Bàn giải pháp nâng cao giá trị và phát triển bền vững, công bằng ngành tôm Việt Nam
TCCSĐT - Đó là nội dung chính của Hội nghị đối thoại “Chuỗi giá trị tôm Việt Nam” diễn ra tại thành phố Cần Thơ ngày 19-5-2017. Hội nghị do Trung tâm Hợp tác quốc tế Nuôi trồng và khai thác thủy sản bền vững (ICAFIS) thuộc Hội Nghề cá Việt Nam, Tổ chức Oxfam Việt Nam và Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) Việt Nam cùng một số đối tác quốc tế phối hợp tổ chức.
Tham dự Hội nghị có gần 200 đại biểu đại diện Tổng cục Thủy sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau; khách hàng tại các thị trường Mỹ, châu Âu, Xin-ga-po; các chi nhánh ngân hàng thương mại, công ty chế biến tôm, hợp tác xã và người nuôi tôm ở vùng đồng bằng sông Cửu Long; đại diện một số tổ chức tư vấn và đánh giá chứng nhận thủy sản quốc tế; đại diện vùng Dự án “Phát triển chuỗi giá trị sản xuất tôm bền vững - công bằng”.
Theo nhận định của ICAFIS, ngành thủy sản đã và đang đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế đất nước. Trong đó, tôm là một trong 04 sản phẩm xuất khẩu chủ lực (chiếm bình quân hơn 44% kim ngạch xuất khẩu toàn ngành thủy sản), được xuất khẩu đến 164 quốc gia trên thế giới, đạt mức tăng trưởng bình quân 6,82%/năm, tạo việc làm và thu nhập cho khoảng 700.000 hộ. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, bên cạnh những tác động từ thị trường thế giới; các yêu cầu ngày càng khắt khe về truy xuất nguồn gốc, quản trị sản xuất theo chuỗi giá trị; áp dụng các hệ thống chứng nhận theo chuỗi ngày càng tăng,… ngành tôm Việt Nam cũng đang đối diện với nhiều bất cập mang tính nội tại. Qua khảo sát của ICAFIS, hầu hết các nghiên cứu về chuỗi giá trị tôm Việt Nam trong 10 năm gần đây cho thấy các liên kết trong chuỗi còn lỏng lẻo, kém hiệu quả, thiếu công bằng và minh bạch thông tin từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh đó, những hạn chế trong tiếp cận nguồn vốn cũng là một rào cản đối với các nhà sản xuất và chế biến quy mô nhỏ trong việc mở rộng sản xuất và thích ứng với các tiêu chuẩn quốc tế. Chính điều này đã làm giảm sức cạnh tranh của mặt hàng tôm Việt Nam trên thị trường thế giới.
Trong nỗ lực hỗ trợ người sản xuất và các doanh nghiệp chế biến tôm Việt Nam, được sự tài trợ của Liên minh châu Âu (EU) trong khuôn khổ chương trình SWITCH - Asia, Tổ chức Oxfam tại Việt Nam phối hợp với ICAFIS đã triển khai Dự án “Phát triển chuỗi giá trị sản xuất tôm bền vững - công bằng” (gọi tắt là Dự án SusV) tại các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau trong giai đoạn 2016-2020. Sau hơn một năm thực hiện, dự án đã thúc đẩy ký kết được trên 50 hợp đồng liên kết chuỗi. Các kết quả hợp tác bước đầu của dự án cho thấy: chuỗi giá trị là hướng đi đúng cho ngành tôm Việt Nam để vươn lên tầm quốc tế, khẳng định giá trị con tôm Việt thông qua các quy trình nuôi tôm tiên tiến, kiểm soát chặt chẽ từ khâu đầu vào đến khâu đầu ra của sản phẩm; hỗ trợ người sản xuất quy mô nhỏ cùng tham gia hội nhập kinh tế quốc tế thông qua việc áp dụng và tuân thủ các chương trình, chứng nhận quốc tế; thúc đẩy sự tham gia và hợp tác của các doanh nghiệp thủy sản trong nước và quốc tế vào chuỗi giá trị tôm bền vững tại Việt Nam theo mô hình hợp tác công - tư (PPP).
Bên cạnh những kết quả bước đầu của Dự án SusV, Hội nghị đã tập trung phân tích, chỉ ra những khó khăn, thách thức mà ngành tôm Việt Nam đang đối diện. Đó là: thị trường thế giới biến động khó lường; ngành tôm đang phải đối diện với nhiều loại dịch bệnh, ô nhiễm môi trường do phát triển quá nhanh; có khoảng cách lớn giữa dịch bệnh và sự ô nhiễm, thay đổi môi trường với việc nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ nuôi tôm phù hợp; mức độ kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm và hệ thống chứng nhận cùng các rào cản thương mại đang gia tăng; nguồn tôm giống ở phần lớn các hộ nuôi chưa bảo đảm chất lượng; biến đổi khí hậu diễn ra nhanh tác động xấu đến ngành tôm;… Đáng quan tâm là tình trạng thiếu liên kết, còn khoảng trống khá lớn giữa doanh nghiệp và người nuôi tôm. Theo nghiên cứu gần đây của ICAFIS về chuỗi giá trị tôm ở 2 tỉnh Sóc Trăng và Cà Mau, chỉ có 14,3% số doanh nghiệp có xây dựng và duy trì sự liên kết khá lỏng lẻo với người nuôi - vùng nguyên liệu, phần lớn các doanh nghiệp còn lại gần như không có các liên kết chính thức nào, việc chia sẻ thông tin thiếu tính minh bạch giữa doanh nghiệp với người nuôi tôm.
Qua trao đổi, Hội nghị thống nhất trong thời gian tới cần tập trung thực hiện tốt Dự án SusV hướng tới 4 mục tiêu: Thứ nhất, người nuôi tôm, các doanh nghiệp chế biến tôm phải thực hiện đúng các tiêu chuẩn đánh giá tác động xã hội, tác động môi trường của Hội đồng Quản lý nuôi trồng thủy sản (ASC), nhằm giảm thiểu tác động xã hội và tác động môi trường trong quá trình nuôi trồng, kinh doanh thủy sản. Thứ hai, người nuôi tôm quy mô nhỏ và các doanh nghiệp chế biến tôm có thể tiếp cận hiệu quả các nguồn tài chính để cải thiện sản xuất. Thứ ba, người nuôi tôm quy mô nhỏ được trao quyền để có tiếng nói mạnh mẽ hơn và nâng cao năng lực đàm phán với các đối tác trong chuỗi giá trị. Thứ tư, chính sách tín dụng của Chính phủ hướng mạnh tới người sản xuất, chế biến tôm để thúc đẩy phát triển chuỗi giá trị tôm, hướng đến sản xuất và tiêu dùng bền vững.
Hội nghị cũng đề xuất một số giải pháp để phát triển chuỗi giá trị tôm Việt Nam theo hướng bền vững - công bằng trong thời gian tới:
Nhà nước cần tham gia, hỗ trợ trong quản lý chuỗi liên kết để hạn chế tình trạng phá vỡ chuỗi giữa doanh nghiệp với người nuôi.
Tạo cơ chế thông thoáng hơn trong tiếp cận tài chính và cung ứng đủ theo suất đầu tư trong nuôi và chế biến tôm, giúp người nuôi và các doanh nghiệp có điều kiện đầu tư bài bản, ứng dụng công nghệ để nâng cao giá trị mặt hàng tôm Việt Nam.
Thiết lập hệ thống quản lý hữu hiệu để tránh trộn lẫn giữa sản phẩm tuân thủ với sản phẩm không tuân thủ các tiêu chuẩn nuôi thủy sản tốt của quốc gia và thế giới.
Các trại nuôi tôm phải thể hiện trách nhiệm cộng đồng, không được gây tác động tiêu cực về môi trường, xã hội với cộng đồng địa phương; có cơ chế trao đổi thông tin và cam kết không gây trở ngại tới điều kiện sống và hoạt động của cộng đồng địa phương;…/.
Từ ngày 19-5, phân luồng qua cầu Long Biên để cải tạo mặt cầu  (19/05/2017)
Toàn văn bài phát biểu của Chủ tịch nước ở Hội thảo Việt Nam - Hoa Kỳ  (19/05/2017)
Thanh Hóa cần trở thành tỉnh kiểu mẫu trong thu hút đầu tư  (19/05/2017)
“Hợp tác phát triển là một động lực của quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ”  (19/05/2017)
Việt Nam - Anh đẩy mạnh hợp tác trên lĩnh vực gìn giữ hòa bình  (19/05/2017)
Truyền thông Argentina ca ngợi Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại  (19/05/2017)
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay