Toàn văn nghị quyết về thí điểm cơ chế đặc thù cho Thành phố Hồ Chí Minh
Quốc hội Khóa XIV vừa thông qua Nghị quyết số 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh. TCCSĐT Việt Nam trân trọng giới thiệu nội dung Nghị quyết.
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Nghị quyết này quy định thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù đối với Thành phố Hồ Chí Minh (sau đây gọi là Thành phố) về quản lý đất đai, đầu tư, tài chính - ngân sách nhà nước; quy định cơ chế ủy quyền giữa các cấp chính quyền và thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức thuộc Thành phố quản lý.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị và các tổ chức chính trị - xã hội.
2. Tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp.
3. Tổ chức, cá nhân khác có liên quan.
Điều 3. Quản lý đất đai
1. Hội đồng nhân dân Thành phố quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa từ 10 ha trở lên phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trồng lúa đã được cấp có thẩm quyền quyết định.
2. Việc quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa quy định tại khoản 1 Điều này phải thực hiện công khai, lấy ý kiến người dân, đối tượng chịu sự tác động của việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai.
3. Trình tự, thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa từ 10 ha trở lên quy định tại Điều này được thực hiện như trình tự, thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa dưới 10 ha theo quy định của pháp luật về đất đai.
Điều 4. Quản lý đầu tư
1. Hội đồng nhân dân Thành phố quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án nhóm A sử dụng ngân sách Thành phố theo quy định của Luật Đầu tư công, trừ dự án quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều 8 của Luật Đầu tư công số 49/2014/QH13.
2. Trình tự, thủ tục quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án nhóm A sử dụng ngân sách Thành phố quy định tại khoản 1 Điều này được thực hiện như sau:
a) Việc xây dựng, thẩm định, chỉnh lý Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi theo quy định tại các điểm a, b và c khoản 2 Điều 23 của Luật Đầu tư công số 49/2014/QH13;
b) Ủy ban Nhân dân Thành phố trình Hội đồng Nhân dân Thành phố quyết định chủ trương đầu tư theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 29 của Luật Đầu tư công số 49/2014/QH13.
Điều 5. Quản lý tài chính - ngân sách nhà nước.
1. Hội đồng Nhân dân Thành phố đề xuất Chính phủ xem xét, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định áp dụng trên địa bàn Thành phố thí điểm tăng mức thuế hoặc thuế suất đối với một số hàng hóa chịu thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế bảo vệ môi trường. Mức tăng thuế hoặc thuế suất không quá 25% so với mức thuế hoặc thuế suất hiện hành.
2. Hội đồng Nhân dân Thành phố quyết định áp dụng trên địa bàn Thành phố:
a) Phí, lệ phí chưa được quy định trong Danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo Luật Phí và lệ phí;
b) Tăng mức hoặc tỷ lệ thu phí, lệ phí đã được cấp có thẩm quyền quyết định đối với các loại phí, lệ phí được quy định trong Danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo Luật Phí và lệ phí.
3. Việc thí điểm thực hiện chính sách thu ngân sách nhà nước trên địa bàn Thành phố quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này phải tuân thủ các nguyên tắc sau đây:
a) Bảo đảm có lộ trình phù hợp với trình độ và yêu cầu phát triển của Thành phố; tạo môi trường sản xuất, kinh doanh thuận lợi, nhất là đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, ngành, nghề ưu đãi đầu tư;
b) Bảo đảm sự thống nhất của thị trường, không cản trở lưu thông hàng hóa, dịch vụ; thực hiện điều tiết hợp lý đối với một số hàng hóa, dịch vụ và nguồn thu nhập hợp pháp của tổ chức, cá nhân trên địa bàn Thành phố;
c) Công khai, minh bạch, cải cách hành chính nhà nước, bao gồm cả cải cách hành chính quản lý thuế.
4. Ngân sách Thành phố được hưởng 100% số thu tăng thêm từ các khoản thu do việc điều chỉnh chính sách thu quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này so với quy định hiện hành để đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách Thành phố và không dùng để xác định tỷ lệ phần trăm (%) đối với các khoản thu phân chia giữa ngân sách Trung ương và ngân sách Thành phố.
5. Căn cứ dự toán ngân sách nhà nước hằng năm đã được Quốc hội quyết định, Thủ tướng Chính phủ giao và căn cứ vào tình hình thực tế của Thành phố, Hội đồng nhân dân Thành phố quyết định dự toán, phân bổ ngân sách Thành phố bảo đảm phù hợp với các định hướng cơ cấu lại ngân sách, phát triển kinh tế - xã hội và các lĩnh vực quan trọng theo quy định của Quốc hội và Chính phủ.
6. Thành phố thực hiện cơ chế tạo nguồn thực hiện cải cách tiền lương theo quy định. Sau khi ngân sách Thành phố bảo đảm đủ nguồn thực hiện cải cách tiền lương và các chính sách an sinh xã hội cho cả thời kỳ ổn định ngân sách theo quy định của cấp có thẩm quyền, Hội đồng nhân dân Thành phố được quyết định:
a) Sử dụng nguồn thực hiện cải cách tiền lương còn dư của ngân sách Thành phố; cho phép ngân sách cấp dưới sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư để đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách và chi thu nhập tăng thêm trên cơ sở tuân thủ quy định tại khoản 3 và khoản 5 Điều 6 của Nghị quyết này;
b) Tỷ lệ trích nguồn thu được để lại theo quy định để tạo nguồn cải cách tiền lương đối với các cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý có số thu lớn cho phù hợp; bảo đảm nguyên tắc để các cơ quan, đơn vị này tự sắp xếp bố trí nguồn thực hiện cải cách tiền lương theo lộ trình do cơ quan có thẩm quyền quyết định; ngân sách nhà nước không bổ sung để thực hiện cải cách tiền lương cho các cơ quan, đơn vị này;
c) Cho phép các cơ quan hành chính nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội và đơn vị sự nghiệp công lập do Thành phố quản lý sử dụng nguồn thực hiện cải cách tiền lương còn dư để tăng chi đầu tư, mua sắm, hoạt động chuyên môn của cơ quan, tổ chức, đơn vị và chi thu nhập tăng thêm trên cơ sở tuân thủ quy định tại khoản 3 và khoản 5 Điều 6 của Nghị quyết này.
7. Thành phố được vay thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ các tổ chức tài chính trong nước, các tổ chức khác trong nước và từ nguồn vay nước ngoài của Chính phủ về cho Thành phố vay lại với tổng mức dư nợ vay không vượt quá 90% số thu ngân sách Thành phố được hưởng theo phân cấp. Tổng mức vay và bội chi ngân sách Thành phố hằng năm do Quốc hội quyết định theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.
8. Hằng năm, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định bổ sung có mục tiêu từ ngân sách Trung ương cho ngân sách Thành phố tương ứng 70% số tăng thu ngân sách Trung ương từ các khoản thu phân chia giữa ngân sách Trung ương và ngân sách Thành phố so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao (phần còn lại sau khi thực hiện thưởng vượt thu theo quy định tại khoản 4 Điều 59 của Luật Ngân sách nhà nước số 83/2015/QH13) và số tăng thu từ các khoản thu ngân sách Trung ương hưởng 100% quy định tại các điểm b, c, d, g, h, i và q khoản 1 Điều 35 của Luật Ngân sách nhà nước số 83/2015/QH13 so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao; số bổ sung có mục tiêu không cao hơn số tăng thu ngân sách Trung ương trên địa bàn so với thực hiện thu năm trước.
9. Ngân sách Thành phố được hưởng 50% khoản thu tiền sử dụng đất khi bán tài sản công gắn liền trên đất theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công (sau khi đã trừ kinh phí di dời, xây dựng cơ sở vật chất tại địa điểm mới) do các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc Trung ương quản lý trên địa bàn Thành phố (trừ các cơ quan, đơn vị thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh) để đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội thuộc nhiệm vụ đầu tư công của Thành phố.
10. Ngân sách Thành phố được hưởng số thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp nhà nước do Ủy ban Nhân dân Thành phố quản lý và số thu từ thoái vốn nhà nước tại các tổ chức kinh tế do Ủy ban Nhân dân Thành phố làm đại diện chủ sở hữu.
Thành phố sử dụng nguồn thu này và ngân sách Thành phố để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, kể cả đầu tư cho các dự án chống ngập của Thành phố; ngân sách Trung ương không bổ sung cho ngân sách Thành phố 10.000 tỷ đồng để thực hiện các dự án này như dự kiến trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020. Ngân sách Thành phố thực hiện vay lại toàn bộ phần vốn tăng thêm so với tổng mức đầu tư (nếu có) của các dự án đầu tư từ nguồn vốn nước ngoài đã được cấp có thẩm quyền quyết định.
11. Đối với các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng quan trọng trong kế hoạch đầu tư công trung hạn đã được phê duyệt thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách Trung ương trên địa bàn Thành phố, cho phép Thành phố sử dụng ngân sách của mình, các nguồn lực tài chính hợp pháp khác của Thành phố, vay trong phạm vi quy định tại khoản 7 Điều này hoặc huy động theo phương thức đối tác công tư (PPP) để sớm hoàn thành dự án. Ngân sách Trung ương có trách nhiệm hoàn trả cho Thành phố phần dự toán chi thuộc trách nhiệm của ngân sách Trung ương đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, không bao gồm phần lãi vay trong kế hoạch đầu tư công trung hạn hiện hành hoặc kế hoạch đầu tư công trung hạn tiếp theo.
Điều 6. Cơ chế ủy quyền và thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức thuộc Thành phố quản lý.
1. Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố được ủy quyền cho Chủ tịch Ủy ban Nhân dân cấp huyện thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố.
2. Ủy ban Nhân dân Thành phố quy định các nhiệm vụ, quyền hạn mà Chủ tịch Ủy ban Nhân dân cấp huyện được ủy quyền cho Chủ tịch Ủy ban Nhân dân cấp xã thực hiện trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân cấp huyện; không được ủy quyền thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn đã được Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố ủy quyền quy định tại khoản 1 Điều này.
3. Hội đồng Nhân dân Thành phố được quyền quyết định bố trí ngân sách Thành phố để chi thu nhập bình quân tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc khu vực quản lý nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội và đơn vị sự nghiệp công lập do Thành phố quản lý theo hiệu quả công việc ngoài việc thực hiện chi trả thu nhập tăng thêm theo quy định của pháp luật hiện hành về cơ chế tự chủ tài chính đối với cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập, với mức không quá 1,8 lần mức lương ngạch bậc, chức vụ. Mức thu nhập cho các chuyên gia, nhà khoa học, tài năng đặc biệt của Thành phố do Hội đồng Nhân dân Thành phố quy định.
4. Ủy ban Nhân dân Thành phố được quyền điều chỉnh tên gọi, chức năng, nhiệm vụ các phòng thuộc các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban Nhân dân Thành phố để phù hợp với đặc điểm của Thành phố.
5. Việc thực hiện các quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều này phải gắn với việc sắp xếp bộ máy tổ chức, tinh giản biên chế, cải cách tiền lương theo chủ trương của Đảng, Nhà nước.
Điều 7. Áp dụng pháp luật
1. Việc quản lý đất đai, đầu tư, tài chính - ngân sách nhà nước; cơ chế ủy quyền giữa các cấp chính quyền và thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức thuộc Thành phố quản lý thực hiện theo quy định tại Nghị quyết này. Trường hợp Nghị quyết này không có quy định thì áp dụng theo quy định của pháp luật hiện hành.
2. Trường hợp có quy định khác nhau về cùng một vấn đề giữa Nghị quyết này với luật, nghị quyết khác của Quốc hội thì áp dụng quy định của Nghị quyết này. Trường hợp văn bản quy phạm pháp luật khác có quy định cơ chế, chính sách ưu đãi hoặc thuận lợi hơn Nghị quyết này thì việc áp dụng do Hội đồng Nhân dân Thành phố quyết định.
3. Đối với các việc có liên quan đến cơ chế, chính sách quy định tại Nghị quyết này đang trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định thì tiếp tục thực hiện trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật hiện hành.
Điều 8. Điều khoản thi hành
1. Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 15 tháng 01 năm 2018.
Chính phủ sơ kết 03 năm thực hiện Nghị quyết này báo cáo Quốc hội tại kỳ họp cuối năm 2020, tổng kết thực hiện Nghị quyết này báo cáo Quốc hội tại kỳ họp cuối năm 2022 và đề xuất hoàn thiện hệ thống pháp luật về các cơ chế, chính sách đã thực hiện thí điểm.
2. Chính phủ có trách nhiệm sau đây:
a) Tổ chức thực hiện Nghị quyết này; chỉ đạo các cơ quan liên quan phối hợp với Thành phố cải cách thủ tục, rút ngắn thời gian xử lý các vấn đề chưa phân cấp, phân quyền cho Thành phố;
b) Nghiên cứu hoàn thiện cơ chế phân cấp quản lý ngân sách; phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi; xây dựng nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ ngân sách cho phù hợp với yêu cầu của việc phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững; thực hiện chính sách động viên hợp lý; bảo đảm vai trò chủ đạo của ngân sách Trung ương; cơ cấu lại ngân sách nhà nước, quản lý nợ công để bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn bền vững; xác định tỷ lệ điều tiết các khoản thu phân chia ngân sách hợp lý, tạo điều kiện cho Thành phố có nguồn lực để phát triển nhanh, bền vững theo định hướng của Đảng, Nhà nước;
c) Chỉ đạo Thành phố sơ kết, tổng kết, báo cáo kết quả thực hiện với Quốc hội;
d) Xây dựng, trình Quốc hội ban hành Luật Thuế tài sản để áp dụng thống nhất trên phạm vi toàn quốc.
3. Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Nhân dân Thành phố, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm sau đây:
a) Tổ chức thực hiện Nghị quyết này và các quy định khác của pháp luật có liên quan;
b) Kiểm tra, giám sát việc thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn đã ủy quyền quy định tại khoản 1 Điều 6 của Nghị quyết này và việc thực hiện quy định về các nhiệm vụ, quyền hạn được phép ủy quyền quy định tại khoản 2 Điều 6 của Nghị quyết này;
c) Sơ kết, tổng kết việc thực hiện thí điểm thực hiện cơ chế, chính sách quy định tại Nghị quyết này, báo cáo Chính phủ để Chính phủ báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định theo quy định tại khoản 1 Điều này.
4. Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố và đại biểu Quốc hội giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.
Nghị quyết này được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV, kỳ họp thứ 4 thông qua ngày 24 tháng 11 năm 2017./
Bế mạc Đại hội đại biểu toàn quốc Đoàn TNCS Hồ Chí Minh lần thứ XI  (13/12/2017)
Thường vụ Quốc hội ủng hộ ban hành Nghị định về hoạt động triển lãm  (13/12/2017)
Danh mục dịch vụ sự nghiệp công lĩnh vực văn hóa, gia đình, thể thao, du lịch và lĩnh vực tài nguyên, môi trường  (13/12/2017)
Xây dựng Quân chủng Phòng không - Không quân tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới  (13/12/2017)
Ngành y tế Việt Nam nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe người dân  (13/12/2017)
Tăng cường quản lý hoạt động của các cơ sở y tế tư nhân  (13/12/2017)
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay