TCCSĐT - Trong bối cảnh nền kinh tế đang hội nhập sâu, rộng, ngành dệt may Việt Nam nói chung và Tập đoàn Dệt may nói riêng đứng trước rất nhiều cơ hội, thách thức để phát triển. Thị trường dệt may Việt Nam vốn là thị trường rất tiềm năng, vì vậy, cần có chính sách thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là đầu tư hoàn thiện chuỗi cung ứng dệt may sợi, dệt nhuộm, may, phụ kiện may.



Chú trọng thị trường nội địa

Có thể thấy rằng, nguồn lực đầu tư từ nước ngoài vừa là cơ hội để doanh nghiệp dệt may Việt Nam học tập công nghệ, cách thức quản lý chuyên nghiệp, mở rộng quy mô sản xuất và thị trường, tuy nhiên lại đứng trước sức ép, sự cạnh tranh gay gắt về mẫu mã, chất lượng sản phẩm, giá thành. Với tình hình đó, công tác phát triển mở rộng thị trường đóng vai trò rất quan trọng đối với doanh nghiệp dệt may. Theo ông Hoàng Vệ Dũng - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam - với lợi thế là đơn vị đầu ngành, Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) và các đơn vị thành viên luôn nỗ lực mở rộng các kênh phân phối trên khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước. Mỗi đơn vị thành viên của Vinatex đều sở hữu các chuỗi cửa hàng riêng, phân phối đa dạng mặt hàng may mặc Việt Nam với kiểu dáng, mẫu mã phong phú, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng. Ngoài ra, Vinatex và các đơn vị thành viên cũng tích cực đưa sản phẩm vào các chuỗi siêu thị, nhằm mang sản phẩm đến người tiêu dùng mọi lúc, mọi nơi. Tính đến nay, tổng số cửa hàng, đại lý trên toàn quốc của các đơn vị thành viên Vinatex đạt xấp xỉ 4.200 cửa hàng, tăng trên dưới 5%/năm.

Ông Dũng cho biết, để tiếp cận các phân khúc khách hàng khác nhau một cách hiệu quả, các đơn vị thành viên của Vinatex đã mở rộng đầu tư, phát triển và quảng bá các thương hiệu riêng như GRUSZ (Tổng Công ty May 10), Merriman (Tổng Công ty cổ phần Dệt may Hòa Thọ), Mattana (Tổng Công ty Nhà Bè). Tổng Công ty May Việt Tiến xây dựng và mở rộng phát triển thương hiệu đẳng cấp quốc tế San Sciaro và Manhattan nhắm tới phân khúc khách hàng là doanh nhân thành đạt. Tổng Công ty Đức Giang đưa ra thị trường thêm 2 thương hiệu thời trang nữ là HeraDG và S.Pearl với mẫu mã đẹp, sang trọng được người tiêu dùng hưởng ứng.

Trong thời gian tới, Tập đoàn sẽ tiếp tục phát triển hình thức OBM (tự thiết kế, sản xuất, phân phối) tại thị trường trong nước, tích lũy kinh nghiệm để có được nền tảng vững chắc, để bước đầu phát triển thương hiệu ra các nước trong khu vực như Mi-an-ma, Thái Lan, Cam-pu-chia,… và từng bước vươn tầm ra quốc tế, mang thương hiệu Việt Nam tới các thị trường lớn như Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản. Nhằm chủ động trong các khâu nguyên phụ liệu, Tập đoàn đã và đang tập trung đầu tư để hình thành chuỗi cung ứng sản phẩm hoàn chỉnh, tăng tỷ lệ nội địa hóa, đề ra các giải pháp về nhân lực, tài chính, kỹ thuật công nghệ,… nhằm hoạt động với hình thức OBM với dịch vụ trọn gói từ khâu nghiên cứu phát triển, thiết kế, cung cấp, sản xuất nguyên liệu, sản xuất sản phẩm may mặc, phân phối, marketing và bán hàng đối với thị trường nội địa.

