Căng thẳng quan hệ Nga - Gru-di-a

Đoàn Thị Trung
11:01, ngày 06-05-2008

Mối quan hệ Nga - Gru-di-a vốn căng thẳng kể từ sau cuộc “cách mạng nhung” năm 2003 nay đã leo thêm một nấc mới, khi Nga quyết định tăng cường quan hệ với hai vùng lãnh thổ đang đòi độc lập Áp-kha-di-a và Nam Ô-xê-ti-a thuộc Gru-di-a và tuần qua, lại triển khai thêm binh sĩ thuộc lực lượng gìn giữ hòa bình tập thể đến khu vực này. Còn tại Tbi-li-xi, Thứ trưởng ngoại giao nước này đã được cử tới Brúc-xen (Bỉ) để tham vấn NATO và kêu gọi "thông qua các biện pháp khẩn cấp để ngăn chặn cuộc tấn công chống Gru-di-a".

Căng thẳng trong quan hệ Nga-Gru-di-a bắt đầu leo thang từ ngày 16-4, khi Bộ Ngoại giao Nga ra thông báo về quyết định của Mát-xcơ-va, tăng cường hợp tác với các Chính quyền khu vực Áp-kha-di-a và Nam Ô-xê-ti-a trong các lĩnh vực thương mại, kinh tế, xã hội và khoa học; đồng thời xem xét việc cung cấp dịch vụ lãnh sự cho người dân ở hai khu vực này. Đại sứ Nga tại Gru-di-a khẳng định, quyết định của Tổng thống Nga xuất phát mục đích đảm bảo lợi ích cho người dân ở Áp-kha-di-a và Nam Ô-xê-ti-a do ở đó có nhiều người Nga sinh sống. Thông báo tuy không đề cập đến việc Nga công nhận nền độc lập của hai khu vực này nhưng đã gây nên làn sóng chỉ trích từ phía Gru-di-a.

Ngay sau thông báo của Bộ Ngoại giao Nga, Tổng thống Gru-di-a M.Xa-át-cát-vi-li đã triệu tập phiên họp khẩn cấp Hội đồng an ninh quốc gia thảo luận động thái trên của Nga. Bộ Ngoại giao nước này ra tuyên bố cáo buộc Nga âm mưu thôn tính các lãnh thổ ly khai ở Gru-di-a, gây mất ổn định tình hình tại khu vực; đồng thời khẳng định Gru-di-a sẽ sử dụng mọi công cụ chính trị, ngoại giao và pháp lý để ngăn chặn. Và công cụ ngoại giao của Gru-di-a chính là việc Tbi-li-xi lập tức có cuộc thảo luận khẩn cấp với NATO nhằm gây áp lực quốc tế đòi Nga từ bỏ kế hoạch tăng cường quan hệ với hai khu vực ly khai của Gru-di-a.

Căng thẳng Nga - Gru-di-a tăng thêm khi cuộc khẩu chiến giữa hai bên đã được thể hiện bằng hành động

Nga đã triển khai thêm quân tới khu vực Áp-kha-di-a sau khi tuyên bố họ có bằng chứng cho thấy Gru-di-a lên kế hoạch tấn công Áp-kha-di-a. Để trả đũa cho việc này, Gru-di-a tuyên bố sẽ ngừng các cuộc đàm phán với Nga về việc Mát-xcơ-va gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới; đồng thời Gru-di-a đề nghị Liên hợp quốc tăng thêm quan sát viên đến vùng lãnh thổ Áp-kha-di-a để giám sát hoạt động của Nga triển khai thêm lực lượng gìn giữ hòa bình tập thể tại đây, mà Gru-di-a nghi ngờ "phía Nga đã có sự vi phạm về số lượng quân và chủng loại vũ khí được phép triển khai ở Áp-kha-di-a".

Căng thẳng nối tiếp căng thẳng khi phía Gru-di-a cáo buộc, máy bay không người lái của họ đã bị bắn hạ trên vùng trời Áp-kha-di-a bởi máy bay MiG-29 của Nga, trong khi Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố không liên quan gì đến vụ việc này. Ngược lại, Nga cáo buộc Gru-di-a đã làm cho tình hình căng thẳng thêm khi cho máy bay do thám xâm nhập Áp-kha-di-a- khu vực đang nằm dưới sự kiểm soát và giám sát của Liên hợp quốc cùng Lực lượng gìn giữ hòa bình tập thể của Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG).

Tình hình trở nên phức tạp hơn khi hết NATO, rồi đến Liên minh châu Âu lên tiếng can thiệp vào sự việc này. NATO cho rằng, xét về mặt kỹ thuật, việc Nga tăng thêm quân là bình thường, nhưng trên thực tế hành động này đã khiến căng thẳng leo thang. Trong khi đó phía Nga cho rằng, việc gửi thêm quân Nga đến Áp-kha-di-a không vi phạm bất cứ thoả hiệp nào.

Tháo chuông cần tìm người treo nó

Hai mươi năm qua, kể từ khi Áp-kha-di-a và Nam Ô-xê-ti-a tự tách ra khỏi Gru-di-a, vấn đề của hai khu vực này luôn là điểm nóng trong quan hệ Nga - Gru-di-a. Mối quan hệ này trở nên căng thẳng kể từ sau khi ông Xa-át-cát-vi-li được bầu làm Tổng thống Gioóc-gi-a (Georgia) sau cuộc "Cách mạng nhung" năm 2003 và tiến hành chính sách thân phương Tây trong đó, có kế hoạch đưa Gru-di-a gia nhập NATO.

Chính sách này của Tbi-li-xi khiến Mát-xcơ-va lo ngại vì dẫn đến mất cân bằng địa chiến lược, đe dọa an ninh của Nga. Và đây cũng chính là nguyên nhân dẫn tới quyết định ngày 16-4 vừa qua của Nga, huỷ bỏ những hạn chế mà Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG) áp dụng từ năm 1996 về việc các nước thành viên SNG không được có quan hệ về mặt nhà nước với Áp-kha-di-a và Nam Ô-xê-ti-a trên các lĩnh vực kinh tế, thương mại, tài chính, vận tải và nhiều lĩnh vực khác.

Quyết định tăng cường hợp tác với hai khu vực Áp-kha-di-a và Nam Ô-xê-ti-a được Nga đưa ra chỉ 2 tuần sau khi các lãnh đạo NATO cam kết sẽ nhận Gru-di-a làm thành viên, dù Tbi-li-xi chưa được trao kế hoạch chuẩn bị gia nhập khối này. Nó cũng diễn ra tiếp sau việc nhiều nước phương Tây công nhận tuyên bố độc lập của Cô-xô-vô bất chấp sự phản đối của Nga và Xéc-bi-a.

Mộ mũi tên trúng nhiều đích

Việc Nga tăng cường ảnh hưởng đối với hai khu vực đang đòi li khai này không khó, bởi Gru-di-a đã mất quyền kiểm soát trên thực tế hai vùng lãnh thổ này từ đầu những năm 90 sau khi Liên Xô tan rã. Hơn nữa, quyết định của Tổng thống Nga lại được đại diện chính quyền Áp-kha-di-a và Nam Ô-xê-ti-a tích cực đón nhận, coi đây là một bước tiến tới việc giành quyền độc lập.

Mặc dù Bộ Ngoại giao Nga nói rằng quyết định của Mát-xcơ-va không có nghĩa Nga lựa chọn giải pháp đối đầu với Gru-di-a, mà chỉ nhằm đảm bảo lợi ích cho người dân ở Áp-kha-di-a và và Nam Ô-xê-ti-a, và cả những công dân Nga đang sinh sống tại 2 khu vực này nhưng những động thái trên đã khiến quan hệ Nga-Gru-di-a hiện ở mức thấp nhất từ trước đến nay.

Với việc tăng cường thêm quân tại Áp-kha-di-a, Nga đã bắn đi một mũi tên trúng nhiều đích. Mặc dù Áp-kha-di-a và Nam Ô-xê-ti-a có diện tích không lớn, nhưng Nga đã củng cố được khu vực phía Nam của mình trước kế hoạch Đông tiến của NATO. Thêm nữa, động thái này của Nga cũng muốn phương Tây thấy cái giá đang phải trả cho việc áp dụng tiêu chuẩn kép trong quan hệ đối ngoại và cũng nhắc nhở Gru-di-a trong việc coi trọng quan hệ láng giềng để cân bằng Đông - Tây ./.