ở Việt Nam hiện nay
- Công an nhân dân tu dưỡng, rèn luyện, quyết tâm thực hiện lời căn dặn “Danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên