Doanh nghiệp Việt Nam vươn tới chuẩn mực toàn cầu

Tin, ảnh: Khánh Nguyên
17:14, ngày 11-10-2016
TCCSĐT - Sáng 11-10-2016, tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Diễn đàn Doanh nhân Việt Nam 2016, với chủ đề “Doanh nghiệp Việt Nam vươn tới chuẩn mực toàn cầu”.
Diễn đàn là nơi trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm về phát triển doanh nghiệp, khuyến khích và cổ vũ doanh nhân Việt Nam vươn tới những chuẩn mực quốc tế.

Thời gian qua, đội ngũ doanh nhân Việt Nam đã có nhiều đóng góp vào sự tăng trưởng chung của nền kinh tế, với khoảng 40% tổng thu nhập quốc dân (GDP) mỗi năm, tạo việc làm cho hàng trăm nghìn lao động, góp phần giải quyết các vấn đề xã hội của đất nước.

Tuy nhiên, 5 năm qua (2011 - 2015) doanh nghiệp phải chật vật với những nỗ lực cấu trúc lại để tồn tại. Cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa định hướng được một diện mạo mới có thể tạo ra những đột phá có hiệu quả, nâng cao năng lực cạnh tranh để hội nhập. Nước ta vẫn chưa có được một thế hệ các nhà công nghiệp với những thương hiệu đẳng cấp cao trong khu vực và trên thế giới. Đại bộ phận doanh nghiệp có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, tính chuyên nghiệp thấp, chưa đạt tới các chuẩn mực phổ biến toàn cầu.

Thêm vào đó, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư với những yêu cầu, đòi hỏi mới về công nghệ, quản trị... tạo ra những áp lực lớn với cộng đồng doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân, buộc doanh nghiệp, doanh nhân phải đổi mới, tự nâng tầm mình, gia tăng năng lực cạnh tranh mới có thể tồn tại. Nếu như trước đây, những người làm kinh doanh ở Việt Nam có thể trưởng thành, thành công nhờ lăn lộn thương trường, nhờ kinh nghiệm và không cần phải học hành gì, thì bây giờ, người làm kinh doanh phải có học vấn, phải học hỏi. Chiến lược kinh doanh phải bài bản, rõ ràng, đi vào cốt lõi chứ không thể lan man như trước. Đồng thời, mỗi doanh nghiệp bất kể lớn, nhỏ đều cần phải hướng đến đáp ứng các tiêu chuẩn toàn cầu.

Tại Diễn đàn, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho biết: Chính phủ đang cố gắng nâng bậc thứ hạng cạnh tranh với các nền kinh tế trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và toàn cầu. Các nghị quyết của Chính phủ: Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP, ngày 28-4-2016, về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, Nghị quyết số 35/NQ-CP, ngày 16-5-2016, về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 có thể coi là những nghị quyết có ý nghĩa khởi nghiệp. Chính phủ đang nghĩ mới, làm mới. Do đó, cộng đồng doanh nghiệp cũng phải nâng cấp, đột phá để thích ứng với môi trường kinh doanh mới.

Tại Diễn đàn, nhiều đại biểu cho rằng, để vươn tới những chuẩn mực toàn cầu, yêu cầu đặt ra cho các doanh nghiệp là cần phải định vị được những lĩnh vực kinh doanh cốt lõi; cần phải có được một thế hệ các nhà công nghiệp làm công nghiệp công nghệ cao, công nghệ sạch… Thúc đẩy khởi nghiệp và định hướng hoạt động của từng doanh nghiệp đang trở thành yêu cầu sống còn với các doanh nghiệp. Trong đó, khởi nghiệp không chỉ là thành lập doanh nghiệp mới mà còn là cấu trúc lại doanh nghiệp cả về sản phẩm, dịch vụ, quản trị và công nghệ…

Các diễn giả cũng chia sẻ về các giải pháp tăng cường tính cạnh tranh của doanh nghiệp trong các hoạt động mua bán, sáp nhập, phát triển doanh nghiệp với nền kinh tế xanh… nhằm giúp doanh nghiệp phát triển một cách bền vững trong bối cảnh hội nhập hiện nay.

Tối cùng ngày, VCCI tổ chức Lễ phát động phong trào thi đua “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập - Phát triển” và trao tặng Danh hiệu “Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu 2016”. Cùng với Diễn đàn Doanh nhân Việt Nam, đây là những hoạt động nổi bật nhằm kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam (13-10)./.