Tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết dân tộc và sự thấm nhuần, vận dụng sáng tạo tại Đại hội XII của Đảng
TCCSĐT - Tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết dân tộc là tài sản tinh thần vô giá của toàn Đảng, toàn dân, là một trong những nhân tố quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Đại hội XII của Đảng khẳng định, đại đoàn kết dân tộc là đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam, là động lực và nguồn lực to lớn trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Một trong những cơ sở quan trọng để Đảng ta khẳng định chiến lược đó là việc kế thừa, bổ sung và phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết dân tộc.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết dân tộc
Tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết dân tộc trong sự nghiệp cách mạng có 3 nội dung chủ yếu, gồm: vị trí, vai trò của đại đoàn kết trong sự nghiệp cách mạng; nội dung đại đoàn kết dân tộc; hình thức tổ chức khối đại đoàn kết dân tộc.
Khi đề cập đến vị trí, vai trò của đại đoàn kết dân tộc, Hồ Chí Minh khẳng định, đại đoàn kết dân tộc là một chiến lược cơ bản, nhất quán, lâu dài, là vấn đề sống còn, quyết định thành công của cách mạng. Đó là chiến lược tập hợp mọi lực lượng nhằm hình thành và phát triển sức mạnh to lớn của toàn dân trong cuộc đấu tranh chống kẻ thù của dân tộc, của nhân dân. Theo Người, đoàn kết làm nên sức mạnh và là cội nguồn của mọi thành công: “Đoàn kết là một lực lượng vô địch của chúng ta để khắc phục khó khăn, giành lấy thắng lợi”(1); “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết; Thành công, thành công, đại thành công”(2). Để đánh bại các thế lực đế quốc, thực dân giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp và giải phóng con người, nếu chỉ có tinh thần yêu nước thôi là chưa đủ, cách mạng muốn thành công và “thành công đến nơi”, phải tập hợp tất cả các lực lượng, xây dựng được khối đại đoàn kết dân tộc bền vững. Người nhận định, cuộc đấu tranh cứu nước của nhân dân ta cuối thế kỷ XIX bị thất bại có một nguyên nhân sâu xa là cả nước không đoàn kết được thành một khối thống nhất. Muốn cách mạng thành công phải có lực lượng cách mạng, muốn có lực lượng cách mạng phải thực hiện đoàn kết. Người viết: “Đoàn kết là sức mạnh của chúng ta. Đoàn kết chặt chẽ, thì chúng ta nhất định có thể khắc phục mọi khó khăn, phát triển mọi thuận lợi và làm trọn nhiệm vụ nhân dân giao phó cho chúng ta”(3). Trong quan điểm của Hồ Chí Minh, đại đoàn kết dân tộc được xác định là mục tiêu, nhiệm vụ hàng đầu của Đảng, phải được quán triệt trong tất cả các lĩnh vực, từ đường lối, chủ trương, chính sách đến hoạt động thực tiễn.
Theo Hồ Chí Minh, đại đoàn kết dân tộc là đại đoàn kết toàn dân. Đây là luận điểm sáng tạo, đặc sắc. Vì theo quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, không phải là việc một hai người có thể làm được. Đại đoàn kết toàn dân có nghĩa là phải tập hợp được tất cả mọi người dân vào một khối trong cuộc đấu tranh chung. Trong quá trình xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, phải đứng vững trên lập trường giai cấp công nhân, giải quyết hài hòa mối quan hệ giai cấp - dân tộc để tập hợp lực lượng, không được phép bỏ sót một lực lượng nào. Thực hiện đại đoàn kết toàn dân phải kế thừa truyền thống yêu nước, nhân nghĩa, tinh thần cộng đồng của dân tộc Việt Nam; phải có lòng khoan dung, độ lượng, tin vào nhân dân, tin vào con người; đồng thời luôn đứng vững trên lập trường của giai cấp công nhân, thực hiện đại đoàn kết với phương châm “nước lấy dân làm gốc”. Truyền thống này được hình thành, củng cố và phát triển trong suốt quá trình dựng nước và giữ nước hàng nghìn năm của dân tộc, trở thành giá trị bền vững, thấm sâu vào tư tưởng, tình cảm, tâm hồn của mỗi người Việt Nam, được lưu truyền từ đời này sang đời khác. Đó chính là cội nguồn, sức mạnh vô địch để cả dân tộc chiến đấu và chiến thắng mọi thiên tai, địch họa, làm cho đất nước trường tồn, bản sắc dân tộc được giữ vững. Người cũng nhấn mạnh, trong mỗi cá nhân, mỗi cộng đồng đều có những ưu, nhược điểm. Cho nên, vì lợi ích của cách mạng phải có lòng khoan dung, độ lượng, trân trọng cái phần thiện dù là nhỏ nhất ở mỗi con người mới có thể tập hợp, quy tụ rộng rãi mọi lực lượng. Theo Người: trong mấy triệu người cũng có người thế này thế khác, nhưng thế này hay thế khác đều là dòng dõi của tổ tiên ta. Vậy nên ta phải khoan hồng đại độ, ta phải nhận rằng đã là con Lạc cháu Hồng thì ai cũng có ít hay nhiều lòng ái quốc. Đối với những đồng bào lạc lối, lầm đường, ta phải dùng tình thân ái mà cảm hóa họ. Có như thế mới thành đoàn kết, có đại đoàn kết thì tương lai chắc chắn vẻ vang(4).
Về hình thức của khối đại đoàn kết dân tộc, Người chỉ rõ, đại đoàn kết là để tạo nên lực lượng cách mạng, để làm cách mạng xóa bỏ chế độ cũ, xây dựng chế độ mới. Do đó, đại đoàn kết dân tộc không chỉ dừng lại ở quan niệm, tư tưởng mà phải trở thành một chiến lược cách mạng, trở thành sức mạnh vật chất, lực lượng vật chất có tổ chức và tổ chức đó chính là Mặt trận dân tộc thống nhất, dưới sự lãnh đạo của Đảng. Đó là tổ chức chính trị - xã hội rộng lớn của nhân dân Việt Nam, nơi quy tụ, đoàn kết, tập hợp đông đảo các giai cấp, tầng lớp, dân tộc, tôn giáo, đảng phái, các tổ chức, cá nhân yêu nước ở trong và ngoài nước cùng nhau phấn đấu vì mục tiêu chung là hòa bình, độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc, vì tự do, hạnh phúc của nhân dân.
Chủ tịch Hồ Chí Minh còn chỉ rõ các nguyên tắc cơ bản về xây dựng và hoạt động của Mặt trận dân tộc thống nhất, đó là: phải được xây dựng trên nền tảng khối liên minh công - nông - trí thức, dưới sự lãnh đạo của Đảng; phải hoạt động trên cơ sở bảo đảm lợi ích tối cao của dân tộc và quyền lợi cơ bản của các tầng lớp nhân dân; phải hoạt động theo nguyên tắc hiệp thương dân chủ, bảo đảm đoàn kết ngày càng rộng rãi, bền vững và đoàn kết lâu dài, chặt chẽ, chân thành, thân ái, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ.
Thấm nhuần, vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết dân tộc tại Đại hội XII của Đảng
Đại hội XII của Đảng khẳng định: đại đoàn kết dân tộc là đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam, là động lực và nguồn lực to lớn trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc(5). Để phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, Đại hội XII đã đề ra phương hướng, nhiệm vụ tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên nền tảng liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức do Đảng lãnh đạo. Phát huy mạnh mẽ mọi nguồn lực, mọi tiềm năng sáng tạo của nhân dân để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; lấy mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” làm điểm tương đồng; tôn trọng những điểm khác biệt không trái với lợi ích chung của quốc gia - dân tộc; đề cao tinh thần dân tộc, truyền thống yêu nước, nhân nghĩa, khoan dung để tập hợp, đoàn kết mọi người Việt Nam ở trong và ngoài nước, tăng cường quan hệ mật thiết giữa nhân dân với Đảng, Nhà nước, tạo sinh lực mới của khối đại đoàn kết dân tộc.
Với sự khẳng định này, Đảng Cộng sản Việt Nam càng làm sáng rõ hơn quan điểm “cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, phải do quần chúng, vì quần chúng” của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Từ phong trào đấu tranh để tự giải phóng và xây dựng xã hội mới tốt đẹp, quần chúng nảy sinh nhu cầu đoàn kết và hợp tác. Đảng Cộng sản Việt Nam nhận rõ sứ mệnh thức tỉnh, tập hợp, hướng dẫn, lãnh đạo quần chúng, chuyển những nhu cầu, đòi hỏi khách quan, tự phát của quần chúng thành những đòi hỏi tự giác, thành hiện thực có tổ chức trong khối đại đoàn kết dân tộc; tạo thành sức mạnh tổng hợp trong cuộc đấu tranh vì độc lập của dân tộc, tự do cho nhân dân và hạnh phúc cho con người.
Đại đoàn kết dân tộc chỉ có thể thực hiện được khi giải quyết hài hòa quan hệ lợi ích giữa các thành viên trong xã hội; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, bảo đảm mỗi người dân đều được thụ hưởng những thành quả của công cuộc đổi mới. Mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đều vì lợi ích của nhân dân. Để thực hiện nhiệm vụ trên, Đại hội XII đưa ra những phương hướng, nhiệm vụ cụ thể nhằm xây dựng, phát triển các giai cấp công nhân, nông dân, đội ngũ trí thức cũng như đổi mới nội dung, phương thức giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống cho thế hệ trẻ; nâng cao trình độ mọi mặt và đời sống vật chất, tinh thần của phụ nữ; có cơ chế, chính sách tạo điều kiện, đồng thời động viên cựu chiến binh tích cực tham gia xây dựng và bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ; quan tâm chăm sóc sức khỏe, tạo điều kiện để người cao tuổi hưởng thụ văn hóa, tiếp cận thông tin, sống vui, sống khỏe, sống hạnh phúc…
Đoàn kết dân tộc không chỉ có chính sách phù hợp đối với các giai cấp, tầng lớp nhân dân trong xã hội mà cần có những chính sách để phát huy sự bình đẳng giữa các dân tộc, dân cư ở các vùng, miền trên cả nước. Vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh vào điều kiện cụ thể nước ta, Đại hội XII chỉ rõ: “Tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách, bảo đảm các dân tộc bình đẳng, tôn trọng, đoàn kết, giải quyết hài hòa quan hệ giữa các dân tộc, giúp nhau cùng phát triển, tạo chuyển biến rõ rệt trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là các vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, tây duyên hải miền Trung. Nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo, chất lượng nguồn nhân lực và chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số, người tiêu biểu có uy tín trong cộng đồng các dân tộc. Tăng cường kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện các chủ trương, chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước ở các cấp. Chống kỳ thị dân tộc; nghiêm trị những âm mưu, hành động chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc”(6).
Việt Nam hiện có 14 tôn giáo đã được Nhà nước công nhận tư cách pháp nhân và cấp phép hoạt động với khoảng 25 triệu tín đồ. Các tôn giáo chung sống đan xen, nhưng tồn tại độc lập và hòa bình với nhau, không phụ thuộc vào nhau. Tuy nhiên, các thế lực thù địch luôn tìm mọi cách tác động vào tình hình tôn giáo để gây mâu thuẫn, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc. Nhằm chống lại âm mưu trên, đồng thời để các tôn giáo đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Đại hội XII chủ trương: Tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo, phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của các tôn giáo. Quan tâm và tạo điều kiện cho các tổ chức tôn giáo sinh hoạt theo hiến chương, điều lệ của tổ chức tôn giáo đã được Nhà nước công nhận, theo quy định của pháp luật; chủ động phòng ngừa, kiên quyết đấu tranh với các hành vi lợi dụng tôn giáo, tín ngưỡng để chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc hoặc những hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo trái pháp luật(7).
Đối với kiều bào Việt Nam sinh sống ở nước ngoài, Đảng chỉ rõ: Nhà nước hoàn thiện cơ chế, chính sách để hỗ trợ giúp đỡ đồng bào định cư ở nước ngoài ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế, góp phần tăng cường hợp tác, hữu nghị giữa nhân dân ta với nhân dân các nước; được bảo hộ tính mạng, tài sản và các quyền, lợi ích chính đáng; tạo điều kiện để đồng bào giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; có cơ chế, chính sách thu hút đồng bào hướng về Tổ quốc, đóng góp xây dựng và bảo vệ đất nước(8).
Có thể nói, với những quan điểm trên, Đại hội XII của Đảng thể hiện sự thấm nhuần, vận dụng sáng tạo, cụ thể hóa tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết dân tộc vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước trong giai đoạn hiện nay. Phương hướng, nhiệm vụ xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc có tính đến tất cả các lực lượng, giai cấp, dân tộc, tôn giáo, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Đó là chiến lược đại đoàn kết toàn dân tộc, nếu được triển khai thực hiện có hiệu quả, sẽ là động lực, là nguồn lực và là cơ sở quan trọng cho sự phát triển của dân tộc ta trong thời gian tới. Điều này càng chứng tỏ hơn nữa sức sống trường tồn của tư tưởng Hồ Chí Minh nói chung và quan điểm xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc nói riêng của Người đối với sự nghiệp cách mạng nước ta./.
-----------------------------------
(1), (3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t. 9, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 177, 145
(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.13, tr. 119
(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.4, tr. 280-81
(5), (6), (7), (8) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, tr. 158, 164-165, 165, 165-166
Tiếp tục hoàn thiện các mô hình kinh tế tập thể để phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn  (19/05/2017)
Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh để phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”  (19/05/2017)
Đại sứ quán Việt Nam tại Chile tổ chức triển lãm văn hóa tại vùng đất mỏ Antofagasta  (19/05/2017)
Việt Nam tham dự Diễn đàn Thị trưởng các thành phố trên thế giới  (18/05/2017)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp cựu Thủ tướng Canada  (18/05/2017)
Khai mạc Hội nghị quan chức Tài chính cao cấp APEC tại Ninh Bình  (18/05/2017)
- Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an ninh kinh tế, góp phần bảo đảm an ninh quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Đắk Nông: “Điểm sáng” trong phát triển du lịch thời kỳ hội nhập quốc tế
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên