Du lịch Việt Nam: Giải quyết các “điểm nghẽn” để nâng cao năng lực cạnh tranh
Du lịch Việt Nam những năm qua đã có bước phát triển vượt bậc, là một điểm sáng trong phát triển kinh tế - xã hội ở nước ta. Tuy vậy, du lịch Việt Nam vẫn phát triển thiếu bền vững, vẫn còn đó nhiều “điểm nghẽn” cần tháo gỡ, nhất là về tính chuyên nghiệp và chất lượng sản phẩm du lịch. Phải tháo gỡ được những “điểm nghẽn” này mới góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo sự hấp dẫn, thu hút du khách quốc tế và khẳng định thương hiệu điểm đến Việt Nam.
Năng lực cạnh tranh mới ở mức trung bình
Kết thúc tháng 8-2017, du lịch nước nhà đã đón được hơn 8,47 triệu luợt khách quốc tế, lượng khách nội địa ước tính đạt khoảng 52,8 triệu lượt, trong đó có 25,4 triệu lượt khách lưu trú. Tổng thu từ du lịch ước đạt 335.840 tỷ đồng, tăng 26,7% so với cùng kỳ năm 2016. Đây là con số rất ấn tượng của ngành du lịch nước nhà thời gian qua, nếu duy trì tốc độ tăng trưởng như hiện nay, đến hết năm 2017, ngành du lịch có thể sẽ đạt mốc 13 triệu lượt khách quốc tế, hoàn thành chỉ tiêu Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã giao.
Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn cũng cho biết, có một điều rất thú vị là tháng 7 - 8 hằng năm thường là thời gian thấp điểm khách quốc tế đến Việt Nam, song năm nay lại chứng kiến sự gia tăng mạnh mẽ. Cụ thể là, tháng 7-2017 vẫn duy trì được 1 triệu lượt, tháng 8-2017 là 1,2 lượt khách quốc tế trong bối cảnh hầu hết các nước đều sụt giảm. Có những nước sụt giảm mạnh số lượng khách quốc tế như Hàn Quốc giảm 40%, Thái Lan giảm 9,5%, Malaysia giảm 7,5% và Philippines giảm 38%... thì Việt Nam là hiện tượng ngoại lệ đáng ngạc nhiên. Điều này cho thấy điểm đến Việt Nam đang dần lấy lại sức sống và tạo nên sự hấp dẫn cho du khách quốc tế...
Ông Nguyễn Văn Tuấn cũng thẳng thắn chỉ ra rằng: Du lịch Việt Nam đã phục hồi sau thời gian sụt giảm mạnh, mức phục hồi tương đối cao, đạt mức tăng trưởng mạnh nhưng vẫn thiếu bền vững, còn nhiều khó khăn, hạn chế cũng như thách thức cần có các giải pháp, từng bước khắc phục.
Đầu tiên phải nói đến việc năng lực cạnh tranh của Việt Nam chưa được cải thiện nhiều trong bối cảnh các nước trong khu vực và trên thế giới cạnh tranh mạnh mẽ. Theo xếp hạng của Diễn đàn kinh tế thế giới trong hai năm từ 2015 - 2017 năng lực cạnh tranh của Việt Nam đã tăng 8 bậc nhưng vẫn ở nhóm các nước trung bình, xếp thứ 67/136 nền kinh tế. Việt Nam có những hạn chế cụ thể về năng cạnh tranh ở một số vấn đề như chất lượng hạ tầng du lich, chi tiêu của Chính phủ cho ngành du lịch, chỉ số yêu cầu thị thực nhập cảnh thấp nhất trong ASEAN. Bên cạnh đó chất lượng và tính khác biệt của sản phẩm du lịch Việt Nam còn nhiều hạn chế...
Đó chính là những hạn chế nội tại của ngành du lịch, khiến sức cạnh tranh chưa được nâng cao. Tính chuyên nghiệp trong hoạt động dịch vụ đứng trước yêu cầu phải cải thiện rất nhiều. Bên cạnh đó các yếu tố khách quan như thiên tai, bệnh dịch cũng là thách thức với ngành du lịch.
Chuyên nghiệp hóa phải làm đồng bộ
Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn khẳng định: Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, các yếu tố tạo nên sản phẩm du lịch cũng là tổng hợp. Do đó, nếu muốn nâng cao năng lực cạnh tranh cần nâng cao tính chuyên nghiệp ở tất cả các khâu chứ không phải riêng ở những khâu ngành du lịch kiểm soát. Phân tích chuỗi cung ứng sản phẩm du lịch cho du khách quốc tế sẽ thấy, một người khách khi vào Việt Nam trước tiên phải tiếp cận thị thực (visa), sau đó là hàng không, nhập cảnh, vận chuyển, khách sạn, nhà hàng, tham quan, giải trí, ăn uống mua sắm…Thế nên muốn chuyên nghiệp thì tất cả các công đoạn trong chuỗi cung ứng này phải được tiến hành đồng bộ. Nếu phân tích theo chủ thể tham gia thì các bộ ngành, doanh nghiệp, địa phương, cộng đồng dân cư…chỉ cần thiếu chuyên nghiệp ở một khâu cũng ảnh hưởng tới chất lượng sản phẩm
Vấn đề đặt ra là phải chuyên nghiệp hóa từ đâu? Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Tuấn nhấn mạnh rằng, trước hết phải bắt đầu từ chính ngành du lịch với việc xây dựng và phát triển sản phẩm. Muốn hình thành sản phẩm du lịch thì cần có tài nguyên du lịch, tự nhiên hoặc văn hóa. Quy mô, chất lượng, tính độc đáo, khả năng khai thác tài nguyên du lịch là những điều kiện quan trọng quyết định sức hấp dẫn và tính đa dạng của từng sản phẩm du lịch. Có hệ thống tài nguyên du lịch phong phú và đa dạng, du lịch có thế mạnh và duy trì khá tốt việc xây dựng sản phẩm du lịch, dần hình thành các sản phẩm mang tính chiến lược về du lịch biển - đảo, sinh thái, du lịch văn hóa trên cả nước. Tài nguyên có hấp dẫn đến mấy nhưng không được đầu tư đồng bộ và quản trị tốt thì cũng không mang lại hiệu quả, đặc biệt là công tác xúc tiến, quảng bá…
Trong nhiều năm qua, sự xuất hiện, vào cuộc đầu tư của một số nhà đầu tư chiến lược vào thị trường du lịch Việt Nam như Sun Group, Vin Group, Mường Thanh, FLC, Thiên Minh… đã tạo nên hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật, tiện nghi tại nhiều địa phương, góp phần xây dựng diện mạo mới về năng lực cung ứng của sản phẩm du lịch Việt Nam.
Kiên Giang đang là điểm đến du lịch mới nổi của Việt Nam những năm gần đây. Với lợi thế biển đảo, đặc biệt là Phú Quốc, đã được nhiều nhà đầu tư du lịch trong và ngoài nước chọn làm địa điểm đầu tư. Đến nay, Phú Quốc có 233 dự án (chiếm 79% của toàn tỉnh), tổng vốn đầu tư gần 324.000 tỷ đồng. Sản phẩm du lịch của Kiên Giang bắt đầu đa sắc, không chỉ còn gói gọn trong loại hình nghỉ dưỡng mà mở rộng sang du lịch kết hợp tìm hiểu văn hóa, lịch sử truyền thống, thể thao, hội nghị, hội thảo, tổ chức sự kiện quy mô lớn...
Bên cạnh đó, những tổ hợp vui chơi giải trí và nghỉ dưỡng quy mô lớn đang triển khai tại nhiều điểm đến khác đã cho thấy du lịch Việt Nam đang bắt kịp xu thế thế giới. Khả năng cạnh tranh cũng từng bước được tăng cường, góp phần khẳng định thương hiệu du lịch Việt Nam theo hướng chất lượng cao, chuyên nghiệp, hiện đại.
Cộng đồng địa phương ở các điểm đến du lịch cũng đã có bước chuyển mình đáng kể trong việc quản trị điểm đến, tạo môi trường xanh, sạch, thân thiện để hấp dẫn du khách. Có thể kể đến những bài học thành công của Hội An, Đà Nẵng, Hạ Long, Sầm Sơn… Điển hình là Sầm Sơn từ hình ảnh một điểm đến mùa vụ, nhếch nhác, bình dân nay đã thành một điểm đến chuyên nghiệp hơn, làm hài lòng du khách hơn. Vịnh Hạ Long đến nay không còn là nỗi quan ngại cho du khách bởi tình trạng lừa đảo, chặt chém, đeo bám du khách…đã được kiểm soát.
Do đó, có thể thấy rằng, muốn tăng cường tính chuyên nghiệp và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch Việt Nam đòi hỏi sự quyết tâm không chỉ của ngành du lịch mà còn là sự vào cuộc, chung tay của các ngành, các cấp và toàn xã hội./.
Kỷ niệm 72 năm Quốc khánh và 55 năm thiết lập quan hệ Việt - Lào  (05/09/2017)
Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh: “Nếu chúng ta thụ động thì sẽ ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế”  (05/09/2017)
Tổng thống Ai Cập thăm Việt Nam: Dấu mốc quan trọng quan hệ hai nước  (05/09/2017)
Hội nghị tập huấn “Hội nhập quốc tế” năm 2017  (05/09/2017)
- Kinh nghiệm quản lý thị trường vàng của một số quốc gia và hàm ý chính sách cho Việt Nam
- Thu hút trí thức người Việt Nam ở nước ngoài cho phát triển nguồn nhân lực khoa học - công nghệ
- Chiến lược triển khai quyền chỉ huy, kiểm soát biển của Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và một số tác động
- Một số chính sách lớn nhằm nâng cao hiệu quả ứng phó, giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống, an ninh mạng ở Việt Nam hiện nay
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên