Dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng

Theo: TTXVN
16:12, ngày 11-04-2016
Ngày 11-4-2016, tại Điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh, Khu di tích lịch sử Đền Hùng, thành phố Việt Trì (Phú Thọ) đã long trọng tổ chức Lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng đã có công dựng nước, lập nên Nhà nước Văn Lang - Nhà nước đầu tiên của đất nước Việt Nam.

Trước anh linh Tổ tiên, Đảng bộ, chính quyền cùng nhân dân thành phố Việt Trì nguyện làm tốt công tác giữ gìn, bảo vệ và phát huy giá trị to lớn của Khu di tích lịch sử Đền Hùng, để nơi đây thực sự là điểm hội tụ khí thiêng sông núi, hồn thiêng của dân tộc Việt Nam.

Thành phố Việt Trì từ lâu đã được biết đến là một vùng đất phát tích của dân tộc, nơi có Kinh đô Văn Lang của các Vua Hùng - Nhà nước đầu tiên của dân tộc Việt Nam trong những ngày đầu dựng nước. Hệ thống di sản văn hóa vật thể và phi vật thể tồn tại ở khắp các làng, xã trên địa bàn thành phố với nhiều loại hình như di tích khảo cổ, di tích kiến trúc nghệ thuật, di tích cách mạng kháng chiến, các lễ hội truyền thống, các loại hình văn nghệ dân gian... đã khẳng định giá trị sâu sắc, to lớn về lịch sử, văn hóa, nghệ thuật và nhân văn của thành phố Việt Trì trong hệ thống di sản văn hóa vùng đất Tổ.

Ðặc biệt, Khu di tích lịch sử Ðền Hùng, nơi thờ phụng các Vua Hùng và cũng là di tích quan trọng bậc nhất quốc gia đã và đang trở thành điểm đến mang yếu tố tâm linh, tín ngưỡng, đậm tính nhân văn và truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam. Trong đó, hai di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu là Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ và hát Xoan Phú Thọ đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Với mục tiêu xây dựng thành phố Việt Trì trở thành thành phố lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam và trở thành thành phố du lịch của Việt Nam và thế giới, mang đậm bản sắc dân tộc, đẹp và hiện đại vào năm 2020, trong thời gian tới, thành phố Việt Trì sẽ tập trung thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ trọng tâm về đầu tư kết cấu hạ tầng, phát triển dịch vụ, nhất là dịch vụ du lịch và xây dựng đô thị văn minh, văn hóa.

Dự kiến từ nay đến năm 2020, thành phố thu hút vốn đầu tư toàn xã hội đạt từ 33.000 - 34.000 tỷ đồng nhằm phát triển đồng bộ, hiện đại kết cấu hạ tầng du lịch và không gian kiến trúc cảnh quan. Trong đó, Việt Trì ưu tiên xây dựng mới và cải tạo các tuyến đường nội, ngoại thành phố, hình thành hệ thống đường vành đai, các trục chính, trục ngang trong đô thị và hạ tầng các dự án du lịch trọng điểm như Khu di tích lịch sử Đền Hùng, Khu du lịch Văn Lang, Quảng trường Hùng Vương… Cùng với đó, thành phố sẽ đa dạng hóa các sản phẩm du lịch gắn với bảo tồn và phát huy tối đa lợi thế du lịch tâm linh hướng về cội nguồn và du lịch gắn với hai di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại là “Hát Xoan” và “Tín ngưỡng thời cúng Hùng Vương ở Phú Thọ”…

Với thành tựu đã đạt được và tiềm năng, lợi thế sẵn có, thành phố Việt Trì đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 trở thành thành phố lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam, trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách trong nước và quốc tế./.