Thúc đẩy tiến trình giải trừ và quản lý vũ khí hạt nhân trên toàn thế giới
TCCSĐT - Cuối tháng 8-2016 vừa qua đã diễn ra Hội nghị quốc tế với chủ đề “Xây dựng thế giới không có vũ khí hạt nhân” tại Astana (Kazakhstan). Đại diện các quốc gia và chính phủ đến từ 50 nước, cũng như giới chuyên gia, đại diện các tổ chức quốc tế đã nhóm họp nhằm tìm giải pháp hữu hiệu ngăn chặn vũ khí hạt nhân và các hoạt động thử nghiệm hạt nhân trong bối cảnh đây đang là vấn đề đe dọa nghiêm trọng tới hòa bình, an ninh thế giới.
Hiệu ứng vụ nổ bom hạt nhân. Ảnh: usbek-et-rica.fr
Xây dựng thế giới không có vũ khí hạt nhân
Phát triển ngay trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, những nỗ lực nhằm giải trừ quân bị nói chung và vũ khí hạt nhân nói riêng đã liên tục được thúc đẩy. Những quốc gia sở hữu phần lớn số vũ khí hạt nhân của thế giới, Mỹ, Liên Xô (trước đây) và Anh là những nước đầu tiên tích cực tham gia vào việc ký kết hiệp định cấm thử hạt nhân. Năm 1968, cùng với những nỗ lực không mệt mỏi, Liên hợp quốc đã xây dựng Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT), đồng thời thúc đẩy xây dựng các hiệp ước quốc tế về các vùng không có vũ khí hạt nhân (NWFZ). Hiệp ước này bắt đầu có hiệu lực từ ngày 05-3-1970 và đến nay đã có 191 quốc gia tham gia. Khởi nguồn của Hiệp ước là nhận thức của lãnh đạo các quốc gia trên thế giới về mức độ nguy hiểm của vũ khí hạt nhân.
Theo các nhà khoa học, vũ khí hạt nhân là loại vũ khí có sức công phá lớn hơn bất kỳ vũ khí quy ước nào. Năng lượng của vũ khí hạt nhân do các phản ứng phân hạch và nhiệt hạch gây ra. Năng lượng được giải thoát bởi vụ nổ bom hạt nhân được đo bằng kiloton hoặc megaton - tương đương với hàng ngàn và hàng triệu tấn thuốc nổ TNT (trinitrotoluen). Vũ khí có sức công phá tương đương với 10 triệu tấn thuốc nổ có thể phá hủy hoàn toàn một thành phố. Ngoài ra, vũ khí hạt nhân còn gây ra những tác hại nghiêm trọng như đe dọa sức khỏe và tính mạng con người, hủy hoại môi trường…
Trong lịch sử, thế giới đã chứng kiến vụ nổ bom nguyên tử tại thành phố Hiroshima và Nagasaki của Nhật Bản (tháng 8-1945), cướp đi sinh mạng của hơn 210.000 người. Tác hại của phóng xạ từ những vụ nổ đó tiếp tục tàn phá tính mạng của hàng nghìn người sau đó. Sức phá hủy ghê gớm của vũ khí hạt nhân đã làm dấy lên một làn sóng phản ứng dữ dội trên toàn thế giới, nhất là sự lo ngại sâu sắc về một cuộc chiến tranh hạt nhân. Chính vì vậy, mặc dù Hiệp ước NPT cho đến nay vẫn còn thể hiện nhiều hạn chế lớn, song không thể phủ nhận từ khi có hiệu lực, hiệp ước này đã có những vai trò nhất định trong việc kìm hãm sự gia tăng số lượng những nước sở hữu vũ khí hạt nhân, cũng như đóng vai trò cho quá trình giải giáp hay giải trừ vũ khí hạt nhân.
Các loại vũ khí hạt nhân bao gồm: bom nguyên tử (còn gọi là bom A), bom khinh khí (còn gọi là bom hydrogen hay bom H), bom neutron, tên lửa đạn đạo, tên lửa hành trình và tên lửa vệ tinh viễn thám mang đầu đạn hạt nhân. Điều này đồng nghĩa với việc sản xuất vũ khí hạt nhân hay thử nghiệm hạt nhân có thể được tiến hành dưới nhiều hình thức. Năm 1996, để ngăn chặn các nước tiến hành thử nghiệm hạt nhân, Hiệp ước cấm thử nghiệm hạt nhân toàn diện (CTBT) tiếp tục được thông qua. Cho tới nay, đã có 183 quốc gia ký kết CTBT, trong số đó có 164 quốc gia đã phê chuẩn. Để hiệp ước có hiệu lực, cần có sự phê chuẩn của các quốc gia nằm trong Phụ lục 2. Hiện còn 8 quốc gia trong phụ lục 2 chưa phê chuẩn hiệp ước, đó là Trung Quốc, Triều Tiên, Ai Cập, Ấn Độ, Iran, Israel, Pakistan và Mỹ. Đây là nỗ lực cần đạt được của cộng đồng quốc tế.
Thế giới tiếp tục thúc đẩy cuộc chiến nhằm bảo vệ thế giới không có vũ khí hạt nhân khi tại kỳ họp 64, ngày 02-12-2009, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua Nghị quyết lấy ngày 29-8 làm Ngày Quốc tế chống thử nghiệm hạt nhân với mục đích nâng cao nhận thức và giáo dục về những tác động của các vụ thử hạt nhân và sự cần thiết phải chấm dứt những vụ thử như vậy, đồng thời xem đây là một trong những biện pháp để đạt được mục tiêu bảo đảm thế giới không có vũ khí hạt nhân.
Tín hiệu đáng mừng là chỉ số an ninh vật liệu hạt nhân cho thấy nhiều tiến bộ ở một số nước. Trong ba năm qua, 7 quốc gia đã từ bỏ urani và plutoni cấp độ chế tạo vũ khí hạt nhân, trong khi nhiều nước khác cũng đang siết chặt các biện pháp an ninh. Bên cạnh đó, thông qua những hội nghị thượng đỉnh về an ninh hạt nhân, các nhà lãnh đạo tham dự hội nghị đều nhận thức được rõ tầm quan trọng của việc bảo đảm an toàn hạt nhân. Gần đây nhất, tại Hội nghị Thượng đỉnh an ninh hạt nhân lần thứ tư tổ chức tại Washington (Mỹ) vào tháng 4-2016, các nước tham gia đã thông qua các kế hoạch hành động nhằm thúc đẩy hợp tác tăng cường an ninh hạt nhân giữa các quốc gia tham dự hội nghị và các tổ chức quốc tế như Liên hợp quốc, Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA), Tổ chức cảnh sát quốc tế (Interpol)… Các nhà lãnh đạo cũng ra Tuyên bố chung, nhấn mạnh “nguy cơ thường trực và ngày càng gia tăng” về khủng bố hạt nhân toàn cầu và cam kết ngăn chặn các loại vũ khí hạt nhân rơi vào tay các phần tử cực đoan.
Trong số các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân, hai cường quốc hạt nhân là Nga và Mỹ, những chủ thể chính trong tiến trình chống phổ biến vũ khí hạt nhân, cũng đã nỗ lực trong việc cắt giảm vũ khí hạt nhân. Với Hiệp ước START mới về cắt giảm vũ khí hạt nhân được ký kết năm 2010, hai nước đã cam kết cắt giảm từ 1.600 xuống còn 700 phương tiện và từ 2.200 xuống còn 1.550 đầu đạn hạt nhân trong vòng 7 năm. Ngoài ra, việc phi quân sự hóa năng lượng hạt nhân cũng đã được đề xuất đối với các ứng dụng dân sự và được nhiều nước hưởng ứng.
Chung tay đẩy lùi những nguy cơ tiềm ẩn
Mặc dù thế giới đã đạt được nhiều tiến bộ trong việc ngăn chặn phổ biến vũ khí hạt nhân, song thực tế cho thấy vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ đe dọa từ loại vũ khí giết người hàng loạt này. Các chương trình giải trừ vũ khí hạt nhân đã được khởi động từ nhiều năm qua, song còn bộc lộ nhiều tồn tại do chính sách thực thi chưa cụ thể, trước hết trong việc quản lý, đặc biệt là từ phía các cường quốc hạt nhân.
Tiến trình cắt giảm vũ khí hạt nhân trên thế giới đang diễn ra chậm chạp và các cường quốc sở hữu vẫn tiếp tục hiện đại hóa hệ thống vũ khí hạt nhân của mình. Mới đây, ngày 13-6, Viện nghiên cứu Hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI) cho biết, tính đến đầu năm 2016, có 9 quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân, gồm Mỹ, Nga, Anh, Pháp, Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan, Israel và Triều Tiên, với tổng cộng 4.120 đơn vị vũ khí hạt nhân. Nếu tính riêng các đầu đạn hạt nhân thì con số là 15.395 đơn vị (đầu năm 2015 là 15.850 đơn vị). Theo đó, Mỹ có 7.000 đầu đạn hạt nhân, Nga là 7.290, Anh có 215, Pháp gần 300. Ngoài ra, Trung Quốc với 260 đầu đạn, Ấn Độ khoảng 100 - 120, Pakistan khoảng 100 - 130 và Israel là 80. Các đầu đạn đã triển khai là số đã được lắp đặt trên các tên lửa hoặc đang nằm trong thành phần trang thiết bị vũ khí của các lực lượng tác chiến.
Theo SIPRI, những kết quả tích cực của tiến trình giải trừ vũ khí hạt nhân có được là nhờ Nga và Mỹ, hai quốc gia sở hữu trên 93% vũ khí hạt nhân của thế giới, cắt giảm dần các kho vũ khí hạt nhân chiến lược của mình. Tuy nhiên, từ năm 2011, tiến trình thực hiện Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược (START) giữa hai nước đã chậm dần, trong khi cả Mỹ và Nga đều triển khai các chương trình lớn nhằm hiện đại hóa tiềm lực hạt nhân. Trong giai đoạn từ năm 2015 - 2024, Mỹ dự định sẽ chi 348 tỷ USD để hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân của mình. Theo các đánh giá, con số trên sẽ tăng lên tới 1.000 tỷ USD trong 30 năm tới. Trong khi đó, Nga cũng đang tiến hành thay thế các hệ thống vũ khí hạt nhân từ thời Liên Xô bằng các hệ thống mới cơ động và hiệu quả hơn nhằm duy trì được thế cân bằng với Mỹ. SIPRI cũng cho biết, các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân còn lại có số lượng khiêm tốn hơn nhiều, tuy nhiên hầu hết các nước này đều đã bắt đầu tăng cường tiềm lực hạt nhân và tiến hành hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân của mình.
Chưa kể, một loạt những động thái gần đây cũng đang khiến cộng đồng quốc tế đặc biệt quan ngại, đó là việc Triều Tiên liên tiếp tiến hành các vụ thử tên lửa hạt nhân. Ngày 17-8, Triều Tiên xác nhận nước này đã nối lại hoạt động sản xuất plutoni, đồng thời khẳng định Bình Nhưỡng không có kế hoạch ngừng thử hạt nhân với lý do những mối đe dọa từ Mỹ. Trong văn bản trả lời phỏng vấn hãng Kyodo, Viện Năng lượng nguyên tử, cơ quan phụ trách các cơ sở hạt nhân chính của Triều Tiên tại tổ hợp Yongbyon, cho biết các chuyên gia nước này bắt đầu tái chế các thanh nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng, được tháo dỡ từ một lò phản ứng graphite (than chì) tầm trung để phục vụ cho sản xuất plutoni. Viện này cũng tuyên bố, Bình Nhưỡng đang chế tạo urani làm giàu cấp độ cao, cần thiết để sản xuất vũ khí và điện hạt nhân. Tuy nhiên, khối lượng plutoni và urani được Bình Nhưỡng sản xuất vẫn chưa được tiết lộ.
Trước bối cảnh trên, tại Hội nghị lần này, Tổng thống Kazakhstan N. Nazarbayev đã kêu gọi các quốc gia đang sở hữu vũ khí hạt nhân cần thống nhất và đưa ra lộ trình giải trừ vũ khí hạt nhân, cũng như cần xây dựng cơ chế rõ ràng để giải trừ và phá hủy vũ khí hạt nhân. Theo đó, các nước hướng tới việc ký kết và phê chuẩn hiệp ước đa phương về cấm mọi vụ nổ hạt nhân phục vụ cả mục đích dân sự lẫn quân sự trong bất kỳ môi trường nào.
Hội nghị diễn ra đúng Ngày thế giới chống thử nghiệm hạt nhân do Liên hợp quốc công bố vào 29-8 hằng năm. Nhân dịp này, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon một lần nữa nhấn mạnh vai trò của Hiệp ước CTBT. Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon nhấn mạnh, CTBT “sẽ chấm dứt được những di sản chết chóc, đồng thời tạo thêm đà cho những biện pháp giải giáp khác bằng cách chứng tỏ sự hợp tác đa phương là hoàn toàn có thể, và điều này sẽ gây dựng lòng tin cho những biện pháp an ninh khu vực khác, trong đó có một khu vực Trung Đông không có vũ khí hạt nhân cùng tất cả các loại vũ khí hủy diệt khác”. Các quốc gia nằm trong Phụ lục 2 cần sớm ký kết CTBT để mở ra con đường tiến tới một thế giới không có vũ khí hạt nhân. Về phần mình, Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc M. Lykketoft đưa ra thông điệp, CTBT phải được xem là “công cụ quan trọng trong hành trình của chúng ta nhằm đạt được một thế giới không có vũ khí hạt nhân”, đồng thời ông kêu gọi các quốc gia chưa phê chuẩn văn kiện này sớm hành động để CTBT có hiệu lực. Ông cũng lưu ý rằng, việc tạm ngừng thử hạt nhân đã có tác động tích cực lên môi trường an ninh quốc tế, do đó cần phải tiếp tục những nỗ lực bền bỉ và đồng bộ để giảm bớt số lượng vũ khí hạt nhân trên toàn cầu và thực hiện mục tiêu cuối cùng là giải giáp toàn diện dưới sự kiểm soát chặt chẽ và hiệu quả của quốc tế.
Hội nghị nằm trong chương trình hoạt động mới của Liên hợp quốc, có tên gọi “Nhóm công tác giải trừ vũ khí hạt nhân” (Open Ended Working Group on Nuclear Disarmament - OEWG). Hiện chương trình này đã được báo cáo lên Đại hội đồng Liên hợp quốc và sẽ được đưa vào các cuộc đàm phán đa phương, hướng tới mục tiêu thế giới không có vũ khí hạt nhân. Tổng Giám đốc Văn phòng Liên hợp quốc tại Geneva M. Moller cho biết, OEWG là một nhóm công tác nhằm thúc đẩy nỗ lực giải trừ vũ khí hạt nhân và Hội nghị được kỳ vọng thúc đẩy tiến trình giải trừ và quản lý vũ khí hạt nhân trên toàn thế giới. Đây cũng là lý do Hội nghị được tổ chức trùng với ngày kỷ niệm 25 năm đóng cửa khu thử nghiệm hạt nhân Semipalatinsk, thuộc vùng Đông Bắc Kazakhstan. Đây là khu thử nghiệm đã chứng kiến hơn 500 vụ nổ hạt nhân từ năm 1949 đến năm 1989, làm ô nhiễm 18 triệu km2 đất và đe dọa sức khỏe của khoảng 1,5 triệu người. Việc đóng cửa khu Semipalatinsk được xem là một trong những nỗ lực lớn của Kazakhstan, hướng tới hòa bình, thịnh vượng và nền an ninh trên toàn thế giới.
Có thể nói bảo đảm quyền sử dụng công nghệ hạt nhân vào mục đích hòa bình, việc ngăn chặn chiến tranh hạt nhân, chống phổ biến tiến tới giải trừ hoàn toàn hạt nhân là nguyện vọng tha thiết của nhân loại, có ý nghĩa quan trọng đối với hòa bình, ổn định, phát triển và luôn là ưu tiên hàng đầu trong các nỗ lực của cộng đồng quốc tế./.
Hoạt động đối ngoại nổi bật tuần qua (từ ngày 29-8 đến ngày 04-9-2016)  (05/09/2016)
Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong việc bảo đảm quyền con người, quyền công dân  (05/09/2016)
Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong việc bảo đảm quyền con người, quyền công dân  (05/09/2016)
Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong việc bảo đảm quyền con người, quyền công dân  (05/09/2016)
Tuần tin cải cách hành chính từ ngày 29-8 đến ngày 04-9-2016  (05/09/2016)
Tuần tin cải cách hành chính từ ngày 29-8 đến ngày 04-9-2016  (05/09/2016)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
- Tăng cường vai trò của tài chính vi mô cho phát triển “nông nghiệp, nông dân và nông thôn xanh” tại Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam