Phản ứng của các nước đối với quyết định của Tổng thống Mỹ về thỏa thuận hạt nhân Iran
Ngày 13-10, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã giáng một đòn mạnh vào thỏa thuận hạt nhân Iran, khi không xác nhận Iran đang tuân thủ thỏa thuận này, đồng thời cảnh báo ông cuối cùng có thể chấm dứt thỏa thuận này.
Động thái này sẽ khiến căng thẳng giữa Washington và Tehran tăng cao, cũng như đẩy Mỹ vào thế bất đồng đối với Anh, Pháp, Đức, Nga, Trung Quốc, và Liên minh châu Âu (EU).
Dù Tổng thống Trump không rút Mỹ khỏi JCPOA, nhưng ông đã để cho Quốc hội nước này thời gian 60 ngày để quyết định xem liệu có áp đặt lại các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Iran hay không.
Phản ứng trước quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump bác bỏ xác nhận việc Iran đã tuân thủ thỏa thuận hạt nhân mà nước này đạt được với Nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Nga, Anh, Pháp, Trung Quốc cùng với Đức), ngày 13-10, Tổng thống Iran Hassan Rouhani khẳng định Iran sẽ duy trì các cam kết đối với thỏa thuận hạt nhân chừng nào thỏa thuận này phục vụ các lợi ích quốc gia của Tehran.
Dư luận thế giới: Những phản ứng ban đầu khác nhau
Điện Kremlin tuyên bố nếu Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Nga, Anh, Pháp, Trung Quốc cùng với Đức), động thái này sẽ gây ra những hậu quả hết sức tiêu cực, và Tehran cũng có thể từ bỏ thỏa thuận này.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nhấn mạnh việc Mỹ rút khỏi JCPOA "chắc chắn sẽ gây tổn hại bầu không khí an ninh, ổn định và không phổ biến hạt nhân trên toàn thế giới". Ông Peskov cũng khẳng định Nga sẽ tiếp tục theo đuổi chính sách đảm bảo việc không phổ biến vũ khí hạt nhân. Theo ông Peskov, Nga đã biết rằng Iran sẽ rút khỏi JCPOA nếu Mỹ rút khỏi thỏa thuận này.
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Nga cho biết trong cuộc điện đàm cùng ngày 13-10 giữa Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và người đồng cấp Iran Mohammad Javad Zarif, ông Lavrov đã khẳng định với ông Zarif rằng Moskva vẫn tuân thủ đầy đủ thỏa thuận hạt nhân đã được Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua.
Cũng trong ngày 13-10, Chính phủ Đức đã cam kết hành động nhằm duy trì sự đoàn kết toàn cầu nếu Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố sẽ không xác nhận Iran tuân thủ thỏa thuận hạt nhân mà Tehran đã ký với nhóm P5+1.
Trong một tuyên bố chung, lãnh đạo các nước Pháp, Anh và Đức cảnh báo về việc Mỹ thực hiện các hành động có thể gây tổn hại tới thỏa thuận hạt nhân nói trên, ví dụ như áp đặt lại các biện pháp trừng phạt, sau khi ông Trump quyết định không xác nhận Iran tuân thủ thỏa thuận này. Các nhà lãnh đạo 3 nước châu Âu khẳng định họ chia sẻ quan ngại của Washington về chương trình tên lửa đạn đạo của Iran, đồng thời sẵn sàng phối hợp với Mỹ nhằm giải quyết quan ngại này.
Tại Pháp, Văn phòng Tổng thống Emmanuel Macron cho biết ông Macron tuyên bố rằng Pháp cam kết thực thi thỏa thuận nói trên. Tổng thống Pháp khẳng định việc Mỹ không xác nhận JCPOA sẽ không khiến thỏa thuận này kết thúc, và Paris cùng các đối tác châu Âu sẽ duy trì thực hiện các cam kết liên quan đến thỏa thuận với Iran.
Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Nga ra tuyên bố khẳng định quyết định của ông Trump không xác nhận Iran tuân thủ JCPOA sẽ không ảnh hưởng trực tiếp đến việc thực thi thỏa thuận trên, song điều này đi ngược lại tinh thần của thỏa thuận. Bộ trên nhấn mạnh dù lập trường của Mỹ có như thế nào, không thể có chuyện áp đặt lại các biện pháp trừng phạt của Liên hợp quốc đối với Iran. Trong khi đó, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov khẳng định "rất đáng lo ngại" khi Tổng thống Mỹ Donald Trump nêu ra các nghi vấn vốn được giải quyết khi JCPOA được ký hồi năm 2015. Ông Ryabkov cho biết Nga coi nhiệm vụ chính của nước này giờ đây là ngăn chặn JCPOA đổ vỡ, đồng thời kêu gọi tất cả các bên giữ cam kết đối với thỏa thuận.
Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu Federica Mogherini cùng ngày cũng khẳng định Mỹ không thể đơn phương hủy bỏ thỏa thuận hạt nhân Iran.
Trong khi đó, Saudi Arabia hoan nghênh các chính sách mới của Mỹ đối với Iran, đồng thời nêu rõ việc dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt đã cho phép Tehran phát triển chương trình tên lửa đạn đạo liên lục địa và tăng cường ủng hộ các nhóm phiến quân. Saudi Arabia cho rằng Iran đã lợi dụng các khoản thu tài chính bổ sung nhằm hỗ trợ phong trào Hồi giáo Hezbollah (Héc-bô-la) ở Liban và nhóm phiến quân Houthi (Hu-thi) ở Yemen.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cũng hoan nghênh quyết định của ông Trump, đồng thời khẳng định quyết định này sẽ kiềm chế các hành động mà ông cho là gây hấn của Iran.
Giới chức châu Âu cảnh báo hậu quả
Ngày 14-10, Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel cho rằng nếu Mỹ hủy bỏ thỏa thuận hạt nhân Iran hoặc áp đặt trở lại các lệnh trừng phát đối với Tehran, điều này có thể khiến Iran phát triển vũ khí hạt nhân và làm gia tăng nguy cơ xảy ra chiến tranh.
Phát biểu trên Đài Phát thanh Deutschlandfunk, Ngoại trưởng Gabriel nói rằng Tổng thống Mỹ Donald Trump đã phát đi "một tín hiệu nguy hiểm và khó khăn", đặc biệt trong bối cảnh chính quyền Mỹ đang phải đối phó với cuộc khủng hoảng hạt nhân Triều Tiên. Ông lo ngại rằng việc Nhà Trắng không xác nhận Iran tuân thủ thỏa thuận Kế hoạch Hành động toàn diện chung (JCPOA) không chỉ là vấn đề của riêng Iran hay Mỹ. Nhiều nước có thể sẽ nhìn vào đây và quyết định phát triển vũ khí hạt nhân thay vì ký kết các thỏa thuận hạn chế chương trình hạt nhân bởi vì rõ ràng những thỏa thuận này không được tôn trọng.
Ngoại trưởng Đức cũng kêu gọi Mỹ không gây nguy hiểm cho an ninh của các đồng minh và cho chính người dân Mỹ. Nếu Washington hủy bỏ JCPOA hoặc áp đặt trở lại các lệnh trừng phạt đã được gỡ bỏ, điều này sẽ thúc đẩy phe ủng hộ đường lối cứng rắn tại Tehran (vốn phản đối các cuộc đàm phán với phương Tây) có cớ để thúc đẩy phát triển vũ khí hạt nhân. Israel chắc chắn sẽ không chấp nhận viễn cảnh này và khi đó cộng đồng quốc tế sẽ phải đối mặt với tình trạng căng thẳng leo thang như thời điểm 10-12 năm trước, khi hiểm họa chiến tranh ở rất gần châu Âu.
Cùng ngày, Chủ tịch Ủy ban Các vấn đề quốc tế của Hạ viện Nga Leonid Slutsky cho rằng Mỹ có thể bị cô lập tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nếu hủy bỏ thỏa thuận hạt nhân Iran. Phát biểu trước báo giới, ông Slutsky nêu rõ những cáo buộc Tehran không tuân thủ các điều khoản của JCPOA là vô căn cứ và không có bằng chứng xác thực. Các thành viên còn lại trong nhóm P5+1 đều ủng hộ việc duy trì thỏa thuận này. Châu Âu, Trung Quốc và Nga cũng nhận thức rõ những hậu quả không thể bù đắp mà những hành động khiêu khích Iran như vậy có thể dẫn đến.
Hãng tin Sputnik (Nga) cũng dẫn lời cựu nhân viên Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA) Philip Giraldi cho rằng Tổng thống Trump không tìm cách gây chiến với Iran, song đã mắc sai lầm nghiêm trọng khi cho rằng ông có thể gây sức ép đối với Tehran nhằm buộc nước Cộng hòa Hồi giáo này phải đàm phán lại JCPOA.
ICAN chỉ trích quyết định của Tổng thống Mỹ
Chủ nhân của giải Nobel Hòa bình 2017, tổ chức Chiến dịch quốc tế xóa bỏ vũ khí hạt nhân (ICAN) đã chỉ trích quyết định mới của Tổng thống Mỹ Donald Trump rút lại sự ủng hộ thỏa thuận hạt nhân Iran, và cho rằng quyết định này sẽ tạo điều kiện cho các hoạt động phát triển hạt nhân.
Trong tuyên bố đưa ra, ICAN nhấn mạnh JCPOA là bằng chứng cho thấy hiệu quả của các nỗ lực ngoại giao và cũng giống như Hiệp ước về cấm vũ khí hạt nhân của Liên hợp quốc mới được thông qua hồi tháng 7, thỏa thuận này đã phản ánh yêu cầu cấp bách nhằm loại trừ vũ khí hạt nhân và những mối đe dọa nguy hiểm từ những vũ khí này. Vì vậy, việc Tổng thống Mỹ rút lại sự ủng hộ đối với JCPOA sẽ tạo điều kiện cho các hoạt động phát triển hạt nhân, cản trở việc đạt được các thỏa thuận trong tương lai nhằm hạn chế các mối đe dọa từ hạt nhân và làm gia tăng các nguy cơ hạt nhân toàn cầu. ICAN cũng đã kêu gọi Tổng thống Trump tôn trọng thỏa thuận hạt nhân với Iran và khẳng định không có bằng chứng nào cho thấy Tehran không tuân thủ thỏa thuận. Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) cũng liên tục xác nhận Iran tuân thủ các điều khoản của thỏa thuận lịch sử này.
Pháp kêu gọi Quốc hội Mỹ duy trì thỏa thuận hạt nhân với Iran
Ngày 14-10, Pháp đã kêu gọi Quốc hội Mỹ không phá vỡ thỏa thuận hạt nhân mà Iran và nhóm P5+1 đã ký năm 2015, sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump từ chối xác nhận Iran tuân thủ thỏa thuận.
Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian cho biết Pháp "rất hy vọng Quốc hội Mỹ, cơ quan hiện chịu trách nhiệm đối với khả năng thỏa thuận đổ vỡ, không gây hại cho thỏa thuận này”. Ông Le Drian cho rằng nếu bãi bỏ một thỏa thuận đã được đánh giá cao sẽ tạo ra một tiền lệ nguy hiểm, đặc biệt trong bối cảnh tiến hành các cuộc đàm phán với Triều Tiên.
Ngoại trưởng Pháp đánh giá thỏa thuận hạt nhân trên có tính ràng buộc chặt chẽ, giúp hạn chế phổ biến hạt nhân cũng như ngăn Iran phát triển vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, ông cũng để ngỏ cánh cửa đàm phán thêm với Tehran sau thời hạn năm 2025 khi một số hạn chế đối với chương trình hạt nhân của Iran dự kiến hết hiệu lực. Theo đó, nếu thỏa thuận hạt nhân được tuân thủ, Iran sẽ được hưởng đầy đủ các quyền của nước này theo hiệp ước không phổ biến hạt nhân. Ngoại trưởng Pháp cho rằng đến thời hạn trên nếu cần thực hiện thanh tra thì sẽ đàm phán với Iran./.
Tăng cường hợp tác kinh tế giữa các địa phương Việt Nam với các nước  (15/10/2017)
Bão số 11 có khả năng suy yếu thành áp thấp nhiệt đới  (15/10/2017)
Hạ viện Nga soạn thảo dự luật trừng phạt đáp trả Mỹ  (15/10/2017)
Tự hào nông dân Việt Nam 30 năm Đổi mới  (15/10/2017)
Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy sản xuất kinh doanh của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam  (14/10/2017)
Bước đi ngược chiều  (14/10/2017)
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 2)
- Phát huy hệ giá trị con người Việt Nam, hoàn thiện chuẩn mực đội ngũ cán bộ ngành ngoại giao trong thời kỳ mới
- Xây dựng, hoàn thiện tổ chức bộ máy hệ thống chính trị Việt Nam “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả” theo chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay