Tuần tin cải cách hành chính từ ngày 29-8 đến ngày 04-9-2016

Hồng Ngọc tổng hợp
11:21, ngày 05-09-2016
TCCSĐT - Theo Báo cáo năm 2015 của Ngân hàng Thế giới, chỉ số về thủ tục cấp giấy phép xây dựng của Việt Nam đã lên vị trí xếp hạng 22/189 quốc gia. Còn trong Báo cáo năm 2016, vị trí xếp hạng này đã tăng thêm 10 bậc, đứng thứ 12/189 quốc gia, trong đó được xếp trên Malaysia (15), Thái Lan (39), Lào (42), Philippines (99), Indonesia (107), Trung Quốc (176).

Đầu tư thỏa đáng cho công tác xây dựng thể chế

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8-2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các thành viên Chính phủ tập trung thảo luận “xem bộ máy có thực sự chuyển động, có hướng về người dân và doanh nghiệp, có tạo nên sự phát triển hay không?”. Đặc biệt, với tinh thần Chính phủ kiến tạo, Thủ tướng yêu cầu các thành viên Chính phủ tiếp tục dành thời gian thỏa đáng cho công tác xây dựng thể chế trên tinh thần đổi mới tư duy xây dựng pháp luật, bảo đảm tính khoa học, khả thi, hợp lý, qua đó tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp;…

Tại phiên họp, Chính phủ đã thảo luận về: dự án Luật Du lịch (sửa đổi); dự án Luật sửa đổi, bổ sung các Luật về đầu tư kinh doanh; dự án Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ; dự án Pháp lệnh phí và lệ phí của Tòa án; Tờ trình dự thảo Nghị định của Chính phủ ban hành Quy chế làm việc của Chính phủ. Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành chủ trì soạn thảo tiếp thu ý kiến của các thành viên Chính phủ đối với các dự án luật, pháp lệnh để tiếp tục bổ sung, sớm hoàn thiện các dự án luật, pháp lệnh này, trình Chính phủ xem xét.

Về tình hình kinh tế-xã hội, Thủ tướng cho rằng, nhiệm vụ còn lại từ nay đến cuối năm 2016 là hết sức nặng nề. Chính phủ và từng thành viên Chính phủ phải quyết tâm hành động, đề ra nhiệm vụ, giải pháp cụ thể; kiên quyết không lùi bước trước khó khăn thách thức; dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; năng động sáng tạo, nói đi đôi với làm; tăng cường kỷ luật kỷ cương; tập trung tháo gỡ khó khăn thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh; giải phóng mọi nguồn lực xã hội, thúc đẩy khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp; tạo chuyển biến cơ bản về tăng trưởng kinh tế trong những tháng còn lại, nỗ lực phấn đấu đạt mức cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ Kế hoạch năm 2016.

Về nhiệm vụ cải cách hành chính, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục chỉ đạo quyết liệt cải cách thủ tục hành chính gắn với xây dựng Chính phủ điện tử ở tất cả các ngành, các cấp. Cải tiến và công khai quy trình, thủ tục, điều kiện kinh doanh, kết quả giải quyết kiến nghị, khiếu nại của doanh nghiệp trên trang thông tin điện tử của bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị. Tăng cường trách nhiệm giải trình của cơ quan hành chính, người đứng đầu. Thực hiện ngay việc thiết lập các kênh để lắng nghe ý kiến phản ảnh của người dân và doanh nghiệp để kịp thời tiếp thu, phục vụ tốt nhất cho người dân và doanh nghiệp.

Rút ngắn khoảng cách từ lời nói đến việc làm

Trong nỗ lực chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính, rút ngắn khoảng cách từ lời nói đến việc làm, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định thành lập Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ kiểm tra thực hiện các nhiệm vụ, kết luận, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao các bộ, cơ quan, địa phương. Trong phiên họp Chính phủ tháng 8, Tổ công tác đã báo cáo kết quả kiểm tra tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính.

Về kết quả kiểm tra tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư, số nhiệm vụ chưa hoàn thành quá hạn còn nhiều. Theo thống kê trên Hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu theo dõi, từ ngày 01-01-2016 đến 22-8-2016, tổng số nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng giao là 241 nhiệm vụ. Trong số 87 nhiệm vụ đến hạn phải thực hiện có 73 nhiệm vụ đã hoàn thành, còn 14 nhiệm vụ đã quá hạn chưa thực hiện. Ngay trong số 73 nhiệm vụ đã hoàn thành có tới 63 nhiệm vụ hoàn thành quá hạn (chiếm 86,3%).

Với Bộ Tài chính, kiểm tra cho thấy Bộ đã triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao khá tốt. Tổng số nhiệm vụ được giao là 170. Trong số 100 nhiệm vụ đến hạn phải thực hiện có 95 nhiệm vụ đã hoàn thành, còn 5 nhiệm vụ chưa thực hiện.

Sau khi rà soát, trao đổi trên tinh thần thẳng thắn, khách quan, không né tránh, Tổ công tác đã đánh giá nguyên nhân của việc chậm tiến độ hoàn thành nhiệm vụ tại hai bộ, có cả nguyên nhân chủ quan và khách quan. Tổ công tác kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính khắc phục một số hạn chế, yếu kém.

Cụ thể, đối với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tổ công tác lưu ý: Trong xây dựng và hoàn thiện thể chế, thay vì tư tưởng co kéo thẩm quyền về Bộ, cơ chế xin cho, Bộ cần phân cấp mạnh mẽ trong quản lý vốn đầu tư công; rà soát, cắt bỏ tất cả những gì là rào cản, là giấy phép con gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp, không phù hợp với quan điểm, tư tưởng xây dựng Chính phủ liêm chính, Chính phủ hành động, kiến tạo, hướng tới người dân và doanh nghiệp. Những đề xuất lớn về các dự án Luật của Bộ trình, kể cả những Luật đã có hiệu lực thi hành như Luật Đầu tư công nhưng thực tế có những bất cập, khó khăn, vướng mắc khi thực hiện cần mạnh dạn đề xuất sửa đổi.

Đối với Bộ Tài chính, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ cần tiếp tục thay đổi cách lập, duyệt dự toán thu ngân sách, bảo đảm công khai, minh bạch, sát thực tế. Chấm dứt tình trạng lãnh đạo địa phương lên “xin” giao dự toán thấp để có phần vượt thu cao so với dự toán. Tiếp tục cải cách hành chính mạnh mẽ hơn nữa trong lĩnh vực thuế, hải quan, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong lĩnh vực này. Lấy sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp làm thước đo hiệu quả hoạt động của ngành thuế, hải quan.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải chủ động, thực hiện nghiêm các nhiệm vụ, kết luận, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Văn phòng Chính phủ đôn đốc, kiểm tra, theo dõi tình hình thực hiện; kiên quyết không để chậm trễ và thực hiện kém chất lượng, làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm cụ thể, báo cáo Chính phủ tại phiên họp hàng tháng. Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ phải thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ được giao, tiếp tục kiểm tra các bộ ngành, địa phương khác còn nợ đọng nhiều nhiệm vụ, thường xuyên báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vướng mắc phát sinh và biện pháp giải quyết.

Giảm nhiều thời gian, thủ tục cấp phép xây dựng

Theo Báo cáo năm 2015 của Ngân hàng Thế giới, chỉ số về thủ tục cấp giấy phép xây dựng của Việt Nam đã lên vị trí xếp hạng 22/189 quốc gia, xếp trên Malaysia (26), Lào (107), Philippines (124), Indonesia (153), Trung Quốc (179), đứng sau Thái Lan (6). Tại Báo cáo năm 2016, vị trí xếp hạng này đã tăng thêm 10 bậc, đứng thứ 12/189 quốc gia, trong đó được xếp trên Malaysia (15), Thái Lan (39), Lào (42), Philippines (99), Indonesia (107), Trung Quốc (176).

Chỉ số về thủ tục cấp giấy phép xây dựng của Việt Nam trong năm 2015 và 2016 được ghi nhận là một trong những chỉ tiêu xếp hạng tốt trong đánh giá chỉ tiêu về năng lực cạnh tranh của Việt Nam.

Thời gian vừa qua, công tác cấp giấy phép xây dựng và quản lý trật tự xây dựng theo quy định của Luật Xây dựng cũng đã được quan tâm, đẩy mạnh. Năm 2015, số công trình xây dựng không có giấy phép xây dựng đã giảm đáng kể, còn khoảng 3,7% so với công trình được xây dựng, giảm khoảng 4,3% so với năm 2014; số công trình xây dựng sai với giấy phép được cấp cũng giảm đáng kể, còn khoảng 1,11% giảm 1% so với năm 2014. Các địa phương đã cơ bản chấp hành các quy định về thời gian và trình tự thủ tục hành chính trong cấp giấy phép xây dựng.

Cùng với các quy định về cấp phép xây dựng theo Luật Xây dựng, Nghị định số 59/2015/NĐ-CP, để tiếp tục cải cách hành chính, ngày 30-6-2016, Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư số 15/2016/TT-BXD hướng dẫn cụ thể và chi tiết các điều kiện, quy trình cấp phép xây dựng theo hướng đơn giản hóa, thực hiện song song, đồng thời và một cửa liên thông các thủ tục hành chính; quy định rõ trách nhiệm của cơ quan, cá nhân thực hiện công tác cấp phép xây dựng. Như vậy, hệ thống các quy định về cấp giấy phép xây dựng đã có nhiều đổi mới hướng tới việc ngày càng minh bạch, đơn giản, thuận lợi. Cụ thể:

Thông tư số 15/2016/TT-BXD tiếp tục đơn giản và giảm thiểu thủ tục hành chính, trình tự thủ tục cấp giấy phép xây dựng cho phép người đề nghị cấp giấy phép xây dựng yêu cầu thực hiện đồng thời, song song các thủ tục hành chính; được đề nghị cấp phép theo giai đoạn (cấp đặc biệt, cấp I) và được đề nghị cấp giấy phép xây dựng một lần hoặc nhiều lần cho các công trình của cả dự án. Ngoài ra, để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục cấp Giấy phép xây dựng, Luật Xây dựng cũng quy định bổ sung 6 loại công trình được miễn giấy phép so với Nghị định 64/2012/NĐ-CP.

Về hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xây dựng, đối với công trình có thiết kế đã được cơ quan chuyên môn về xây dựng thẩm định thì tài liệu về thiết kế trong hồ sơ đề nghị cấp phép xây dựng yêu cầu đơn giản (chỉ có một số bản vẽ chủ yếu kiến trúc và bản sao thông báo kết quả thẩm định thiết kế kèm theo). Hình thức hồ sơ cũng được đơn giản hóa, chủ đầu tư có thể nộp hồ sơ ở dạng bản sao hoặc ở dạng tệp tin điện tử (chứa ảnh chụp các loại tài liệu).

Trên thực tế, theo báo cáo của một số địa phương thì thời gian thực hiện cấp giấy phép xây dựng đối với công trình chỉ từ 15 đến 20 ngày, điển hình như Bình Dương, Cần Thơ, Vĩnh Long, Long An, Đà Nẵng.

Bộ Tài nguyên và Môi trường xử lý văn bản qua mạng

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, từ ngày 01-9 tới tất cả các đơn vị trực thuộc bộ sẽ xử lý văn bản và hồ sơ công việc (không mật) qua mạng thông tin điện tử. Đây là bước tiến trong cải cách hành chính của Bộ Tài nguyên và Môi trường, nhằm tăng cường cải cách hành chính, phục vụ người dân và doanh nghiệp, bảo đảm xử lý văn bản kịp thời, hiệu quả theo tinh thần Nghị quyết số 36a/NQ-CP về chính quyền điện tử.

Hệ thống xử lý văn bản của Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ hỗ trợ một số tính năng mới như thực hiện chỉ đạo, điều hành bằng giọng nói, chữ viết và văn bản; theo dõi tiến độ xử lý đối với từng văn bản; ứng dụng chữ ký số và xác thực đối với văn bản…

Hệ thống sẽ được kết nối, liên thông với trục liên thông văn bản của Chính phủ, qua đó liên thông văn bản điện tử với Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, tạo lập môi trường làm việc điện tử phục vụ quản lý và điều hành công việc, nâng cao hiệu quả và năng suất làm việc.

Hải Dương nỗ lực cải thiện PCI

UBND tỉnh Hải Dương vừa phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Hội nghị đánh giá Đề án “Nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của tỉnh Hải Dương giai đoạn 2016 - 2020”.

Ông Nguyễn Xuân Đoan, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hải Dương đánh giá, hoạt động này tại Hải Dương thời gian qua đã đạt được một số kết quả nhất định, tuy nhiên, lãnh đạo tỉnh cũng nhận thấy nhiều hạn chế trong hoạt động quản lý, điều hành. Thủ tục hành chính còn kéo dài, chi phí nhiều thời gian để hoàn thiện thủ tục khi gia nhập thị trường; tính công khai, minh bạch của môi trường kinh doanh còn nhiều hạn chế...

Các doanh nghiệp tiếp cận mặt bằng ngày càng khó khăn; chi phí không chính thức có xu hướng tăng; dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp chậm phát triển; chi phí gia nhập thị trường còn ở mức cao. Tỉnh xác định, cần phải nghiêm túc khắc phục và có những biện pháp cùng hướng đi mới, nhằm khắc phục hạn chế, nâng cao từng chỉ số thành phần nhằm tăng chỉ số PCI và nâng cao hiệu quả tối đa cho các chương trình hành động cải thiện môi trường đầu tư.

Theo đánh giá của VCCI, một số chỉ số trong thành phần PCI năm 2015 của tỉnh có nhiều chuyển biến tăng tích cực và được đánh giá cao như: Chỉ số tính minh bạch và tiếp cận thông tin (6,1 điểm - trọng số 20%), chỉ số chi phí thời gian (6,75 điểm - trọng số 5%), chỉ số tính năng động và tiên phong của lãnh đạo tỉnh (4,75 điểm - trọng số 5%), chỉ số đào tạo lao động (6,29 điểm - trọng số 20%, là chỉ số duy nhất có điểm tăng liên tục giai đoạn 2011 - 2015). Bên cạnh đó cũng còn những chỉ số thành phần PCI thứ hạng thấp, không ổn định và giảm nhẹ. Đó là các chỉ số chi phí gia nhập thị trường (8,26 điểm - giảm 0,09 điểm so với 2014), chỉ số thiết chế pháp lý (5,77 điểm - giảm 0,03 điểm), chỉ số tiếp cận đất đai và sự ổn định trong sử dụng đất (5,15 điểm - giảm 0,38 điểm), chỉ số cạnh tranh bình đẳng (4,98 điểm - giảm 0,21 điểm), chỉ số dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp (5,27 điểm - giảm 0,51 điểm). Đặc biệt là chỉ số chi phí không chính thức có điểm số vẫn thấp (5,22 điểm) và là chỉ số duy nhất có điểm số giảm liên tục trong cả giai đoạn 2011 - 2015 với mức giảm hàng năm từ 0,06 đến 0,95 điểm. Điều đó cho thấy, Hải Dương phải có giải pháp tập trung cao để cải thiện chỉ số này... PCI năm 2015 của Hải Dương xếp hạng thứ 34/63 tỉnh, thành trong bảng tổng sắp, giảm 3 bậc so với năm 2014 và tính từ năm 2007 đến nay thì Hải Dương chỉ loanh quanh ở thứ hạng từ 40 lên 30.

Tại Hội nghị, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban pháp chế VCCI nêu đề xuất về cải thiện môi trường kinh doanh tại Hải Dương như giảm bớt gánh nặng chi phí không chính thức; đối xử bình đẳng hơn với các doanh nghiệp dân doanh; tập trung vào những lĩnh vực thực hiện thủ tục hành chính gặp phiền hà nhất là đất đai, thuế phí, bảo hiểm; giải quyết những khó khăn chính mà doanh nghiệp đang gặp phải (thiếu vốn, thiếu lao động...); tiếp tục nâng cao tính minh bạch; giảm gánh nặng thanh, kiểm tra đối với doanh nghiệp; tăng cường tham vấn doanh nghiệp; tiếp tục hỗ trợ thiết thực cho doanh nghiệp dân doanh.

Kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị phải thực hiện cải cách hành chính một cách quyết liệt hơn nữa. Tiếp tục đẩy mạnh và thực hiện tốt hơn công tác tuyên truyền, thông tin từ doanh nghiệp đến chính quyền, thông qua các hiệp hội truyền tải thông tin tới các doanh nghiệp một cách nhanh nhất. Tỉnh sẽ nỗ lực tập trung chỉ đạo bằng nhiều giải pháp cụ thể, trong đó tập trung vào những chỉ số yếu kém nhất để cải thiện, đồng thời tập trung vào những chỉ số có điểm số thấp, đang suy giảm như: chi phí không chính thức, chi phí gia nhập thị trường. Tiếp tục quan tâm cải thiện các chỉ số phát triển dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp chất lượng cao, chỉ số tiếp cận đất đai và sự ổn định trong sử dụng đất. Đẩy mạnh ứng dụng thông tin và công khai, minh bạch thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính. Qua đó nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh, góp phần thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh./.