Hà Tĩnh tập trung ổn định đời sống nhân dân sau sự cố môi trường
TCCSĐT - Trong những năm gần đây, nhờ sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Trung ương, sự hợp tác của các địa phương trong cả nước, các tổ chức quốc tế, Đảng bộ và nhân dân Hà Tĩnh đã nỗ lực phấn đấu, tạo được bước đột phá về phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển đã bộc lộ một số khó khăn, thách thức, nhất là công tác quản lý các dự án có vốn đầu tư nước ngoài, bảo vệ môi trường bền vững…
Tháng 4-2016, sự cố môi trường biển tại thị xã Kỳ Anh đã gây nên tình trạng hải sản chết hàng loạt tại 4 tỉnh miền Trung là Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế. Tại cuộc họp báo ngày 30-6-2016 của Chính phủ, Tập đoàn Formosa đã công khai xin lỗi Chính phủ và nhân dân Việt Nam vì để xảy ra sự cố môi trường nghiêm trọng; đồng thời cam kết bồi thường thiệt hại kinh tế, hỗ trợ cho người dân chuyển đổi nghề nghiệp; bồi thường xử lý ô nhiễm và phục hồi môi trường biển tại 4 tỉnh miền Trung Việt Nam; khắc phục triệt để hệ thống xử lý chất thải, nước thải, hoàn thiện công nghệ sản xuất, bảo đảm xử lý triệt để các chất thải độc hại trước khi thải ra môi trường; cam kết không tái diễn vi phạm.
Với tinh thần tất cả vì cuộc sống của người dân, ngay sau khi xảy ra sự cố môi trường biển, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã kịp thời thành lập Ban Chỉ đạo do đồng chí Bí thư Tỉnh ủy làm Trưởng ban, thường xuyên bám sát cơ sở, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo; cùng với việc tổ chức thực hiện các chính sách hỗ trợ của Trung ương, tỉnh đã kịp thời ban hành và thực hiện một số chủ trương, chính sách cụ thể hỗ trợ người dân bị thiệt hại. Đến nay, tỉnh đã hỗ trợ hơn 1.500 tấn gạo cho hơn 17.000 hộ dân với gần 67.000 nhân khẩu; hỗ trợ tiền cho gần 4.000 chủ tàu, thuyền với số tiền trên 20 tỷ đồng. Vận động các tổ chức, cá nhân hỗ trợ trên 10.000 hộ gia đình với số tiền trên 10 tỷ đồng, 30 tấn gạo. Đồng thời tập trung chỉ đạo phục hồi, phát triển sản xuất: Thả nuôi 2.638ha/2.777 ha diện tích nuôi trồng mặn, lợ; vận động ngư dân ra khơi đánh bắt, khai thác hải sản ở vùng an toàn; hỗ trợ đóng mới tàu cá, tàu dịch vụ hậu cần phục vụ hoạt động khai thác hải sản; hỗ trợ kinh phí đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng; mua máy thông tin liên lạc; hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế...
Cùng với việc ban hành và tổ chức thực hiện các chính sách, Hà Tĩnh tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân; giúp người dân hiểu rõ những nội dung liên quan đến sự cố môi trường và trách nhiệm của Đảng, Nhà nước, của tỉnh đối với nhân dân. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất, chặt chẽ của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, công tác tuyên truyền được triển khai đồng bộ trong cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, bằng nhiều hình thức đa dạng, phù hợp với từng đối tượng. Mặt khác, để giải quyết những bức xúc của người dân, tỉnh đã chỉ đạo tiến hành rà soát, giải quyết các tồn đọng, vướng mắc trên địa bàn, nhất là tại thị xã Kỳ Anh.
Sau một thời gian, với những việc làm khẩn trương, tích cực, kịp thời của cấp ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị đã giúp người dân bị ảnh hưởng từng bước ổn định đời sống, phục hồi, phát triển sản xuất, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Phát huy truyền thống quê hương cách mạng, tinh thần trên dưới một lòng, đồng thuận vượt qua thách thức thể hiện qua kết quả cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 với tỷ lệ cử tri đi bầu cử trên 99,73%, bảo đảm bầu đủ số lượng, thành phần, cơ cấu, không có đơn vị bầu cử phải bầu lại hoặc phải hủy kết quả do vi phạm pháp luật.
Sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền các cấp ở Hà Tĩnh thời gian qua đã từng bước giúp nhân dân sớm ổn định đời sống. Tuy vậy nhiệm vụ trong thời gian tới rất nặng nề, đòi hỏi phải có sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị và của nhân dân, trong đó tập trung vào một số giải pháp sau:
Một là, tiếp tục chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị tổ chức tuyên truyền để người dân yên tâm, tin tưởng và thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Thực hiện hiệu quả, kịp thời các chính sách hỗ trợ khẩn cấp cho những vùng bị ảnh hưởng để sớm giúp người dân ổn định cuộc sống; đồng thời tổ chức tuyên truyền, vận động và hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ sức khỏe. Kêu gọi, vận động các tổ chức, cá nhân chung tay giúp đỡ người dân bị ảnh hưởng để phục hồi sản xuất, ổn định đời sống.
Hai là, phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương triển khai các nhiệm vụ trọng tâm trước mắt và lâu dài từng bước khắc phục sự cố môi trường biển; trước mắt, chủ động nguồn ngân sách của tỉnh hỗ trợ ổn định đời sống và một số nội dung hỗ trợ cấp bách trước mắt khi chưa nhận được tiền đền bù từ Formosa; các chính sách còn lại thực hiện ngay khi ban hành; phối hợp với các cơ quan chuyên môn cùng với người dân tổ chức thống kê, rà soát, đánh giá mức độ thiệt hại của các tổ chức, cá nhân do sự cố môi trường gây ra bảo đảm chính xác, công bằng, công khai, minh bạch theo đúng quy định của Nhà nước, từ đó đề xuất Trung ương xây dựng các chính sách bồi thường, hỗ trợ phù hợp nhằm ổn định cuộc sống và đưa hoạt động sản xuất kinh doanh trở lại bình thường. Tỉnh Hà Tĩnh sẽ tập trung nhanh chóng xây dựng đề án chuyển đổi hình thức đánh bắt, chuyển đổi nghề để triển khai thực hiện gắn với thực hiện các chính sách của Trung ương tạo điều kiện để người dân có việc làm, bảo đảm phát triển sản xuất bền vững cả trước mắt và lâu dài. Chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương, đơn vị trong tỉnh tiếp tục thực hiện tốt công tác hỗ trợ ngư dân vùng bị ảnh hưởng ổn định đời sống, khôi phục sản xuất theo Quyết định 772, Quyết định 1138 của Thủ tướng Chính phủ.
Bên cạnh đó, tỉnh sẽ kiến nghị Chính phủ mở rộng phạm vi hỗ trợ của Nghị định 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản đối với tàu có công suất từ 90 CV đến 400 CV nhằm tạo điều kiện cho ngư dân đánh bắt gần bờ chuyển sang đánh bắt vùng lộng và xa bờ. Nghiên cứu chính sách hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng các khu neo đậu tàu thuyền, tránh trú bão đáp ứng nhu cầu; hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng đối với các xã ven biển để tạo điều kiện cho người dân đầu tư trang trại, khai thác tiềm năng đất đai, giải quyết việc làm, tăng thu nhập, góp phần ổn định đời sống. Hỗ trợ đào tạo nghề theo nhu cầu để giúp người dân chuyển đổi sinh kế bền vững, tập trung các ngành nghề phù hợp; các ngành nghề công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, chế biến thủy sản, dịch vụ du lịch...
Ba là, các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị, xã hội từ tỉnh đến cơ sở thường xuyên chia sẻ, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, từ đó, đề xuất các biện pháp hỗ trợ, giúp đỡ người dân vượt qua khó khăn, từng bước chuyển đổi ngành nghề, khôi phục và phát triển du lịch, dịch vụ, phục hồi thị trường hải sản trên địa bàn.
Bốn là, cùng với việc lãnh đạo, chỉ đạo cả hệ thống chính trị các cấp thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, thường xuyên quan tâm thực hiện nhiệm vụ khắc phục sự cố môi trường biển. Nghiên cứu, ban hành các chính sách hỗ trợ địa phương vùng bị ảnh hưởng khâu nối, liên kết các doanh nghiệp có khả năng bao tiêu sản phẩm chế biến thủy sản để ổn định đầu ra cho người sản xuất. Kêu gọi các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế lớn trong và ngoài nước ưu tiên tạo điều kiện tuyển dụng lao động tại các xã ven biển vào làm việc. Xây dựng các giải pháp, chính sách kích cầu, xúc tiến phát triển du lịch biển. Quan tâm hỗ trợ bảo hiểm y tế cho người dân vùng biển; xem xét và miễn, giảm học phí cho học sinh, sinh viên là con em ở các địa phương bị ảnh hưởng sự cố môi trường. Đặc biệt, tỉnh sẽ tăng cường công tác quản lý môi trường biển để người dân yên tâm tiếp tục vươn khơi, bám biển, ổn định cuộc sống.
Năm là, tiếp tục bổ sung, hoàn thiện các phương án bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn. Thực hiện tốt công tác phân tích, dự báo tình hình, các tình huống có thể phát sinh để kịp thời, chủ động xây dựng phương án xử lý phù hợp. Không để các phần tử xấu lợi dụng tình hình để kích động, xúi dục nhân dân thực hiện các hoạt động vi phạm pháp luật.
Sáu là, yêu cầu Công ty trách nhiệm hữu hạn gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh tuân thủ các quy định của pháp luật, thực hiện đầy đủ trách nhiệm của nhà đầu tư nước ngoài khi thực hiện đầu tư trên lãnh thổ Việt Nam. Đồng thời thực hiện nghiêm túc các cam kết đối với Chính phủ và nhân dân Việt Nam, trước mắt là việc đền bù thiệt hại do công ty gây ra trong thời gian qua.
Bảy là, tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, điều hành của chính quyền các cấp, nhất là công tác quản lý nhà nước trên tất cả các lĩnh vực, trọng tâm là địa bàn thị xã Kỳ Anh. Chỉ đạo các sở, ban, ngành, các cơ quan chuyên môn thường xuyên phối hợp để tổ chức kiểm tra, thanh tra, giám sát hoạt động của các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn.
Với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp trên, tin tưởng rằng, Hà Tĩnh sẽ nhanh chóng ổn định cuộc sống nhân dân, đưa hoạt động sản xuất kinh doanh trở lại bình thường. Tuy nhiên, sự cố môi trường biển xảy ra trong thời gian qua đã để lại hậu quả rất nặng nề, Hà Tĩnh mong muốn tiếp tục nhận được sự chỉ đạo, giúp đỡ của các ban, bộ, ngành Trung ương, sự chia sẻ, đồng hành của các tỉnh, thành phố trong cả nước, đồng bào ta ở nước ngoài cùng góp phần giúp các địa phương bị ảnh hưởng sớm ổn định đời sống, phát triển sản xuất, khôi phục môi trường./.
Sự kiện trong nước nổi bật tuần qua (từ ngày 25 đến ngày 31-7-2016)  (01/08/2016)
Kỷ niệm 86 năm ngày truyền thống ngành Tuyên giáo của Đảng: Đổi mới tư duy và phương thức học tập, quán triệt nghị quyết  (01/08/2016)
Kỷ niệm 86 năm ngày truyền thống ngành Tuyên giáo của Đảng: Đổi mới tư duy và phương thức học tập, quán triệt nghị quyết  (01/08/2016)
Kỷ niệm 86 năm ngày truyền thống ngành Tuyên giáo của Đảng: Đổi mới tư duy và phương thức học tập, quán triệt nghị quyết  (01/08/2016)
Đại sứ Việt Nam trả lời phòng vấn báo chí Mexico về vấn đề Biển Đông  (01/08/2016)
Cần thay đổi công tác quản lý nhà nước với ngành Công Thương  (01/08/2016)
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay