TCCSĐT - An ninh mạng đang trở thành mối quan ngại chung của quốc tế và nhiều nước châu Âu đang cân nhắc các biện pháp tăng cường an ninh, sẵn sàng đối phó với những mối đe dọa đến từ không gian mạng. Phát biểu với báo giới ngày 09-01 tại thủ đô Berlin, người phát ngôn Chính phủ Đức Steffen Seibert khẳng định, giới chức nước này đang nhìn nhận một cách nghiêm túc về các mối đe dọa can thiệp chính sách quốc nội của đất nước, bao gồm cả thông qua không gian mạng.

An ninh mạng - mối quan ngại chung của thế giới

 
 An ninh mạng - nỗi lo không của riêng ai. Ảnh: vtv.vn

Hiện nay, việc sử dụng internet và các hệ thống máy tính kết nối ngày càng lớn đã dẫn đến sự gia tăng mạnh về số lượng các cuộc tấn công trên không gian mạng. Hầu hết các cuộc xung đột chính trị, kinh tế hay quân sự đều có sự tham gia của yếu tố công nghệ cao. Chính vì vậy, thuật ngữ “chiến tranh mạng” ra đời để ám chỉ hình thức cao nhất trong các loại hình xung đột mạng, khốc liệt hơn tội phạm mạng và chủ nghĩa khủng bố trên mạng. “Chiến tranh mạng” phản ánh tình trạng gia tăng công nghệ hóa của chiến tranh trong thời đại thông tin dựa trên máy tính và các mạng kết nối trong hầu như tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Loại hình chiến tranh này thường rẻ hơn, sạch hơn các hình thức xung đột vũ trang khác, nhưng vẫn gây ra sự phá hủy lớn, đặc biệt đối với nền kinh tế của mỗi quốc gia. Một cuộc tấn công mạng trên quy mô lớn có thể dẫn tới thiệt hại về người và của. “Chiến tranh mạng” không hề có giới hạn về địa lý, thời gian và hoàn toàn có thể thực hiện trên diện rộng, hoàn toàn không đổ máu nhưng lại có thể gây hậu quả chết người. Thủ đoạn tấn công cũng không còn nhỏ lẻ như trước, mà đã được xây dựng thành hệ thống. Mặc dù số vụ tấn công có giảm so với thời gian trước đó nhưng mức độ các vụ tấn công tập trung, có tính toán hơn và có mức độ thành công cao hơn.

“Cuộc chiến” liên quan đến an ninh mạng đang diễn ra ngày càng căng thẳng, với quy mô rất lớn, trở thành mối đe dọa hòa bình và an ninh thế giới. Các nước có hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin phát triển đã bắt đầu coi an ninh mạng là một bộ phận của tổng thể chiến lược quốc phòng chung. Tổng thống Mỹ B. Obama tuyên bố, Bộ Chỉ huy Tác chiến mạng đã chính thức thành lập với nhiệm vụ bảo vệ hệ thống hạ tầng mạng của Mỹ, cũng như tấn công hệ thống của các quốc gia khác (trong trường hợp có chiến tranh). EU cũng như Anh, Nga đều có các cơ quan chuyên trách về lĩnh vực an ninh mạng. Anh cũng đã xây dựng Trung tâm An ninh mạng và năng lực toàn cầu để bảo đảm an ninh mạng và hỗ trợ các nước triển khai các kế hoạch toàn diện nhằm đối phó với những mối đe dọa qua internet. Trong khi đó, người phát ngôn Chính phủ Đức Steffen Seibert khẳng định, Cơ quan tình báo nước ngoài Đức (BND) có kế hoạch đầu tư khoảng 130 triệu USD trong vòng 5 năm tới để thành lập “một đội trinh sát kỹ thuật” với khoảng 100 nhân viên. Còn đối với Pháp, Paris sẽ triển khai kế hoạch đối phó với các cuộc chiến tranh mạng trị giá 2 tỷ USD, và đây là ưu tiên chiến lược của ngân sách quân sự Pháp trong 5 năm tới. Tại châu Á, nhiều nước như Nhật Bản, Ấn Độ cũng đã tiến hành các biện pháp đảm bảo an toàn cho các công nghệ hàng đầu của mình trước các hoạt động tình báo công nghiệp.

Cuba và Mỹ: đạt bước tiến quan trọng

 
 Cuba - Mỹ đạt thỏa thuận. Ảnh: TTXVN

Chiều 13-01, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước và các Bộ trưởng Cuba Raul Castro đã có buổi tiếp Chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ Thomas J. Donohue. Sau buổi gặp gỡ, Chính phủ Cuba ra tuyên bố ngắn gọn cho biết, hai bên đã thảo luận về các vấn đề cùng quan tâm, trong đó nhấn mạnh tới vấn đề trao đổi thương mại.

Trong thời gian qua, Phòng Thương mại Mỹ đã đề nghị Chính phủ Cuba ký một số thỏa thuận với các tập đoàn lớn của Mỹ, như General Electric, trước khi Tổng thống đắc cử D. Trump, người đã thể hiện thái độ thiếu thân thiện với đảo quốc Caribe, chính thức nắm quyền vào ngày 20-01. Ông D. Trump từng tuyên bố trong chiến dịch tranh cử sẽ dỡ bỏ những thành quả đạt được trong tiến trình bình thường hóa quan hệ giữa Cuba và Mỹ nếu không đạt được một thỏa thuận tốt hơn, tuy nhiên ông đã không đưa ra chi tiết về vấn đề này.

Trước đó một ngày, các đại diện của Cuba và Mỹ đã nhóm họp tại thủ đô La Habana (Cuba) để thảo luận về các khoản bồi thường kinh tế lẫn nhau. Trong thông cáo báo chí, hai bên cho biết sẽ tìm cách thúc đẩy các cuộc thảo luận vốn đã diễn ra trong hai hội nghị cấp cao trước đó và cải tiến các chi tiết kỹ thuật, cũng như phương pháp luận cho cuộc thảo luận mới này. Cuba và Mỹ tái thiết lập quan hệ ngoại giao một năm trước đây, kết thúc hơn nửa thế kỷ thù địch. Kể từ đó, hai nước đã ký thỏa thuận về môi trường, dịch vụ thư tín, an ninh và các chuyến bay thẳng. Tuy nhiên, bồi thường thiệt hại kinh tế là một trong những vấn đề nhạy cảm và gai góc nhất, ít khi được đề cập đến trong các cuộc đàm phán.

Ngoài ra, Mỹ và Cuba đã đạt được bước tiến quan trọng trong việc chấm dứt chính sách mở cửa kéo dài hàng thập niên của Mỹ đối với người di cư Cuba. Tuyên bố này được đưa ra ngay sau khi truyền thông Mỹ đưa tin Tổng thống B. Obama sẽ chấm dứt cái gọi là chính sách “chân ướt, chân ráo” đã áp dụng 20 năm qua với đảo quốc Caribe này.

Phát biểu trên truyền hình Cuba ngày 12-01, Chính phủ Cuba nêu rõ thỏa thuận này đã loại bỏ chính sách “chân ướt, chân ráo” vốn khuyến khích người Cuba nhập cư bất hợp pháp và đưa người di cư Cuba trái phép vào Mỹ. Theo chính sách này, người Cuba một khi đặt chân lên đất Mỹ sẽ được ở lại Mỹ, còn những người bị bắt trên biển sẽ bị trao trả lại chính quyền Cuba. Trong tuyên bố, Chính phủ Cuba nhận định việc dỡ bỏ chính sách này là nhằm bảo đảm sự an toàn, trật tự đối với việc di trú của người dân hai nước. Tuy nhiên, Chính phủ Cuba còn kêu gọi Quốc hội Mỹ nhanh chóng gỡ bỏ Đạo luật Điều chỉnh 1966, một biện pháp được thông qua dưới thời Tổng thống Mỹ Lyndon B. Johnson cho phép người Cuba tị nạn tại Mỹ có cơ hội trở thành công dân Mỹ sau 1 năm, vì cho rằng, chính sách này không phù hợp với bối cảnh quan hệ song phương. Chính phủ Cuba khẳng định tuân thủ nguyên tắc trong thỏa thuận về di cư giữa hai nước, trong đó có việc bảo đảm quyền đi lại và di trú của công dân nước này.

Việc Washington dỡ bỏ cái gọi là chính sách “chân ướt, chân ráo”, được thông qua vào năm 1955, được nhìn nhận là tín hiệu tích cực nữa trong nỗ lực hàn hắn quan hệ song phương trong hai năm qua sau khi Tổng thống B. Obama và Chủ tịch Cuba Raul Castro cùng tuyên bố bình thường hóa quan hệ ngoại giao. Động thái này cũng cho thấy nỗ lực của Tổng thống B. Obama trong việc thúc đẩy quan hệ song phương trước khi ông mãn nhiệm.

Dự báo kinh tế thế giới tăng trưởng khiêm tốn

 
 Ngân hàng Thế giới dự báo nền kinh tế thế giới trong năm 2017 đạt tăng trưởng 2,7%, và 2,9% trong năm 2018. Ảnh: IBTime UK

Ngày 10-01, Ngân hàng Thế giới (WB) đã đưa ra ra dự báo kinh tế toàn cầu sẽ phục hồi khiêm tốn trong những năm sắp tới trong bối cảnh giá dầu và hàng hóa thế giới đang dần hồi phục, cũng như tình hình kinh tế tại các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển được cải thiện.

Trong báo cáo “Triển vọng Kinh tế toàn cầu”, WB dự báo nền kinh tế thế giới trong năm 2017 đạt tăng trưởng 2,7%, cao hơn mức 2,3% trong năm 2016, và sẽ đạt 2,9% trong năm 2018. Báo cáo của WB cũng nhận định tăng trưởng của các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển sẽ lần lượt đạt 4,2% và 4,6% trong năm nay và năm 2018, tăng so với mức 3,4% trong năm ngoái. Những nền kinh tế này được đánh giá sẽ đóng góp 1,6% đối với tăng trưởng toàn cầu trong năm 2017, lần đầu tiên chiếm khoảng 60% tăng trưởng toàn cầu kể từ năm 2013. Trong đó, WB tiếp tục giữ mức dự báo đối với nền kinh tế Trung Quốc với mức tăng trưởng lần lượt đạt 6,5% và 6,3% trong năm 2017 và 2018. Nền kinh tế Ấn Độ cũng được dự báo đạt tăng trưởng 7,6% trong năm 2017, cao hơn 0,6% so với năm 2016, khi những biện pháp cải cách được triển khai giúp tăng năng suất lao động. Báo cáo cũng ghi nhận nền kinh tế Nga đã bước vào giai đoạn phục hồi từ sau cuộc khủng hoảng, nhờ việc đất nước này đã biết cách điều chỉnh các chính sách quản lý và đứng vững trong giai đoạn giá các nguyên liệu thô và dầu mỏ xuống thấp kỷ lục.

Trong khi đó, WB nhận định trong những năm tới, các nền kinh tế phát triển sẽ ghi nhận mức tăng trưởng khiêm tốn khi đều chỉ đạt 1,8% trong năm 2017 và năm 2018, tăng nhẹ so với mức 1,6% của năm 2016. Theo WB, các nền kinh tế phát triển tiếp tục chịu ảnh hưởng từ lạm phát thấp, cũng như sự bất ổn gia tăng trong các điều chỉnh chính sách của các nước. Cụ thể, WB dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ sẽ đạt 2,2% trong năm 2017 và 2,1% trong năm 2018, song lưu ý rằng, các chính sách của Mỹ sẽ có những thay đổi dưới Chính quyền mới của Tổng thống đắc cử D. Trump, qua đó tác động đến tăng trưởng của nền kinh tế đầu tàu thế giới. Theo ước tính của WB, việc triển khai toàn diện các đề xuất cắt giảm thuế của chính quyền mới sẽ giúp tăng trưởng GDP của Mỹ có thể đạt 2,2% - 2,5% trong năm 2017 và 2,5% - 2,9% trong năm 2018.

Mặc dù nhận định kinh tế Mỹ tăng trưởng mạnh sẽ là động lực lớn giúp thúc đẩy kinh tế toàn cầu, song WB cũng cảnh báo điều này có thể dẫn đến việc Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tiếp tục tăng lãi suất cơ bản và thắt chặt các điều kiện tài chính, qua đó tác động tiêu cực đến các nền kinh tế mới nổi vốn phụ thuộc chủ yếu vào tài chính bên ngoài. WB cũng kêu gọi các nền kinh tế phát triển đưa ra những chính sách tài chính mang tính hỗ trợ, trong khi các thị trường mới nổi cần phải bảo đảm sự cân bằng hợp lý giữa việc điều chỉnh tài chính, các biện pháp giảm thiểu sự tổn thương và các cải cách thúc đẩy tăng trưởng.

Iran và Nhóm P5+1 đánh giá việc thực thi thỏa thuận hạt nhân

 
 Iran và Nhóm P5+1 nhóm họp nhằm đánh giá việc thực thi thỏa thuận hạt nhân. Ảnh: TTXVN

Ngày 10-01, các nhà ngoại giao hàng đầu của Iran và Nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp và Đức) đã nhóm họp tại thủ đô Vienna (Áo) nhằm đánh giá việc thực thi thỏa thuận hạt nhân lịch sử mà hai bên ký kết hồi tháng 7-2015. Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh xuất hiện nhiều quan ngại về tương lai của thỏa thuận hạt nhân sau khi Tổng thống đắc cử Mỹ D. Trump, người từng nhiều lần tuyên bố sẽ xóa bỏ thỏa thuận này, và cựu Tổng thống Iran Akbar Hashemi Rafsanjani - nhân vật có đóng góp lớn cho thỏa thuận hạt nhân nói trên, vừa qua đời.

Đây cũng là cuộc họp thứ 4 giữa Iran và Nhóm P5+1 về vấn đề này kể từ khi thỏa thuận hạt nhân nói trên có hiệu lực từ tháng 01-2016. Cuộc họp diễn ra theo đề xuất của Tehran hồi tháng 12-2016 sau khi Mỹ gia hạn thêm 10 năm các lệnh trừng phạt chống lại nước cộng hòa Hồi giáo này. Iran cho rằng, việc Quốc hội Mỹ quyết định gia hạn Đạo luật Trừng phạt Iran (ISA) thêm 10 năm là vi phạm các điều khoản của thỏa thuận hạt nhân, hay còn được gọi là Kế hoạch Hành động Toàn diện Chung (JCPOA). Theo giới chức Iran, những biện pháp trừng phạt nói trên của Mỹ đã kiềm chế hoạt động giao thương của Tehran với thế giới bên ngoài, từ đó thu hẹp lợi ích kinh tế mà thỏa thuận hạt nhân mang lại cho nước này.

Trước đó, Tổng thống Iran Hassan Rouhani từng cam kết thỏa thuận trên sẽ mang lại nhiều lợi ích kinh tế cho Tehran, song thực tế đang khiến nhiều cử tri nước này thất vọng và điều đó sẽ tác động lớn đến nỗ lực tái tranh cử của ông Hassan Rouhani trong cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 5 tới. Nhằm xoa dịu những quan ngại về tương lai của thỏa thuận hạt nhân, Tổng thống Iran Hassan Rouhani cũng tuyên bố Iran sẽ không để Tổng thống đắc cử Mỹ D. Trump phá vỡ thỏa thuận mà Tehran và Nhóm P5+1 đạt được sau những vòng thương lượng căng thẳng.

Theo thỏa thuận đạt được hồi tháng 7-2015, Iran phải cắt giảm mạnh các hoạt động hạt nhân và chấp thuận các cuộc thanh sát mới để đổi lại việc được dỡ bỏ dần các biện pháp trừng phạt của phương Tây và quốc tế. Theo đó, Iran sẽ phải giảm 2/3 số máy li tâm được sử dụng để làm giàu urani, loại bỏ khả năng Tehran sử dụng nguyên liệu này để chế tạo bom nguyên tử. Cụ thể, trong vòng 15 năm, Iran chỉ được sở hữu không quá 300 kg urani làm giàu tối đa 3,67%. Nhà máy hạt nhân ở Arak cũng chỉ được sử dụng vào mục đích hòa bình. Mọi nhiên liệu hạt nhân phải được đưa ra khỏi Iran trong khi nhà máy này còn hoạt động. Đổi lại, cộng đồng quốc tế sẽ dỡ bỏ hầu hết các biện pháp trừng phạt Iran từ năm 2006 trong lĩnh vực thương mại, công nghệ, tài chính và năng lượng.

Hội nghị Cấp cao Pháp - châu Phi: Các nước châu Phi cần tự giải quyết vấn đề nội bộ

 
 Tổng thống Pháp F. Hollande phát biểu tại Hội nghị cấp cao Pháp - châu Phi.  Ảnh: rfi.fr

Ngày 14-11, Hội nghị cấp cao Pháp - châu Phi đã khai mạc tại thủ đô Bamako (Mali) với sự tham dự của gần 30 người đứng đầu nhà nước, chính phủ. Tại Hội nghị Thượng đỉnh lần này, các nhà lãnh đạo Pháp và châu Phi tập trung thảo luận về cuộc khủng hoảng di cư, cuộc chiến chống khủng bố tại khu vực, cũng như đánh giá tiến trình dân chủ, hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa Pháp và lục địa đen....

Tham gia Hội nghị, ngoài những nước châu Phi từng là “thuộc địa” của Pháp, còn có một số nước châu Phi nói tiếng Anh cũng có mặt. Bởi, một trong những nội dung quan trọng mà Hội nghị Mali lần này thảo luận là thúc đẩy hợp tác quân sự giữa Pháp và các nước châu Phi nhằm giúp “xóa bỏ” mối đe dọa của các nhóm Hồi giáo cực đoan và các cuộc tấn công khủng bố đang ngày càng tăng tại khu vực thời gian gần đây.

Các chuyên gia quân sự khu vực cho biết, kể từ Hội nghị Thượng đỉnh tại Paris vào năm 2013 đến nay, mỗi năm Pháp đã huấn luyện, đào tạo cho hơn 20.000 binh sỹ của các quốc gia châu Phi. Tại Hội nghị này, Pháp đưa ra cam kết nâng số lượng sĩ quan, binh sỹ của quân đội các nước châu Phi được Pháp huấn luyện và đào tạo lên khoảng 25.000 người mỗi năm trong giai đoạn 2017 - 2020. Theo các chuyên gia, việc tăng cường công tác đào tạo, huấn luyện quân sự cho các quốc gia châu Phi nhằm mục đích giảm thiểu sự tham gia, can thiệp quân sự trực tiếp của Pháp vào các cuộc xung đột ở châu Phi trong tương lai. Do vậy, Tổng thống Pháp F. Hollande đã kêu gọi các quốc gia châu Phi cần tập trung hơn nữa giải quyết các thách thức từ khủng bố, vấn đề di cư, quản trị đất nước, đặc biệt là tự đối phó những mối đe dọa an ninh ở cấp độ quốc gia và châu lục này. Mặc dù, Pháp đã quyết định rút toàn bộ lực lượng vũ trang ra khỏi Trung Phi và Mali nhưng nước này vẫn duy trì hơn 4.000 binh sỹ ở khu vực Sahel, bao gồm Mali, Nigeria, Niger, Chad, Sudan; duy trì các căn cứ quân sự tại Senegal, Djibouti và Gabon để tham gia vào cuộc chiến chống khủng bố ở khu vực này khi cần thiết.

Tại Hội nghị, các nhà lãnh đạo Pháp và châu Phi cũng tập trung thảo luận về vấn đề di cư từ châu Phi đến châu Âu, do vẫn chưa có dấu hiệu cải thiện đáng kể. Theo Tổng thống F. Hollande, vấn đề di cư từ châu Phi sang châu Âu, nhất là khu vực Sahel và cận Saharra châu Phi, đang đặt ra những thách thức lớn không những đối với châu Phi mà còn đối với châu Âu, nhất là Pháp. Năm 2016, các quốc gia châu Âu đã cam kết tăng viện trợ kinh tế và phát triển cho châu Phi với hy vọng hạn chế các dòng người di cư vì mục đích kinh tế. Theo các nguồn tin ngoại giao, Pháp sẽ công bố kế hoạch tăng viện trợ phát triển và cam kết cho vay cả gói đối với các quốc gia ở châu lục này, dự kiến lên tới 5,3 tỷ USD trong ba năm tới./.