Luật Sở hữu trí tuệ: một số điều, khoản cần được quy định sát thực và cụ thể hơn
TCCSĐT - Sáng nay, 1-6, bước sang ngày làm việc thứ mười một, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ. Về cơ bản, các đại biểu Quốc hội nhất trí với Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội về dự án Luật này. Tuy nhiên, một số nội dung của dự án vẫn còn có những ý kiến chưa thống nhất.
Trước khi thảo luận ở tổ và ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh, thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, trình bày Tờ trình dự án luật này vào ngày 22-5. Cũng trong ngày 22-5, Quốc hội đã nghe Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, do Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Văn Thuận trình bày. Báo cáo nhấn mạnh: Ủy ban Pháp luật tán thành việc nghiên cứu, nội luật hóa những quy định của Điều ước quốc tế về sở hữu trí tuệ mà Việt Nam là thành viên. Tuy nhiên, nội luật hóa như thế nào thì cần được cân nhắc để vừa đáp ứng được yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế, vừa phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, bảo đảm cân bằng lợi ích giữa chủ sở hữu trí tuệ, công chúng thụ hưởng và Nhà nước.
Ủy ban Pháp luật đề nghị việc sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ lần này cần tập trung vào một số nội dung liên quan trực tiếp đến các cam kết quốc tế đa phương của Việt Nam, những vấn đề thật sự bất cập trong quá trình thực thi Luật và các quy định về kỹ thuật có ảnh hưởng đến nội dung Luật.
Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ cũng đã được các đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ vào ngày 25-5. Các ý kiến phát biểu nhấn mạnh, các quy định của pháp luật về quyền sở hữu trí tuệ đã thật sự đi vào cuộc sống, bảo hộ thành quả của lao động sáng tạo, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa người sáng tạo, nhà sử dụng và công chúng thụ hưởng; bảo vệ được lợi ích quốc gia và tương thích với luật pháp quốc tế.
Trong buổi thảo luận sáng nay (1-6) ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, các đại biểu Quốc hội cơ bản nhất trí với Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội về dự án Luật này. Đặc biệt, các đại biểu nhấn mạnh, cần tăng cường quản lý nhà nước và điều chỉnh chức năng quản lý nhà nước về lĩnh vực bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Đồng thời, cần điều chỉnh nhiều điều khoản của Luật để tương thích với luật pháp quốc tế về lĩnh vực này, tránh có những quy định quá nghiêm khắc và cứng rắn, làm ảnh hưởng đến quan hệ hợp tác phát triển quốc tế và lợi ích của đối tượng quyền sở hữu trí tuệ trong nước.
Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, một số điều, khoản của dự án cần được quy định sát thực và cụ thể, rõ ràng hơn nữa, đó là:
- Về thời hạn bảo hộ quyền tác giả (Điều 27), quy định hiện hành là 50 năm, dự án sửa đổi nâng lên 75 năm là quá dài, khó thực hiện, không sát với thực tế trong nước và vượt quá quy định của luật pháp quốc tế (Công ước Berne quy định là từ 25 đến 50 năm; Công ước Giơ-ne-vơ quy định là 20 năm). Cần căn cứ vào tính đặc thù của từng lĩnh vực bảo hộ quyền tác giả để có quy định thời hạn bảo hộ thích hợp cho từng lĩnh vực; không nên áp dụng thời hạn 50 năm hay 70 năm cho tất cả các lĩnh vực bảo hộ quyền tác giả.
- Về thời hạn xử lý đơn đăng ký sở hữu công nghiệp (Điều 119), dự án sửa đổi, nâng lên 18 tháng đối với đơn đăng ký sáng chế; 9 tháng đối với đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý là quá dài, không thích hợp, nhất là khi chúng ta đang thực hiện đẩy mạnh cải cách hành chính. Nên giữ nguyên quy định hiện hành: 12 tháng đối với đơn đăng ký sáng chế; 6 tháng đối với đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý.
- Về giám định sở hữu trí tuệ (Điều 201), dự án cần có quy định cụ thể hơn nữa, chẳng hạn như các cơ quan, tổ chức, cá nhân được thực hiện hoạt động giám định về sở hữu trí tuệ phải có đủ uy tín, phẩm chất, năng lực, trình độ chuyên môn. Mặt khác, nên có quy định về việc xã hội hóa giám định sở hữu trí tuệ, chẳng hạn như cho phép có sự kết hợp giữa các trung tâm giám định công lập với các tổ chức, cá nhân khác có đủ điều kiện tham gia công việc giám định.
- Về xử phạt hành chính (Điều 214): Tại khoản 4, Điều 214 của dự án có đoạn ghi: “Trường hợp giá trị hàng hoá vi phạm đã phát hiện được vượt quá mức phạt tối đa theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính thì mức tiền phạt quy định tại điểm b khoản 1 Điều này được ấn định ít nhất bằng giá trị hàng hoá vi phạm đã phát hiện được và nhiều nhất không vượt quá năm lần giá trị hàng hoá vi phạm đã phát hiện được...”. Quy định như vậy là chưa thực sự chặt chẽ và hợp lý, chưa mang tính răn đe cao, bởi vì, trên thực tế, có những trường hợp giá trị hàng hoá vi phạm chưa phát hiện được là rất cao, cao gấp rất nhiều lần so với giá trị hàng hoá vi phạm đã phát hiện được. Mặt khác, mức phạt tối đa là 500 triệu đồng vẫn còn thấp, chưa sát thực tế, bởi vì có nhiều trường hợp giá trị hàng hoá vi phạm đã phát hiện được là rất cao, cao gấp nhiều lần 500 triệu đồng.
- Về sử dụng tác phẩm đã công bố (Điều 26), quy định của dự án cần thông thoáng hơn, như không nhất thiết phải xin phép tác giả khi sử dụng tác phẩm đã công bố, nhưng nhất thiết phải trả nhuận bút, thù lao cho tác giả./.
Thông cáo số 11 Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XII  (01/06/2009)
Khó mấy cũng thành công khi dân được làm chủ  (01/06/2009)
Nỗ lực vượt qua ảnh hưởng của suy thoái kinh tế thế giới  (01/06/2009)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay