Ngày 5-5, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, Trưởng ban Cải cách tư pháp Trung ương và đại diện các ngành tư pháp Trung ương đã làm việc với Thành phố Hồ Chí Minh về việc thực hiện Nghị quyết 49-NQ/TƯ của Bộ Chính trị. Cùng dự có các đồng chí: Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy; Lê Hoàng Quân, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND thành phố; Nguyễn Văn Đua, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Trưởng ban Chỉ đạo cải cách tư pháp của thành phố và đại diện các sở, ngành của Thành phố.

Báo cáo với Chủ tịch Nguyễn Minh Triết và đại diện các ngành tư pháp Trung ương việc thực hiện Nghị quyết 49-NQ/TƯ của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, các đồng chí lãnh đạo Thành phố cho biết: Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đã chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, đảm bảo yêu cầu, nội dung, quy trình và tiến độ quy định của Trung ương.

Trong hai năm qua, công tác cải cách tư pháp tại Thành phố Hồ Chí Minh đã có những chuyển biến tích cực từ nhận thức đến tổ chức thực hiện, từ tổ chức cán bộ đến thực hành công tác tố tụng. Với tinh thần trách nhiệm, ý thức tự giác các ngành tư pháp thành phố đã hoàn thành tốt nhiệm vụ, giải quyết kịp thời các vụ án. Chất lượng các vụ điều tra, truy tố, xét xử có chuyển biến tích cực, đảm bảo đúng quy định pháp luật, trong đó, chất lượng xét xử từng bước được nâng lên, chưa xảy ra việc xử oan. Theo ông Bùi Hoàng Danh, Chánh án Tòa án Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, năm 2007, Toà án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã xét xử 36.000 vụ án trong tổng số 41.000 vụ thụ lý, chiếm 1/4 lượng án cả nước. Chất lượng xét xử tăng đáng kể: Tỷ lệ án hủy do lỗi chủ quan của thẩm phán từ 2,05% của những năm trước đã giảm xuống chỉ còn 0,48%; án sửa từ 5,86% giảm xuống còn 0,99%. Trong những khó khăn của ngành tư pháp thì khó khăn lớn nhất là thiếu hụt cán bộ trầm trọng và càng khó khăn hơn khi tình trạng “chảy máu chất xám” vẫn diễn ra. Riêng Cơ quan thi hành án Thành phố Hồ Chí Minh thời gian gần đây có hơn 50 cán bộ xin ra khỏi ngành với lý do chủ yếu là thu nhập thấp trong khi công việc nặng nề, trách nhiệm cao.

Phát biểu trong buổi làm việc, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, Trưởng ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương đã nêu rõ: Việc thực hiện Nghị quyết 49-NQ/TƯ của Bộ Chính trị về “Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020” là hướng đến việc củng cố, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tiến tới việc xây dựng thành công mô hình nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở nước ta”. Chủ tịch nước đánh giá Thành phố Hồ Chí Minh là một trong những địa phương triển khai thực hiện Nghị quyết 49-NQ/TƯ của Bộ Chính trị một cách nghiêm túc, toàn diện và có hiệu quả, làm đầu tàu để các địa phương khác noi theo. Chủ tịch nước đánh giá cao nhũng nỗ lực của Ban cải cách tư pháp Thành phố và các cơ quan tư pháp Thành phố đã có nhiều cố gắng tập trung giải quyết khối lượng lớn công việc có nhiều phức tạp, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần giữ vững ổn định trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn có số dân đông nhất cả nước (hơn 8 triệu người) đồng thời được coi là “vùng trũng” của tội phạm. Việc củng cố kiện toàn tổ chức bộ máy, đào tạo bồi dưỡng, sắp xếp cán bộ khá toàn diện. Tính bình đẳng, dân chủ trong hoạt động tố tụng được đảm bảo, chất lượng tranh tụng tại phiên tòa được nâng cao. Việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực tư pháp dần đi vào nề nếp…Chủ tịch nước cũng đã chỉ rõ những yếu kém cần khắc phục đó là, tỷ lệ khám phá án chưa cao, án tồn chưa được khắc phục một cách triệt để; đội ngũ cán bộ tư pháp tuy được tăng cường nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu; cơ sở vật chất và phương tiện làm việc còn thiếu…

Nói về nhiệm vụ trong thời gian tới, Chủ tịch nước yêu cầu, Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục quán triệt sâu sắc triển khai tới các cấp, các ngành Nghị quyết 49-NQ/TƯ, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về công tác cải cách tư pháp. Về tình trạng cơ sở tạm giam, tạm giữ còn thiếu, Thành phố Hồ Chí Minh nghiên cứu và có kiến nghị với Trung ương theo hướng giảm tối đa các hình phạt tù, tăng hình phạt tiền, nhất là đối với các án về kinh tế; nghiên cứu hình thức nộp tiền để đuợc tại ngoại của một số nước đang áp dụng. Như vậy vừa để giảm bớt gánh nặng cho các cơ quan tư pháp, vừa có tác dụng răn đe , nhất là có thể khôi phục lại sự tổn hại về vật chất và tài sản đã gây ra. Xác định “Tòa án phải là khâu trung tâm của quá trình cải cách tư pháp. Xét xử là khâu trọng tâm của toàn bộ hoạt động tư pháp”. Các hoạt động khác của tiến trình tư pháp như điều tra, kiểm sát, truy tố… nếu có sai phạm vẫn có thể khắc phục được và ít để lại hậu quả nhưng nếu xét xử sai hậu quả để lại rất lớn có khi không thể phục hồi nguyên trạng được.

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết nhấn mạnh: là một địa bàn trọng điểm phức tạp về tình hình an ninh, trật tự xã hội, ngành tư pháp thành phốcần nhanh chóng xây dựng đội ngũ vững mạnh,nâng cao chất lượng công tác từ điều tra, khởi tố, đến việc xét xử, thi hành án; phải xử án đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Để ngăn chặn tình trạng án tồn đọng, oan sai, cần đẩy mạnh công tác tranh tụng tại tòa và vai trò của luật sư trong quá trình tố tụng, cần nghiên cứu, đề xuất chính sách, chế độ hợp lý đối với đội ngũ cán bộ tư pháp, thiết lập một cơ chế tuyển chọn, bồi dưỡng và đào tạo một cách bài bản lực lượng này, chú ý đào tạo một đội ngũ cán bộ am hiểu luật pháp quốc tế, ngoại ngữ chuyên ngành và kiến thức về hội nhập quốc tế.

Thành phố cần làm tốt công tác xây dựng Đảng trong các cơ quan tư pháp, một trong những vấn đề then chốt của cai cách tư pháp là tăng cường công tác xây dựng Đảng trong các cơ quan bảo vệ pháp luật.Tổ chức cơ sở Đảng có trong sạch, vững mạnh thì mới có cán bộ tốt, khi đó công tác khởi tố, điều tra, xét xử, thi hành án mới bảo đảm khách quan, đúng người, đúng tội và đúng pháp luật. Chú trọng việc rèn luyện, nâng cao phẩm chất chính trị, bản lĩnh chính trị, đạo đức, lối sống của đội ngũ cán bộ tư pháp, cán bộ bổ trợ tư pháp. Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết nhấn mạnh: là một thành phố lớn, có tiềm lực mạnh về kinh tế, có đội ngũ cán bộ năng động sáng tạo, Thành phố Hồ Chí Minh cầnđi trước trong mọi lĩnh vực, trong đó phải đi trước một bước trong cải cách tư pháp./.