Hình thành chuỗi cung ứng sản phẩm

Trong những năm qua, Tập đoàn đã triển khai đầu tư các máy sợi, dệt nhuộm, may của riêng mình như Nhà máy Sợi Phú Hưng, Sợi Nam Định, Sợi Phú Cường, Nhà máy Dệt nhuộm vải Yarndyed Long An, Nhà máy May Tuyên Quang, Cần Thơ, Bạc Liêu, Quảng Bình. Ngoài ra, đầu năm 2016, Tập đoàn cũng thành lập 2 tổng công ty là Tổng Công ty Dệt may miền Bắc và Tổng Công ty Dệt may miền Nam có quy mô đủ lớn, thực hiện chuỗi liên kết sợi - dệt nhuộm - may cho từng vùng miền. Một mặt, Tập đoàn hướng tới mục tiêu là nhà sản xuất hàng dệt may trọn gói hàng đầu thế giới, mặt khác, tạo lợi thế cho Tập đoàn tại thị trường nội địa, chủ động trong khâu nguyên liệu, giảm chi phí để tạo lợi thế về giá thành và chất lượng sản phẩm.

Ngoài ra, Tập đoàn cũng mở rộng thị trường sản xuất đồng phục thông qua Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” của Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương và “Thỏa thuận hợp tác ưu tiên sử dụng sản phẩm của nhau giữa các tập đoàn, tổng công ty trực thuộc Bộ Công Thương”. Việc triển khai hiệu quả và thành công mảng đồng phục mang lại cho Tập đoàn doanh thu vài trăm tỷ đồng mỗi năm.

 9 tháng đầu năm 2017, kết quả doanh thu nội địa của Tập đoàn Dệt may Việt Nam ước đạt 7.000 tỷ đồng, chiếm 21% trong tổng doanh thu, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2016. Tuy chưa được như mong đợi nhưng thể hiện sự quyết tâm của Tập đoàn và các đơn vị thành viên, phấn đấu tăng trưởng dương trong bối cảnh thị trường cạnh tranh gay gắt, nhu cầu của người dân không tăng.


Trong thời gian tới, theo ông Hoàng Vệ Dũng, Tập đoàn sẽ tiếp tục triển khai đầu tư nâng cấp hệ thống kênh phân phối theo hướng kinh doanh hiện đại, thông qua các kênh mua sắm trực tuyến và kênh mua sắm qua truyền hình. Đẩy mạnh nghiên cứu thị trường, truyền thông, quảng bá, marketing, tham gia các hội chợ trong và ngoài nước, các chương trình Thương hiệu quốc gia, Hàng Việt Nam chất lượng cao nhằm mở rộng thị trường và giới thiệu thương hiệu đến người tiêu dùng. Đầu tư nâng cấp khâu thiết kế, tạo mẫu, chú trọng vào kiểu dáng, nghiên cứu cấu trúc vải, họa tiết thiết kế khác biệt giúp tạo nên ấn tượng về thương hiệu, đa dạng chủng loại sản phẩm. Đẩy mạnh triển khai theo hình thức chuỗi cung ứng hoàn chỉnh OBM, tăng tỷ lệ nội địa hóa nhằm chủ động trong công tác cung ứng nguyên phụ liệu, giảm thiểu chi phí, nâng cao chất lượng và đa dạng hóa mẫu mã, tạo lợi thế cạnh tranh và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.

Đồng thời, thực hiện các chính sách thu hút người tiêu dùng như khuyến mại, chăm sóc khách hàng, bán sản phẩm chất lượng cao giá thành giảm, có chế độ bảo hành, tem nhãn, thương hiệu, xuất xứ rõ ràng nhằm nâng cao sức cạnh tranh với hàng ngoại nhập… Ngoài ra, tạo những dòng sản phẩm (như sản phẩm khăn, vải, áo sơ mi..) có giá bán phù hợp đáp ứng được nhu cầu và thị hiếu của người tiêu dùng từ thành thị đến nông thôn. Tiếp tục triển khai các thỏa thuận hợp tác về cung cấp đồng phục cho các tập đoàn, tổng công ty thuộc Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương và Bộ Công Thương.

Để triển khai công tác phát triển thị trường nội địa hiệu quả, cần có chính sách hỗ trợ ngành dệt may về đào tạo nguồn nhân lực, giảm tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội, giảm lãi suất vay, điều chỉnh các chính sách về thuế phí; có biện pháp mạnh ngăn chặn hàng nhập lậu tiểu ngạch, trốn thuế, đang gây khó khăn cho doanh nghiệp dệt may nội địa./.