Thủ tướng chỉ đạo phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng cả năm 6,7%
Ngày 02-8, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, các thành viên Chính phủ thảo luận về tình hình kinh tế xã hội tháng 7 và 7 tháng năm 2016 của đất nước.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu kết luận |
Trên tinh thần đánh giá thẳng thắn, dự báo chi tiết tình hình, tập thể Chính phủ khẳng định quyết tâm nỗ lực, phấn đấu cao nhất trong thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội 2016. Đáng chú ý, tại buổi làm việc, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình 3 kịch bản dự báo tăng trưởng năm nay.
Thiên tai, hạn hán tác động mạnh đến tăng trưởng
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tình hình kinh tế xã hội 7 tháng qua của đất nước có nhiều chuyển biến, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định; trong đó, hầu hết các ngành công nghiệp đều tăng trưởng khá. Lạm phát bình quân 7 tháng đầu năm tăng 1,82%, thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Thanh khoản của hệ thống ngân hàng dồi dào, mặt bằng lãi suất ổn định và lãi suất cho vay có xu hướng giảm, dự trữ ngoại hối tăng. Những chỉ tiêu tốt thời gian này là xuất khẩu thủy sản, tăng 3,9%, trong khi cùng kỳ năm ngoái giảm 7%. Chỉ tiêu thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng cao, 7 tháng qua ước giải ngân đạt 8,5 tỷ USD, vốn đăng ký đạt gần 13 tỷ USD.
Cũng nhờ quyết liệt thực hiện các nghị quyết của Chính phủ về cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thời gian này, số doanh nghiệp đăng ký tăng 23%. 16.700 doanh nghiệp trước đây phải dừng hoạt động thì nay đã trở lại hoạt động. Cùng với đó, an sinh xã hội, lao động việc làm được quan tâm và có nhiều kết quả tích cực. An ninh chính trị và trật tự xã hội được bảo đảm.
Tuy vậy, thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn vẫn đang để lại những thách thức không nhỏ đối với mục tiêu tăng trưởng. Tiến độ thu ngân sách thấp hơn cùng kỳ khi đến giữa tháng 7 mới thu được 500.000 tỷ đồng, chỉ đạt 49,4% dự toán năm. Cùng với đó, xuất khẩu chỉ tăng 5,3% so với cùng kỳ, vẫn thấp hơn nhiều so với mục tiêu tăng 10% của năm nay. Nhập khẩu nguyên liệu của một số ngành hàng thấp, là biểu hiện cho thấy xuất khẩu sắp tới vẫn chưa có nhiều cải thiện. Quản lý đầu tư, khai thác, thu phí các dự án BOT chưa hợp lý. Tình trạng buôn lâu, gian lận thương mại, hàng giả xử lý chưa triệt để. Trong lĩnh vực du lịch, quản lý các công ty lữ hành và hướng dẫn viên du lịch có bất cập.
Ba kịch bản tăng trưởng
Trên cơ sở phân tích các thuận lợi, khó khăn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đưa ra 3 kịch bản tăng trưởng về tình hình kinh tế của năm nay. Theo kịch bản thứ nhất, cả năm tăng trưởng 6,27%; kịch bản thứ 2, cả năm tăng 6,5% và kịch bản thứ ba, cả năm tăng 6,7%, bằng với chỉ tiêu theo Nghị quyết của Quốc hội.
Tuy nhiên, Bộ cũng nhận định kịch bản tăng trưởng 6,7% là khó đạt được hoặc muốn đạt được thì các ngành phải hết sức nỗ lực, quyết liệt và tập trung cao, trong đó phải thúc đẩy sản xuất nông, lâm thủy sản; đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng lĩnh vực công nghiệp; thúc đẩy tiêu dùng, khai thác triệt để thị trường trong nước.
Chỉ số lạm phát dự kiến có thể nằm trong tầm kiểm soát và đạt mục tiêu Quốc hội đề ra với mức dự báo cả năm trong khoảng 5%.
Đối với xuất nhập khẩu, do sản phẩm cạnh tranh yếu, lại thêm việc các doanh nghiệp chưa khai thác tốt các thị trường và Hiệp định thương mại tự do, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì khả năng cả năm, tăng trưởng lĩnh vực này khó đạt 10% như mục tiêu đề ra.
Tổng rà soát bảo mật hệ thống
Thông tin tại buổi làm việc, liên quan đến vụ việc tin tặc tấn công website của Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines), Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn cho biết dấu hiệu để lại cho thấy, thủ phạm vụ tấn công được thực hiện bởi nhóm hacker 1937CN. Tuy nhiên, sau đó, nhóm này đã phủ nhận vụ tấn công trên.
Qua điều tra của cơ quan chức năng, trang chủ Vietnam Airlines bị chiếm quyền điều khiển và đối tượng tấn công chuyển website này ra nước ngoài để chuyển hướng tấn công. Đây là cuộc tấn công tinh vi, nguy hiểm, có tính chất phá hủy và nhằm vào Vietnam Airlines nói riêng và gây tổn hại cho hạ tầng thông tin của Việt Nam nói chung.
Cũng theo Bộ trưởng Trương Minh Tuấn, đáng chú ý, trước thời điểm bị tấn công, Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (VNCERT) của Bộ Thông tin truyền thông đã gửi thông tin cảnh báo và chủ động trực tiếp điều phối xử lý đến các cơ quan trung ương và bộ, ngành địa phương, các tập đoàn, tổng công ty lớn.
Đến nay cơ bản sự cố đã được khắc phục. Từ 20 giờ tối 01-8, tại các cảng hàng không của sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất, các màn hình đã trở lại bình thường nhưng hệ thống chưa trở lại hoạt động hoàn toàn bình thường vì vừa xử lý sự cố, vừa loại trừ mã độc có thể vẫn lưu lại; tránh việc đưa mã độc quay trở lại hệ thống, dẫn tới các cuộc tấn công sau này.
Cũng theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, một trong những hạn chế trong xử lý sự cố vừa qua là vấn đề chia sẻ thông tin. Do đây là lĩnh vực nhạy cảm nên các bên thường tự xử lý mã độc. Vì vậy, để tránh bị động khi xảy ra các cuộc tấn công tương tự, các bộ, ngành, cơ quan cần tăng cường chia sẻ thông tin để các cơ quan tổ chức khác có biện pháp phòng tránh.
Ngoài ra, công tác đối phó với sự cố dạng này hiện nay tương đối bị động. Theo khảo sát của Bộ, có đến 55% các cơ quan, tổ chức chưa có quy trình chuẩn để phản ứng khi bị tấn công mạng. Do đó, Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị các bộ ngành, cơ quan phải xây dựng kế hoạch, tổ chức tập huấn, diễn tập an toàn thông tin một cách định kỳ, Bộ sẽ sớm xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Phương án ứng cứu khẩn cấp bảo đảm an toàn thông tin mạng quốc gia trong thời gian sớm nhất.
Cho ý kiến về sự việc này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng đây là vụ việc nghiêm trọng. Nhiều đơn vị còn chủ quan dù được Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Công an nhắc nhở nhiều lần nhưng vẫn mất cảnh giác.
Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, cơ quan cần thực hiện kiến nghị của Bộ Công an để phòng, tránh tình huống tương tự. Bên cạnh đó, cần định hướng thông tin tuyên truyền, tránh gây hoang mang dư luận và phản bác những luận điệu kích động, xuyên tạc.
Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan, các tập đoàn, tổng công ty quan trọng chủ động phối hợp với Bộ Công an rà soát kiểm tra hệ thống an ninh mạng, nhằm phát hiện, loại trừ mã độc, ngăn chặn cuộc tấn công mạng có thể tiếp tục xảy ra.
Quyết liệt cải thiện môi trường kinh doanh thúc đẩy tăng trưởng
Kết luận phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh mặc dù tình hình còn nhiều khó khăn nhưng chủ trương nhất quán của Chính phủ là bám sát định hướng xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động, phục vụ nhân dân. Các cấp, các ngành, hệ thống chính trị phải thấm nhuần tinh thần này, tháo gỡ các rào cản, để người dân và doanh nghiệp yên tâm phát triển sản xuất kinh doanh, Thủ tướng nhấn mạnh.
Đi vào những nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng yêu cầu cần khẩn trương xây dựng Nghị định chức năng nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ, đảm bảo làm tốt chức năng quản lý Nhà nước và tuân thủ pháp luật.
Thủ tướng nêu rõ nhiệm vụ tăng trưởng kinh tế 6,7% năm nay tuy khó nhưng tinh thần của Chính phủ là còn thời gian, cơ hội thì quyết tâm thực hiện, không lùi bước trước khó khăn thách thức. Cùng với đó là phải có tinh thần dám nghĩ dám làm, tinh thần kỷ cương kỷ luật, sử dụng hiệu quả các nguồn lực. Tán thành 3 kịch bản tăng trưởng của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, song Thủ tướng chỉ đạo phải phấn đấu để đạt mục tiêu cao nhất.
Khẳng định tầm quan trọng cốt yếu của mục tiêu tiếp tục đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, Thủ tướng cho biết Chính phủ sẽ ưu tiên hàng đầu thực hiện nhiệm vụ này; đồng thời kiểm soát tốt lạm phát và duy trì tăng trưởng kinh tế; giảm bội chi ngân sách, tiến tới cân đối ngân sách tích cực hơn.
Để thực hiện được mục tiêu tăng trưởng, Thủ tướng chỉ đạo cần thúc đẩy tiêu dùng trong nước, đẩy mạnh thu hút đầu tư, tận dụng các thị trường xuất khẩu, kiểm soát nhập khẩu. Nhìn nhận tăng trưởng tiêu dùng của người dân trong nước còn dư địa, Thủ tướng yêu cầu các cơ quan chức năng cần có biện pháp thúc đẩy tăng trưởng lĩnh vực này thông qua tổ chức lại hệ thống bán lẻ.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu kết luận |
Thủ tướng lưu ý các bộ, ngành địa phương phải hỗ trợ doanh nghiệp một cách thực chất, giúp doanh nghiệp giảm chi phí, tăng khả năng cạnh tranh, trong đó, quyết liệt thực hiện Nghị quyết 19 và 35 bằng các chương trình, kế hoạch hiệu quả để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp.
Thủ tướng chỉ đạo ngành tài chính phải đột phá trong công tác hoàn thuế giá trị gia tăng, giảm thiểu vướng mắc cho các tổ chức cá nhân, doanh nghiệp; khơi thông nguồn vốn cho các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Về thu ngân sách, chủ trương của Chính phủ là thu đúng, thu đủ, chống thất thu thuế, chống chuyển giá, nhưng không tăng thuế, phí, gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp, Thủ tướng nêu rõ.
Đề cao tinh thần, trách nhiệm thực thi công vụ, Thủ tướng yêu cầu chấn chỉnh kỷ luật kỷ cương, tăng cường thanh tra, kiểm tra, không né tránh, đùn đẩy trách nhiệm trong thực thi công vụ. Xử lý nghiêm trách nhiệm đối với cán bộ, công chức vi phạm pháp luật, gây khó khăn, nhũng nhiễu cho người dân, doanh nghiệp, đồng thời, khen thưởng kịp thời đối với những cá nhân hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Liên quan đến việc khắc phục sự cố môi trường biển ở 4 tỉnh miền Trung, Thủ tướng lưu ý các bộ, ngành địa phương tập trung hỗ trợ cho người dân bị thiệt hại; chú trọng việc phân bổ, thanh toán tiền bồi thường của Formosa đến người dân, bảo đảm đúng mục đích, đối tượng và theo đúng quy định; đồng thời, yêu cầu Formosa thực hiện nghiêm các cam kết.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng giao các bộ, ngành, địa phương tăng cường chỉ đạo công tác phòng, chống lụt bão, khắc phục tốt hậu quả cơn bão số 1 vừa qua; hỗ trợ kịp thời người dân bị thiệt hại, bảo đảm nhanh chóng khôi phục sản xuất và đời sống người dân vùng bị thiên tai.
Khẳng định qua điểm của Chính phủ tuyên chiến với quốc nạn buôn lậu, gian lận thương mại, Thủ tướng chỉ đạo đẩy mạnh việc phát hiện, xử lý các đầu nậu, tăng cường đấu tranh, ngăn chặn và xử lý nghiêm với các hành vi vi phạm./.
Khởi tố vụ chôn lấp rác thải của công ty Formosa tại thị xã Kỳ Anh  (03/08/2016)
Chủ tịch nước tiếp Bộ trưởng Lễ nghi và Tôn giáo Campuchia  (03/08/2016)
Việt Nam chủ động, tích cực, có trách nhiệm trong chiến lược 10 năm xây dựng Cộng đồng ASEAN (2016 - 2025)  (03/08/2016)
Hơn 280.000 hộ cam kết không sử dụng chất cấm trong chăn nuôi  (03/08/2016)
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay