Tổng kết 5 năm thực hiện Đề án củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách khu vực Tây Nam Bộ
TCCSĐT - Ngày 28-6-2017, tại thành phố Cần Thơ, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội tổ chức Hội nghị tổng kết 5 năm (2012-2016) thực hiện Đề án củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách khu vực Tây Nam Bộ. Đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, dự và chủ trì hội nghị.
Theo báo cáo của Ngân hàng Chính sách xã hội, Đề án củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách tại khu vực Tây Nam Bộ ra đời vào đầu năm 2012 trong bối cảnh tín dụng chính sách xã hội trong vùng bộc lộ nhiều hạn chế, yếu kém. Cụ thể là: nguồn vốn, dư nợ tín dụng tăng trưởng chậm, nợ quá hạn liên tục tăng cao, chiếm tới 4,11% tổng dư nợ, gấp gần 2,1 lần tỷ lệ nợ quá hạn bình quân chung toàn hệ thống; Ngân hàng Chính sách xã hội, tổ chức chính trị - xã hội nhận dịch vụ ủy thác, Tổ tiết kiệm và vay vốn ở nhiều nơi chưa thực hiện tốt trách nhiệm trong quản lý vốn vay; người dân sử dụng vốn vay manh mún, kém hiệu quả, còn tư tưởng bao cấp, trông chờ ỷ lại vào chính sách của Nhà nước.
Qua 5 năm triển khai thực hiện Đề án, đến nay, các hoạt động tín dụng chính sách ở khu vực Tây Nam Bộ đã đạt được hiệu quả khả quan, bước đầu khắc phục được nhiều hạn chế, yếu kém của giai đoạn trước. Năm năm qua, đã có trên 2,35 triệu lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trong khu vực được vay 33.393 tỷ đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Nguồn vốn này đã góp phần giúp gần 386 nghìn hộ vay vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm mới cho trên 147 nghìn lao động; giúp trên 184 nghìn học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn học tập; xây dựng trên 1 triệu công trình cấp nước sạch, vệ sinh môi trường ở nông thôn; trên 36 nghìn căn nhà cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách;… Tính đến ngày 31-12-2016, tất cả các tỉnh, thành trong khu vực đều giảm nợ quá hạn với tỷ lệ nợ quá hạn toàn khu vực là 0,81% tổng dư nợ, giảm 3,3% so với thời điểm triển khai đề án; hoạt động của các tổ tiết kiệm và vay vốn dần đi vào nền nếp và phát huy hiệu quả, với tổng số 39.593 tổ đang hoạt động ở các ấp, khu vực (trong đó hơn 73% số tổ đạt loại tốt).
Theo nhận định của nhiều đại biểu tại Hội nghị, những hiệu quả bước đầu của quá trình thực hiện Đề án đã góp phần quan trọng trong việc thực hiện các chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững (tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn giai đoạn 2012-2016 giảm từ 10% xuống còn 8,46% theo tiêu chí nghèo đa chiều), tạo thêm nhiều việc làm, góp phần xây dựng nông thôn mới, phát triển nguồn nhân lực, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu; hỗ trợ tập hợp lực lượng, phát triển hội viên của các tổ chức chính trị - xã hội; việc cho vay ưu đãi hộ nghèo và các đối tượng chính sách có tác động quan trọng đến việc giữ đất, giữ biên cương, đặc biệt ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, biên giới;… Nhìn chung, chất lượng chính sách tín dụng của các tỉnh, thành trong khu vực có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần thu hẹp khoảng cách giàu - nghèo, phát huy sức mạnh của các tổ chức chính trị - xã hội, củng cố và tăng cường lòng tin của Nhân dân với Đảng và Nhà nước.
Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện Đề án đã và đang bộc lộ một số khó khăn, bất cập. Đó là: Nguồn nhân lực để thực hiện các chương trình tín dụng chính sách còn thiếu so với nhu cầu thực tế của người nghèo và các đối tượng chính sách; nguồn vốn từ ngân sách của các địa phương dành để bố trí cho hộ nghèo, hộ chính sách vay còn hạn chế, chỉ đạt gần 57% so với mức bình quân chung của cả nước; một số nơi cấp ủy, chính quyền chưa quyết liệt trong công tác chỉ đạo thu hồi nợ quá hạn, lãi tồn đọng; một số địa phương chưa quan tâm đúng mức công tác điều tra, xác nhận hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách sau khi bị thiên tai để kịp thời hỗ trợ vốn từ chương trình tín dụng chính sách;…
Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, khẳng định những thành tựu cơ bản sau 5 năm thực hiện Đề án củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách khu vực Tây Nam Bộ. Đây là nỗ lực chung của cả hệ thống chính trị, của Ngân hàng Chính sách xã hội và các địa phương vùng Tây Nam Bộ. Tuy nhiên, kết quả này chưa thật vững chắc. Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, vấn đề cần suy nghĩ là tính đến ngày 31-12-2016, trong khi tổng dư nợ Ngân hàng Chính sách xã hội cả nước là 157 nghìn tỷ đồng thì khu vực Tây Nam Bộ chỉ có 28 nghìn tỷ đồng; cả nước 30 triệu lượt hộ được vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội thì khu vực Tây Nam Bộ chỉ có 2,06 triệu lượt hộ được vay.
Để nâng cao hiệu quả chương trình tín dụng chính sách khu vực Tây Nam Bộ trong thời gian gian tới, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị các bộ, ngành, các tổ chức, đoàn thể và các địa phương khu vực Tây Nam Bộ cần chú trọng thực hiện tốt một số nội dung sau:
Tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông để toàn xã hội nhận thức tín dụng chính sách là một công cụ của Đảng và Nhà nước, là sự kết hợp chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ để chăm lo cho các hộ nghèo, cận nghèo, đối tượng chính sách, gắn với việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, có ý nghĩa nhân văn và xã hội sâu sắc. Đây là một chương trình mà người dân vừa là đối tượng thụ hưởng, vừa là chủ thể triển khai thực hiện.
Từ đây đến năm 2020, phấn đấu 100% hộ nghèo cận nghèo, đối tượng chính sách đủ điều kiện phải được tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách; tiến tới đẩy lùi và chấm dứt tín dụng phi chính thức - tín dụng đen ở nông thôn, góp phần bảo đảm an ninh trật tự ở địa bàn nông thôn.
Để tăng cường các nguồn vốn tín dụng chính sách cho khu vực Tây Nam Bộ, ngoài nguồn vốn bố trí từ nay đến năm 2020 khoảng 23.000 tỷ đồng của Chính phủ, Phó Thủ tướng đề nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cần có giải pháp duy trì và tăng tiền gửi của các ngân hàng thương mại vào Ngân hàng Chính sách xã hội; các tỉnh, thành tăng mức cấp vốn địa phương ủy thác cho vay thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội.
Ngân hàng Chính sách xã hội tăng cường phối hợp các bộ, ngành hữu quan và các địa phương tham mưu, đề xuất với Chính phủ để hoàn thiện thể chế về tín dụng chính sách, nhằm thực hiện tốt hơn các chương trình tín dụng chính sách. Mục tiêu chung là thủ tục vay đơn giản nhất; điều kiện cho vay rõ ràng, minh bạch nhất, ưu tiên cho vay giải quyết việc làm, phát triển kinh doanh, cho vay khởi nghiệp./.
Quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt-Nga phát triển mọi mặt  (28/06/2017)
Việt Nam dự Hội nghị Chủ tịch Quốc hội Á-Âu lần thứ hai tại Hàn Quốc  (28/06/2017)
Một số hoạt động của Chủ tịch nước Trần Đại Quang tại Cộng hòa Belarus  (28/06/2017)
Một số hoạt động của lãnh đạo Chính phủ  (28/06/2017)
Hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp sau một năm thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ  (28/06/2017)
Phát triển toàn diện và sâu rộng quan hệ đối tác Việt Nam - Belarus  (27/06/2017)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay