TCCSĐT - Trước những diễn biến phức tạp của bệnh sốt xuất huyết (về số ca nhiễm, tỷ lệ tử vong, địa bàn lây nhiễm), Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 1106/CĐ-TTg ngày 27-7-2017 về tăng cường công tác phòng chống sốt xuất huyết, yêu cầu các bộ, ngành, địa phương triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch sốt xuất huyết; huy động các lực lượng và bảo đảm kinh phí, phương tiện cho công tác này.

Ngày 25-8-2017, Bộ Y tế có Công văn số 4825/BYT-KH-TC gửi các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân các tỉnh thành phố về đảm bảo kinh phí, tăng cường công tác phòng chống sốt xuất huyết, chế độ phụ cấp phòng chống dịch. Căn cứ thực tế diễn biến tình hình dịch, cấp ủy, chính quyền các địa phương chỉ đạo các cơ quan có liên quan phối hợp triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, bảo đảm đủ phương tiện, kinh phí cho công tác phòng, chống dịch và công tác điều trị, cấp cứu nạn nhân. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, của Bộ Y tế, các địa phương đã và đang vào cuộc quyết liệt phòng, chống dịch.

Hà Nội: Theo Sở Y tế Hà Nội, mặc dù số ca mắc sốt xuất huyết đã có xu hướng giảm, nhưng trước diễn biến thời tiết như hiện nay và thời gian tới sinh viên các trường sẽ về Hà Nội nhập học, nguy cơ dịch sốt xuất huyết vẫn có thể diễn biến phức tạp với số mắc gia tăng. Theo thống kê của Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội, tuần từ ngày 26-8 đến 01-9, toàn thành phố có 2.681 trường hợp mắc sốt xuất huyết, giảm 861 trường hợp so với tuần trước. Toàn thành phố có 3.622 ổ dịch nhưng hầu hết là ổ dịch nhỏ, 83,8% ổ dịch đã được khống chế.

Với tinh thần lãnh đạo, chỉ đạo khẩn trương, quyết liệt, hiệu quả, ngành y tế Hà Nội đã tập trung các nguồn lực triển khai các hoạt động chuyên môn từ thành phố đến quận, huyện, xã, phường, thị trấn. Lãnh đạo Thành ủy, HĐND, UBND thành phố, Sở Y tế Hà Nội thường xuyên kiểm tra công tác phòng, chống dịch sốt xuất huyết của các đơn vị để chấn chỉnh kịp thời công tác phòng, chống dịch bệnh. Hai tổ Thanh tra của Sở Y tế và Trung tâm Y tế Dự phòng đã kiểm tra đánh giá hoạt động phun hóa chất và diệt bọ gậy tại các xã, phường, thị trấn. Công tác kiểm tra tại các xã, phường, thị trấn cũng được các quận, huyện triển khai quyết liệt.

Toàn thành phố đã thành lập 33.260 đội xung kích diệt bọ gậy, 4.911 tổ giám sát phòng, chống dịch sốt xuất huyết để thực hiện hiệu quả công tác diệt bọ gậy tại cộng đồng. Trường Cao đẳng Y tế Hà Nội và Trường Cao đẳng Y tế Hà Đông đã cử 163 sinh viên, Trường Đại học Y Hà Nội và Đại học Y tế Công cộng đã cử 110 sinh viên hỗ trợ Hà Nội trong công tác diệt bọ gậy.

Nhiệm vụ trọng tâm của các cấp, ngành, chính quyền địa phương thời gian tới phải tập trung thực hiện hiệu quả các giải pháp phòng chống dịch để giảm số trường hợp mắc mới. Cùng với tuyên truyền, lập kế hoạch cụ thể và tổ chức hiệu quả phun hóa chất, đảm bảo nguồn lực về tài chính cho phòng chống dịch sốt xuất huyết, cần đẩy mạnh công tác vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy... Các xã, phường, thị trấn cần rà soát lại thành phần đội xung kích, đảm bảo đúng số lượng, thành phần, gia đình phụ trách, đồng thời chấn chỉnh lại hoạt động đảm bảo nghiêm túc, hiệu quả, tránh hình thức, phong trào. Các thành viên đội xung kích vào từng gia đình hướng dẫn và trực tiếp tìm diệt bọ gậy trong dụng cụ chứa nước với phương châm “vào từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng dụng cụ chứa nước”.

Bên cạnh đó, các quận, huyện, cơ quan, đơn vị cần tăng cường kiểm tra công tác phòng, chống dịch và xử lý trách nhiệm của người đứng đầu khi không thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch sốt xuất huyết theo chỉ đạo của thành phố; kiên quyết xử lý, xử phạt các cá nhân, đơn vị không phối hợp hoặc không tuân thủ quy định phòng chống dịch.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải đã yêu cầu các cấp chính quyền, các sở, ngành tiếp tục thực hiện các giải pháp quyết liệt hơn, tập trung lực lượng, thực hiện đồng bộ các giải pháp, không thể chủ quan trước tình trạng số ca sốt xuất huyết bắt đầu tăng ở các huyện ngoại thành. Cần đẩy mạnh tuyên truyền, vận động để 100% người dân nhận thức đúng mức độ nguy hiểm của dịch bệnh, tự phòng tránh bệnh cho bản thân, gia đình. Lực lượng chức năng phun thuốc phòng bệnh, tập trung dập các ổ dịch, kiên quyết phun diện rộng, gõ tận nhà, kiểm tra từng dụng cụ chứa nước để diệt được bọ gậy thì mới giảm được muỗi truyền bệnh, mới giảm được số ca mắc sốt xuất huyết.

Thanh Hóa: Ngày 08-9, Đoàn công tác của Bộ Y tế do Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long dẫn đầu đã làm việc với UBND tỉnh Thanh Hóa và các ngành liên quan về công tác phòng, chống sốt xuất huyết.

Theo báo cáo của ngành y tế Thanh Hóa, đến thời điểm này Thanh Hóa ghi nhận 1.828 trường hợp mắc sốt xuất huyết tại 483 xã/26 huyện/thị xã/thành phố trong tỉnh, trong đó có 232 số ca mắc bệnh tại địa phương, 1.395 ca bệnh ngoại lai từ các tỉnh, thành phố về địa phương điều trị và 201 ca bệnh người Thanh Hóa ghi nhận tại các tỉnh khác. Trên địa bàn Thanh Hóa đã có ổ dịch sốt xuất huyết tại các huyện: Tĩnh Gia, Hoằng Hóa, Thạch Thành và hiện có 112 bệnh nhân đang điều trị nội trú tại các bệnh viện trong tỉnh, 10 bệnh nhân đang điều trị tại các trạm y tế. Khó khăn trong công tác phòng, chống dịch sốt huyết ở Thanh Hóa là số bệnh nhân ngoại lai tại Thanh Hóa chiếm tỷ lệ 87,4% tổng số bệnh nhân tại tỉnh, làm tăng nguy cơ dịch bùng phát từ mầm bệnh ngoại lai.

Để phòng, chống dịch, Thanh Hóa tăng cường công tác tuyên truyền để người dân hiểu rõ tác nhân gây bệnh, đường lây, cách phòng chống bệnh dịch sốt xuất huyết, nhận biết các triệu chứng, cách xử lý ban đầu và vận chuyển bệnh nhân đến các cơ sở y tế khi cần thiết. Các địa phương tổ chức chiến dịch làm vệ sinh môi trường diệt loăng quăng, bọ gậy ở nơi sinh sống. Cơ quan y tế địa phương phối hợp hướng dẫn, kiểm tra và chỉ đạo đến từng gia đình ở tất cả xã, phường, thị trấn của các huyện, thị xã, thành phố, các khu vực công cộng về các biện pháp phòng, chống sốt xuất huyết, tiêu diệt muỗi, bọ gậy theo yêu cầu của Bộ Y tế. Ngành Y tế nắm chắc diễn biến, tình hình dịch, bảo đảm sẵn sàng cơ sở điều trị các ca nhiễm, nghi nhiễm sốt xuất huyết, hạn chế số người mắc, số ca tử vong do sốt xuất huyết.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đánh giá cao việc Thanh Hóa đã kiểm soát tốt dịch sốt xuất huyết, không để dịch bệnh lây lan ra diện rộng, đồng thời yêu cầu phải tiến hành các biện pháp giảm tối đa số lượng bọ gậy, loăng quăng, giảm số lượng đàn muỗi và quản lý tốt số ca bệnh mắc sốt xuất huyết, nhất là các ca bệnh ngoại lai từ nơi khác về địa phương. Tỉnh đảm bảo 100% trong và xung quanh các trường học không có loăng quăng, bọ gậy, huy động học sinh tham gia công tác phòng chống sốt xuất huyết, đồng thời hướng dẫn học sinh về nhà thực hiện loại bỏ các vật chứa lăng quăng, bọ gậy ở nơi mình sinh sống; dọn dẹp vệ sinh tại các công viên, khu đất bỏ hoang...

Bên cạnh đó, Thanh Hóa cần chuẩn bị cơ sở vật chất, trang thiết bị, đề phòng khi dịch diễn biến phức tạp, kéo dài, đồng thời chỉ đạo các cơ sở điều trị trên địa bàn đảm bảo các điều kiện về khu vực dành riêng cho bệnh nhân điều trị sốt xuất huyết, các điều kiện về thuốc dịch truyền, dịch sinh học, đội cấp cứu lưu động, phương án điều trị khi có dịch lớn xảy ra. Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh phải là đầu mối, hướng dẫn phun diệt muỗi 1-2 lần cách nhau 7-10 ngày tại các ổ dịch và điểm có nguy cơ cao, khu vực công trường xây dựng, đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền cho người dân phòng, chống dịch sốt xuất huyết và cùng tham gia công tác diệt bọ gậy.

Bến Tre: Tỉnh đang triển khai nhiều biện pháp chủ động phòng, chống bệnh sốt xuất huyết có nguy cơ bùng phát trên địa bàn tỉnh trong các tháng mùa mưa. Trong tháng 8-2017, toàn tỉnh ghi nhận 161 ca sốt xuất huyết, tăng 33 ca với tháng trước. Ngành y tế Bến Tre đã tổ chức nhiều đợt giám sát hoạt động chương trình sốt xuất huyết tại các huyện và xử lý 13 ổ dịch bệnh nhỏ, không để bùng phát thành dịch lớn. Theo Sở Y tế tỉnh Bến Tre, đến đầu tháng 9-2017, toàn tỉnh ghi nhận 1.132 ca mắc sốt xuất huyết (1 ca tử vong), giảm 28% so với cùng kỳ năm trước. Bệnh xảy ra ở 9 huyện, thành phố trong tỉnh; số ca mắc sốt xuất huyết trên 15 tuổi chiếm 36,3%. Tuy tổng số ca mắc sốt xuất huyết của toàn tỉnh giảm nhưng tính riêng 3 huyện Châu Thành, Ba Tri và Chợ Lách thì số ca mắc sốt tăng cao hơn so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, Châu Thành tăng 87,9%, Ba Tri tăng 60,1% và Chợ Lách tăng 47,9%.

UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thành phố trong tỉnh chỉ đạo quyết liệt hơn nữa công tác diệt lăng quăng, đảm bảo cơ quan làm việc, nhà cán bộ, công chức không có lăng quăng; cán bộ, công chức, viên chức phải gương mẫu trong công tác diệt lăng quăng phòng, chống sốt xuất huyết. Ban chỉ đạo phòng, chống bệnh truyền nhiễm cấp tỉnh, cấp huyện thường xuyên kiểm tra tuyến cơ sở về công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn. Ngành y tế tỉnh đảm bảo hóa chất, thuốc, trang thiết bị y tế, nhân lực cho hoạt động phòng, chống dịch sốt xuất huyết trên địa bàn, sẵn sàng ứng phó khi số ca sốt xuất huyết tăng cao; củng cố các đội cơ động chống dịch của ngành ở tỉnh và các huyện, thành phố.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Nguyễn Hữu Phước yêu cầu các ngành, các cấp phải chủ động hơn trước diễn biến của sốt xuất huyết, tiếp tục tuyên truyền bằng nhiều hình thức đa dạng để người dân thay đổi hành vi phòng, chống bệnh sốt xuất huyết cho gia đình và cộng đồng. Đồng thời, nâng cao nhận thức cho người dân về bệnh sốt xuất huyết và tự phòng bệnh bằng cách diệt lăng quăng, diệt muỗi, phòng muỗi đốt.

Ninh Bình: Từ đầu năm đến nay, tỉnh Ninh Bình ghi nhận 462 ca mắc sốt xuất huyết. Trong đó, tổng số trường hợp mắc bệnh từ tháng 1 đến hết tháng 7 có 104 ca, tháng 8 có 311 ca và từ đầu tháng 9 đến nay ghi nhận 47 ca. Hiện các ổ bệnh chưa qua 14 ngày tập trung ở xã Ninh Hòa, huyện Hoa Lư; xã Văn Phương, huyện Gia Viễn và xã Yên Lâm, Yên Thái, huyện Yên Mô.

Giám đốc Sở Y tế tỉnh Ninh Bình Vũ Mạnh Dương cho biết, ngành y tế tỉnh đã và đang tích cực, quyết liệt trong công tác phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết. Các Trạm y tế xã phối hợp với chính quyền địa phương đến các hộ gia đình vận động vệ sinh môi trường và xử lý các vật dụng, khu vực có nước tù đọng để diệt lăng quăng, bọ gậy. Đặc biệt, các địa phương đã làm tốt công tác giám sát, khi phát hiện khu vực xuất hiện ca bệnh sốt xuất huyết thì lập tức phun thuốc dập dịch bệnh.

Trà Vinh: Tính từ đầu năm đến ngày 31-8-2017, tỉnh Trà Vinh đã phát hiện 128 ổ bệnh sốt xuất huyết, với 1.127 trường hợp mắc, tăng 72,9% so với cùng kỳ năm 2016; đặc biệt, đã có 3 trường hợp tử vong do sốt xuất huyết. Ngành Y tế tỉnh đang thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp phòng chống bệnh sốt xuất huyết; trong đó, đặc biệt đẩy mạnh công tác truyền thông nâng cao ý thức người dân trong phòng, chống dịch bệnh.

Ông Nguyễn Văn Lơ, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Trà Vinh cho biết, ngoài các hoạt động tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, tờ rơi, pano, áp phích… từ cuối tháng 8-2017, ngành Y tế phối hợp với Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) gửi tin nhắn qua điện thoại di động cho người dân thông báo về tình hình bệnh sốt xuất huyết, đồng thời khuyến cáo các giải pháp phòng, chống, điều trị…

Bên cạnh đó, ngành Y tế thực hiện quyết liệt các biện pháp giám sát để có phương án ứng phó kịp thời, hạn chế dịch bệnh lây lan và tử vong do sốt xuất huyết. Cụ thể, ngành thực hiện giám sát phát hiện sớm ca bệnh hàng ngày từ các nơi; giám sát mật độ muỗi, chỉ số lăng quăng hàng tuần; giám sát sự lưu hành của vi rút để phát hiện sớm sự chuyển đổi týp virus Dengue lưu hành chiếm ưu thế. Ngành tiếp tục củng cố và nâng cao chất lượng công tác chẩn đoán, điều trị bệnh sốt xuất huyết tại các tuyến y tế để phát hiện sớm, điều trị đúng, kịp thời và chuyển viện an toàn.

Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Trà Vinh cũng phối hợp với các địa phương tổ chức chiến dịch diệt lăng quăng tại 100% xã, phường, thị trấn; phun hóa chất diệt muỗi chủ động tại các xã nguy cơ cao và toàn bộ các điểm trường học trên địa bàn tỉnh; xử lý triệt để các ổ dịch bệnh được phát hiện./.