Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong việc bảo đảm quyền con người, quyền công dân
Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay
Ở nước ta, khái niệm “Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa”, lần đầu tiên, được nêu ra tại Hội nghị lần thứ hai Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá VII (ngày 29-11-1991) và tiếp tục được khẳng định tại Hội nghị toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII của Đảng (năm 1994) cũng như trong các văn kiện khác của Đảng và Nhà nước. Với Hiến pháp năm 2013, bản chất và đặc điểm của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở nước ta đã được thể chế hóa rõ hơn. Về bản chất, đó là Nhà nước của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân (Điều 2 Hiến pháp năm 2013). Từ bản chất đó, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam có 5 đặc điểm cơ bản sau:
- Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp (Điều 2 Hiến pháp năm 2013). Văn kiện Đại hội XII của Đảng yêu cầu phải: Xác định rõ cơ chế phân công, phối hợp thực thi quyền lực nhà nước, nhất là cơ chế kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp trên cơ sở quyền lực nhà nước là thống nhất; xác định rõ hơn quyền hạn và trách nhiệm của mỗi quyền. Đồng thời, quy định rõ hơn cơ chế phối hợp trong việc thực hiện và kiểm soát các quyền ở các cấp chính quyền. Tiếp tục phân định rõ thẩm quyền và trách nhiệm giữa các cơ quan nhà nước ở Trung ương và địa phương và của mỗi cấp chính quyền địa phương.
- Thượng tôn Hiến pháp và pháp luật: Hiến pháp quy định những điều luật nền tảng cho toàn bộ nền luật pháp của chế độ xã hội; và những điều luật này vừa được thực hiện một cách trực tiếp, vừa có thể được cụ thể hóa thành bộ luật hoặc luật để thực hiện tùy theo sự đòi hỏi của thực tế đời sống xã hội. Cần nhấn mạnh rằng, nếu Hiến pháp không được thực hiện trực tiếp trong xã hội, và nếu Hiến pháp không được liên thông với các bộ luật và luật của đất nước thì Hiến pháp rất khó được thực hiện trực tiếp, và nền tảng luật pháp của đất nước bị hạn chế căn bản.
Hiến pháp quy định cấu trúc (khuôn mẫu) cho nền quản trị của luật trong xã hội. Với vị trí, vai trò như vậy của Hiến pháp, nên quyền lập hiến phải trực tiếp thuộc về toàn thể nhân dân, để thể hiện một cách căn bản tư tưởng “tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân”. Chỉ với tính chất như vậy, Hiến pháp mới giữ vị trí tối cao trong hệ thống thể chế pháp quyền.
Nhà nước được tổ chức và hoạt động theo Hiến pháp nói riêng và luật pháp nói chung. Các cơ quan, cán bộ, công chức, viên chức và tổ chức, hoạt động của Nhà nước phải tôn trọng nhân dân, tận tụy phục vụ nhân dân; liên hệ chặt chẽ với nhân dân; lắng nghe ý kiến và chịu sự giám sát của nhân dân (Điều 8 Hiến pháp năm 2013). Và mọi chủ thể trong xã hội (Nhà nước, các tổ chức chính trị và xã hội, tập thể và cá nhân) đều phải tuân thủ nền pháp trị hay quản trị của luật (luật pháp) mà Hiến pháp là bộ luật gốc và quy định khuôn khổ cho nền luật pháp.
- Sự bình đẳng của mọi cá nhân và thể nhân (Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức xã hội,…) trong thụ hưởng và phát triển quyền, không có sự phân biệt đối xử, trước tiên và chủ yếu trong việc tham gia vào công tác quản lý nhà nước và xã hội. Trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, Nhà nước và các thể nhân, cá nhân đều bình đẳng trước pháp luật. Tức là Nhà nước pháp quyền phải xác lập được thể chế bảo đảm cho mọi thể chế nhà nước và xã hội, tập thể và cá nhân, không (và không thể) đòi hỏi cái ở ngoài hoặc ở trên những điều được quy định trong Hiến pháp và luật pháp nói chung. Các thể chế, nhất là thể chế hành pháp, tồn tại, hoạt động không rời rạc, mà là một thể thống nhất, chế ước lẫn nhau. Bởi vì, tính hiệu lực, hiệu quả của mỗi thể chế chỉ có được khi thừa nhận, tôn trọng, bảo vệ, thực hiện và thúc đẩy tính hiệu lực, hiệu quả của thể chế liền sát bên trên và liền sát bên dưới, cũng như tất cả các thể chế khác. Trong điều kiện, môi trường thể chế như vậy, chỉ tòa án mới có quyền phán xử việc tuân thủ luật pháp. Việc thực hiện pháp luật được bảo đảm bằng một hệ thống tòa án độc lập. Hệ thống tòa án độc lập bảo đảm cho công dân có đủ khả năng và điều kiện chống lại sự tùy tiện hay sự lạm quyền của Nhà nước; và từ đó hình thành, phát triển một cơ chế chặt chẽ để kiểm tra tính hợp hiến, hợp pháp của luật pháp và các hoạt động, kể cả hành vi, của bộ máy lập pháp và hành pháp, ở ba khía cạnh: tổ chức; văn bản pháp luật (Hiến pháp, luật, văn bản quản lý hành chính các cấp); đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
- Sự cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật. Điều 4 Hiến pháp năm 2013 chế định Đảng Cộng sản Việt Nam gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình. Các tổ chức đảng và đảng viên hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật; tức là trong khuôn khổ luật pháp.
- Bảo vệ công lý, quyền con người, quyền công dân. Quyền và nghĩa vụ của tất cả mọi người, mọi công dân và của mỗi người, mỗi công dân, được pháp luật và các chủ thể trong xã hội, đặc biệt Nhà nước, thừa nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm thực hiện và thúc đẩy trong khuôn khổ luật pháp.
Với 5 đặc điểm nêu trên, thể chế pháp quyền xã hội chủ nghĩa bảo đảm quyền lực thuộc về nhân dân đồng thời chế ước quyền lực của nhà nước và xã hội trong khuôn khổ thể chế pháp quyền hay trong khuôn khổ luật pháp. Vì thế, nó có năng lực kết nối chặt chẽ và cũng thể hiện cho thể chế dân chủ xã hội chủ nghĩa, nhằm bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong quá trình xây dựng nền tảng để sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, định hướng xã hội chủ nghĩa.
Bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa hiện nay
Trên cơ sở Hiến pháp năm 2013, nội dung bảo đảm quyền con người, quyền công dân của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở nước ta, gồm(1):
- Công nhận (obligation to recognition): Các chủ thể có trách nhiệm bảo đảm quyền, trước hết và chủ yếu là Nhà nước, công nhận, tức là phải thừa nhận đồng thời phải ghi nhận, ngày càng đầy đủ, cơ bản bằng các thể chế pháp luật và đạo đức (nhất là đối với các tổ chức xã hội), các quyền dân sự, chính trị và kinh tế, xã hội, văn hóa của con người.
- Tôn trọng (obligation to respect): Các chủ thể có trách nhiệm bảo đảm quyền, trước hết và chủ yếu là Nhà nước, phải kiềm chế không can thiệp, kể cả trực tiếp và gián tiếp, vào việc thừa nhận, bảo vệ, bảo đảm thực hiện và thúc đẩy các quyền con người, quyền công dân đã được ghi nhận trong Hiến pháp và pháp luật. Đồng thời, phải chủ động xây dựng và triển khai thực hiện có hiệu quả các thể chế, chiến lược, kế hoạch, chương trình phát triển và biện pháp quản lý cụ thể để mọi người được thụ hưởng và phát triển các quyền của mình trong thực tế.
- Bảo vệ (obligation to protect): Nhà nước phải ngăn chặn sự vi phạm quyền con người, quyền công dân từ phía các cơ quan nhà nước, các doanh nghiệp, các tổ chức chính trị, xã hội và cá nhân; ngăn chặn tình trạng phân biệt đối xử, hoặc sự hình thành các thế lực đe dọa quyền con người, quyền công dân trên các lĩnh vực; điều tra, trừng trị và phục hồi các quyền đã bị vi phạm hoặc bồi thường khi có sai phạm từ phía cơ quan, người có thẩm quyền.
- Thực hiện (obligation to fulfil): Nhà nước chủ động xây dựng thể chế (pháp luật, quy chế và thiết chế) cũng như các chiến lược, kế hoạch, chương trình phát triển, biện pháp quản lý cụ thể để bảo đảm cho mọi người được hưởng thụ đến mức cao nhất có thể các quyền con người, quyền công dân.
Việc thực hiện chỉ được bảo đảm (bảo đảm thực hiện) khi các thể chế, chiến lược, kế hoạch, chương trình phát triển và biện pháp quản lý được đề ra (hay xây dựng) phải mang tính khả thi và hiệu quả, chứ không phải chúng được đề ra một cách hình thức, đặc biệt trong quá trình thực thi các quyền con người, quyền công dân của các nhóm yếu thế. Nói cách khác, việc bảo đảm thực hiện không chỉ coi trọng khâu đề ra (hay xây dựng) các thể chế, chiến lược, kế hoạch, chương trình, phát triển và biện pháp quản lý cụ thể, mà đặc biệt coi trọng khâu tổ chức, triển khai thực hiện, nhằm đạt được kết quả thực tế trong việc thụ hưởng các quyền con người, quyền công dân. Cần phải nhấn mạnh phương châm này, vì một đặc trưng của việc bảo đảm quyền con người, quyền công dân là coi trọng quá trình tổ chức, triển khai thực hiện thể chế, chiến lược, kế hoạch, chương trình phát triển không kém việc đạt được mục tiêu đề ra.
- Thúc đẩy (obligation to promote) là tạo lập điều kiện và môi trường kinh tế nói riêng và xã hội nói chung, mang tính hỗ trợ, thuận lợi cho việc tiếp cận quyền con người, quyền công dân của các nhóm xã hội, đặc biệt các nhóm yếu thế; đồng thời thiết lập và duy trì một cơ chế minh bạch, hiệu quả để giám sát quyền con người ở cả khu vực công và tư, theo thể chế pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
Thúc đẩy quyền con người, quyền công dân đòi hỏi Nhà nước và các chủ thể có trách nhiệm bảo đảm quyền không chỉ thụ động, kiềm chế không can thiệp vào công tác bảo đảm quyền của các cá nhân và tập thể, mà quan trọng hơn, là phải chủ động xây dựng và triển khai, thực hiện các thể chế, chiến lược, kế hoạch, chương trình, biện pháp quản lý cụ thể, để hỗ trợ các cá nhân và tập thể có điều kiện và môi trường thuận lợi cho việc thụ hưởng và phát triển các quyền của mình.
Bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong thực tế
Từ những nội dung bảo đảm quyền con người, quyền công dân của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa nêu trong Hiến pháp năm 2013, trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, công tác bảo đảm quyền con người, quyền công dân đã và đang được thực hiện trong thực tế theo các phương hướng sau:
Một là, đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, trên cơ sở tiếp tục hoàn thiện, phát triển thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phát triển kinh tế tri thức, phát huy vai trò quốc sách hàng đầu của giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, và xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, nhằm phát triển nhanh, bền vững trong điều kiện hội nhập quốc tế.
Hai là, xây dựng nền văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh, bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Xây dựng nền văn hoá và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học; xây dựng văn hoá thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội; xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện.
Ba là, hoàn thiện, phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa và quyền làm chủ của nhân dân; không ngừng củng cố, phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc; tăng cường sự đồng thuận xã hội.
Bốn là, tiếp tục hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, xây dựng bộ máy nhà nước tinh gọn, trong sạch, vững mạnh; hoàn thiện hệ thống pháp luật, đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách tư pháp, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có phẩm chất, năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, tệ nạn xã hội và tội phạm; nâng cao hiệu lực, hiệu quả, kỷ luật, kỷ cương, tính công khai, minh bạch trong hoạt động quản lý của Nhà nước, nhất là quản lý kinh tế.
Năm là, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền, và tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng. Tiếp tục cụ thể hoá phương thức lãnh đạo của Đảng đã được xác định trong Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011) ở tất cả các cấp bằng những quy chế, quy định, quy trình cụ thể. Coi trọng xây dựng văn hoá trong các tổ chức đảng, cơ quan nhà nước, trong hệ thống chính trị. Đổi mới phương pháp, phong cách, lề lối làm việc của các cơ quan lãnh đạo của Đảng từ Trung ương tới cơ sở, xây dựng phong cách làm việc khoa học, tập thể, dân chủ, gần dân, trọng dân, vì dân, bám sát thực tiễn, nói đi đôi với làm. /.
----------------------------------------------
Chú thích:
(1) Báo cáo tổng hợp Đề tài cấp nhà nước “Quyền con người trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế - lý luận và thực tiễn”, mã số KX.04.27/11-15, Chủ nhiệm: PGS, TS. Nguyễn Thanh Tuấn, HN, 2015, tr.52-53.
Tuần tin cải cách hành chính từ ngày 29-8 đến ngày 04-9-2016  (05/09/2016)
Tuần tin cải cách hành chính từ ngày 29-8 đến ngày 04-9-2016  (05/09/2016)
Hội nghị thượng đỉnh G20 chính thức khai mạc  (04/09/2016)
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ: Tiếp tục rà soát để điều chỉnh phương thức thi năm 2017  (04/09/2016)
Báo chí Ấn Độ viết về chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Modi  (04/09/2016)
Nhóm các nước BRICS tăng cường đoàn kết đối mặt thách thức  (04/09/2016)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển