Bánh dân gian Nam Bộ hướng đến hội nhập

Tin, ảnh: Huy Vũ
22:48, ngày 15-04-2016

TCCSĐT - Lễ hội Bánh dân gian Nam Bộ lần V năm 2016 với chủ đề “Đặc sản Nam Bộ hướng đến hội nhập” đã khai mạc tại thành phố Cần Thơ vào sáng ngày 15-4-2016. Lễ hội do Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Bộ Ngoại giao và Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ phối hợp thực hiện.

Đây là sự kiện văn hóa mang tính truyền thống, nhằm giới thiệu hình ảnh con người, văn hóa Nam Bộ; quảng bá các sản phẩm bánh dân gian đặc trưng được làm từ gạo, nếp, các loại rau, củ, quả với người dân, du khách trong nước và quốc tế, qua đó tạo điều kiện cho ngành chế biến, sản xuất bánh dân gian phát triển bền vững; góp phần giải quyết việc làm, nâng cao giá trị của nghệ thuật ẩm thực dân gian và thúc đẩy phát triển ngành du lịch ở các tỉnh, thành Nam Bộ.

Lễ hội năm nay có trên 150 gian hàng, bao gồm 80 gian hàng bánh dân gian của nghệ nhân và các cơ sở kinh doanh bánh; 50 gian hàng đặc sản, thủ công mỹ nghệ của các vùng miền trong nước và 20 gian hàng của các cơ sở sản xuất, kinh doanh bánh, thực phẩm nước ngoài. Các cá nhân, đơn vị tham dự lễ hội (bao gồm các nghệ nhân làm bánh dân gian, các doanh nghiệp trong và ngoài nước chuyên sản xuất - kinh doanh bánh đặc sản, các cơ sở, doanh nghiệp du lịch, các quán ăn, nhà hàng, khách sạn) tham gia trưng bày giới thiệu trên 100 loại bánh dân gian, 66 loại đặc sản, 20 loại thức uống dân gian, 20 loại chè, 15 loại bún cùng nhiều loại thực phẩm khác.

Trong những ngày diễn ra lễ hội (từ 15-4 đến 19-4-2016), các đơn vị tham gia giới thiệu những món ăn mang đậm nét văn hóa ẩm thực đặc trưng của từng tỉnh, thành Nam Bộ. Tỉnh An Giang giới thiệu các sản phẩm chế biến từ cây thốt nốt, bánh hạnh nhân, bánh bò nướng, bánh hẹ, bún cá Châu Đốc… Tỉnh Tiền Giang tập trung quảng bá các loại bánh xèo, bánh giá, bánh trứng, bún mắm, chè, rau sạch,… Tỉnh Sóc Trăng có các sản phẩm đặc trưng như bún nước lèo, lẩu mắm, mè láo,… Tỉnh Bến Tre có bánh tráng Mỹ Lồng, bánh phồng Sơn Đốc, kẹo dừa, bánh lá dừa,… Tỉnh Trà Vinh giới thiệu bánh tét Trà Cuôn, bún suông,… Tỉnh Bình Phước có các sản phẩm chế biến từ hạt điều. Riêng thành phố Cần Thơ tập trung giới thiệu, quảng bá các loại bánh dân gian như: bánh mặn, bánh đúc, bánh chuối, bánh lá, bánh cay, bánh tép chiên, bánh phu thê, bánh ú, bánh tét nước tro, bánh tét lá cẩm, bánh ú nhân mặn - nhân ngọt, bánh ít, bánh dừa, bánh hỏi Trường Long, bánh bò đường thốt nốt, gỏi cuốn, gỏi đu đủ, bún thịt nướng,… cùng các tua, tuyến, các làng nghề và sản phẩm du lịch đặc trưng ở các quận huyện trên địa bàn thành phố. Nhiều sản phẩm ẩm thực quốc tế cũng có mặt tại lễ hội như: các loại bánh mì, bánh ngọt của Pháp; bánh bạch tuột, bánh xèo Nhật Bản; lạp xưởng tươi, hồng sâm - nấm linh chi Hàn Quốc; bánh dân gian truyền thống của Ma-lai-xi-a, ẩm thực Lào.

Hằng đêm, với sự chủ trì của Cục Văn hóa cơ sở, Bộ Văn hóa -Thể thao và Du lịch, có 26 đơn vị đăng ký giới thiệu thường xuyên nghệ thuật chế biến các loại bánh đặc sản được làm từ ngũ cốc Việt Nam; 20 nghệ nhân biểu diễn cách làm các loại bánh, chè đặc trưng của Nam Bộ, biểu diễn cách làm tranh gạo, các loại đồ chơi dân gian. Ngoài ra, lễ hội còn có nhiều hoạt động văn hóa đặc sắc như biểu diễn đờn ca tài tử, nhạc ngũ âm của người Khmer Nam bộ, biểu diễn nhạc cụ truyền thống, múa dân gian các nước ASEAN, các trò chơi dân gian, lễ hội đường chạy sắc màu MeKolor,…

Chiều 15-4-2016, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư - Thương mại và Hội chợ triển lãm Cần Thơ phối hợp với Ban quản lý Chương trình “Nâng cao năng lực cạnh tranh xuất khẩu cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam thông qua hệ thống xúc tiến thương mại địa phương” - Cục xúc tiến Thương mại, Bộ Công Thương đã tổ chức Hội thảo “Bánh dân gian Tây Nam Bộ - Con đường chinh phục thị trường nội địa và ASEAN”. Hội thảo tập trung đánh giá thực trạng, tìm giải pháp đẩy mạnh tiêu thụ các loại đặc sản trong và ngoài nước, đề xuất giải pháp quảng bá đặc sản, xúc tiến thương mại, gắn kết đặc sản với du lịch; kết nối các nhà sản xuất bánh dân gian với hệ thống phân phối tiêu thụ sản phẩm tại thị trường nội địa và thị trường ASEAN; tìm kiếm giải pháp thúc đẩy hình thành chuỗi cung ứng, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, hợp tác xã, làng nghề… trưng bày, giới thiệu các sản phẩm bánh dân gian đặc trưng của từng địa phương với chất lượng tốt, bảo đảm an toàn thực phẩm./.