Khai mạc Phiên họp thứ 14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

BTV (tổng hợp từ TTXVN)
17:10, ngày 11-09-2017

TCCSĐT - Sáng 11-9, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc Phiên họp thứ 14 với sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.


Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, tại Phiên họp thứ 14, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của ba dự án luật đã được Quốc hội cho ý kiến. Đó là các dự án Luật Quy hoạch, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng và dự án Luật Quản lý nợ công (sửa đổi).

Phiên họp sẽ được tiến hành trong tám ngày (từ ngày 11 đến 20-9), nhiều hơn hai ngày so với dự kiến ban đầu do phát sinh thêm một số nội dung.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về 7 dự án luật dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp lần thứ tư. Đó là các dự án Luật Đơn vị hành chính, kinh tế đặc biệt; Luật An ninh mạng; Luật Đo đạc và bản đồ; Luật Cạnh tranh (sửa đổi); Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục thể thao; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế bảo vệ môi trường; Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi).

Cũng tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; về tình hình thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội; việc thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới; công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo; công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho ý kiến về dự thảo Nghị định quy định về quản lý, sử dụng ngân sách Nhà nước đối với một số hoạt động đối ngoại; dự thảo Hiệp định khung giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Hợp chúng quốc Hoa Kỳ về hợp tác sử dụng khoảng không vũ trụ vì mục đích hòa bình; việc gia nhập Công ước Istanbul năm 1990 về chế độ tạm quản hàng hóa; về đề xuất ký Bản ghi nhớ về việc thực hiện “Thu hoạch sớm” Hiệp định Tạo thuận lợi vận chuyển người và hàng hóa qua lại biên giới giữa các nước tiểu vùng Mê Công mở rộng; kế hoạch kiểm toán năm 2018; việc chuẩn bị Kỳ họp thứ tư của Quốc hội.

Nội dung quan trọng khác tại phiên họp này là Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiến hành giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với cá nhân, tổ chức khai thác, nuôi trồng, chế biến hải sản trong phát triển kinh tế biển gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh biển".

Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan liên quan khẩn trương cho ý kiến, chuẩn bị các nội dung trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp này, không để chuyển sang phiên họp tháng 10, phiên họp rất hạn chế về thời gian vì ngày 23-10 đã khai mạc Kỳ họp thứ tư, Quốc hội Khóa XIV.

Sau khi Chủ tịch Quốc hội phát biểu khai mạc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành nội dung làm việc đầu tiên với việc cho ý kiến vào dự án Luật Đơn vị hành chính, kinh tế đặc biệt với sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu.

Kết luận buổi thảo luận buổi sáng, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh, về phạm vi điều chỉnh, thống nhất giữ lại phương án dự án Luật này điều chỉnh chung cho cả ba đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc.

Dự thảo Luật đề xuất xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt theo hướng không tổ chức cấp chính quyền địa phương (không tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân).

Tại các đơn vị này, chính quyền địa phương là Trưởng Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt, có thẩm quyền quyết định và tổ chức thực hiện toàn bộ các hoạt động hành chính, kinh tế - xã hội trên địa bàn đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt.

Trưởng Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt, các cơ quan khác của Nhà nước ở đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt chịu sự giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh và của Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng Nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao tại đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt.

Nhấn mạnh về tổ chức chính quyền địa phương đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt là vấn đề lớn, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị trong ba phương án, giữ hai phương án để trình ra Quốc hội tiếp tục thảo luận, gồm phương án như Chính phủ trình và cho rằng phương án này thể hiện tính "đặc biệt" về tổ chức bộ máy chính quyền địa phương tại đơn vị đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt. Phương án hai đề nghị quy định Trưởng đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt là đại diện của chính quyền cấp tỉnh tại đơn vị đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.

Về cơ chế chính sách đặc thù, các ý kiến tán thành cần có cơ chế chính sách có chính sách vượt trội, đột phá để tạo sức hút, sức cạnh tranh ở khu vực và quốc tế; tạo ra động lực phát triển kinh tế và xã hội. Tuy nhiên cần lưu ý chính sách về đầu tư, về đất đai cần nghiên cứu ở mỗi đơn vị có những điều kiện khác nhau về thời hạn giao đất, chính sách thuế...

Về chính sách riêng cho từng đơn vị hành chính đặc thù, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị nghiên cứu thêm để làm nổi trội hơn đối với từng đơn vị và tránh sự trùng lắp, tạo sự cạnh tranh nội bộ giữa các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.

Về áp dụng pháp luật nước ngoài đối với các hợp đồng có yếu tố nước ngoài, các ý kiến tán thành phương án hai trong Điều 6 của dự án Luật. Theo đó, nhà đầu tư được thỏa thuận với tổ chức, cá nhân có trụ sở chính hoặc nơi cư trú tại đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt lựa chọn áp dụng pháp luật nước ngoài đối với hợp đồng đầu tư, thương mại, dân sự có yếu tố nước ngoài theo quy định của Bộ luật Dân sự.

Về cơ chế giải quyết tranh chấp, nhiều ý kiến tán thành phương án tranh chấp giữa các nhà đầu tư liên quan đến hoạt động đầu tư kinh doanh tại đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, trong đó có ít nhất một bên là nhà đầu tư nước ngoài được giải quyết thông qua một trong những cơ quan, tổ chức như: Trọng tài Việt Nam; Trọng tài nước ngoài; Trọng tài quốc tế;Trọng tài do các bên tranh chấp thỏa thuận thành lập; Tòa án Việt Nam; Tòa án nước ngoài có thẩm quyền…

Về các cơ quan khác của Nhà nước như: Quân đội, Công an, Thuế, Hải quan, Bảo hiểm…, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị có đề án cụ thể trên cơ sở không chỉ áp dụng riêng luật này cho tất cả mọi quan hệ xã hội, mọi chủ thể ở đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt mà còn áp dụng các luật khác trong hệ thống pháp luật.

Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, thực hiện nhiệm vụ theo quy định của pháp luật, trước đó, ngày 06-9-2017, Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã tổ chức phiên họp để thẩm tra sơ bộ dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt theo Tờ trình của Chính phủ.

Tại phiên họp, ý kiến của các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, đồng thời cụ thể hóa quy định của Hiến pháp và đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, để bảo đảm có đầy đủ cơ sở pháp lý trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến và thông qua, , các bước về quy trình và hồ sơ phải được tiến hành đồng bộ với nhiều công việc khác có liên quan, cụ thể là: xây dựng Đề án thành lập đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt trình Quốc hội; xây dựng các đề án bảo đảm quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội trong các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt...

Dự kiến tại Kỳ họp thứ tư, Quốc hội sẽ cho ý kiến lần đầu về dự án luật này./.