Bình Định tập trung đầu tư phát triển công nghiệp
TCCS - Thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, trong xu thế hội nhập, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, ngành công nghiệp, tiểu, thủ công nghiệp của Bình Định được chăm lo đầu tư phát triển, khẳng định rõ vị thế quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội như chế biến nông, lâm, thủy sản, khai khoáng, sản xuất vật liệu xây dựng, may mặc... Nhiều đơn vị sản xuất ra những sản phẩm với thương hiệu có uy tín, trở thành thế mạnh của địa phương, không những được ưa chuộng trên thị trường cả nước mà còn phục vụ cho xuất khẩu như hải sản cấp đông, đá granít ốp lát, mộc dân dụng, dược phẩm...
Tập trung đầu tư phát triển công nghiệp thời gian qua
Hơn 3 năm qua, nền kinh tế của tỉnh Bình Định tuy bị ảnh hưởng chung của tình hình suy giảm kinh tế nhưng vẫn tiếp tục ổn định và tăng trưởng. Tốc độ tăng bình quân 3 năm (2006 - 2008) là 12,2% (mục tiêu đề ra trong 5 năm là 13%). Thu nhập bình quân đầu người năm 2008 đạt khoảng 807 USD, gấp 1,93 lần so với năm 2005. Về cơ cấu kinh tế, tỷ trọng nông, lâm, ngư nghiệp tính đến cuối năm 2008 chiếm 36,3%; công nghiệp xây dựng: 31,7%, dịch vụ: 32% (mục tiêu đến năm 2010 lần lượt là 27% - 28%; 37% - 38%; 34% - 35%). Điều đáng chú ý là công nghiệp - tiểu, thủ công nghiệp, đặc biệt là giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh bình quân 3 năm ước tăng 22,2% (mục tiêu bình quân cho cả nhiệm kỳ là 24,5%). Tỉnh đã tập trung phát triển một số ngành công nghiệp có giá trị sản xuất và kim ngạch xuất khẩu lớn; nhiều doanh nghiệp tiếp tục mạnh dạn đầu tư chiều sâu mở rộng quy mô, tăng năng lực sản xuất, phát triển sản phẩm mới. Công tác khuyến công thường xuyên được chú trọng và đẩy mạnh sự phát triển một cách đồng bộ, nhất là trong đào tạo nghề, hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng, khôi phục các ngành nghề tiểu, thủ công nghiệp truyền thống, từng bước đưa một số ngành nghề mới vào khu vực nông thôn. Trong phát triển khu công nghiệp, bằng các chính sách khuyến khích kịp thời và thiết thực, hai khu công nghiệp trọng điểm của tỉnh là Phú Tài và Long Mỹ (giai đoạn I) đã lấp đầy 83% diện tích với 451 ha đất cho thuê; đã hoàn thành quy hoạch chi tiết và tiếp tục triển khai công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng để thi công hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp Long Mỹ giai đoạn 2 (100 ha); triển khai quy hoạch khu công nghiệp Nhơn Hòa (huyện An Nhơn), khu công nghiệp Hòa Hội (huyện Phù Cát), cụm công nghiệp Cát Khánh và Cát Trinh - Phù Cát. Đến nay, đã có 19 cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh đi vào hoạt động, trong đó 11 cụm đã lấp đầy 90% - 100% diện tích mặt bằng cho thuê. Riêng tại khu kinh tế Nhơn Hội đã cơ bản hoàn thành công tác lập quy hoạch chi tiết một số khu chức năng, đã có 18 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn đăng ký 11.580 tỉ đồng; trong đó có 2 dự án đầu tư nước ngoài với số vốn đăng ký 284 triệu USD.
Sau khi có quyết định của Thủ tướng Chính phủ thành lập khu kinh tế Nhơn Hội, tỉnh đã phối hợp với Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam tổ chức một số hội thảo xúc tiến, kêu gọi đầu tư vào khu kinh tế Nhơn Hội tại Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội. Ngoài ra, tỉnh cũng đã phối hợp với các bộ, ngành Trung ương và các chủ đầu tư khu công nghiệp tổ chức gần 20 chuyến đi xúc tiến đầu tư tại Đài Loan, Hồng Kông, Xin-ga-po, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Đức, Trung Quốc, Ca-na-đa, Niu Di-lân và một số nước châu Âu khác; đã trực tiếp tiếp xúc với các tập đoàn kinh tế lớn như Hiệp hội Đầu tư quốc tế Hồng Kông, với nhiều nhà đầu tư của Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản để giới thiệu, quảng bá và ký biên bản ghi nhớ đăng ký đầu tư vào khu kinh tế Nhơn Hội. Các nước và vùng lãnh thổ nêu trên đã cử các đoàn công tác sang khu kinh tế Nhơn Hội để khảo sát, tìm hiểu đầu tư.
Các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng tích cực tổ chức xúc tiến, thu hút mời gọi đầu tư tại các hội chợ, hội thảo và trên các phương tiện thông tin đại chúng trong và ngoài tỉnh, ngoài nước. Các cụm công nghiệp đã thu hút 439 doanh nghiệp và cơ sở sản xuất có quy mô vừa và nhỏ tham gia đầu tư, được giao đất xây dựng nhà xưởng sản xuất với diện tích khoảng 229 ha, tổng số vốn đầu tư 1.367 tỉ đồng (vốn thực hiện 913 tỉ đồng, đạt 67%), đến nay đã có 397 doanh nghiệp và cơ sở sản xuất đi vào hoạt động. Hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp đầu tư trong cụm công nghiệp có chiều hướng ngày càng phát triển, sản phẩm tiêu thụ chủ yếu ở thị trường trong nước và một phần xuất khẩu. Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua, các doanh nghiệp trong cụm công nghiệp bị ảnh hưởng bởi suy giảm kinh tế nên chủ đầu tư các cụm công nghiệp chưa có kế hoạch đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng tiếp theo. Các cụm công nghiệp tại thành phố Quy Nhơn và các huyện Phù Mỹ, Phù Cát, An Nhơn, Tây Sơn lấp đầy diện tích tương đối nhanh, nhưng các cụm công nghiệp ở 3 huyện miền núi và các huyện Hoài Ân và Hoài Nhơn do xa cảng biển, giao thông không thuận lợi nên sức thu hút thấp, tỷ lệ lấp đầy dưới 30%. Từ năm 2007, tỉnh đã triển khai thực hiện dự án các cụm công nghiệp Tà Súc, thị trấn Vân Canh, Canh Vinh, có hơn 20 doanh nghiệp đăng ký đầu tư nhưng đến nay chưa nhận đất để xây dựng nhà xưởng sản xuất.
Theo định hướng quy hoạch phát triển các cụm công nghiệp, với mục tiêu chiếm tỷ trọng 20% - 25% giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh, tạo việc làm mới khoảng 3.500 lao động, từng bước giải quyết, khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường tại các khu đô thị và dân cư, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa nông nghiệp, nông thôn. Ngoài các khu công nghiệp đã và đang triển khai, trước mắt, tỉnh tập trung phát triển khu công nghiệp Cát Trinh (Phước Lộc Thọ) với quy mô diện tích 482 ha, tổng vốn đầu tư 1.116,8 tỉ đồng; triển khai quy hoạch phát triển các khu công nghiệp Bình Nghi (210 ha, tổng vốn đầu tư 315 tỉ đồng), Bồng Sơn (120 ha, tổng vốn đầu tư 204 tỉ đồng).
Đối với khu kinh tế Nhơn Hội, tỉnh đang thực hiện theo cơ chế chính sách ưu đãi đầu tư chủ yếu được áp dụng theo điều 16 Nghị định số 29/2008/NĐ-CP ngày 14-3-2008 của Chính phủ và các chính sách khuyến khích bổ sung của tỉnh. Ngoài ra, tỉnh còn chỉ đạo thực hiện cơ chế "một cửa, tại chỗ" nhằm tạo thuận lợi tối đa về thủ tục hành chính cho các nhà đầu tư và quy định rõ mức khen thưởng bằng hiện kim cho các tổ chức, cá nhân có công vận động xúc tiến đầu tư; giao Ban Quản lý khu kinh tế Nhơn Hội (nay là Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh) trực tiếp hướng dẫn, hỗ trợ và giải quyết thủ tục hình thành và triển khai dự án đầu tư theo quy định hiện hành của Nhà nước; rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục hành chính theo quy định. Các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh chủ yếu dựa vào chính sách ưu đãi của Trung ương. Bên cạnh đó, tỉnh Bình Định cũng đã ban hành chính sách khuyến khích đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng các khu, cụm công nghiệp tại Quyết định số 16/2007/QĐ-UBND ngày 08-8-2007 của Ủy ban nhân dân tỉnh.
Tỉnh đang thực hiện kế hoạch thúc đẩy đầu tư phát triển khu kinh tế Nhơn Hội, tập trung huy động các nguồn vốn đầu tư các công trình hạ tầng dùng chung phục vụ các khu chức năng trong khu kinh tế. Theo kế hoạch triển khai thực hiện các dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật khu kinh tế Nhơn Hội giai đoạn 2009 - 2012 đã được Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua, tổng nhu cầu vốn đầu tư hạ tầng kỹ thuật giai đoạn 2009 - 2012 là 2.656,9 tỉ đồng. Để bảo đảm vốn phục vụ thi công xây dựng các công trình cần tiếp tục tranh thủ các nguồn vốn hỗ trợ có mục tiêu của Trung ương; vốn vay, tạm ứng ngân sách trung ương... để thực hiện xây dựng khu tái định cư, đền bù giải phóng mặt bằng và đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng kỹ thuật thiết yếu khu kinh tế. Tỉnh tiếp tục bố trí vốn để lập quy hoạch chi tiết khu đô thị mới và một số khu chức năng khác; bồi thường, giải phóng mặt bằng; xây dựng khu nghĩa trang, khu xử lý chất thải rắn và khu trung tâm khu kinh tế. Đồng thời, huy động vốn đầu tư của các chủ đầu tư khu công nghiệp, khu phi thuế quan, chủ đầu tư các dự án cấp điện khu kinh tế, hạ tầng viễn thông khu kinh tế và các nhà đầu tư thứ cấp.
Một số giải pháp cần tập trung giải quyết trong thời gian tới
Có thể nói, đạt được một số kết quả nêu trên, trước hết là tỉnh được sự lãnh đạo, chỉ đạo của Chính phủ, sự giúp đỡ của các bộ, ngành Trung ương. Nhưng phải khẳng định rằng việc phát huy nội lực cũng rất quan trọng. Trong quá trình phát triển tỉnh đã mạnh dạn khai thác tiềm năng, lợi thế so sánh của địa phương, tranh thủ tối đa các nguồn lực; tích cực triển khai chương trình liên kết, hợp tác với các địa phương trong nước và các nước bạn để đẩy mạnh phát triển kinh tế với tốc độ nhanh, hiệu quả và bền vững. Đồng thời với phát triển công nghiệp, tiểu, thủ công nghiệp, nghề thủ công truyền thống, Bình Định cũng thực hiện tốt các giải pháp phát triển kinh tế toàn diện, vững chắc gắn với bảo vệ môi trường sinh thái; thực hiện phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao; huy động tối đa các tiềm năng, khả năng trong nhân dân, trong các thành phần kinh tế, các nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh, các nhà đầu tư nước ngoài cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Về cơ chế chính sách, cùng với việc ban hành các cơ chế chính sách, tỉnh đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư và thực hiện kiên quyết công tác cải cách thủ tục hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả bộ máy nhà nước, khắc phục những tiêu cực, nhũng nhiễu trong đội ngũ cán bộ công chức, tôn trọng và phát huy quyền dân chủ của nhân dân, tạo điều kiện để các nhà đầu tư yên tâm làm ăn theo pháp luật, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứXVII.
Để tiếp tục tập trung đầu tư phát triển công nghiệp, trong thời gian tới tỉnh tập trung thực hiện một số giải pháp sau:
- Kêu gọi thu hút các dự án đầu tư theo hình thức BOT đối với các công trình cấp nước, xử lý nước thải các khu chức năng, trong đó ngân sách có thể hỗ trợ một phần để bảo đảm giá nước cấp, xử lý nước thải phù hợp, tạo điều kiện thu hút đầu tư vào khu kinh tế. Trình Thủ tướng Chính phủ cho phát hành trái phiếu công trình Trung ương để huy động vốn chi hỗ trợ có mục tiêu đầu tư một số công trình hạ tầng thiết yếu của khu kinh tế.
- Đẩy mạnh công tác nghiên cứu, tìm hiểu thông tin về nhà đầu tư trước khi xem xét, chấp thuận địa điểm và cấp giấy chứng nhận đầu tư. Thực hiện kiên quyết cơ chế ký quỹ đối với các nhà đầu tư đăng ký đầu tư vào khu kinh tế. Tăng cường đôn đốc các nhà đầu tư đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư thực hiện dự án. Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình hợp tác giữa tỉnh Bình Định với thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh trong khu vực và các nước bạn để đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến kêu gọi đầu tư trên các lĩnh vực sản xuất công nghiệp, dịch vụ, du lịch,... vào khu kinh tế. Thường xuyên theo dõi hỗ trợ, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư; triển khai thực hiện có hiệu quả quy trình và thủ tục đầu tư vào khu kinh tế nhằm từng bước triển khai thực hiện cơ chế "một cửa, tại chỗ" tại Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh.
- Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện cơ chế chính sách thu hút đầu tư: Nghiên cứu, xây dựng, ban hành, điều chỉnh, bổ sung chính sách khuyến khích đầu tư vào khu kinh tế; xây dựng chính sách hỗ trợ phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ để tạo điều kiện thu hút các nhà đầu tư. Xây dựng, ban hành chính sách hỗ trợ để thu hút lao động có chuyên môn sâu, trình độ cao, tay nghề giỏi về làm việc lâu dài tại khu kinh tế; chính sách hỗ trợ nhà ở cho người lao động và chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân.
- Tăng cường sự phối hợp giữa Ban Quản lý với các sở, ngành liên quan trong công tác tuyên truyền, chống lấn chiếm đất đai, xây dựng trái phép. Thực hiện kịp thời công tác chi trả bồi thường về đất đai, cây trồng, nhà cửa, vật kiến trúc theo sát với tình hình thực tế để bảo đảm quyền lợi của người dân. Bố trí tái định cư các hộ dân vào các khu tái định cư bảo đảm tính công khai, công bằng và dân chủ; tiếp tục xem xét bổ sung chính sách hỗ trợ, đào tạo chuyển đổi nghề, giải quyết việc làm cho người dân để sớm ổn định cuộc sống tại các khu tái định cư. Chỉ đạo, đôn đốc chính quyền địa phương tích cực đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình phúc lợi xã hội như y tế, giáo dục, văn hóa, thể thao... tại các khu tái định cư.
- Đào tạo, phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển cụm công nghiệp. Thông qua các trung tâm đào tạo nghề, bố trí kinh phí thích hợp hỗ trợ đào tạo nhân lực có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, công nhân có tay nghề cao theo đúng ngành nghề có nhu cầu, bổ sung cho các cụm công nghiệp. áp dụng tiền lương, tiền thưởng và các chế độ đãi ngộ thu hút nhân tài, công nhân kỹ thuật, thợ bậc cao, ổn định sản xuất, hạn chế cắt giảm lao động tạo sự gắn bó bền vững giữa người lao động với người sử dụng lao động. Tỉnh có chủ trương vận động các doanh nghiệp có dự án đầu tư vào khu kinh tế ưu tiên tiếp nhận lao động tại chỗ, nhất là các hộ dân thuộc diện di dời, giải tỏa vào làm việc tại các doanh nghiệp. Xây dựng kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực bao gồm đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật và lao động có tay nghề phù hợp với nhu cầu, đáp ứng yêu cầu của nhà đầu tư và nhiệm vụ phát triển khu kinh tế. Phối hợp với các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề trên địa bàn tỉnh tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả công tác này. Ngân sách tỉnh hỗ trợ việc tổ chức đào tạo các ngành nghề theo nhu cầu của khu kinh tế với điều kiện người lao động cam kết làm việc lâu dài tại khu kinh tế; hỗ trợ một phần kinh phí để nhà đầu tư tổ chức đào tạo lao động tại chỗ hoặc đưa lao động đi học nghề ở các cơ sở đào tạo ngoài tỉnh trong trường hợp các cơ sở đóng trên địa bàn tỉnh chưa đủ điều kiện đào tạo. Tổ chức thực hiện tốt các chính sách hiện hành của tỉnh về hỗ trợ học phí, học bổng, trợ cấp ưu đãi xã hội đối với học sinh học nghề...
- Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, thuận lợi cho các nhà đầu tư. Thực hiện tốt cơ chế "một cửa liên thông", sẵn sàng lắng nghe, tích cực hỗ trợ, giới thiệu địa điểm, hướng dẫn thủ tục đầu tư và tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trong quá trình hoạt động, bảo đảm giải quyết thủ tục hành chính nhanh gọn, thiết thực, làm hài lòng nhà đầu tư. Đối với những lĩnh vực không phân cấp, không ủy quyền cho Ban Quản lý, yêu cầu các cơ quan liên quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước bằng việc tổ chức các đơn vị trực thuộc nằm trong khu trung tâm khu kinh tế nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư và các doanh nghiệp. Xây dựng và triển khai thực hiện có hiệu quả quy chế phối hợp giữa Ban Quản lý khu kinh tế với các cơ quan liên quan trong công tác giải quyết các thủ tục hành chính và quản lý nhà nước trên địa bàn khu kinh tế.
- Tăng cường công tác bảo vệ môi trường, phát triển bền vững. Trong quá trình lựa chọn các nhà đầu tư, ưu tiên thu hút các dự án đầu tư có hàm lượng khoa học - công nghệ cao, sản xuất thân thiện với môi trường. Tổ chức thực hiện nghiêm túc công tác thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường và xem xét bản cam kết bảo vệ môi trường đối với các dự án đầu tư vào khu kinh tế. Nghiên cứu xây dựng chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp áp dụng quy trình sản xuất sạch để giảm thiểu các chất gây ô nhiễm./.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2009  (09/01/2010)
Thu, chi ngân sách nhà nước năm 2009  (09/01/2010)
Năm 2009 giá trị sản xuất công nghiệp tăng 7,6%  (09/01/2010)
An ninh - chính trị thế giới năm 2009: Bức tranh đầy biến động  (09/01/2010)
Kinh tế Việt Nam thuộc nhóm tăng trưởng nhanh nhất thế giới  (09/01/2010)
Kinh tế Mỹ La-tinh sẽ tăng trưởng mạnh trong năm 2010  (09/01/2010)
- Một số giải pháp thúc đẩy quá trình chuyển đổi số tại các cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập ở Việt Nam
- An ninh nguồn nước ở Thái Lan và hàm ý cho Việt Nam
- Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an ninh kinh tế, góp phần bảo đảm an ninh quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên