TCCSĐT - Theo tuyên bố chính thức của Hội nghị cấp cao lần thứ 24 Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), các nhà lãnh đạo tái khẳng định “cam kết mở cửa thị trường và chống lại mọi hình thức của chủ nghĩa bảo hộ”.

Các nước OPEC nhất trí về thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu mỏ

 

OPEC đã sẵn sàng tiến tới một thỏa thuận “đầy thuyết phục” về việc cắt giảm sản lượng “vàng đen”. Ảnh: theguardian.com

Ngày 16-11-2016, sau một cuộc họp với Tổng Thư ký Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) Mohammed Barkindo diễn ra tại Thủ đô Caracas, Tổng thống Venzuela Nicolas Maduro khẳng định OPEC đã sẵn sàng tiến tới một thỏa thuận “đầy thuyết phục” về việc cắt giảm sản lượng “vàng đen”. Phát biểu trên truyền hình, Tổng thống ông N. Maduro nhấn mạnh các nước OPEC, trong đó có Nga, đã bày tỏ sẵn sàng ủng hộ quyết định của khối này nhằm đóng băng sản lượng dầu mỏ và sẽ cân nhắc các bước cụ thể trong tháng 11 để thực hiện mục tiêu trên. Theo nhà lãnh đạo Venezuela, thỏa thuận trên là cơ sở giúp dầu mỏ được duy trì ở mức giá hợp lý và phù hợp với tình hình thế giới. Hồi tháng 9 vừa qua, các nước thành viên OPEC đã lần đầu tiên kể từ năm 2008 nhất trí “đóng băng” sản lượng khai thác dầu mỏ nhằm ngăn đà lao dốc của giá dầu xuống chỉ còn một nửa trong 2 năm trở lại đây. Chi tiết của đề xuất này sẽ được hoàn tất tại cuộc họp của OPEC diễn ra vào cuối tháng này tại Vienna (Áo).

Cũng trong cuộc gặp trên, Tổng Thư ký OPEC M. Barkindo đã hoan nghênh nỗ lực đi đầu của Venezuela trong việc ổn định thị trường dầu mỏ trong bối cảnh giá thị trường dầu mỏ rơi vào khủng hoảng tồi tệ nhất trong 50 năm qua. Venezuela là một trong những nước sản xuất dầu thô lớn nhất thế giới và hiện nay quốc gia Nam Mỹ này, với sản lượng khai thác khoảng 2,5 triệu thùng/ngày. Nền kinh tế Venezuela đang lâm vào suy thoái nghiêm trọng do giá dầu giảm sâu trong thời gian dài. Dầu mỏ và khí đốt đóng góp tới 96% tổng kim ngạch xuất khẩu của Venezuela, song chỉ đạt 42,5 tỷ USD trong năm ngoái. Venezuela đã nhiều lần kêu gọi các nước OPEC cân nhắc giảm sản lượng, tuy nhiên đề xuất này đã vấp phải sự phản đối của nhiều nước xuất khẩu dầu mỏ lớn như Saudi Arabia. Giá dầu hiện đã hồi phục ở mức khoảng 45USD/thùng, nhưng thị trường dầu thế giới vẫn ở trong tình trạng bão hòa. Theo dự báo của OPEC, giá dầu sẽ chỉ tăng nhẹ dần từ nay đến năm 2021.

Đại hội các hãng thông tấn toàn thế giới lần thứ năm

 

Ảnh minh họa. Ảnh: sputniknews.com

Ngày 17-11-2016, Đại hội các hãng thông tấn toàn thế giới lần thứ năm đã bế mạc tại Thủ đô Baku của Azerbaijan. Trong thư gửi tới Đại hội, Tổng Thư ký Liên hợp quốc khẳng định truyền thông truyền thống và hiện đại có vai trò chính đối với pháp trị, quản trị tích cực và dân chủ. Các quốc gia thành viên của Liên hợp quốc khẳng định nguyên tắc này trong Chương trình Nghị sự 2030 về phát triển bền vững, được thông qua vào năm 2015, với mục tiêu vì hòa bình, thịnh vượng, nhân phẩm và cơ hội cho tất cả mọi người. Ông Ban Ki-moon cho rằng các hãng thông tấn có vai trò vô cùng quan trọng trong việc truyền đi thông tin chất lượng và kịp thời. Đề cập đến việc trong một thập kỷ qua ít nhất 827 nhà báo đã bị giết hại trong khi đang tác nghiệp ở những hoàn cảnh khác nhau không chỉ tại các khu vực chiến sự, ông Ban Ki-moon cũng cho rằng để xóa bỏ những mối đe dọa đối với các nhà báo cần có sự cam kết của tất cả các chính phủ trước tiên, và các cơ quan chức năng, trong đó có Liên hợp quốc.

Trước đó, trong hai ngày diễn ra Đại hội, các đại biểu đã đại diện các hãng thông tấn có 5 phiên thảo luận về các chủ đề, như tiêu thụ tin tức trong tương lai; các hãng thông tấn - thách thức và cơ hội của công nghệ mới và truyền thông xã hội; sáng kiến của các hãng thông tấn; đào tạo nhà báo cho truyền thông đa phương tiện trong tương lai và bảo vệ các nhà báo. Đại diện một số hãng thông tấn đã phát biểu về những vấn đề mà báo chí đang phải vượt qua trong thời kỳ chuyển đổi với tốc độ nhanh chưa từng có, các hình thức hợp tác, chia sẻ thông tin giữa các hãng thông tấn, các sáng kiến truyền thông mới, các nền tảng truyền thông xã hội và vai trò của các hãng thông tấn, thu hút, đào tạo nguồn nhân lực trẻ và khởi nghiệp với các sáng kiến truyền thông hiện đại, và bảo vệ nhà báo trong quá trình tác nghiệp. Việc hình thành NAWC là sáng kiến của Hãng thông tấn Nga TASS. Đại hội lần đầu tiên được tổ chức tại Moskva, Nga, vào tháng 9-2004. Các đại hội tiếp theo lần lượt được tổ chức tại Tây Ban Nha, Argentina và Saudi Arabia. WNAC lần thứ năm thu hút sự tham dự của 77 đại biểu từ 39 hãng thông tấn của 31 nước châu Á, 51 đại biểu từ 30 hãng thông tấn từ 23 nước châu Âu, 25 đại biểu đến từ 16 quốc gia châu Phi, 17 đại biểu đến từ 9 hãng thông tấn của Mỹ.

Diễn đàn An ninh quốc tế Halifax quan ngại về khả năng thay đổi trong NATO

 

Bộ trưởng Quốc phòng Canada Harjit Sajjan (trái) kêu gọi các đồng minh quân sự chủ chốt không nên quá lo lắng trước kế hoạch thay đổi NATO của ông Donald Trump. Ảnh: halifaxtheforum.org

Ngày 18-11-2016, Diễn đàn An ninh quốc tế Halifax đã khai mạc tại tỉnh duyên hải Nova Scotia, miền Đông Canada, với sự tham dự của các đoàn đại biểu đến từ 70 nước, trong đó có hàng chục Bộ trưởng Quốc phòng và lãnh đạo quân sự cấp cao. Diễn đàn An ninh quốc tế Halifax là một trong những hội nghị an ninh lớn nhất ở khu vực Bắc Mỹ và được coi là Shangri-La của Bắc Mỹ.

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Bộ trưởng Quốc phòng nước chủ nhà Harjit Sajjan và người đồng cấp Anh Michael Fallon kêu gọi các đồng minh quân sự chủ chốt không nên quá lo lắng trước kế hoạch của Tổng thống Mỹ mới đắc cử Donald Trump về việc sửa đổi những quy định trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Người đứng đầu Bộ Quốc phòng Anh khẳng định việc Tổng thống Mỹ ép các nước tăng thêm chi tiêu quân sự là điều “bình thường”, bởi bản thân NATO cũng đang tranh cãi về việc chia sẻ gánh nặng chi phí bảo vệ an ninh châu Âu. Tuy nhiên, Bộ trưởng M. Fallon hy vọng “Chính phủ mới tại Mỹ sẽ đánh giá đúng tầm quan trọng của các tổ chức và liên minh quốc tế, bao gồm cả liên minh NATO, để có thể giữ hòa bình cho châu Âu và thế giới”. Về phần mình, Bộ trưởng Quốc phòng Canada chỉ khẳng định nước này sẽ tiếp tục đóng góp cho NATO, song không cho biết có kế hoạch tăng thêm trong thời gian tới hay không. Hiện tại Canada là nước có mức chi tiêu quân sự thấp nhất trong NATO với tỷ lệ 1% tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Theo quy định của NATO, các nước thành viên phải chi tối thiểu 2% GDP cho ngân sách quốc phòng. Phát biểu họp báo sau khi khai mạc Diễn đàn Halifax, Chủ tịch Diễn đàn, Peter Van Praagh bày tỏ hy vọng các đại biểu sẽ có các cuộc thảo luận “gai góc và thẳng thắn” về những tình hình có thể thay đổi trong thời gian tới.

Hội nghị APEC 2016: Lãnh đạo các nước châu Á - Thái Bình Dương cam kết chống chủ nghĩa bảo hộ

 

Các nhà lãnh đạo APEC tái khẳng định “cam kết mở cửa thị trường và chống lại mọi hình thức của chủ nghĩa bảo hộ”. Ảnh: rappler.com

Ngày 20-11-2016, Hội nghị cấp cao lần thứ 24 Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) đã bế mạc ở Thủ đô Lima của Peru. Theo tuyên bố chính thức của APEC, các nhà lãnh đạo tái khẳng định “cam kết mở cửa thị trường và chống lại mọi hình thức của chủ nghĩa bảo hộ”. Bên cạnh đó, các lãnh đạo cũng tuyên bố “chống lại những nhân vật theo chủ nghĩa bảo hộ và các biện pháp ảnh hưởng đến thương mại tự do, các nhân tố sẽ làm suy yếu thương mại và cản trở sự phục hồi cũng như phát triển của kinh tế thế giới”. Các nước cũng cam kết tránh hạ giá đồng tiền nội địa nhằm tăng tính cạnh tranh trong thương mại quốc tế.

Sự đi lên của chủ nghĩa bảo hộ theo sau sự kiện người dân Anh bỏ phiếu ủng hộ Anh rời Liên minh châu Âu (EU), hay gọi là Brexit, và việc ông Donald Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vừa qua đã khiến nhiều quốc gia quan ngại. Trong quá trình tranh cử, ông D. Trump từng phản đối mạnh mẽ Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Tỷ phú bất động sản cảnh báo sẽ “khai tử” hoặc cho đàm phán lại TPP cũng như nhiều hiệp định thương mại khác mà Mỹ đang tham gia. Tuy nhiên, phát biểu cùng ngày tại Lima, Tổng thống Mỹ Barack Obama cho biết, lãnh đạo các nước châu Á - Thái Bình Dương đã nhất trí sẽ tiếp tục thúc đẩy các nỗ lực thông qua thỏa thuận thương mại này. TPP có sự tham gia của Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Mỹ và Việt Nam. Thỏa thuận này đã chính thức được các bộ trưởng từ 12 quốc gia trên ký kết hồi tháng 02-2016 sau hơn 5 năm đàm phán. TPP hiện đang ở trong giai đoạn 2 năm chờ đợi Quốc hội các nước thành viên phê chuẩn. Tuy nhiên, triển vọng của thỏa thuận này tại Washington trở nên khá mờ mịt sau khi ứng cử viên kịch liệt phản đối TPP là ông D. Trump đắc cử Tổng thống Mỹ./.