TCCSĐT - Vừa qua, Xinh-ga-po phóng thành công vệ tinh đầu tiên mang tên “X-Sat” lên quỹ đạo từ Trung tâm Nghiên cứu hàng không-vũ trụ Xa-tít Đao-an (Satish Dhawan) của Ấn Độ. Với việc phóng thành công vệ tinh “X-Sat”, Xinh-ga-po trở thành một trong những nước đầu tiên ở Đông Nam Á hoàn toàn tự nghiên cứu và chế tạo vệ tinh tại các cơ sở khoa học và công nghệ trong nước.

Vệ tinh “X-Sat”, nặng 105kg, được tên lửa mang Isro's Polar (PSLV-C16) đưa lên quỹ đạo và đang thiết lập thông tin liên lạc với bộ phận kiểm soát mặt đất bố trí tại Đại học Công nghệ Nan-giang (Nanyang) của Xinh-ga-po. “X-Sat” có chức năng chụp hình để đo độ ăn mòn đất và thay đổi môi trường trên trái đất. Đây là sản phẩm do Đại học Công nghệ Nan-giang và một viện nghiên cứu thuộc Bộ Quốc phòng Xinh-ga-po phối hợp thiết kế và chế tạo trong hơn 9 năm. Trước đây, những vệ tinh được Xinh-ga-po phóng lên quỹ đạo đều được chế tạo với sự hỗ trợ của các công ty nước ngoài. Còn hiện nay, Xinh-ga-po đã hoàn toàn độc lập toàn bộ chu trình nghiên cứu và chế tạo vệ tinh.

Thành công này của Xinh-ga-po xuất phát từ chiến lược phát triển Xinh-ga-po nói chung và chiến lược phát triển công nghiệp quốc phòng nói riêng rất độc đáo của ông Lý Quang Diệu, thủ tướng đầu tiên của quốc gia này. Thủ tướng Xinh-ga-po Lý Quang Diệu đã có câu nói rất nổi tiếng, phản ánh tư duy độc đáo của ông: “Trong một thế giới cá lớn nuốt cá bé, cá bé nuốt tôm, thì Xinh-ga-po phải là một con tôm độc”.

Khi tách khỏi Liên bang Ma-lai-xi-a năm 1965, Xinh-ga-po chỉ có một quân đội khiêm tốn, vẻn vẹn 1 tiểu đoàn với 50 sĩ quan và 1.000 binh sỹ. Khả năng phòng thủ quốc gia lúc này chủ yếu dựa vào quân đồn trú Anh còn đóng tại đây. Nhưng đến năm 1967, sự kiện Anh tuyên bố rút quân khỏi Xinh-ga-po đặt nước này trước tình thế phải tự phát triển nền quốc phòng để tự bảo vệ an ninh quốc gia. Nền công nghiệp quốc phòng Xinh-ga-po ra đời trong bối cảnh ấy.

Khi mới hình thành, các xí nghiệp công nghiệp quốc phòng của Xinh-ga-po được xây dựng trên cơ sở các công ty sản xuất và sửa chữa hàng quân dụng của quân đội Anh để lại. Đến nay, công nghiệp quốc phòng Xinh-ga-po đã phát triển thành một hệ thống gần 50 doanh nghiệp, sử dụng hơn 10.000 nhân công, được tổ chức theo mô hình tập trung ba cấp, gồm tổng công ty (tập đoàn công ty); công ty (công ty mẹ); công ty phối thuộc (công ty con).

Thông thường, nhiều nước có chính sách trợ gía cho nền công nghiệp quốc phòng trong nước cho dù chất lượng hay giá thành có thể kém hơn và giá đắt hơn so với sản phẩm cùng loại của nước ngoài. Nhưng Xinh-ga-po đã không đi theo lối mòn đó. Chính phủ Xinh-ga-po thúc đẩy nền công nghiệp quốc phòng phát triển bằng luật cạnh tranh của nền kinh tế thị trường. Trong đó, quân đội được phép lựa chọn nguồn mua vũ khí trang bị, tùy thuộc vào chất lượng và giá cả, bất luận đó là nguồn trong hay ngoài nước. Với cách làm này, nền công nghiệp quốc phòng trong nước phải tự nỗ lực nghiên cứu và phát triển để tồn tại. Đây chính là chìa khoá của sự thành công. Nhưng để “thả nổi” ngành công nghiệp quốc phòng được như vậy, chính phủ Xinh-ga-po đã thực hiện chính sách thích hợp để xây dựng được những tiền đề ban đầu nhất định cho nền công nghiệp quốc phòng trong nước, giúp ngành này có khả năng đứng được trước thử thách của cạnh tranh. Chính sách đó gồm ba nội dung cơ bản

Một là, đầu tư ban đầu thích đáng về tài chính và kỹ thuật. Trong 7 năm đầu (1967-1974), Chính phủ Xinh-ga-po bỏ tiền ra mua các cơ sở công nghiệp quốc phòng của quân đội Anh để lại, sau đó sắm thêm thiết bị hiện đại, tổ chức lại nhân lực, ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất. Phần lớn các cơ sở công nghiệp quốc phòng chủ chốt đều được đầu tư ban đầu theo kiểu này, điển hình là các công ty hàng không vũ trụ và hàng hải Xinh-ga-po.

Hai là, khuyến khích hợp tác liên doanh với nước ngoài. Những cơ sở liên doanh được Chính phủ Xinh-ga-po miễn thuế 5 năm đầu và nộp mức thuế ưu đãi trong nhiều năm tiếp theo. Đến nay, các cơ sở công nghiệp quốc phòng của Xinh-ga-po đều liên doanh hợp tác với nước ngoài ở những mức độ khác nhau. Nhờ vậy, các cơ sở này được sự hỗ trợ đắc lực về vốn, tiếp cận các công nghệ mới để tạo ra năng lực tổng hợp cần thiết về trình độ kỹ thuật, chất lượng sản phẩm và uy tín kinh doanh, đảm bảo sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và nước ngoài. Hiện nay, doanh số thu được từ các mặt hàng xuất khẩu chiếm một tỷ trọng đáng kể trong các cơ sở công nghiệp quốc phòng của Xinh-ga-po.

Điển hình là công ty Hàng không vũ trụ Xinh-ga-po đã thu được hơn 30% doanh số từ các mặt hàng xuất khẩu sang các nước châu Á và Mỹ. Trong liên doanh hợp tác, Chính phủ Xinh-ga-po ưu tiên nhập khẩu công nghệ cao, tốn ít vật liệu và nhân công, hiệu quả cao. Như vậy, vừa phát huy được ưu thế về sự khéo léo, trình độ học vấn cao của lực lượng lao động trong nước, vừa giảm thiểu được hạn chế cơ bản của Xinh-ga-po là nghèo nàn tài nguyên và eo hẹp về mặt bằng sản xuất. Khi nhập khẩu công nghệ cao, Xinh-ga-po không tham vọng nhập khẩu với quy mô lớn để chế tạo trọn gói các hệ thống vũ khí, mà ưu tiên lựa chọn những công nghệ chế tạo các chi tiết nhỏ nhưng có tính then chốt trong một hệ vũ khí.

Một điều đáng chú ý là việc lựa chọn đối tác. Xinh-ga-po luôn dành ưu tiên cho những đối tượng có tiềm năng dồi dào về tài chính, ưu thế về kỹ thuật, uy tín cao và giàu kinh nghiệm trong thương mại. Các đối tác này là chỗ dựa chắc chắn cho các doanh nghiệp công nghiệp quốc phòng nội địa, vì các đề án liên doanh sẽ có tính khả thi cao. Với các sản phẩm công nghệ cao của công nghiệp quốc phòng Xinh-ga-po được xuất khẩu sang thị trường Mỹ và Tây Âu đã khẳng định, Xinh-ga-po là 1 trong 10 nước xuất khẩu vũ khí công nghệ cao và thành công của cách làm khá độc đáo của quốc gia này.

Ba là, mở rộng sản xuất hàng dân dụng ở quy mô thích hợp. Sản xuất và xuất khẩu vũ khí là đồng nghĩa với cạnh tranh cùng các nước tiên tiến trên thế giới. Bởi vậy, sự thăng trầm trên lĩnh vực kinh doanh này là tất yếu. Khi thị trường vũ khí mất ổn định, các mặt hàng dân dụng là khâu đệm, có tác dụng điều hoà doanh thu, giúp cho doanh nghiệp đứng vững. Hiện nay, tỷ trọng doanh thu trung bình từ các mặt hàng dân dụng trong các cơ sở công nghiệp quốc phòng Xinh-ga-po vào khoảng 30%. Đây là tỷ lệ đáng kể, vô cùng quan trọng. Công nghiệp quốc phòng Xinh-ga-po đã thoát khỏi khó khăn do thị trường vũ khí bất ổn sau “chiến tranh lạnh” là nhờ cách đi này. Trong tương lai, các cơ sở công nghiệp quốc phòng sẽ mở rộng quy mô sản xuất các mặt hàng dân dụng lớn hơn để đạt được tỷ trọng doanh thu khoảng 50%.

Bốn là, tư nhân hoá các cơ sở công nghiệp quốc phòng. Đây là một chính sách quan trọng, có tác dụng nâng cao tính có chủ của các doanh nghiệp, ngăn chặn tình trạng làm ăn kém hiệu quả, giảm tiêu cực, thu hút thêm nguồn vốn, tạo động lực thúc đẩy doanh nghiệp phát triển. Tuỳ theo tính chất và đặc thù riêng, các cơ sở công nghiệp quốc phòng được tư nhân hoá ở từng mức độ khác nhau, trong đó nhà nước vẫn chiếm giữ một mức độ sở hữu thích hợp để đảm bảo sự kiểm soát đối với các cơ sở này. Chính phủ Xinh-ga-po đã dần dần cổ phần hoá hầu hết các xí nghiệp công nghiệp quốc phòng và định ra mức cổ phần phù hợp để bán cho các hộ muốn đầu tư. Giá một cổ phiếu thông thường từ 1 đến 2 đô-la Xinh-ga-po. Mức cổ phiểu được đặt thấp như vậy để giải tỏa tâm lý lo lắng "ném tiền qua cửa sổ" của người mua, để người nghèo cũng mua được và tạo thuận lợi cho việc lưu thông khi chuyển nhượng. Chính mức cổ phiểu đặt thấp đã đưa tới thắng lợi bất ngờ cho chủ trương cổ phần hoá các xí nghiệp công nghiệp quốc phòng. Số đăng ký mua cổ phần đối với từng cơ sở công nghiệp quốc phòng thường vượt xa dự kiến hàng trăm lần. Ví dụ, công ty hàng hải Xinh-ga-po có 46 triệu cổ khiều đặt ở mức 1 đến 2 đô-la, nhưng số đăng ký mua vượt 118 lần. Để đảm bảo an ninh quốc gia, người nước ngoài không được mua quá 15% số cổ phần của từng xí nghiệp.

Từ những xí nghiệp vừa cũ lại vừa nhỏ về quy mô, nền công nghiệp quốc phòng Xinh-ga-po đã phát triển lớn mạnh, trở thành một quần thể công nghiệp hoàn chỉnh, đủ sức cạnh tranh, chiếm lĩnh thị trường vũ khí trong và ngoài nước. Công nghiệp quốc phòng Xinh-ga-po không những đảm nhiệm được chức năng cơ bản là nguồn cung cấp vũ khí cho quân đội mà còn là nguồn sinh lợi cho kinh tế nhà nước. Những thành công đó là kết quả của sự kết hợp hài hoà giữa thế mạnh dân tộc và xu thế thời đại thông qua những chính sách đúng đắn của Chính phủ Xinh-ga-po trong chiến lược phát triển công nghiệp quốc phòng của quốc gia này./.